'Kẻ khóc, người cười' sau thỏa thuận Mỹ - Trung
Trump có thể vui vì thỏa thuận với Trung Quốc giúp ông mở ra triển vọng tái đắc cử, nhưng phe Dân chủ thì không thể cười.
10:30 15/12/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một vào ngày 13/12, giúp tạm dừng cuộc thương chiến đã kéo dài suốt 21 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
nhanh chóng mô tả đây là một thỏa thuận "tuyệt vời", mang ý nghĩa "lịch sử". Các quan chức hàng đầu Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi nhấn mạnh thỏa thuận này là một thắng lợi lớn "đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng ngày 11/10. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các lãnh đạo Dân chủ và những tiếng nói phản đối Trung Quốc ở bên trong nước Mỹ lại chỉ trích Trump, cho rằng ông quá dễ dãi. Các nhóm doanh nghiệp tỏ ra lạc quan thận trọng.
Toàn văn thỏa thuận chưa được công bố nhưng đội ngũ của Trump và các quan chức Trung Quốc xác nhận rằng Tổng thống Mỹ đã đồng ý giảm nhẹ một số mức thuế, đổi lại Trung Quốc sẽ mua khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng hai năm tới, đồng thời mở cửa với các công ty tài chính Mỹ.
Theo giới phân tích, về phía được hưởng lợi, Tổng thống Trump chắc chắn là người đầu tiên mỉm cười, ít nhất về mặt chính trị. Ông có thể tuyên bố rằng mình đã đạt được một thỏa thuận, dù giới hạn. Thỏa thuận giai đoạn một không hoàn thành mọi đề mục mà Trump đặt ra trong mục tiêu thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc. Song ông và đội ngũ của mình đã làm bật lên rằng thỏa thuận là bằng chứng cho thấy Trump vẫn nỗ lực để giữ lời hứa từ chiến dịch tranh cử, giữa lúc đảng Dân chủ đang tìm cách luận tội ông.
Thỏa thuận cũng sẽ giúp trấn an những nông dân và công nhân ngành sản xuất vốn bị tổn thương nặng nề trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, đồng nghĩa kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ít nhất 2% trong năm tới và tránh được suy thoái. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ giúp ích không nhỏ cho khả năng tái đắc cử của Trump.
Nông dân Mỹ chắc chắn sẽ vui khi Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu một lượng nông sản khổng lồ từ Mỹ vào năm tới, vượt qua cả mức kỷ lục 26 tỷ USD hồi năm 2012.
Các quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã đồng ý mua 32 tỷ USD nông sản nhưng Trump tuyên bố Trung Quốc có thể "chạm tới mức 50 tỷ USD". Bắc Kinh từ chối đưa ra con số chính xác song cũng xác nhận việc họ đồng ý tăng cường thu mua. Đây sẽ là nguồn tiền vô cùng quan trọng đối với các nông dân Mỹ, những người đã chịu không ít "bầm dập" vì thương chiến và các đòn thuế Trung Quốc áp lên nông sản của họ. Tỷ lệ nông dân phá sản đã tăng 24% vào năm ngoái. Sau thỏa thuận, những nông dân từng bầu cho Trump nhiều khả năng sẽ quay lại với ông.
Cổ phiếu của Apple đã tăng mạnh vào ngày 13/12 dù thị trường chung ít biến động. Các công ty công nghệ như Apple là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận giai đoạn một bởi họ không bị áp thuế. Trump đã lên kế hoạch áp thuế với điện thoại di động, máy tính xách tay và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác sản xuất tại Trung Quốc sau đó vận chuyển đến Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12. Tuy nhiên, thỏa thuận vừa qua giúp chặn đứng toàn bộ kế hoạch.
Việc Trump giảm nhẹ thuế đánh lên các mặt hàng phổ biến mà người dân Mỹ mua tại cửa hàng sẽ giúp các nhà bán lẻ lớn như Walmart thở phào nhẹ nhõm.
Đòn thuế trong kế hoạch ngày 15/12 đánh vào đồ chơi và hàng công nghệ sẽ không xảy ra và đòn thuế kích hoạt hồi tháng 9 nhằm vào mặt hàng may mặc sẽ giảm một nửa, từ 15% xuống còn 7,5%. Rất nhiều nhà bán lẻ vẫn có thể giữ cho giá không tăng trong dịp lễ năm nay bởi một số chuyến hàng đã cập cảng trước khi hàng rào thuế quan được dựng lên, nhưng để tránh tăng giá vào năm 2020 sẽ là nhiệm vụ vô cùng gian nan. Giờ đây, đó không còn là vấn đề với họ.
Một trong những đột phá lớn nhất của thỏa thuận là Trung Quốc cuối cùng cũng cho phép các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng Mỹ vào nước này mà không cần trở thành đối tác với một công ty bản địa. Đây là niềm ao ước của các ngân hàng lớn ở Mỹ suốt nhiều năm.
Giám đốc điều hành của hầu hết các công ty Mỹ lớn đều đã thúc giục Trump nhanh chóng ký kết thỏa thuận với Trung Quốc. Trump thường xuyên nói rằng người Trung Quốc phải trả cho mức thuế ông đặt ra song điều đó không đúng. Các công ty Mỹ đã và đang là bên thanh toán hóa đơn và đến nay, nó đã chạm mốc 88 tỷ USD. Thỏa thuận với Trung Quốc giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng và quan trọng hơn, nó là dấu hiệu cho thấy Trump ít khả năng sẽ tăng thuế vào năm 2020.
Trong thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc không phải hy sinh quá nhiều. Họ đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhưng thực tế, dù không ký thỏa thuận, họ vẫn có kế hoạch làm điều này. Nhượng bộ lớn nhất của Trung Quốc là họ đồng ý chịu phạt nếu không hoàn thành thỏa thuận, song nếu muốn áp đặt thuế quan trừng phạt, Mỹ sẽ phải trải qua một quá trình tương đối dài.
Dẫu vậy, không phải ai cũng vui với thỏa thuận giai đoạn một của Trump. Thỏa thuận này không thể làm thay đổi căn bản các kế hoạch tham vọng của Trung Quốc. Hàng loạt cố vấn của Trump, như Peter Navarro, kêu gọi ông giữ nguyên hàng rào thuế quan và gây sức ép buộc Trung Quốc đồng ý với một thỏa thuận lớn hơn, bao gồm việc yêu cầu họ ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp quan trọng và chấm dứt đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Nhưng Trump lại giảm thuế và đồng ý với một thỏa thuận ít tham vọng hơn. Ông hứa hẹn về một thỏa thuận "giai đoạn hai" sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng nhiều người lo ngại đây là thỏa thuận duy nhất Trump có được.
Thỏa thuận với Trung Quốc có thể là một chiến thắng cho Trump về mặt chính trị nhưng mục tiêu của ông là ép Trung Quốc phải "đại tu" chính sách đã không thành công. Trung Quốc cũng không đồng ý rút lại các trợ cấp chính phủ đối với các ngành công nghiệp như thép.
Một số nông dân Mỹ đã không thể trụ vững tới khi thỏa thuận giai đoạn một được ký kết sau gần hai năm gắng gượng. Họ chắc chắn không cảm thấy vui. Ngoài sự gia tăng đột biến các vụ phá sản của nông dân, tỷ lệ nông dân tự tử cũng đang tăng, vượt qua cả tỷ lệ tự tử ở cựu binh.
Thỏa thuận với Trung Quốc đã phát đi tín hiệu tích cực giúp thúc đẩy tăng trưởng trên thị trường và triển vọng kinh tế trong năm 2020. Kịch bản suy thoái hiện không còn. Theo các nhà kinh tế, thương mại là nỗi lo lắng lớn nhất và nay nó đã được trấn an. Tất cả sẽ khiến nỗ lực chống lại Trump của trở nên khó khăn hơn. Lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Charles E. Schumer gọi thỏa thuận giai đoạn một là hành vi "bán rẻ" nước Mỹ cho Trung Quốc nhưng Trump có thể dễ dàng đáp trả những đòn tấn công kiểu như vậy một khi giao dịch nông sản đạt mức kỷ lục.
Trump vẫn giữ nguyên thuế với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có mức thuế 25% với hàng loạt linh kiện, thiết bị dùng trong ngành sản xuất, đặc biệt là ngành ôtô. Hàng rào thuế quan này có lẽ sẽ được giữ khá lâu nữa. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị tổn thương nặng nề bởi họ không đủ khả năng di chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Thái Lan hay Việt Nam.
Trung Quốc đã phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại từ trước khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra. Hàng rào thuế quan của Trump càng khoét sâu thêm vết thương. Dù Tổng thống Mỹ giờ đây không áp thuế lên tất cả hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch, ông vẫn duy trì thuế quan với gần 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nghĩa, gánh nặng chưa được trút bỏ hoàn toàn. Mặt khác, có bằng chứng cho thấy một số công ty đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác. Dù thỏa thuận đã được ký, họ ít khả năng sẽ quay về Trung Quốc.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Rời Nhà Trắng, thu nhập "khủng" của cựu Tổng thống Obama đến từ đâu?
Theo ước tính của Đại học American (Washington), vợ chồng ông Obama kiếm được tổng cộng 242,5 triệu USD sau khi ông hết nhiệm kỳ tổng thống...