Hoa hậu Ngô Phương Lan chia sẻ : “Lấy chồng Tây không có nghĩa là sính ngoại”
Là một trong những hoa hậu có cuộc sống bình yên nhất, Ngô Phương Lan hiện đang hạnh phúc với tổ ấm mà mình đã se duyên cùng chàng trai Anh. Hiếm khi nói về gia đình, nhưng hoa hậu đã rất sẵn lòng chia sẻ với chúng tôi trong cuộc trò chuyện gần đây.
03:00 02/04/2021
Chào Ngô Phương Lan! Lan có thể chia sẻ một chút về những điều mà Lan cảm thấy tự hào về gia đình của mình? Ngoài ra, Lan thấy điểm chung nào nói lên sự đồng điệu, kế thừa và là ưu điểm của cả 3 thế hệ: Ồng bà, Bố mẹ và bản thân Lan?
Lan xin phép được chia sẻ một chút về gia đình của mình: Ông bà nội Lan ở Diễn Châu - Nghệ An, ông bà ngoại thì ở Lục Nam - Bắc Giang, đều là những vùng quê nghèo nên vất vả nhiều lắm. Vậy mà ba mẹ Lan vẫn được nuôi ăn học đến nơi đến chốn, dù cũng gặp nhiều gian nan do thời chiến tranh khó khăn và đầy hiểm nguy. Rồi, duyên phận gặp nhau, bố mẹ cùng về làm việc ở Bộ Ngoại giao. Đến lượt mình, Lan cảm thấy có được may mắn và thuận lợi hơn nhiều. Tuy hoàn cảnh lịch sử, môi trường cuộc sống, không gian và thời gian khác nhau nhưng Lan thấy ai cũng chịu khó, cố gắng học tập và chấp nhận khó khăn mạo hiểm để khám phá, sáng tạo.
Bố mẹ nói ông nội giỏi chữ Nho, và ông ngoại đã từng là giảng viên về lý luận chính trị. Cuộc sống mẫu mực của cả hai bên nội ngoại trở thành tấm gương đích thực cho cả bố mẹ và con cháu noi theo. Có lẽ, đó là điều mà Lan cảm thấy tự hào khi nhắc về gia đình của mình. Ngoài ra, trong cuộc sống, Lan cũng rất thích khi tự mình phát hiện ra khá sớm rằng, mọi người đều hay nhường nhịn, chia sẻ chân thành và tôn trọng lẫn nhau… Điều này đã hình thành nên truyền thống của gia đình Lan.
Có thể nói, lợi thế của Lan là có bố mẹ hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngoại giao. Vậy, Lan nghĩ rằng mình được kế thừa ưu điểm nào từ bố mẹ để giúp ích cho việc ứng xử với các công việc ngoại giao và thể hiện hình ảnh của chính mình trước mọi người?
Có những bài học từ bố mẹ mà Lan cảm thấy rất hay. bố mẹ Lan thường nói, trong nghề ngoại giao, hầu hết các hoạt động luôn nhằm vào việc bảo vệ màu cờ sắc áo của dân tộc, của đất nước, của nền văn hóa và cốt cách Việt Nam, ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để làm được như vậy, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp luôn phải biết khiêm tốn học hỏi để hiểu sâu biết rộng, biết hài hòa nhu cương, linh hoạt tiến thoái, bình tĩnh, nhanh nhạy sách lược…
Quả thật là có nhiều thứ phải học, phải biết để vận dụng, ứng xử. Làm ngoại giao là niềm tự hào, là niềm đam mê cống hiến của bố mẹ Lan. Bố mẹ cũng được ngao du nhiều nước nên có bạn bè khắp nơi, người nước ngoài và nhiều bà con Việt Kiều nữa. Điều làm Lan rất tự hào là đi đến đâu cũng thấy bố mẹ được nhiều người quý mến, tin cậy, kể cả chính giới, quan chức chính quyền sở tại, cộng đồng ngoại giao và dân cư bản xứ…
Đúng là khi bản lĩnh trí tuệ được thể hiện chân thành với thói quen nghệ thuật ứng xử đúng mực, khiêm tốn và linh hoạt có thể giúp tăng thêm quyền năng con người lên gấp nhiều lần. Năm tháng lớn lên và đi theo gia đình, Lan may mắn học được nhiều điều từ cách sống cho tới công việc của bố mẹ, mà đúng như bố nói, càng học lại càng thấy nhiều thứ phải học, phải biết hơn.
Một câu hỏi hơi cá nhân, nhưng nếu có ý kiến cho rằng, phụ nữ Việt lấy chồng Tây là thể hiện xu hướng sính ngoại, Lan nghĩ thế nào về điều này?
Lan nghĩ rằng, việc lấy chồng Tây không đủ để nói lên rằng người phụ nữ đó có sính ngoại hay không. Bởi vấn đề này Lan thấy cũng không quan trọng bằng việc cả hai vợ chồng sau khi kết hôn cần phải có sự ăn ý, thông cảm và đồng điệu lẫn nhau, để vun vén cho hạnh phúc tổ ấm của mình. Bản thân Lan là một người từng có thời gian dài sống ở nước ngoài, được tiếp xúc với môi trường này từ nhỏ rồi, nên có lẽ vì vậy mà Lan cũng không cảm nhận được khái niệm sính ngoại. Lan chỉ nghĩ là mình luôn hết lòng chân thành với người mình yêu thương và cả hai cùng nhau sống tốt, đóng góp những gì có ích cho xã hội là được rồi, còn vấn đề quốc tịch không quan trọng lắm. (Cười)
Vậy việc kết hôn với người nước ngoài của Lan có phải là vì không có sự lựa chọn nào khác khả thi hơn hay là lý do nào khác? Người xưa cũng hay nói “Nhập gia tùy tục”, ông xã của Lan đã hội nhập với gia đình thuần Việt của Lan trên đất Việt như thế nào?
Nói thật là Lan cảm nhận chuyện hôn nhân của mình giống như duyên số đến thôi. Nhờ duyên số mà Lan và anh ấy gặp nhau, thấy hợp nhau mà nên vợ nên chồng. Sự lựa chọn ở đây là vậy chăng? Lan nghĩ vấn đề quốc tịch không có trong “lộ trình” lựa chọn một nửa thứ hai của cuộc đời mình. Anh Loz (tên của chồng Ngô Phương Lan - PV) đã ở Việt Nam gần 11 năm rồi. Anh ấy yêu quý văn hóa và con người Việt, đã từng làm việc ở nhiều nơi và nói tiếng Việt tương đối tốt nên hầu như không có vấn đề gì lớn khi hội nhập với gia đình hai bên nội ngoại. Hơn thế, Lan có cảm giác anh Loz được mọi người đón nhận như một người Việt, một thành viên bình đẳng như mọi người trong gia đình, dù là ở Hà Nội hay khi về quê ai cũng quý mến, gần gũi và chia sẻ…
Là một người phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài, giữa Lan và anh ấy có thường xảy ra sự bất đồng về quan điểm văn hóa không?
Lan nghĩ vấn đề này sẽ không thể tránh khỏi ở bất cứ một cặp vợ chồng khác quốc tịch nào. Ngay cả Lan và anh ấy cũng vậy, đôi lúc có một số mâu thuẫn lớn nhỏ nhưng điều quan trọng là, cả hai cần biết nhường nhịn nhau, lắng nghe, chia sẻ để từ đó hiểu văn hóa của nhau và bổ sung những khiếm khuyết cho nhau. Tuy nhiên, như Lan đã nói, Lan thì đã có thời gian dài sống ở nước ngoài trong khi anh ấy đã ở Việt Nam khá lâu nên việc hiểu nhau cũng không phải là khó khăn lắm.
Được biết, gần đây Lan có tham gia các chương trình từ thiện xã hội trong vai trò của một đại sứ thương hiệu, Lan có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình khi đảm nhận vị trí này không?
Lan cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được mời tham gia vào các hoạt đồng ý nghĩa trong vai trò này cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Đảng và Nhà nước dành cho các chương trình từ thiện. Điển hình là, Lan vừa được tham gia vào một sự kiện đi bộ từ thiện nhằm hướng ửng Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam 18/4. Đó chỉ là một trong rất nhiều các chương trình khác nữa mà Lan cảm thấy rất vinh hạnh khi được tham gia.
Với vai trò đặc biệt này, Lan có nghĩ ra cho mình những kế hoạch trong thời gian tới để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động ý nghĩa trong cộng đồng không?
Ngoài các sự kiện đồng hành cùng với Majesty XO thì Lan cũng thường tự mình tổ chức các chuyến từ thiện xã hội để giúp đỡ những người khó khăn. Đó là những người khuyết tật, các trẻ mồ côi hay các bạn sinh viên học sinh nghèo vượt khó. Bằng những gì có thể làm trong khả năng của mình, Lan luôn mong muốn sẽ đóng góp một phần nhỏ công sức nào đó trong việc chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống này.
Thế thì chồng Lan là người nước ngoài, anh ấy có hiểu về những hoạt động mà Lan đang tham gia không? Và anh ấy thường thể hiện cách chia sẻ với Lan như thế nào?
Về vấn đề này thì anh ấy hoàn toàn ủng hộ Lan và cả hai đều có chung quan điểm với nhau nữa. Khi có thời gian, anh ấy cũng thích được cùng với Lan tham gia các chuyến từ thiện xã hội, đến những vùng sâu vùng xa giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Anh ấy sống ở Việt Nam lâu rồi nên tình yêu dành cho con người và đất nước nơi đây cũng nhiều lắm.
Câu hỏi cuối cùng dành cho Lan nhé! Lan nghĩ thế nào về các thế hệ công dân toàn cầu? Có phải thế hệ tiếp nối của Lan sẽ là công dân toàn cầu không? Lan nghĩ thế hệ công dân toàn cầu ở Việt Nam sẽ ra đời khi nào?
Không biết có phải nhờ được đến nhiều nước, có nhiều bạn bè quốc tế, quan hệ thân thiết bình đẳng với họ, ít thấy có ranh giới khoảng cách, nên Lan thấy “thế hệ công dân toàn cầu” đã như một hiện thực trong đời sống của mình. Bây giờ nói ra thấy còn hơi sớm nhưng Lan hoàn toàn tin rằng nay mai, đến lượt họ, các con cháu mình sẽ còn thấy tự tin hơn Lan nhiều… Hiện tại do hoàn cảnh Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhiều khác biệt tồn tại so với các nước. Tuy vậy, Lan vẫn thấy chúng ta đang tiếp cận khá gần tới khái niệm đó. Nếu mà lâu hơn thì Lan nghĩ cũng chỉ khoảng vài thế hệ nữa thôi là chúng ta có thể về đích chung cùng bạn bè năm châu bốn biển rồi.
Cảm ơn Ngô Phương Lan về cuộc trò chuyện này. Chúc Lan sẽ luôn thành công và hạnh phúc!
Theo Dantri.com.vn
Hồ Lệ Thu đưa con sang Mỹ, khi đi vắng, con gái quỳ gối trước cha dượng 2-3 tiếng
Trải qua 2 đời chồng, mẹ đơn thân Hồ Lệ Thu đưa con sang Mỹ lấy chồng thứ 3 là Việt kiều, không ngờ cô một lần nữa phát hiện ngoại tình.