Hơn 40 năm ở Mỹ tôi nhận thấy điều hay nhất của nước Mỹ là đây

Nước Mỹ không phải thiên đàng, nhưng cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ hay nhất thế giới ở chỗ chấp nhận những người đến đây làm việc, cố gắng, cần cù.

08:30 02/06/2018

Thấy tôi du lịch khắp nơi, nhiều bạn tưởng tôi nhiều tiền. Sự thật tôi chỉ là một người Mỹ trung bình. Thời tuổi trẻ tôi làm việc hùng hục như người Mỹ. Làm việc nhiều, đóng thuế nhiều, để dành nhiều.

Ngày già, tôi cũng như nhiều người Mỹ thuộc giới trung lưu, có lợi tức khả quan, lãnh mỗi tháng đến chết. Những người Việt Nam không may mắn đến đây lúc tuổi già, lãnh tiền nhân đạo mỗi tháng 500-600 đô la đem về Việt Nam sống là vua rồi. Người Mỹ trung bình lương hưu trí nhiều hơn vậy nên cuộc sống đáng sống lắm.

Đầu tháng 5 năm 1975, chúng tôi đã đến New York, theo phái đoàn nhân viên ngân hàng Chase Sài Gòn. Lúc đó, báo chí Mỹ như tờ “The New York Times” đều đăng tin. Mỗi gia đình nhân viên Chase Sài Gòn được một gia đình chức sắc Chase New York nhận về giúp đỡ một thời gian. Lúc chúng tôi hiểu rõ hơn về đời sống ở Mỹ, và thoải mái phần nào với tiếng Mỹ, chúng tôi được ra riêng, dọn về khu phố nhiều người Việt Nam sống.

Ưu điểm của người Việt ở Mỹ là cần cù, cố gắng làm việc, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, không so đo, cải cọ hay bực bội với sếp hay đồng nghiệp. (Ảnh minh họa)

Lúc chúng tôi ra riêng, ở khu tôi ở có một vài gia đình người Việt Nam cũng mới đến đây như tôi. Sống chung với đồng hương trong xóm cũng hay lắm. Thỉnh thoảng, ngày nghỉ đi chợ, nghe họ nói tiếng Việt với nhau, tôi thấy trong lòng vui quá, đỡ nhớ nhà.

Thời mới đến, tôi nhớ nhà nhiều lắm. Mỗi lần nghe John Denver ca bản “Country road take me home” (Đường làng ơi, hãy đưa tôi về nhà…) tôi lại khóc tức tưởi, rất buồn. Hoặc mỗi lần nghe Madonna ca bản “Don’t Cry For Me Argentina” (Argentina ơi, đừng khóc cho tôi…), tôi bắt đầu khóc.

Lúc ban đầu, trong xóm tôi ở chỉ có vài gia đình ngân hàng Chase. Nhân viên Chase Sài Gòn được chia làm hai nhóm định cư.

Nhóm có lợi tức cao, gia đình ít con, mướn nhà ở một khu khang trang bên Hoboken, tiểu bang New Jersey, bên kia sông Hudson.

Nhóm có lợi tức thấp, gia đình đông con, mướn nhà ở một khu rẻ tiền hơn ở quận Queens thành phố New York. Gia đình tôi ở khu này, vợ chồng và 4 con ở chen chúc trong căn hộ (apartment) 2 phòng ngủ.

Dần dà người Việt Nam từ từ dọn đến khu tôi ở, vừa rẻ, vừa có sẵn một nhóm Việt Nam, vui lắm. Người Việt tới đông quá, nên tôi thường gọi đây là Xóm Việt Nam. Lúc đó chúng tôi đối xử với nhau như người Việt Nam sống xa quê hương, không phân biệt Công Giáo, Phật Giáo, hay địa phương.

Hoàn cảnh lịch sử làm chúng tôi hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, đời sống tinh thần của chúng tôi phong phú hơn. Người Nam nấu ăn món Nam, xong mời bạn bè Bắc và Trung thưởng thức. Ngược lại, tôi cũng được các gia đình Trung và Bắc mời mọc, nên chúng tôi hiểu văn hóa của nhau nhiều hơn, chấp nhận nhau hơn lúc ở Sài Gòn.

Gia đình của tôi sau này là một nước Việt Nam nho nhỏ. Con rể của tôi là người Bắc Hà Nội di cư. Dâu của tôi người Huế, chưa bao giờ biết Sài Gòn. Đặc biệt gia đình bên dâu của tôi gốc người Hoa (người Việt gốc Hoa). Đúng như một người nào đó nói, Mỹ là một “melting pot – nồi lẩu”, một nơi hóa giải mọi khác biệt màu da, chủng tộc, và địa phương.

Nhờ sống chung với nhau trong xóm, nên chúng tôi ủng hộ tinh thần lẫn nhau, mạnh dạn bắt đầu lại. Chúng tôi cùng chung hoàn cảnh, nên hiểu nhau, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nên mặc dầu sống dưới đáy xã hội, chúng tôi cũng chịu được. Ai cũng cố gắng tìm việc làm, ai cũng có gắng gởi thùng đồ về cho gia đình bên Việt Nam bán lại.

Sống trong xóm Việt Nam vui lắm. Lúc đó trong xóm có hai bà, một bà đui và một bà què. Bà đui cõng bà què đi chợ, nói chuyện tiếng Việt inh ỏi, ngồi uống cà phê ngó ra cửa sổ nhìn cảnh tượng này, tôi thấy thương người Việt Nam mình vô cùng.

Nhờ sống gần nhau, nên mỗi dịp cuối tuần, các bà bày ra nấu ăn món này món kia, thí nghiệm cách dùng “ingredient” (nguyên liệu) tìm được ở chợ Mỹ, để biến chế nấu nướng các món ăn Việt Nam. Đây là một kỹ năng quí giá, ai học được, hay nói đúng hơn khám phá ra được cách nấu, truyền thụ và chia sẻ với các bạn trong xóm, nên cuộc đời dễ chịu lắm. Ở Mỹ mà còn ăn được thức ăn Việt Nam, lúc đó quí lắm.

Gần xóm tôi ở có một nhà thờ công giáo. Ở đây có một Cha người Việt từ Rome qua sống. Nhờ ông tổ chức thỉnh thoảng người Việt Nam gặp nhau, ăn cơm Việt, ca hát tiếng Việt. Tinh thần Việt Nam trong xóm nhờ vậy đỡ cô đơn, sống lây lất qua ngày mấy năm. Mỗi lần tổ chức như vậy, vợ tôi nấu nướng một số thức ăn đem tới, con tôi tham gia văn nghệ giúp vui, cuộc sống như vậy cũng bận rộn, nếu không muốn nói là vui.

Tôi bận rộn nhiều, vừa học vừa đi làm. Cuộc đời chỉ dễ thở khi tôi dứt khoác với quá khứ dạy học, viết văn, làm sách ở Sài Gòn, để học MBA chuyên môn về vi tính áp dụng trong thương mại. MBA là Master of Business Administration (Thạc sĩ quản lý kinh doanh). Hơn 35 năm trước, Phố Wall cần tự động hoá (automation), nên những người như tôi dễ kiếm việc làm lắm. Cuộc đời tôi thay đổi từ đó.

“Tôi thấy nhiều bạn hiểu sai về xã hội Mỹ. Nhiều bạn nói đến Mỹ không cần làm gì cả, cuối tháng Obama liệng tiền qua cửa sổ cho bạn xài” (Ảnh minh họa)

Các bạn trẻ muốn tới Mỹ học hoặc làm việc, các bạn có biết ưu điểm và điểm yếu của người Mỹ gốc Việt là gì không? Ưu điểm của chúng ta là cần cù, cố gắng làm việc, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, không so đo, cãi cọ hay bực bội với sếp hay đồng nghiệp.

Ưu điểm của người Mỹ gốc Việt thế hệ tôi ra đi năm 1975, là chúng tôi đã có sẵn một mớ kiến thức đại học, nên dễ dàng học lại ở Mỹ. Học xong MBA, tôi còn học thêm nhiều “Advanced Certificate” về Tài Chánh (Finance), và Business Economics (kinh tế học áp dụng trong quản trị xí nghiệp) v.v.., nên khả năng chuyên môn được quí trọng ở Phố Wall lúc đó.

Ở Mỹ nếu các bạn tìm được việc làm đúng khả năng, lương bổng ở đây thoải mái lắm. Làm việc ở Phố Wall vài năm, lần vui nhất là tôi được hãng Consultant (Cố vấn, chuyên viên) nơi tôi làm việc thưởng một chuyến du lịch Âu Châu cho vợ chồng. Lúc đó họ nói là tặng chúng tôi “A trip for two” (một chuyến du hành cho 2 người), hay lắm.

Từ đó cuộc đời tôi đã đổi khác. Thú vui du lịch, đi, thấy, và hiểu thế giới bao la ngoài Việt Nam và Mỹ, bắt đầu nảy nở từ chuyến đi này. Từ Mỹ tôi bay qua London thăm viếng thành phố này, sau đó đi Pháp, Bỉ, Tây Đức, Áo, Ý Đại Lợi, và Paris, sau đó bay trở về Mỹ. Thật là một chuyến du hành mở mang kiến thức về thế giới.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nước Mỹ không phải thiên đàng, nhưng cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ hay nhất thế giới ở chỗ chấp nhận những người đến đây làm việc, cố gắng, cần cù.

Đặc biệt, họ rất đãi ngộ những chuyên viên giúp đất nước này khá hơn. Các bạn nghe nói nhiều về một vài người Việt Nam thành công ở Mỹ, giàu có, tiếng tăm, quyền lực.

Tôi chỉ là một người Mỹ trung bình, không quyền lực, không tiếng tăm, không giàu có nhưng tôi cũng sống được tự do như mọi người. Đó là điểm son của xã hội Mỹ.

Đọc blog các bạn, tôi thấy nhiều bạn hiểu sai về xã hội Mỹ. Nhiều bạn nói đến Mỹ không cần làm gì cả, cuối tháng, Tổng thống Obama liệng tiền qua cửa sổ cho bạn xài. Cứ ở không tha hồ đi chơi, ở Mỹ ăn mì gói, để dành tiền về Việt Nam làm Vua.Thật tình ở Mỹ, nếu các bạn ở không các bạn cũng sống được, nhưng không huy hoàng và đáng sống bằng người cố gắng làm việc.

Người Mỹ trả lương theo khả năng. Nếu các bạn có bằng Kỹ sư mà người Mỹ cần, họ có thể trả bạn trung bình $60,000 lúc mới ra trường, từ đó đi lên.

Ở đây các bạn không cần tham nhũng, ức hiếp dân lành, cũng đủ tiền sống cuộc đời đáng sống. Cháu tôi đang học đại học năm tới ra trường. Mùa hè vừa qua cháu làm việc, lương tương đương với một người $60,000 một năm.

Tags:
Một trải nghiệm khác ở Núi Vàng Xưa, San Francisco, bờ Tây nước Mỹ

Một trải nghiệm khác ở Núi Vàng Xưa, San Francisco, bờ Tây nước Mỹ

Mark Twain, nhà văn lỗi lạc và hài hước nhất nước Mỹ đã viết "Mùa đông lạnh nhất mà tôi đã từng trải qua là một mùa hè ở San Francisco".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất