Học sinh năng khiếu tại Mỹ được lựa chọn thế nào?
Để tuyển chọn học sinh năng khiếu/tài năng, các trường học tại Mỹ thường sử dụng những bài kiểm tra và tiêu chí tuyển lựa.
09:30 17/03/2018
LTS: Tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về giáo dục tại Hoa Kỳ, cô giáo Đinh Thu Hồng - Giáo viên tiểu học, bang Georgia, Hoa Kỳ chia sẻ bài viết về việc tuyển chọn học sinh năng khiếu/ tài năng tại xứ sở cờ hoa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Để tuyển chọn học sinh năng khiếu/tài năng, các trường học tại Mỹ thường sử dụng những bài kiểm tra và tiêu chí tuyển lựa.
Trong đó, CogAT (viết tắt của chữ Cognitive Abilities Test, CogAT) là bài thi được áp dụng rộng rãi để quyết định xem một trẻ em/ học sinh có đủ tiêu chuẩn học theo chương trình dành cho trẻ năng khiếu/tài năng (gifted and talented) hay không.
Còn IOWA Assessments với tên cũ là Iowa Test of Basic Skills, hay gọi tắt là Iowa Test hay ITBS, là bài thi do Khoa Giáo dục, Trường Đại học Iowa khởi xướng từ năm 1935 với mục tiêu để cải thiện việc dạy, phương pháp sư phạm.
Bài thi này ban đầu áp dụng cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 8 ở toàn tiểu bang Iowa.
Sau nhiều thập kỷ, rất nhiều tiểu bang khác trên khắp nước Mỹ, trong đó có Georgia nơi người viết giảng dạy, sử dụng bài kiểm tra này.
CogAT là bài thi được áp dụng rộng rãi tại Mỹ để quyết định xem một trẻ em/ học sinh có đủ tiêu chuẩn học theo chương trình dành cho trẻ năng khiếu/tài năng. (Ảnh: Thu Hồng) |
Những phần trong bài thi Iowa chủ yếu là :
Vocabulary, Spelling, Capitalization, Usage and Expression, Word Analysis, Reading Comprehension, Listening, Language, Math Concepts and Estimation, Maps and Diagrams, Math Problem Solving and Data, Social Studies, Science.
(Từ vựng, Đánh vần, Phân tích từ, Đọc hiểu, Nghe, Khái niệm Toán, Bản đồ và Biểu đồ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội....).
Xin lưu ý là 2 bài thi này được áp dụng chủ yếu cho học sinh lớp 1, 2, 5 và 8.
Việc các bài thi chủ yếu dành cho những khối lớp này là do đặc tính lứa tuổi và phát triển tâm lý, trí tuệ.
Nếu học sinh lên đến lớp 3 hay 6 mà cô giáo thấy muốn xem xét đưa vào chương trình năng khiếu hay tài năng thì sẽ có hội đồng riêng xem xét, tiến hành kiểm tra và đánh giá.
Điều tra, thu thập thông tin qua giáo viên đứng lớp: dựa trên 4 tiêu chí sau để chọn lựa
A. Khả năng trí tuệ: chẳng hạn như học nhanh và dễ dàng; biết nhiều mảng khác nhau; lưu giữ và nhớ lại thông tin, kiến thức dễ dàng; có khoa nói (thậm chí là nói nhiều), thể hiện sự phát triển ngôn ngữ vượt trội.
B. Thành tích: điểm thi cao; nhớ nhanh và dễ; khả năng tổ chức siêu việt; thích những hoạt động mang tính thử thách;
Đặt ra mục tiêu cá nhân và cố gắng để đạt mục tiêu; dễ dàng hiểu những gì các em nhìn thấy, nghe thấy, hay đọc;
Là những người theo đuổi sự hoàn hảo.
C. Sự sáng tạo: là những học sinh thể hiện sự tò mò cao độ và thái độ hay đặt câu hỏi; trí tưởng tượng cực phong phú; óc hài hước tuyệt vời;
Dồi dào năng lượng; thường nhạy cảm và giàu trực giác; sở thích đa dạng; có máu liều, sẵn sàng thử nghiệm; hay đưa ra những ý tưởng và giải pháp độc đáo;
Không theo khuôn mẫu, luôn linh động, chấp nhận sự không hài hòa/trật tự, không sợ sự khác biệt.
D. Động lực: là những học sinh luôn kiên định, hướng tới mục tiêu; khả năng tập trung chú ý cao, lâu; luôn cảnh giác, sẵn sàng;
Luôn thể hiện khát khao học tập để trở thành ai đó, làm được điều gì đó; độc lập, tự khởi nghiệp; luôn được điểm cao;
Có những sở thích hay bộ sưu tầm đòi hỏi thời gian dài lâu; hay quan tâm đến những vấn đề của người lớn; khi làm bài hay hoàn thành dự án không phải chỉ dẫn nhiều.
Bảng điều tra, thu thập thông tin học sinh năng khiếu/tài năng qua giáo viên đứng lớp. (Ảnh: Thu Hồng) |
Để được lựa chọn, học sinh chỉ cần thỏa mãn ít nhất 2-3 điểm trong một tiêu chí là được. Cũng có những học sinh có đặc điểm nổi trội ở vài tiêu chí.
Khi nộp hay lập hồ sơ, kèm theo bảng điều tra năng khiếu này, thầy cô chủ nhiệm phải kèm theo bài viết, mẫu sản phẩm (work sample) của học sinh được chọn/đề cử.
Những sản phẩm hay tác phẩm cho vào hồ sơ phải thể hiện những đặc điểm phù hợp, tương ứng của học sinh đó.
Bản thân người viết thường chọn những bài thơ, văn (có hoặc không có minh họa ), project, poster, tranh vẽ...
Cũng có khi bố mẹ đề nghị cô cho con của mình vào lớp năng khiếu, tài năng, hay thậm chí cho con học nhảy cách.
Khi đó, trường hợp của học sinh sẽ được nhóm/bộ phận thầy cô phụ trách năng khiếu/tài năng xem xét.
Hội đồng xét duyệt này sẽ xem kết quả học tập, điểm thi, rồi tiến hành các bài thi ngắn để thử, tìm những đặc điểm nêu ra theo 4 tiêu chí trên.
Riêng về việc học nhảy cách, thường bố mẹ thấy con học xuất sắc thì thích cho con học nhảy cách (skip grades/a grade).
Nhưng về phía nhà trường, các thầy cô thường không khuyến khích vì còn những vấn đề về tâm sinh lý, lứa tuổi, bạn bè, sự hòa nhập.
Cũng có những trường hợp học nhảy cách nhưng nói chung là hiếm.
Mời độc giả thử đọc và dùng những tiêu chí trên để kiểm chứng xem con, cháu, em mình có năng khiếu hay tài năng (gifted and/or talented) không.
Bạn đọc cũng có thể vào trang sau để làm thử 2 dạng bài thi mà người viết giới thiệu ở trên:
Khó khăn giải cứu nạn nhân trong vụ sập cầu tại Mỹ
Sở cảnh sát thành phố Miami cho biết, ít nhất 6 người đã thiệt mạng và có thể còn những người khác bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau vụ sập cầu.