Hoàn cảnh của những người Việt… không quần áo ở Châu Âu
“Không áo quần” là từ lóng để chỉ tình trạng người Việt nam không có giấy tờ tùy thân ở Đức. Chẳng biết ai đã nghĩ ra cái từ này, cũng như “ Họ Tị” để chỉ những người tị nạn, nghe thật xót xa. Vậy hiện trạng người không giấy tờ tùy thân ngày nay ra sao?
01:00 28/10/2021
Theo báo Berliner của Đức thì hiện có khoảng hơn 40.000 người Việt đang sống bất hợp pháp ở Đức và riêng địa phận Berlin là khoảng 20.000 người. Tất nhiên đây chỉ là con số dự đoán còn thực tế khác hơn nhiều.
Bà B. sang thăm con gái cách đây đã hơn mười năm còn bà H. lâu hơn. Thật kinh ngạc khi hai bà chỉ ở trong nhà chăm sóc con cháu mà không bao giờ ra đường cả. Đau ốm chỉ vài viên thuốc giảm đau hoặc mua thuốc từ Việt Nam sang điều trị. Ơn trời các cụ vẫn bình an.
Khác với các bà những người đã có tuổi, thì lực lượng thanh niên và trung niên lại rất xông xáo. Có người thuê cửa hàng cửa hiệu “nhờ” người đứng tên hẳn hoi. Phần còn lại đi làm cho các ông bà chủ Việt với nhiều cái tên A, B, C… gì đó. Muôn vàn hoàn cảnh khác nhau của số người này, họ là ai? Đến đây theo con đường nào? Cảnh sát sở tại có biết không? Và biết thì làm gì? Không phải ai cũng thành thạo những thông tin bí ẩn này.
Trước hết phải kể đến con đường vượt biên đầy gian nan, nguy hiểm và tốn kém để đến được nước Đức. Mỗi người sẽ đi theo một con đường khác nhau nhưng tựu trung là qua môi giới theo nhiều hình thức.
Số lượng người đi du lịch hoặc du học rồi bỏ trốn là những người đi sung sướng nhất. Còn lại là theo đường rừng từ các nhánh Đông Âu sang Đức, và Tây Âu.
Con đường này không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà nhiều lúc phải trả bằng mạng sống bởi nhiều lý do khác nhau. Con số mất tích bí ẩn gần như không có số liệu điều tra vì quá mông lung trên con đường bất hợp pháp. Cũng như không thể không nhắc qua về lực lượng “ trẻ em” Việt trồng cần sa ở Anh và nhiều nước khác. Con số thật khó nắm bắt cụ thể.
Trở lại bà B. và bà H. Theo lời kể của con các bà, đại diện cho những người không giấy tờ nhưng vẫn sống ổn trong gia đình cùng con cháu. Cô con gái kể là bà không muốn nhập trại vì sợ phải về dù nhiều lần thấy mẹ ốm cô cũng lo. Còn con gái bà B cũng đưa ra lý do tương tự. Tôi hỏi thăm thì bà cụ trả lời “kệ nó thôi, ốm đau thì mua thuốc uống, nặng quá thì đưa vào viện khai nhặt được cụ ngoài đường thế là xong. Ở quê cũng vậy thôi, tôi trời thương chả ốm đau gì sất chỉ cảm cúm nhức đầu chút thôi”.
Với quan niệm giản đơn như thế của cả mẹ và con, họ vẫn sống bình an như chẳng có chuyện gì trong khi lực lượng sang Tây với nhiệm vụ kiếm tiền không đơn thuần như thế.
Không giấy tờ nên việc di chuyển của họ rất mạo hiểm, ra đường là lo lắng mà trong nhà cũng không phải đã an tâm. Nhất là khi đau ốm không có nơi mà khám bệnh nên nhiều người tránh để bệnh nặng mới nhập trại thì đã muộn rồi.
Ngày 29/6/2018, công an Berlin kiểm tra một căn hộ ở tầng năm, khi mọi người trong nhà đang ăn cơm. Nghe “rầm” một cái, cửa bị phá tung. Cảnh sát đặc nhiệm súng ống đầy mình tràn vào. Bốn người Việt không giấy tờ đã chạy ra ban công định leo xuống tầng bốn trốn. Trong cơn hoảng loạn, hai trong số bốn người bị rơi xuống đất, một người chết tại chỗ, một người đưa vào viện mới mất.
Tháng trước, cô gái trẻ tên N.T.T cũng chạy trốn cảnh sát bị ngã rồi mất trong bệnh viện trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân. Đây chỉ là vài ví dụ phải bỏ cả mạng sống của mình vì tình trạng không có giấy tờ.
Phần còn lại trong tảng băng chìm ấy là gì? Hàng ngày họ vẫn chăm chỉ đi làm, mức lương đương nhiên ít hơn người bình thường vì tính chất rủi ro đối với cả người làm và chủ thuê. Ngoài việc đi làm, rất nhiều người trông con kiêm làm việc vặt trong nhà cho các ông bà chủ Việt. Họ được lo mọi thứ thiết yếu, ăn ở luôn trong nhà, tiền lương hàng tháng dắt túi. Kiếm được tiền phần lớn trước mắt gửi về nhà để trả nợ và giúp gia đình. Rất nhiều người cắm sổ đỏ nhà đất vay tiền để đi, vì thế sức ép kiếm tiền để trả nợ là rất lớn, sau thì gom góp tiết kiệm như có thể để làm giấy tờ.
Trong thời gian chờ đợi đó họ sẽ tìm nhiều con đường khác để có thể ở lại. Thường là nhận con hay cưới giả, khi đã có đủ tiền và có mối. Họ sẽ vào nhập trại để làm giấy tờ.
Trở lại câu hỏi là cảnh sát sở tại có biết không? Đương nhiên là biết, số liệu báo chí đưa ra đều do cảnh sát cung cấp. Họ không chỉ biết mà còn nắm rất rõ con đường người nước ngoài tràn vào nước họ ra sao. Nhưng với nhiều chính sách thầm kín về nhân công cũng như nhân đạo, nước Đức không hẳn là kiên quyết với chính sách tị nạn như nhiều nước khác ở châu Âu.
Người nhập cư, tuy gặp không biết bao nhiêu là khó khăn nguy hiểm nhưng ngọn lửa hy vọng vẫn còn khi có những cánh cửa mở ra như đã kể. Từ tìm được đối tượng sang Đan Mạch kết hôn cho nhanh đến những con đường khác là làm giấy tờ ở các nước Đông Âu và các nước trong khối Schengen. Nhiều trường hợp thành công thì cũng không thiếu người thất bại, con đường đến đích thường rất gian nan nhiều khi tiền mất tật mang mà không biết kêu ai.
Cảnh sát đã tìm thấy nhiều dịch vụ kể trên cũng như bắt giữ người làm giấy tờ. Trong đó có hồ sơ giả, khi chẳng may cảnh sát hỏi mà phát hiện giấy tờ giả thì bị bắt rồi cho về Việt Nam ngay. Giấy tờ giả không phải nạn nhân nào cũng biết, cho đến khi bị bắt ra sân bay về nước nhiều người mới ngỡ ngàng. Mỗi con người không giấy tờ là một hoàn cảnh nhưng có cái chung là sống một cuộc sống rất bất an và nguy hiểm nhưng không phải trước lúc rời Việt Nam ai cũng biết.
Đối với người nước ngoài: Người Việt chỉ là lau nhà, quét dọn, làm quán và tìm mọi cách để định cư
Dưới đây là tâm sự của một bạn du học sinh về cái nhìn của người châu Âu đối với người Việt rất đáng để chúng ta suy nghĩ.