Họa sĩ ở Mỹ có sống được bằng nghề vẽ tranh?
Trong những nghề có chữ “sĩ,” như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ… có lẽ, văn sĩ và họa sĩ là nghèo nhất.
08:30 20/03/2018
Nhiều nhà văn, họa sĩ có tên tuổi được lắm người biết đến, nhưng thực tế đôi khi “có tiếng mà không có miếng.” Các bức vẽ có giá vài ngàn đô, thậm chí lên đến $7,000 – $8,000, nhưng các họa sĩ cho biết có khi vài tháng mới bán được một bức, đó là chưa kể phải chia 50% cho gallery.
Vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký: không phải tháng nào cũng bán được tranh.
Vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức và Bé Ký là hai họa sĩ thuộc “dòng chính,” được nhiều người biết đến. Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn. Trước năm 1975, ông là sáng lập viên đồng thời là chủ tịch của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, từng là giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh và cũng là trưởng khoa ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam.
Họa sĩ Bé Ký, sinh năm 1938, quê ở Hải Dương. Nét vẽ của bà phần lớn là tự học nhưng bà cũng được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ và Văn Đen chỉ dẫn thêm.
Năm 1957 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Bé Ký. Bà đã có cuộc triển lãm đầu tiên rất thành công tại Sài Gòn, do ông René de Berval, phê bình gia mỹ thuật cho tạp chí France d’Asie và Journal d’Extrême Orient bảo trợ.
Sự thành danh nhanh chóng của họa sĩ Bé Ký phần lớn nhờ vào những người sưu tập hội họa Âu Châu, bên cạnh đó là những bài viết giới thiệu, phê bình của nhiều tạp chí ngoại quốc như Le Journal d’Extrême Orient, The Yomiuri Shimbun, The Manila Times, Asiaweek, The Orange County Register và Los Angeles Times.
Họa sĩ Hồ Thành Đức bên một vài bức vẽ của ông và của họa sĩ Bé Ký.
Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã mở 18 cuộc triển lãm tranh, trong đó có 16 lần tại Sài Gòn, một lần tại Pháp và một lần tại Nhật Bản. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, bà cũng đã có 8 lần triển lãm, để khẳng định tên tuổi của người họa sĩ dân gian điển hình của miền Nam Việt Nam.
Thế nhưng hiện tại, tranh của vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức, cũng như nhiều họa sĩ cùng thời khác, ít bán được, có khi cả tháng không bán được bức nào. Hiện ông bà họa sĩ sống chủ yếu dựa vào tiền già và sự giúp đỡ của con cái.
Họa sĩ Ann Phong: May mắn có công việc giảng dạy.
Họa sĩ Ann Phong sinh tại Sài Gòn, là cô giáo dạy hội họa trước khi định cư tại miền Nam California năm 1982. Năm 1995, bà tốt nghiệp Cao Học Mỹ Thuật (MFA) tại Đại Học California State ở Fullerton. Hiện bà đang dạy hội họa tại Cal Poly Pomona và đang là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, miền Nam California).
Họa sĩ Ann Phong đã tham dự hơn 150 cuộc triển lãm cá nhân và triển lãm chung, từ các phòng tranh ở Los Angeles, Vancouver – Canada đến Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài triển lãm, bà cũng thường xuyên được các phòng tranh, trường học và viện bảo tàng mời nói chuyện về nghệ thuật tạo hình.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi nếu chỉ vẽ tranh và bán tranh, họa sĩ nổi tiếng như bà có sống được bằng nghề không? Bà Ann Phong cho biết: “Có lẽ là không. Vì họa sĩ như tôi, cũng như nhiều họa sĩ khác, chỉ vẽ những gì mình muốn chứ không phải những gì khách hàng cần. Nhưng may mắn vì tôi có việc giảng dạy ở trường đại học nên đời sống cũng ổn.”
Bà Ann Phong cho biết, bán tranh ngày nay rất khó, nhất là họa sĩ chưa được nhiều người biết đến, hoặc họa sĩ không giỏi tiếng Anh. Nghệ thuật đúng là không có biên giới nhưng nếu biết tiếng Anh họa sĩ sẽ giới thiệu được mình với khán giả nhiều hơn, vì chúng ta đang sống ở Mỹ.
Nếu giỏi tiếng Anh, họa sĩ còn có thể được mời đi giảng dạy, làm việc tại các viện bảo tàng, trang trí phòng tranh, đi phụ trách phần nghệ thuật cho thành phố, quận hạt, tiểu bang, hay đi vẽ bích họa hoặc đi xin tiền các hội đoàn bảo trợ cho các tác phẩm nghệ thuật mới của họ.
“Họa sĩ Mỹ họ cũng phải đi làm để kiếm tiền trang trãi cuộc sống và để nuôi dưỡng đam mê của mình. Chứ nếu chỉ trông chờ vào tiền bán tranh thì thực sự rất khó,” bà Ann Phong nói thêm.
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng: Nếu không có thu nhập khác, họa sĩ sẽ rất khó khăn.
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cũng là một tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực mỹ thuật. Tranh ông ảnh hưởng các lối vẽ khác nhau từ loại tranh khắc gỗ Nhật Bản truyền thống, nghệ thuật kính ghép màu Âu Châu hay gốm sứ, chạm khảm và cả thủy mặc Á Đông. Ông không chọn một trường phái nào nhất định, mà là sự pha trộn của Siêu Thực, Ấn Tượng, Biểu Hiện, Trừu Tượng… nên có thể gọi lối vẽ của ông là đương đại.
Từ năm 1990 đến nay, ông có hơn 100 cuộc triển lãm cá nhân và triển lãm chung, phần lớn ở Los Angeles, Orange County và lần đi xa nhất là Ý hồi năm 2013.
Cũng giống như ý kiến của họa sĩ Ann Phong, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng nói rằng, nếu chỉ vẽ tranh, bán tranh thì sẽ không đủ sống, bởi không phải tháng nào cũng bán được tranh. Mà ngay cả khi bán được tranh, người họa sĩ chỉ nhận được khoảng 50% trên số tiền bức tranh bán được. Còn lại là của gallery.
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng
“Nếu bức tranh bán được $2,000, họa sĩ nhận được $1,000, nhưng có họa sĩ mấy tháng mới bán được một bức thì làm sao mà đủ sống? Gallery họ phải trả tiền rent, tiền nhân viên, marketing, nhiều chi phí linh tinh khác nên mức thỏa thuận của họ là hợp lý. Gallery nào cũng vậy thôi,” ông Hùng chia sẻ.
Cho nên, ông cho biết, đa số họa sĩ có nguồn thu khác, có thể là đi làm thêm, hưởng tiền già hoặc là gia đình trợ giúp. Có người giỏi tiếng Anh, viết giỏi thì có thể viết đề án cộng đồng, xin tiền từ Chính phủ Mỹ hoặc tổ chức nào đó.
Hiện tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng tham dự trong 3 cuộc triển lãm ở Long Beach, Los Angeles và triển lãm “Việt Stories” đang diễn ra ở Richard Nixon Presidential Library and Museum ở thành phố Yorba Linda. Trong triển lãm “Việt Stories” còn có tranh của họa sĩ Hồ Thành Đức, Bé Ký, Ann Phong và nhiều họa sĩ khác.
Họa sĩ trẻ Thùy Vân: “Tôi sống tốt bằng tiền bán tranh!”
Trong khi đó, cũng có họa sĩ sống thoải mái bằng việc “vẽ những gì khách hàng cần.”
Đó là họa sĩ Nguyễn Thị Thùy Vân, một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 8X.
Chị Thùy Vân tự nhận mình không đi theo “dòng chính” mà chỉ là làm nghệ thuật theo kiểu thương mại.
“Tôi có niềm đam mê đặc biệt về phong thủy, kinh dịch và từng học 5 năm về kinh dịch ở Việt Nam. Điều này giải thích vì sao hầu hết tranh của tôi là tranh phong thủy. Phong thủy không phải mê tín mà là khoa học. Thật khó để giải thích tường tận trong vài phút nói chuyện, nhưng nói chung mỗi người có cung, mệnh khác nhau nên có người hợp với hướng này, màu này, số này, nhưng người khác lại khác. Và còn tùy thuộc vào nghề nghiệp nữa. Có tranh tôi vẽ cho những người là bác sĩ, có tranh chỉ phù hợp với luật sư… Nói chung là tôi vẽ những gì khách hàng cần,” chị Thùy Vân chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thùy Vân bên những bức trong phong thủy của chị.
Vậy, chị có đủ sống bằng tiền bán tranh không? Họa sĩ Thùy Vân trả lời chắc chắn rằng: “Có chứ! Thoải mái nữa là đằng khác!”
Nói vậy không có nghĩa là tất cả những họa sĩ đi theo hướng thương mại đều sống thoải mái với tiền bán tranh, hay họa sĩ hoàn toàn nghệ thuật là có cuộc sống khó khăn. Mọi sự so sánh ở đây đều khập khiễng.
Cũng giống như làm kinh doanh, cùng một sản phẩm, cùng một khu vực nhưng người này lại thành công hơn người kia. Không có công thức của thành công hay thất bại. Cũng không thể cân – đong – đo – đếm mọi chuyện. Chỉ biết rằng, nếu mọi người hài lòng với sự chọn lựa của mình, không ảnh hưởng gì đến người khác. Như thế là đủ!
Câu chuyện ‘P/S: I love you’ mà cha dành cho con gái khiến ai nấy đều cay khóe mắt
Người ta thường nói: “Con gái là người tình kiếp trước của cha” nên ngày con gái lấy chồng, người cha nào cũng có nhiều tâm sự muốn giãi bày. Và, có một người cha, dù đã ra đi từ rất lâu rồi, vẫn “có mặt” trong hôn lễ của con gái khiến ai nấy đều không thể cầm được nước mắt.