Kết cục có thể xảy ra với tổng thống tự phong của Venezuela
Nếu Mỹ không can thiệp và quân đội vẫn trung thành với Maduro, tổng thống tự phong Guaido có thể ngồi tù hoặc phải lưu vong.
21:30 27/01/2019
Chủ tịch quốc hội Venezuela Juan Guaido tự nhận mình là "tổng thống lâm thời". Ảnh: Reuters. |
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela tăng nhiệt đáng kể từ hôm qua, khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tuyên bố mình là "tổng thống lâm thời" nhằm thiết lập một chính phủ chuyển tiếp và lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, người vừa nhậm chức nhiệm kỳ hai. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó nhanh chóng công nhận Guaido là "lãnh đạo hợp pháp" của Venezuela.
Quyết định của Trump được coi là yếu tố thay đổi cuộc chơi, khi hàng loạt lãnh đạo các nước Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay và Costa Rica cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Một quan chức chính quyền Mỹ nói rằng động thái này đồng nghĩa với việc Maduro giờ đây cần hiểu rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận "quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình" và "tìm giải pháp rời khỏi đất nước", theo Guardian.
Eric Farnsworth, Phó chủ tịch Hội đồng các quốc gia châu Mỹ, cho rằng động thái của Guaido và sự công nhận chóng vánh của Trump là một "bước ngoặt rõ ràng" và có thể dẫn đến những biến động rất lớn trong chính trường Venezuela. Theo ông, đây là "mối đe dọa nghiêm trọng nhất" mà Maduro từng đối mặt, nhưng không đồng nghĩa với việc ông sẽ chấp nhận ra đi như lời kêu gọi của Washington.
"Maduro sẽ không thể khoanh tay ngồi yên trước biến cố này, ông ấy sẽ phải hành động theo cách nào đó", Farnsworth dự báo.
Phản ứng đầu tiên của Maduro là tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ, tố cáo nước này "muốn cai trị Venezuela từ Washington" và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này trong vòng 72 giờ. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định các nhân viên ngoại giao nước này sẽ không rời đi, cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng với bất cứ ai đe dọa đến sự an toàn của họ.
Giới phân tích dự đoán rằng hành động của Maduro sẽ không dừng lại ở đó. Theo Fansworth, Tổng thống Venezuela nhiều khả năng sẽ ra lệnh cho các cơ quan an ninh, quân đội bắt Guaido và các lãnh đạo đối lập khác. Guaido được coi là gương mặt mới "thổi làn sinh khí" cho phong trào đối lập ở Venezuela và Maduro có thể kỳ vọng rằng việc bắt ông này sẽ dập tắt được làn sóng chống đối.
Hàng chục nghìn người Venezuela hôm qua đã xuống đường biểu tình chống chính phủ Maduro theo lời kêu gọi của Guaido. Để đối phó với làn sóng biểu tình này, an ninh Venezuela rất có thể sẽ sử dụng các biện pháp vũ lực, thậm chí dùng đạn thật bắn vào người tuần hành để khiến đám đông sợ hãi và rút về nhà, Fansworth nói.
Nếu điều này xảy ra, Mỹ và một số nước ở Nam Mỹ nhiều khả năng sẽ có biện pháp can thiệp. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nước này có "rất nhiều phương án" trong trường hợp chính quyền Maduro dùng vũ lực đối với phe đối lập và người biểu tình. Trump cũng khẳng định sẽ không loại trừ bất cứ phương án nào khi được hỏi liệu Mỹ có can thiệp quân sự vào Venezuela hay không.
Tổng thống Maduro (phải) kêu gọi sự trung thành của quân đội, tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Washington nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp ôn hòa hơn, trong đó việc siết chặt lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ là đòn giáng nặng về kinh tế đối với Maduro. Các quan chức Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt hiện nay nhắm vào Venezuela mới chỉ "gãi ngứa bên ngoài".
Giới chức Mỹ cũng có thể tịch thu tài sản của nhà nước Venezuela tại các ngân hàng ở nước này và chuyển chúng cho lực lượng đối lập trung thành với Guaido đang vận hành như một chính phủ song song với chính quyền của Maduro. "Nếu chính phủ Mỹ công nhận Guaido là tổng thống Venezuela, tòa án Mỹ sẽ tuyên rằng chính quyền do ông này lập ra mới là bên có quyền quản lý tài sản", Francisco Rodriguez, chuyên gia kinh tế tại công ty đầu tư Torino Capital nói với Washington Post.
Việc ứng xử thế nào với các nhân viên ngoại giao Venezuela tại sứ bộ Liên Hợp Quốc ở New York là vấn đề phức tạp hơn đối với Mỹ. Dù Mỹ và nhiều nước đồng minh công nhận Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, chính quyền của Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an như Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, David Smilde, chuyên gia về Venezuela tại Phòng châu Mỹ Latin ở Washington, cảnh báo rằng việc Mỹ áp thêm các lệnh cấm vận với Venezuela sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở quốc gia này. Hàng triệu người Venezuela đã phải rời bỏ đất nước để tìm kế sinh nhai khi nạn lạm phát, thất nghiệp và thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm kéo dài ở quốc gia từng là "thiên đường dầu mỏ" này.
Ông cũng cho rằng một cuộc can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ gây nên xung đột đẫm máu, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và có thể khiến Mỹ sa lầy vào một chiến dịch hao người tốn của nhằm tấn công một quốc gia có chủ quyền và tái thiết đất nước này sau khi phá hủy nó.
"Hãy nhìn vào Somalia, Afghanistan hay Iraq, những nơi Mỹ từng can thiệp quân sự với cam kết sẽ hoàn thành sứ mệnh trong thời gian ngắn, nhưng rốt cuộc những gì họ tạo ra là sự tàn phá cơ sở hạ tầng và thiệt hại nhân mạng trong nhiều năm trời", Smilde nói.
David Bosco, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế và Toàn cầu ở Indiana, cho rằng việc Mỹ vội vã công nhận tính hợp pháp của Guaido là động thái bất thường và có thể để lại hậu quả lớn.
"Các nước thường tránh những hành động như vậy", Bosco nói. "Họ chỉ công nhận những chính phủ đã được thành lập và những lực lượng đang thực sự kiểm soát đất nước". Trong khi đó, phe đối lập Venezuela mới chỉ nắm được quốc hội, cơ quan vốn đã mất hết thực quyền vào tay Hội đồng Lập hiến ủng hộ Maduro, còn quân đội nước này cũng không ủng hộ Guaido.
Mỹ trong thập niên qua từng đưa ra hai quyết định tương tự. Năm 2011, Washington công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya là chính phủ hợp pháp của nước này, dù lúc đó lực lượng trung thành với Moammar Gaddafi vẫn đang kiểm soát phần lớn quốc gia. Năm 2014, các nhóm đối lập ở Syria được phép có đại diện ngoại giao ở Mỹ. Tuy nhiên, Libya đến nay đang chìm vào khủng hoảng giữa các phe phái và xung đột, trong khi phe đối lập ở Syria ngày càng thất thế trước quân đội chính phủ và đang đứng trên bờ vực sụp đổ.
Chuyên gia Smilde cho rằng các yếu tố và bài học lịch sử đó cho thấy Mỹ không thực sự có nhiều "phương án hay" đối với vấn đề Venezuela và tất cả những gì họ có thể làm hiện nay là tiếp tục theo dõi những phản ứng của chính quyền Maduro.
Phil Gunson, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Crisis Group, cho rằng Guaido đang "đặt một canh bạc lớn" bằng tuyên bố đầy khiêu khích của mình, với hy vọng mọi việc sẽ được định đoạt càng nhanh càng tốt. "Ý tưởng về việc Guaido có thể duy trì một chính quyền song song ở Venezuela trong thời gian dài là không thực tế", ông nói với MiamiHerald.
Lực lượng an ninh Venezuela bắn hơi cay vào người biểu tình hôm 23/1. Ảnh: AFP. |
Theo chuyên gia này, Guaido ban đầu có thể nhận được sự ủng hộ của hàng chục nghìn người, nhưng khi quân đội Venezuela vẫn thề trung thành với Maduro và trấn áp các cuộc biểu tình ở mức độ vừa phải trong thời gian dài, người dân sẽ dần mệt mỏi và "rã đám", như những gì xảy ra trong đợt biểu tình lớn năm 2014 và 2017 ở Venezuela.
"Trừ phi quân đội hoặc lực lượng an ninh Venezuela quay lưng với Maduro và đứng ra bảo vệ ông ta, Guaido nhiều khả năng sẽ phải ngồi tù hoặc sống lưu vong", Gunson dự đoán.
Mỹ phát triển pháo tầm siêu xa đối phó chiến hạm Trung Quốc ở Biển Đông
Lục quân Mỹ muốn sản xuất pháo có tầm bắn hơn 1.600 km để có thể tiêu diệt chiến hạm Trung Quốc trên Biển Đông nếu xung đột xảy ra.