Khác biệt giữa ông Trump và ông Obama đối với di dân lậu

Vượt lên trên giá trị căn bản truyền thống của nước Mỹ, chính quyền của Tổng Thống Donald Trump bắt đầu thi hành những biện pháp quyết liệt và toàn diện chống di dân, vượt qua mọi giới hạn của tất cả các chính quyền tiền nhiệm.

23:43 08/03/2017

Chính sách cứng rắn với di dân chủ yếu là nhằm làm thỏa mãn tâm lý bất bình tiềm ẩn của những người đã ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử. Sự khác biệt chính giữa Tổng Thống Donald Trump và các tổng thống gần đây, đặc biệt với Tổng Thống Barack Obama, là ở điểm không dành sự ưu đãi cho thành phần di dân từ các dân tộc khác.

Bức tường giữa biên giới Mỹ và Mexico. (Hình minh họa: Getty Images)

Trải qua từng giai đoạn lịch sử, nước Mỹ đã có nhiều biến đổi trong chính sách đối xử với di dân, và việc trục xuất di dân bất hợp pháp không phải là mới lạ.

Tờ Politico cho biết trong cuộc tranh luận ở Milwaukee vào thời kỳ bầu cử sơ bộ, ông Trump khẳng định là kế hoạch trục xuất di dân mà ông đề ra sẽ thành công, viện dẫn sự kiện Mỹ đã từng trục xuất 1.5 triệu di dân Mexico thới Tổng Thống Dwight Eisenhower trong thập niên 1950.

Thật ra, con số này không chính xác, theo ước lượng của các nhà sử học, không kể số tự nguyện trở về, số di dân bị đưa qua biên giới Mexico trong chiến dịch “Wetback” chỉ trong khoảng 250,000 tới 1 triệu. Hơn nữa chiến dịch “Wetback” không chỉ là đơn phương trục xuất mà có sự hợp tác với Mexico để tiếp nhận công dân của họ trở về.

Theo ABC News, chính quyền của Tổng Thống George W. Bush đã trục xuất 2 triệu di dân bất hợp pháp và Tổng Thống Barack Obama trục xuất 2.5 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Ông Trump tránh không đề cập tới chuyện này chỉ vì kỹ thuật tranh cử. 

Một số phương cách đối xử mới với di dân

1-Bất kể tình trạng di trú thế nào

Sắc lệnh hành pháp 13767 của Tổng Thống Donald Trump, được khai triển bằng hai bản ghi nhớ, do Bộ Trưởng Nội An John Kelly đưa ra ngày Thứ Ba, 21 Tháng Hai, chỉ thị phương cách hành động cho cảnh sát di trú (ICE). Theo các lệnh này, tất cả di dân không có đủ giấy tờ hợp pháp đều bị trục xuất nếu nhân viên hữu trách tìm ra.

Chính quyền Obama quy định ưu tiên trục xuất là tội phạm, thành viên băng đảng và những phần tử nguy hại đến an ninh. Lúc đó ICE phàn nàn là họ khó làm việc vì không phân biệt được đối tượng nào cần truy tầm hay không truy tầm.

Bây giờ ICE không cần cân nhắc xem phạm tội nặng hay nhẹ, đã sống ở Mỹ bao lâu, và như thế có thể bị trục xuất nếu là di dân bất hợp pháp.

2-Bắt rồi thả

Dưới thời chính quyền Obama, di dân vượt biên trái phép bị bắt có thể được tạm trả tự do và sống ở Mỹ trong khi chờ đợi xét yêu cầu xin cư trú vĩnh viễn. Hầu hết những yêu cầu này bị bác, thế nhưng, sau một thời gian dài không dễ tìm ra đương sự.

Chính quyền Trump nhất thời bỏ đường lối này vì không có đủ nơi để giam giữ. Một trong hai bản ghi nhớ mới đây của Bộ Nội An chỉ thị gia tăng các trại giam, nhưng phải có thời gian và ngân khoản mới có thể có đủ chỗ giữ những di dân nhập cảnh trái phép. Một giải pháp khác là đưa những người này về Mexico trong khi cứu xét hồ sơ. Với Mỹ, việc này hợp pháp, nhưng Mexico có thể khước từ với lý do không phải tất cả là công dân của họ.

3-Không cần tòa án

Hai mươi năm trước, Quốc Hội thông qua đạo luật cho phép chính quyền trục xuất ngay những di dân mới nhập cảnh không lâu quá hai tuần bị bắt cách biên giới trong vòng 100 dặm. Những người này chỉ được xem như “quá cảnh,” và không được hưởng sự xét xử theo quy định của Hiến Pháp.

Chính quyền Donald Trump dự tính không áp dụng quy chế này, với lý do còn tới nửa triệu trường hợp chưa được phân xử tại tòa án di dân. Do đó, một di dân bất hợp pháp bị ICE bắt, không cần biết đã sống ở Mỹ bao lâu và tại đâu, vẫn bị trục xuất.

4-Trẻ em

Một trong hai bản ghi nhớ của Bộ Nội An nhìn nhận là trẻ em bị bắt đi một mình ở biên giới sẽ được hưởng quy chế đặc biệt, được nhân viên di trú phỏng vấn và đưa ra trước tòa. Nhưng phụ huynh, nếu bị bắt, sẽ vẫn bị trục xuất ngay và có thể bị truy tố về tội trả tiền cho bọn đưa lậu di dân dẫn con em họ đi.

Hậu quả của biện pháp này là sự chia rẽ gia đình di dân vì các phụ huynh sẽ tìm cách trốn tránh không để bị bắt, hoặc trở về, vì hiểu rằng sự xuất hiện sẽ gây khó khăn cho chính họ cũng như con em.

Tổng Thống Obama, bằng sắc lệnh gọi là DACA, cho phép di dân bất hợp pháp dưới 16 tuổi vào Mỹ trước Tháng Sáu, 2007, bây giờ đang đi học hay đã tốt nghiệp và dưới 31 tuổi tính đến Tháng Sáu, 2015, không phạm tội hình sự, được phép ở lại Mỹ làm việc trong hai năm, và có thể tái tục.

Tổng Thống Trump nhìn nhận đây là một vấn đề phức tạp khó giải quyết và ông hứa hẹn sẽ giải quyết “bằng trái tim.”

5-Khó khăn và trở ngại

Bộ Trưởng Nội An Kelly nói rằng ICE không đủ nhân lực và không tin là có thể tuyển dụng đủ 15,000 nhân viên có khả năng và được huấn luyện đầy đủ trong nhiều năm tới.

Một trở ngại khác là chính quyền nhiều tiểu bang và địa phương sẽ không hợp tác, cảnh sát không trợ lực với nhân viên liên bang và ICE không dễ dàng thi hành nhiệm vụ ở những nơi được gọi là thành phố an toàn cho dân tạm dung. 

Chính sách di dân của TT Trump tác hại đến phát triển kinh tế

Chính sách di dân của TT Trump tác hại đến phát triển kinh tế

Từ trước đến nay, các nhà kinh tế đều đồng ý với nhau là đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, thành phần di dân đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và chính Chủ Tịch Janet Yellen của Quỹ liên bang FED cũng đồng ý như thế.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất