Hôn nhân hiện đại là 'tiền ai, người đó tiêu'?

Theo truyền thống, kết hôn là lúc tài chính hợp về một mối. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ Mỹ theo đuổi trào lưu "tiền ai người đó tiêu".

14:00 11/10/2020

Đối với thế hệ Millennials (người sinh từ 1981-1994), khái niệm hợp nhất tài khoản đã lỗi thời. Xu hướng nam giới là trụ cột gia đình cũng đang thay đổi. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, phụ nữ chiếm quá nửa lực lượng lao động của nước này.

Taylor Hall, ở Washington, D.C, là người mới kết hôn nhưng cô cho biết, gia đình mình có thể lập một tài khoản tiết kiệm chung cho các mục tiêu lớn trong tương lai, nhưng hiện tại vợ chồng cô "tiền ai nấy tiêu". "Đối với tôi, đó là một cảm giác độc lập", cô nói. "Phụ nữ đang làm việc như nam giới. Ở thời điểm này rất hiếm gia đình nào chỉ một người đi làm, trừ khi người đó quá xuất sắc. Chúng ta ai cũng đi làm và không có lý do gì để phải dùng chung tiền cả", cô nói thêm.

Một số cặp vợ chồng không coi hôn nhân là lý do để "biến tất cả tài sản thành của chung". Kaylee Showers, 33 tuổi và Dan Sweeney, 39 tuổi, ở tiểu bang Indiana đã chung sống 5 năm. Showers cho biết cô và chồng chia sẻ chi phí gia đình nhưng không chung tài khoản ngân hàng. "Cả hai chúng tôi đều quyết định không có con nên không thực sự thấy cần phải hợp nhất kinh tế", cô nói.

Jessie Gaynor, 34 tuổi và Robbie Mackey, 36 tuổi, ở Brooklyn, đã kết hôn vào tháng 5/2019, đến nay vẫn chưa có ý định cắt cử một người giữ "tay hòm chìa khóa". "Nếu chúng tôi có dự định mở một tài khoản chung thì đó cũng luôn là ưu tiên cuối cùng trong danh sách", Gaynor, một nhà văn, cho biết.

Các cặp vợ chồng khác đã tìm ra những cách sáng tạo để chia sẻ chi phí mà không làm thay đổi nhiều trong cuộc sống tài chính của họ. Tại Chicago, vợ chồng Riley Henderson, 32 tuổi và Amanda Lester, 35 tuổi đã hẹn hò bảy năm trước khi kết hôn vào tháng 7/2016. Họ mất thêm hai năm nữa mới mở một tài khoản để thanh toán những khoản chi tiêu chung, bên cạnh tài khoản cá nhân. Trước đó họ duy trì các tài khoản riêng biệt. Cô vợ Lester sẽ "cưa đôi" các hóa đơn, chi phí tạp hóa...

"Nhưng, đến một ngày tôi nghĩ 'Điều này thật ngu ngốc'. Bạn sống với tôi, tôi sống với bạn. Chúng ta có thể chia sẻ một tài khoản ngân hàng và thanh toán tất cả các hóa đơn", cô chia sẻ.

Vợ chồng Seth Dager, 32 tuổi và Eric Ball, 35 tuổi, ở ngoại ô New York, kết hôn năm ngoái sau 6 năm hẹn hò. Họ cũng không có tài khoản ngân hàng chung nhưng chia đều chi phí. "Chúng tôi có một thẻ tín dụng chung. Vì thế lúc đi cửa hàng tạp hóa hay ăn tối, chúng tôi chia đôi chỉ cần chia nhỏ hóa đơn đó, điều này đã thực sự giúp giảm bớt áp lực tài chính", anh Dager, người đứng đầu bộ phận sáng tạo tại Mars Wrigley nói.

Một cuộc khảo sát của Insider and Morning Consult năm 2019 với 2.000 người Mỹ cho thấy 37% những người thuộc thế hệ trẻ đã kết hôn giữ tài chính tách biệt với bạn đời; trong khi thế hệ cha mẹ họ, con số này là 27%.

Hết thời hôn nhân kiểu góp gạo thổi cơm chung - 4
Taylor Hall và chồng vẫn giữ tài khoản riêng biệt, bất chấp những khó khăn dịch bệnh gây ra. Ảnh: Marketwatch.

Suy thoái kinh tế do đại dịch đang đẩy hàng triệu người Mỹ vào tình trạng tài chính bấp bênh. Tình trạng mất việc làm, giảm lương đang là lời cảnh tỉnh cho hàng triệu người Mỹ. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ quan tâm hơn đến tài chính gia đình.

Nếu như nam giới đã gánh chịu gánh nặng thất nghiệp trong các cuộc suy thoái trước đây của Mỹ thì hiện tại, cuộc suy thoái do Covid-19 đã lật ngược kịch bản. Một nghiên cứu gần đây của Đại học California San Diego, Đại học Northwestern và Đại học Mannheim cho thấy, phụ nữ ở Mỹ đang phải chịu đựng tình trạng mất việc làm nghiêm trọng hơn nam giới, do họ thường hoạt động trong ngành dịch vụ, bên cạnh đó là gánh nặng chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.

Ryan Howes, một nhà tâm lý học lâm sàng ở Pasadena, , chuyên tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ, cho biết: "Phụ nữ thu nhập ít hơn nam giới, nhưng vẫn kiếm được nhiều hơn so với những thế hệ trước. Họ coi đó là 'Tôi có khả năng, tôi mạnh mẽ và tôi không phụ thuộc vào người khác". Rõ ràng vai trò giới trong hôn nhân đang trở nên mờ nhạt đối với các cặp vợ chồng thế hệ trẻ, đây là điểm mấu chốt khiến con số các đôi tách biệt tài chính nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, Howes nhận thấy các cặp vợ chồng trẻ đang trở nên tiết kiệm hơn. Một số người thuộc thế hệ Millennials đã tìm ra giải pháp kết hợp tài chính. Một báo cáo năm 2019 của Trường Kinh doanh UCLA Andersen đã chỉ ra rằng, các cặp vợ chồng có chung tài khoản sẽ hạnh phúc hơn và ít có khả năng chia tay so với các cặp giữ riêng một phần hoặc hoàn toàn. Nguyên nhân do việc quản lý tài khoản chung có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của các cặp vợ chồng và chất lượng mối quan hệ của họ.

Đi ngược trào lưu, Demitri Baker và Evan Lanctot, một cặp đồng tính đã đính hôn ở tiểu bang Rhode Island, mới đây đã quyết định hợp nhất tài chính. "Từ lúc yêu chúng tôi đã thường nói với nhau về tiền bạc. Cả cha mẹ chúng tôi đều phải vật lộn với tiền bạc và chúng tôi đã trải qua những hậu quả của điều đó", Baker nói.

Trong khi nhiều cặp vợ chồng lấy tấm gương của cha mẹ như là lý do để giữ tài chính riêng biệt, Baker và Lanctot thì ngược lại. Baker cho biết, cha mẹ anh ít nói chuyện với nhau, đặc biệt là về tài chính. Mẹ anh nắm giữ "tay hòm chìa khóa" nhưng việc thiếu kỹ năng và không minh bạch tiền bạc đã gây ra nợ nần. Họ tan vỡ hôn nhân khi mọi chuyện vỡ lỡ. "Đó là lý do tại sao tôi muốn cởi mở với Evan nhiều nhất có thể", anh nói.

Hết thời hôn nhân kiểu góp gạo thổi cơm chung
Demitri Baker và Evan Lanctot, ở Providence. Ảnh: Marketwatch.

Là một kỹ sư cơ khí, công việc của Baker vẫn ổn trong dịch. Còn bạn đời của anh Lanctot, một nhà thiết kế nội thất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên dịch không làm thay đổi suy nghĩ của họ về vấn đề tài chính. Họ cùng đứng tên tài khoản, công khai minh bạch với nhau, cùng hướng tới mục tiêu trả nợ và mua nhà.

Lanctot nói: "Vì chúng tôi không kiếm được số tiền bằng nhau, nên chúng tôi có thể trấn an nhau rằng hai đứa có một mục tiêu. Đó cũng là điều thú vị về tài khoản chung - chúng tôi gộp số tiền lại với nhau và dù làm gì cũng đều nghĩ đến vun vén cho gia đình. Gia đình là 'chúng tôi' hơn là 'bạn và tôi'", anh nói.

Nhà tâm lý học Howes cho biết thêm, cho dù tài khoản ngân hàng có được hợp nhất hay không thì những vấn đề chính xảy ra trong hôn nhân thường xuất phát từ cảm giác tự ti hoặc thiếu tin tưởng. Điều đó có thể tự biểu hiện trong các "triệu chứng" chẳng hạn như trục trặc "chuyện ấy", chăm sóc con cái hoặc tài chính.

Theo ông, các đôi không nên để căng thẳng xung quanh vấn đề tài chính. "Tôi không nghĩ rằng 'tiền anh, tiền tôi' là yếu tố phá vỡ hôn nhân. Nhưng tôi nghĩ các tài khoản riêng biệt, cộng với ít giao tiếp, chia sẻ đã ảnh hưởng xấu tới hôn nhân. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi lo lắng về tài chính là nói chuyện với đối tác của bạn", chuyên gia này khuyên.

Bảo Nhiên (Theo Marketwatch, Nytimes)

Tags:
Tôi bầu cử sớm Tổng thống Mỹ

Tôi bầu cử sớm Tổng thống Mỹ

Sau bao nhiêu mong đợi, tôi cuối cùng cũng nhận được lá phiếu gửi về nhà.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất