Hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của Mỹ có thể không hữu hiệu
Dù các tướng lãnh cao cấp Mỹ từ mấy năm nay vẫn nói rằng nếu Bắc Hàn bắn hỏa tiễn sang Mỹ, quân đội Mỹ có khả năng bắn rớt hỏa tiễn này.
09:22 20/04/2017
Tuy nhiên, đây là một điều rất khó kiểm chứng, theo lời các khoa học gia và điều tra viên của chính phủ Mỹ, theo NBC News.
Khi đưa ra lời cả quyết này, các tướng lãnh Mỹ không nhắc nhở gì tới những câu hỏi về hiệu năng của hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn trị giá $40 tỷ mà họ trông cậy để ngăn chặn hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Hàn hay Iran.
Khoa học gia David Wright, thuộc tổ chức Union of Concerned Scientists, người từ nhiều năm nay vẫn nghiên cứu chương trình phòng thủ chống hỏa tiễn, cho hay các vị tướng này khiến giới lãnh đạo chính trị nghĩ rằng nước Mỹ đang có khả năng quân sự này nhưng thực tế lại không, NBC News cho hay.
Ông Chris Johnson, phát ngôn viên Cơ Quan Phòng Thủ Hỏa Tiễn (MDA) của Ngũ Giác Đài, nói rằng giới lãnh đạo nơi đây tin tưởng vào khả năng bảo vệ đất nước chống mối đe dọa của hỏa tiễn đạn đạo” và tuy rằng từng có những vấn đề về hiệu năng trong những năm đầu, “đã có các tiến triến lớn lao trong vài năm trở lại đây để bảo đảm rằng hệ thống hoạt động như trông đợi.”
Tuy nhiên, dù đã được bố trí ở Alaska và California, cho đến nay hệ thống này vẫn chưa chứng minh rõ ràng là hiệu quả.
Hồi năm ngoái, GAO, cơ quan điều tra của Quốc Hội Mỹ, đi đến kết luận rằng cơ quan điều hành hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của quân đội cho đến nay vẫn chưa “chứng tỏ được qua thử nghiệm rằng có thể bảo vệ được nước Mỹ.”
Trong chín cuộc thử nghiệm giả định bị hỏa tiễn tấn công kể từ khi hệ thống được đưa vào sử dụng năm 2004, các hỏa tiễn đánh chặn bị hụt mất sáu lần, dù rằng điều kiện thử nghiệm không khó khăn như một cuộc tấn công thật sự.
Một cuộc điều tra của tờ Los Angeles Times hồi năm ngoái đi tới kết luận rằng: “Dù rằng mất nhiều năm sửa đổi, khả năng của hệ thống này tệ hơn chứ không khá hơn.”
Các giới chức quân sự Mỹ xác nhận rằng sự chính xác chưa được như họ mong muốn và ngay lúc này họ sẽ tạm thời giải quyết thay vì bắn một quả hỏa tiễn ngăn chặn thì sẽ bắn bốn hoặc năm hỏa tiễn để đối phó với một hỏa tiễn của địch, theo NBC News.
Tuy nhiên, tổ chức Union of Concerned Scientists tính ra rằng nếu có 5 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử bắn tới Mỹ, và mỗi hỏa tiễn đánh chặn có khả năng thành công khoảng 50%, thì vẫn có khoảng 28% cơ hội là một đầu đạn địch sẽ bay tới đích.
Đây không phải là điều một tổng thống Mỹ muốn xảy ra trong cuộc chiến nguyên tử.
Hạn chế visa H1-B: Lợi ích hay thiệt hại cho nước Mỹ?
Theo báo chí Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang có ý định ban hành một sắc lệnh mới trong hôm nay, sửa đổi quy chế về cấp thị thực cho lao động nước ngoài như visa H1-B.