Khác biệt Trump - Obama trong bài toán Iran
Khi các đồng minh của Trump bảo vệ quyết định không kích Soleimani, thay vì tập trung vào tướng Iran, nhiều người lại chĩa mũi dùi về Obama.
08:30 07/01/2020
"Obama vạch ra những lằn ranh đỏ rồi phớt lờ chúng", nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz viết trên Twitter sau vụ không kích hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm 3/1, nói thêm rằng Tổng thống Donald Trump "sẽ không bao giờ như thế".
"Đất nước có một lãnh đạo mới, nhưng có lẽ họ nghĩ rằng Obama vẫn là tổng tư lệnh", David Clark Jr., cựu cảnh sát trưởng Milwaukee, bang Wisconsin, nói. Nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise thậm chí còn tuyên bố một cách sai lệch rằng Obama "từng gửi tiền cho Iran trong khi họ giết người Mỹ". "Dưới thời Trump, đã đáp trả", Scalise nói tiếp.
Theo bình luận viên David Nakamura của Washington Post, sau quyết định không kích táo bạo của Trump, Washington đang phải chuẩn bị cho nguy cơ trả đũa từ Tehran, có thể khiến nước Mỹ rơi vào cuộc xung đột phức tạp và khó giải quyết tại Trung Đông, điều mà Trump từng cam kết sẽ tránh.
Trong bối cảnh đó, Obama trở thành "lá chắn" để Trump và những người ủng hộ chứng minh ông chủ Nhà Trắng đã cứng rắn hơn người tiền nhiệm trong chính sách với Iran.
Các cựu quan chức trong chính quyền Obama tuyên bố vụ không kích Soleimani là hành động chiến tranh liều lĩnh, thiếu suy nghĩ và gần như chắc chắn sẽ phản tác dụng. Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Obama, còn nghi ngờ khả năng xử lý "cuộc khủng hoảng quốc tế phức tạp và dai dẳng" của Trump.
Đáp lại, chiến dịch tái tranh cử của Trump chia sẻ trên Twitter một bài đăng với chú thích "quan hệ Mỹ - Iran dưới thời Trump và Obama", gồm bức ảnh giới chức Iran tưởng niệm Soleimani đặt cạnh bức ảnh lính hải quân Mỹ bị Iran bắt năm 2016 vì xâm phạm vùng biển nước này.
Ryan Fournier, đồng sáng lập nhóm Students for Trump vận động tái tranh cử cho Tổng thống Mỹ, cho biết các đồng minh của Trump coi việc hạ sát Soleimani không chỉ giúp loại bỏ "người quyền lực thứ hai Iran", mà còn là chiến thắng lớn hơn cả chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011, một trong những thành tựu hàng đầu về an ninh quốc gia của Obama.
Bình luận viên Nakamura đánh giá những lời ca ngợi vụ không kích Soleimani cũng nhằm "ghi nhận công lao" cũng như gia tăng uy tín cho Trump vào thời điểm con đường chính trị của ông dễ bị tổn thương, khi quá trình xem xét bãi nhiệm đang diễn ra.
Thêm vào đó, chúng còn giúp bác bỏ những chỉ trích đối với quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) hồi năm 2018 của Trump. Chính quyền Obama ký JCPOA với Iran và 5 cường quốc hồi năm 2015, sau 15 năm đàm phán ngoại giao, trong đó Tehran chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt và bán dầu ra nước ngoài. Tuy nhiên, Trump cho rằng JCPOA còn nhiều thiếu sót.
Với việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Trump đã hoàn thành một lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Nhưng giới chuyên gia cho rằng quyết định này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Tehran, góp phần dẫn tới leo thang khủng hoảng, với cái kết là vụ tấn công giết chết Soleimani. Iran hôm qua tuyên bố "tiếp tục làm giàu uranium không giới hạn" và sẽ không tuân thủ các giới hạn hạt nhân trong JCPOA.
Các cựu quan chức Mỹ cho rằng Trump khao khát xóa bỏ di sản chính sách đối ngoại của Obama và chứng tỏ vai trò tổng tư lệnh của ông. "Trump bị ám ảnh về Obama. Tôi nghĩ ông ấy coi người tiền nhiệm là thước đo cần phải đánh bại", Fernando Cutz, cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia từng phục vụ dưới thời cả hai tổng thống Mỹ, nhận xét.
Nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền, bao gồm cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, từng nỗ lực thuyết phục Trump duy trì JCPOA, nhưng cuối cùng thất bại. Theo Cutz, Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận bởi đây là kết quả đạt được dưới thời Obama mà ông đánh giá là "một điều khủng khiếp". Cựu quan chức này tiết lộ thêm rằng trong các cuộc họp với đội ngũ cố vấn an ninh, Trump từng nói ông nên được trao giải Nobel Hòa bình và phàn nàn về việc Obama nhận giải thưởng này.
"Tôi nghĩ không nói quá khi cho rằng nguồn cơn của hầu hết sự việc là sự đố kỵ với Obama", cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Ned Price cho biết. "Đó là quyết tâm của Trump, được mài giũa suốt hơn một năm tranh cử và trong thời gian cầm quyền, nhằm chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận của Obama".
Không chỉ JCPOA, chính quyền Trump còn rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ thỏa thuận tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương của Obama, đảo ngược những nỗ lực "hâm nóng" quan hệ với Cuba, từ bỏ chiến lược cô lập Triều Tiên và trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với lãnh đạo Kim Jong-un.
Trump không đề cập tới Obama khi tuyên bố cái chết của Soleimani hôm 3/1. Nhưng vài ngày trước đó, khi đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị đám đông biểu tình ủng hộ Iran tấn công, Trump dường như ngầm chỉ trích người tiền nhiệm khi nhắc tới vụ Benghazi hồi năm 2012. Khi đó, lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, Libya bị phiến quân tấn công, dẫn tới cái chết của đại sứ Christopher Stevens, thảm kịch mà phe Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền Obama.
Tuy nhiên, Robert Spalding, tướng không quân từng phục vụ trong chính quyền Trump, cho rằng di sản của Obama không phải lý do chính thúc đẩy Tổng thống Mỹ ra lệnh không kích Soleimani và gọi quan điểm này là "sự suy diễn". Ông giải thích rằng tướng Iran từ lâu đã là mối đe dọa với an ninh quốc gia, đáng lẽ nên bị nhắm tới từ thời Obama hay cựu tổng thống George W. Bush.
Trong khi đó, bình luận viên Nakamura chỉ ra rằng trước cả khi khởi động chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2015, Trump rõ ràng đã vô cùng tập trung vào Obama, khi ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng người tiền nhiệm không sinh ra ở Mỹ, nhằm thách thức tính hợp pháp khi ông giữ chức tổng thống.
"Nỗi ám ảnh Obama" của Trump dường như ngày càng gia tăng mạnh mẽ hơn trong ba năm cầm quyền. Ông chủ Nhà Trắng đề cập tới Obama 537 lần trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018 và 169% so với năm 2017, theo phân tích của bình luận viên Daniel Dale của CNN.
Nhà sử học Douglas Brinkley tại Đại học Rice, bang Texas, cho biết một số tổng thống Mỹ trước đây cũng tỏ thái độ bất đồng với người tiền nhiệm, như Franklin Roosevelt với Herbert Hoover hay Ronald Reagan với Jimmy Carter. Tuy nhiên, ông cho rằng không mối quan hệ nào có thể căng thẳng bằng Trump và Obama.
"Trump thích sự thật rằng công kích Obama, một tổng thống Mỹ gốc Phi, mang lại sự ủng hộ mà ông cần từ cánh hữu của đảng Cộng hòa. Ông ấy cần chứng minh Obama là một tổng thống thực sự tồi tệ để biện minh cho những lời công kích người tiền nhiệm", Brinkley đánh giá.
Mỹ có thể sẽ chứng kiến mùa cúm nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỉ
Nước Mỹ có thể sẽ chứng kiến một trong những mùa cúm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, theo bác sĩ hàng đầu của Mỹ.