Hy vọng từ vaccine lao phổi ngừa Covid-19
Vaccine Bacillus Calmette-Guerin (BCG), được phát triển hơn 100 năm trước để phòng bệnh lao phổi, cho thấy tiềm năng chống lại nCoV.
00:30 15/04/2020
Cuối tháng 3, medRxiv đăng tải một nghiên cứu cho thấy các quốc gia quy định bắt buộc tiêm phòng lao phổi thì tỷ lệ qua đời do Covid-19 thấp hơn. Đây là tiền đề để các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu lâm sàng đối với BCG trong ngăn ngừa nCoV.
Lao và Covid-19 là hai bệnh rất khác nhau. Bệnh lao xuất phát từ vi khuẩn, trong khi Covid-19 do virus gây ra. Tuy nhiên vaccine BCG vẫn có thể giúp con người sản sinh miễn dịch đối với một số bệnh khác. Đây được gọi là “tác dụng ngoài mục tiêu”, theo phó giáo sư, tiến sĩ Denise Faustman, giám đốc miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
“Nói cách khác, khi thử nghiệm, vaccine cho thấy những lợi ích nằm ngoài ngăn ngừa lao phổi đơn thuần”, bà bổ sung.
BGC được sử dụng rộng rãi trong suốt 100 năm qua. Đây không chỉ là một liệu pháp miễn dịch phổ biến cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu, nó còn giúp sản sinh kháng thể – tuyến phòng thủ miễn dịch đầu tiên trong cơ thể người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định BCG là vaccine an toàn nhất với hơn 3 tỷ người được tiêm chủng. Đối với mục tiêu chống lại Covid-19, WHO nhận định điều quan trọng nhất là đánh giá liệu vaccine có làm giảm số người nhiễm virus hay không.
Một nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh trong quá trình điều chế vaccine. Ảnh: Reuters
Hiện các nhà khoa học vẫn trong quá trình tìm hiểu lý do vì sao vaccine BCG có hiệu quả chống lại các loại nhiễm trùng khác ngoài bệnh lao. Công trình kéo dài hàng thập kỷ của nhà khoa học Hà Lan Mihai Netea, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud, cho thấy vaccine khiến hệ thống miễn dịch trở nên nhạy cảm hơn. Tế bào sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ khi các mầm bệnh có cơ chế hoạt động tương tự vi khuẩn lao tấn công cơ thể.
“Nó giống như việc ‘lưu trữ’ cơ chế phòng thủ vào hệ miễn dịch để áp dụng với các mầm bệnh khác trong tương lai”, ông Netea giải thích.
Nhiều quốc gia đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở người để đánh giá độ hiệu quả của BGC, trong đó có Mỹ, Hà Lan và Australia.
Một trong những người đầu tiên thực hiện nghiên cứu là chuyên gia Mihai Netea. Thử nghiệm được tiến hành trên 400 nhân viên y tế, 200 người trong số đó tiêm vaccine lao phổi, số còn lại nhận được giả dược.
Kết quả dự kiến có trong hai tháng tới. Ông cũng khởi động một thử nghiệm độc lập, nghiên cứu hiệu quả của vaccine BCG trên những người 60 tuổi trở lên.
Tại Mỹ, phó giáo sư, tiến sĩ Denise Faustman và các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu ở Boston, đang trong giai đoạn đánh giá. Nếu được chấp thuận, bà hy vọng được thử nghiệm trên 4.000 nhân viên y tế.
Công trình tương tự cũng diễn ra ở Australia, dẫn đầu bởi Nigel Curtis, trưởng bộ phận truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, thành phố Melbourne. Thử nghiệm kéo dài 6 tháng, với sự tham gia của 4.000 nhân viên y tế. Tất cả được chia thành các nhóm ngẫu nhiên, tiêm phòng kể từ ngày 30/3. Hai loại vaccine được sử dụng để so sánh đối chứng là BCG và cúm mùa. Nghiên cứu không có giả dược, bởi vaccine phòng lao sẽ để lại sẹo.
Dù còn nhiều giai đoạn cần thực hiện, giới chuyên gia vẫn bày tỏ hy vọng về kết quả của các công trình.
“Song người dân không nên tích trữ hoặc đổ xô đi tiêm BCG, như điều họ đã làm đối với giấy vệ sinh”, Gonzalo Otazu, giáo sư trợ lý tại Viện Công nghệ New York, nhận định.
Đây là loại vaccine rẻ tiền, được sử dụng cho khoảng 130 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm, tuy nhiên giữa đại dịch, ưu tiên hàng đầu nên dành cho các nhân viên y tế. Họ là những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất vì phải tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày.
Thục Linh (Theo CNN, Bloomberg)
Link nguồn: https://vnexpress.net/hy-vong-tu-vaccine-lao-phoi-ngua-covid-19-4084058.html
Mất nửa gia đình vì Covid-19
Chỉ trong 2 tuần, ông Richard, 60 tuổi, mất bố, mẹ và chị gái. Những đám tang liên tiếp diễn ra trong tình cảnh chỉ vài người tham dự.