Hoa Kỳ tấn công Syria: Viễn cảnh chiến tranh thế giới III

Từ các khu trục hạm đậu ngoài khơi Địa Trung Hải, quân đội Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk có sức hủy diệt cao vào sân bay, máy bay và hệ thống phòng không của Syria tại Al-Sharyat ở tỉnh Homs...

00:22 13/04/2017

Leo thang bất ngờ

Ngày thứ Sáu tuần trước, 7 tháng 4 năm 2017, đánh dấu một nấc thang mới trong chính sách can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh Syria. Từ các khu trục hạm đậu ngoài khơi Địa Trung Hải, quân đội Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk có sức hủy diệt cao vào sân bay, máy bay và hệ thống phòng không của Syria tại Al-Sharyat ở tỉnh Homs, nơi khởi phát vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học vào vùng lãnh thổ do lực lượng nổi dậy ở Syria kiểm soát ba ngày trước đó.

Hành động leo thang quân sự đột ngột này một lần nữa chứng minh khả năng đưa dư luận đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, với những thay đổi 180 độ về đường lối chính sách của Tổng thống Donald Trump. Quyết định tấn công Syria đi ngược lại tất cả những gì ông Trump đã từng bình luận về Syria trong tư cách một Tổng thống, một ứng cử viên tổng thống và trước đó nữa là một doanh nhân.

Kể từ khi xuất hiện trước công chúng, ông Trump đã được biết tới như một người luôn luôn phản đối cái được gọi là “can thiệp quân sự với mục đích nhân đạo”. Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump cũng đề cao chính sách tự cô lập, không can dự, đặt các vấn đề đối nội lên trước nhất. Can thiệp quân sự cũng thường xuyên là mảng đề tài mà ông Trump thường đưa ra để chỉ trích và chế nhạo những chính quyền trước đó.

Hoa Kỳ tấn công Syria: Viễn cảnh chiến tranh thế giới III - ảnh 1

Nhưng giờ đây, với 59 quả tên lửa Tomahawk bắn vào quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, dường như Donald Trump đã quên đi lời hứa hẹn sẽ không lặp lại những “sai lầm” như các chính quyền trước đã mắc phải ở Iraq và Syria. Từ việc can dự thận trọng vào Syria với mục tiêu chống khủng bố, Hoa Kỳ giờ đây đã chính thức tuyên chiến với Assad - Tổng thống hợp pháp của Syria và là người đang lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố của đất nước này. Và “sai lầm” của ông Trump có vẻ còn nghiêm trọng hơn, khi cuộc chiến Syria vốn dĩ phức tạp hơn tất cả những cuộc chiến Mỹ đã can dự tại Trung Đông và việc giao tranh với Assad sẽ đẩy Mỹ vào thế đối đầu nguy hiểm với Nga, nước đang hậu thuẫn chính quyền Syria.

Nguyên nhân

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông Sean Spicer cho biết, Tổng thống Trump đã cảm thấy xúc động mạnh và thay đổi quan điểm của ông về vấn đề Syria sau khi được xem những hình ảnh nạn nhân của vụ tấn công được cho là có sử dụng chất độc hóa học mà quân đội Syria tiến hành. Còn trong thông báo chính thức của Tổng thống gửi đến Hạ viện, ông Trump đã giải thích mục đích của hành động tấn công quân sự vào Syria là nhằm bình ổn khu vực và răn đe chính quyền Assad không “sử dụng hoặc phổ biến vũ khí hóa học”, và nhằm ngăn không cho “thảm họa nhân đạo trong khu vực diễn biến xấu hơn”.

Những lời lý giải của Donald Trump khiến dư luận không khỏi cảm nhận rằng đây là quyết định có phần bốc đồng, bột phát. “Họ dường như đang coi cuộc tấn công này là một thành quả hơn là phương tiện để thực hiện một chiến lược cụ thể nào đó”, ông Jeffrey Prescott, cựu giám đốc phụ trách Iran, Iraq, Syria và vùng Vịnh của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama đã nhận định như vậy về quyết định ông Trump. “Chúng ta không thể thấy được vì sao lại phải tấn công, và tấn công nhằm đạt được điều gì”.

Cũng có nhiều người cho rằng, sự mù mờ xung quanh quyết định tấn công Syria của ông Trump phản ánh chính đường lối đối ngoại rộng hơn của chính quyền Donald Trump, và phản ánh chính bản thân ông Trump. “Chúng ta không nhận thấy có một học thuyết đối ngoại Trump nào đang manh nha xuất hiện”, chuyên gia Kathleen Hicks thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington nhận định. “Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy đã xuất hiện những tính chất của một đường lối đối ngoại thống nhất với chính tính cách con người ông Trump. Đó là: bản năng, vô kỷ luật và khó đoán định”.

Tuy nhiên, dư luận Hoa Kỳ có phần “bao dung” với Tổng thống Donald Trump hơn giới phân tích. Ngay sau khi 59 quả Tomahawk được phóng đi, tỉ lệ ủng hộ giành cho ông Trump đã tăng lên 43%, so với mức “đáng xấu hổ” 34% được đo chỉ vài ngày trước đó. Thực tế này minh họa cho ý kiến của nhiều nhà quan sát rằng động thái leo thang quân sự tại Syria của ông Trump là kế “kim thiền thoát xác” quen thuộc trong làng chính trị, dùng vấn đề đối ngoại để đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề đối nội. Đối nội đang là vấn đề đau đầu với ông Trump trong thời điểm này, khi những thay đổi chính sách về nhập cư và y tế mà chính quyền Trump đưa ra đều vấp phải trở ngại tại quốc hội.

Hậu quả

Sau vụ tấn công, chính quyền Donald Trump tuyên bố đây chỉ là một hành động “đơn lẻ” nhằm cảnh cáo Syria về việc sử dụng chất độc hóa học. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đang lo ngại rằng vụ tấn công này thực chất sẽ không dừng lại tại đây, mà sẽ đẩy Hoa Kỳ vào vòng xoáy đối đầu lâu dài với Tổng thống Syria. Chính quyền Trump có thể sẽ lại sa vào vũng lầy mà các chính quyền trước đó đã sa phải tại khu vực Trung Đông. Vụ tấn công này cũng được một số nhà phân tích nhận định là về mặt đối nội sẽ không phục vụ được lợi ích cụ thể gì của Hoa Kỳ, và về mặt đối ngoại sẽ gửi những thông điệp phản tác dụng tới những quốc gia khác.

Can thiệp quân sự là một phần của chính sách bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp cuộc chiến tranh Syria, thì Hoa Kỳ không có lợi ích cụ thể và rõ ràng tại đây. Chiến tranh Syria không phải mối đe dọa trực tiếp đến người dân Mỹ, đến toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ, cũng không gây phương hại đến nền kinh tế Mỹ do Syria không phải nơi sản xuất dầu mỏ chính yếu như những nước Trung Đông mà Hoa Kỳ từng can dự như Iraq và Kuwait. Việc người đàn ông quyền lực nhất Hoa Kỳ lấy cảm xúc cá nhân chứ không phải lợi ích thiết thực của đất nước để định đoạt chính sách đối ngoại và quân sự được coi là hành động thiếu khôn ngoan, bởi nếu lấy cảm xúc trước những hình ảnh rùng rợn làm kim chỉ nam, thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ còn phải bận rộn tại rất nhiều nơi khác trên thế giới.

Nếu vụ tấn công của Hoa Kỳ leo thanh thành chiến dịch can thiệp quân sự chống lại Tổng thống Bashar Al-Assad, thì đây chính là hành động vô tình tiếp tay cho kẻ thù mà Hoa Kỳ đang xác định là số một tại khu vực Trung Đông: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Việc ông Assad bị lật đổ, nếu xảy ra, sẽ đẩy Syria vào tình trạng vô chính phủ và kích hoạt một cuộc nội chiến nhằm tranh giành quyền lực mới giữa các nhóm vũ trang hiện có tại Syria.

Với tính chất phức tạp của các phe phái đang tham chiến tại Syria, đây sẽ là một cuộc chiến hứa hẹn núi xương bể máu và kẻ chiến thắng sẽ không phải những lực lượng “trung lập ôn hòa” mà là những lực lượng tàn nhẫn và quyết tâm nhất. Cũng bởi lý do này, Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy sâu của các cuộc can thiệp quân sự với những mục đích khác nhau như: Đánh bại IS, bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, dựng lên chính phủ mới, đánh đuổi các lực lượng chiến binh đến từ Iran, hạn chế ảnh hưởng của Nga, khống chế tham vọng của người Kurd… Kết quả sẽ là một cuộc xung đột lớn hơn, tốn kém hơn mà Hoa Kỳ không sẵn sàng tham gia.

Vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk gửi đi những thông điệp của Hoa Kỳ tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga, nhưng sẽ không phải thứ thông điệp mà ông Trump mong muốn. Trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 2015, khi được hỏi về việc có can thiệp quân sự vào Syria hay không nếu trở thành tổng thống, ông Trump đã trả lời: “Khu vực đó không phải là lớn. Không phận rất hạn chế. Không lẽ chúng ta lại bắt đầu một cuộc Chiến tranh Thế giới III tại Syria?”. Vụ tấn công mới nhất của Mỹ vào Syria, trong một kịch bản tồi tệ nhất, có thể kích hoạt chính điều này.

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, quân đội Nga đã tuyên bố đình chỉ đường dây nóng giữa Nga và Mỹ được lập để chia sẻ thông tin về các hoạt động của không quân hai nước trên bầu trời Syria nhằm tránh nguy cơ đụng độ giữa hai bên. Hành động này đồng nghĩa với việc không lực hai nước cùng chiến đấu trên một bầu trời nhỏ hẹp mà hoàn toàn không có sự phối hợp để đảm bảo an toàn.

Nếu Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy can thiệp quân sự tại Syria, thì nguy cơ đối đầu quân sự với Nga hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Hiện tại, đang có hàng ngàn binh sĩ Nga đang đồn trú tại các căn cứ quân sự chính trên khắp Syria. Nga đã triển khai một số hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới tới Syria và máy bay chiến đấu Nga cũng đang kiểm soát vùng trời đất nước này.

Việc Mỹ tăng cường sức ép quân sự lên chính quyền Assad bằng cách tấn công vào sân bay quân sự và các sở chỉ huy của Syria có thể tình cờ lấy đi mạng sống của những binh sĩ Nga có mặt tại đây. Nếu các vụ không kích của Mỹ tiếp tục xảy ra, thì nhiều khả năng Nga và Syria sẽ nhắm hệ thống phòng không vào máy bay Hoa Kỳ và liên quân đang thực hiện các sứ mệnh chống IS, hoặc sẽ tăng cường tấn công các khu vực của quân nổi dậy ở miền Bắc Syria nơi đang có gần 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú. Những diễn biến này, nhẹ nhàng thì gây thiệt hại cho quân đội hai bên và gây cản trở cho các chiến dịch quốc tế chống IS đang bước vào giai đoạn rút, mà tồi tệ hơn thì sẽ kích hoạt một cuộc Chiến tranh Thế giới III, nơi hai đối thủ lâu năm Nga-Mỹ có thể thi thố kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tags:
Ivanka Trump đã ảnh hưởng tới quyết định tấn công Syria của ông Trump thế nào?

Ivanka Trump đã ảnh hưởng tới quyết định tấn công Syria của ông Trump thế nào?

Con trai Tổng thống Trump - Eric Trump cho biết chị gái mình Ivanka Trump đã ảnh hưởng tới quyết định tấn công vào Syria của Tổng thống Donald Trump như thế nào....

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất