Hòn đảo nhỏ đóng vai trò lớn trong chiến lược Mỹ đối phó Trung Quốc
Căn cứ Mỹ - Australia phát triển ở Papua New Guinea có thể là mảnh ghép quan trọng giúp Mỹ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
05:00 05/12/2018
Tàu Australia di chuyển ngoài khơi đảo Manus tháng 10/2013. Ảnh: ABC. |
Mỹ và Australia tháng trước công bố họ sẽ hợp tác để tái phát triển căn cứ Lombrum trên Manus, hòn đảo có diện tích 2.100 km2 của Papua New Guinea. Căn cứ Lombrum được Mỹ xây vào năm 1944, khi các lực lượng đồng minh chuẩn bị cuộc tấn công cuối cùng vào Nhật Bản.
Hồi tháng 8 có những đồn đoán trên truyền thông quốc tế rằng Trung Quốc có thể nhận được hợp đồng tái phát triển cảng ở đảo Manus. Sau khi những tin đồn này nổi lên, Australia đã nhanh chóng tiếp cận Papua New Guinea để trở thành người tài trợ cho dự án.
Giới phân tích cho rằng Mỹ và Australia muốn ngăn Trung Quốc có sự hiện diện trên đảo Manus vì điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hướng của phương Tây ở Thái Bình Dương, đồng thời giúp Bắc Kinh tiếp cận gần với căn cứ của Mỹ tại Guam, cách Papua New Guinea vài nghìn km.
Collin Koh, chuyên gia từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, đánh giá Mỹ - Australia tập trung chú ý vào đảo này vì sự quyết liệt ngày càng tăng của Trung Quốc, theo SCMP.
"Kế hoạch nâng cấp căn cứ là một phần của chiến lược được Australia và các đồng minh sử dụng để tăng cường quan hệ với các quốc đảo nam Thái Bình Dương trên nhiều mặt trận: ngoại giao, kinh tế và an ninh", Koh nói.
Vị trí của căn cứ Lombrum. Đồ họa: SCMP. |
Một số nhà phân tích coi căn cứ Lombrum là câu trả lời trực tiếp cho hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Australia "chỉ đơn giản là áp dụng với Trung Quốc những gì quân đội nước này đã thực hiện ở Biển Đông. Động thái này làm tăng khả năng tiếp cận, tạo ra nhiều lựa chọn hoạt động hơn và làm phức tạp hóa việc lên kế hoạch của đối thủ", Peter Jennings, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia viết trong một bài bình luận.
Chuyên gia nói thêm rằng giống như chiến lược Biển Đông mà Bắc Kinh áp dụng, căn cứ Lombrum cần được bảo vệ trên không. Ông thúc giục việc chuyển đổi sân bay Momote thành cơ sở mục đích kép - cả quân sự và dân sự.
"Biến sân bay Momote thành cơ sở mục đích kép hoặc thiết lập một đường băng cấp quân sự gần Lombrum sẽ bắt đầu biến Manus trở thành yếu tố thay đổi cục diện chiến lược", Jennings viết.
Các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Mỹ và Australia hiện giờ là trấn an dư luận ở Papua New Guinea vì một số người bất bình về kế hoạch. Thống đốc đảo Manus Charlie Benjamin nói rằng việc tái phát triển căn cứ là không cần thiết.
"Thành thật mà nói Papua New Guinea không trong tình trạng chiến tranh và chúng tôi không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, việc này rõ ràng chỉ đơn thuần là cho phép Australia và Mỹ đến Lombrum để phục vụ cho lợi ích riêng của họ, ông nói.
Sẽ mất nhiều năm thi công để các tàu chiến lớn của Mỹ và Australia có thể bắt đầu neo đậu ở Manus. Việc đón tàu sân bay Mỹ - hoạt động thường xuyên diễn ra tại các trung tâm hàng hải hiện đại như Singapore và Hong Kong - cũng sẽ không thể thực hiện được nếu Lombrum không trải qua quá trình nâng cấp quy mô.
"Căn cứ hải quân này chỉ là một trong những công cụ mà Mỹ đang sử dụng để đối phó Trung Quốc", Evan Laksmana, chuyên gia Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Jakarta nói.
Nguồn: VnExpress.net
Tàu chiến Trung Quốc tăng cường tuần tra gần Đài Loan để đối phó Mỹ
Hải quân Trung Quốc tăng tần suất hoạt động ở eo biển Đài Loan, sau khi Mỹ nhiều lần điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải tại đây.