“Homeschool giúp tôi vào Harvard” che giấu điều gì?
Tháng 9/2015, một bài viết đăng trên tạp chí Boston đã đưa bức hình một cô gái mặc chiếc áo của Harvard University đang mỉm cười với tựa đề “Homeschool đã đưa tôi đến Harvard”.
02:42 09/05/2017
Cô gái này là Claire Dickson - nữ sinh 18 tuổi được nhận vào Harvard năm 2015 và cô nói rằng homeschool (học tại nhà) là thứ giúp cô giành suất ở ngôi trường nổi tiếng nhất thế giới.
Bà Milva McDonald – mẹ của Claire Dickson, người đồng hành cùng các con trong quá trình homeschool – cho biết, nếu các con của bà không thích một môn học nào đó, chúng sẽ được chuyển sang một môn học khác.
“Tôi muốn chúng là người chịu trách nhiệm cho việc giáo dục của mình, và là người quyết định sẽ quan tâm đến cái gì, chứ không phải có ai đó bảo chúng phải làm gì và chúng giỏi cái gì” – bà nói.
Tuy nhiên, quan điểm của tác giả Samburg trong bài viết đã nhận được sự phản biện của một người cũng là sản phẩm của homeschool – Nick Ducote.
Bìa bài báo
Ducote thừa nhận, trong nhiều thâp kỷ nay, Harvard từng nhận những đứa trẻ homeschool nhưng số đó chỉ chiếm chưa đến 1% sinh viên Harvard, trừ năm 2011, con số này là 3,4%.
Trong bài viết của tác giả Samburg trên tạp chí Boston, bà đã trích lời giám đốc tuyển sinh của MIT nói về những điều tích cực của những đứa trẻ học ở nhà, nhưng bà không ghi chú rằng chỉ có 1% sinh viên của MIT là sản phẩm của học tại nhà – Ducote nói.
Ducote cũng cho rằng, bài viết của tác giả Samburg đã mô tả không đúng về những đứa trẻ homeschool ở Harvard và các trường Ivy khác.
“Những bài viết như thế này đã giấu đi phần tối của giáo dục tại nhà và đưa ra một bức tranh quá vui tươi của việc thực hành phương pháp này” – Ducote khẳng định.
Thừa nhận những lợi ích của học tại nhà , nhưng anh cho rằng bản thân homeschool không giúp một đứa trẻ vào Harvard.
“Samburg viết rằng Claire Dickson đã tham gia vào nhóm kịch nghệ, một câu lạc bộ viết sáng tạo và một nhóm học Toán. Cô ấy còn tham gia cả những lớp học bổ trợ ở Harvard Extension School và Bunker Hill Community College. Trong một bài viết trên blog, mẹ của Claire viết nhiều hơn về phương pháp của bà: họ đặt sự ưu tiên cho việc hỗ trợ trẻ theo đuổi những môn học, vấn đề mà chúng quan tâm và tìm kiếm nguồn lực để tạo điều kiện cho việc học tập của họ. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để đưa Claire vào nơi mà cô ấy đang ngồi ngày hôm nay, trong khi mẹ của Claire khẳng định trên blog rằng Claire tự đưa mình vào ngôi trường này. Claire sẽ không thể làm được việc đó mà không có những nguồn lực và môi trường giáo dục giàu có mà mẹ cô cung cấp” – Ducote khẳng định.
“Tôi biết điều này bởi vì tôi biết những đứa trẻ homeschool mà không có những nguồn lực hay môi trường này, và câu chuyện của họ thì khác xa câu chuyện của Claire”.
Ducote chỉ ra rằng, các tổ chức đang được điều hành bởi những người từng được học tại nhà như Homeschool Alumni Reaching Out (HARO) và Coalition for Responsible Home Education (CRHE) từng đưa ra những trường hợp học tại nhà thất bại và đề nghị cộng đồng này phải làm tốt hơn.
HARO tập trung vào việc ngăn ngừa và nhận thức việc lạm dụng trẻ cũng như hỗ trợ những đứa trẻ có môi trường homeschool không tốt. Trong khi đó, CRHE tập trung vào việc cung cấp thông tin về homeschool và ủng hộ việc tăng cường giám sát hiệu quả.
Cả HARO và CRHE đều khẳng định một thực tế là homeschool đã làm hỏng một số đứa trẻ. Bởi vì homeschool chỉ tốt khi phụ huynh có đủ nguồn lực. Vào tay những phụ huynh như bà Milva McDonald, homeschool có thể là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy hạnh phúc của đứa trẻ. Còn với những phụ huynh thiếu nguồn lực hoặc kiến thức, homeschool có thể khiến trẻ bị thiếu hụt nghiêm trọng về giáo dục. Thậm chí nếu vào tay những cha mẹ kiểm soát và lạm dụng con cái, câu chuyện này còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Có những trường hợp cha mẹ đã lạm dụng con mình khi để con theo phương thức homeschooling
Trong một bài viết trên tạp chí Slate, tác giả Jessica Huseman lưu ý như sau:
Nếu như các nhân viên xã hội đặc biệt quan tâm tới những gia đình homeschool, không phải là vì họ cho rằng những phụ huynh này có xu hướng lạm dụng – bà Barbara Knox, một bác sĩ nhi khoa chuyên nghiên cứu về lạm dụng trẻ em tới từ ĐH Wisconsin cho hay. Mà nguyên nhân là vì những phụ huynh có xu hướng lạm dụng thường kéo con cái họ ra khỏi trường lớp dưới cái mác homeschool để tránh sự giám sát. Một nghiên cứu vào năm 2014 được tiến hành bởi bà Knox và 5 đồng nghiệp khác đã xem xét 38 trường hợp lạm dụng trẻ em nghiêm trọng và gần 50% trong số đó đã chuyển con ra khỏi trường công hoặc chưa từng cho trẻ tới trường. Họ báo cáo với chính quyền là họ đang giáo dục tại nhà.
Ducote khẳng định, có những gia đình homeschool rất tuyệt vời, nhưng cũng có một bộ phận lợi dụng nó để lạm dụng con em mình.
“Homeschool là một phương pháp giáo dục đặt rất nhiều quyền lực trong tay của phụ huynh. Với những phụ huynh có trình độ cao cộng với nguồn lực tốt, kết quả có thể là cực kỳ tích cực. Nhưng ngược lại, với những phụ huynh phải xoay sở với một gia đình lớn và thiếu sự quan tâm tới học thuật, thì kết quả có thể tồi tệ. Thậm chí, trong tay những phụ huynh lạm dụng, kết quả đôi khi là thảm kịch” – Ducote kết luận.
“Tôi không có ý nói rằng bài viết của tác giả Samburg không nên được viết ra. Nhưng nếu viết ra mà không lưu ý rằng những đứa trẻ homeschool ít có cơ hội vào những trường như Harvard hơn những đứa trẻ được giáo dục bằng những phương pháp khác thì sẽ gây hiểu nhầm và thực sự là vô trách nhiệm. Bất cứ bài báo nào nói về việc một đứa trẻ homeschool giành suất vào một trường Ivy League ít nhất nên lưu ý rằng trẻ homeschool có ít cơ hội hơn những đứa trẻ khác rất nhiều để vào được Harvard hay MIT. Và liệu đó có phải là vấn đề cần được giải quyết ở đây hay không?” – Ducote đặt câu hỏi.
18 nhân vật quyền lực nhất từng tốt nghiệp Đại học Harvard
Từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến những người đứng đầu một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới như Lloyd Blankfein, Jamie Dimon,... đều từng là sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard và tự khẳng định vị thế của mình.