Khám phá sự thật về đời sống của những ca sĩ hải ngoại: Chỉ một cái ôm cũng đủ thấy ấm lòng.

Người Việt xa xứ, một cái ôm cũng đủ để tất cả ấm lòng. Đặc biệt là nghệ sĩ hải ngoại, một chút yêu thương, chia sẻ đùm bọc chính là món quà quý giá mà không gì có thể đổi lấy.

06:30 30/12/2020

Đời nghệ sĩ vốn bạc và lắm truân chuyên đặc biệt là nghệ sĩ xa xứ. Rời khỏi quê hương để lập nghiệp nơi đất khách vốn đã rất khó và khổ, họ là nghệ sĩ đam mê ánh đèn sân khấu và nghệ thuật lại càng trắc trở hơn. Khoảnh khắc đẹp nhất của người nghệ sĩ hải ngoại chính là được bên nhau để giúp đỡ những lúc khó khăn.

Nghệ sĩ hải ngoại đều được sinh ra và lớn lên tại việt Nam nên kí ức của họ về Việt Nam rất sâu đậm. Vậy nên dù sống nơi đất khách mấy chục năm thì họ vẫn giữ được văn hóa, đời sống, món ăn, trang phục,…của Việt Nam. Thậm chí Bằng Kiều còn tự đặt tên cho con đường trước nhà là Ngô Sĩ Liên để ghi nhớ nơi anh được sinh ra và khôn lớn.

Cũng vì vậy mà phong cách trình diễn, sáng tác cho đến cách thể hiện cũng mang dấu ấn riêng, rất Việt Nam.

Dù là có tên tuổi, có nổi tiếng nhưng khi sang nước ngoài những nghệ sĩ này vẫn chịu rất nhiều gian khổ. Để có tiền sống, họ phải đánh đổi rất nhiều thứ và gần như cơ hội lên sân khấu của họ là rất ít. Vì vừa sang nước ngoài nên công việc của họ rất cực khổ nhưng thu nhập lại rất thấp.

Danh ca Khánh Ly, giọng hát vàng của giai đoạn trước đã phải chật vật làm đủ nghề để sống. Cô nhặt đồ người khác bỏ đi mà mang về sử dụng. Cô chia sẻ: “Tôi sang Mỹ với hai bàn tay trắng, không có một xu dính túi. Trước đó, tôi còn phải đi chùi văn phòng, dọn dẹp toilet cho trường mẫu giáo.

Lúc đó, ai kêu tôi đi làm gì tôi làm đó. Tôi phải quên mình đi vì mình chẳng là gì ở Mỹ hết. Tôi chỉ muốn phải làm sao kiếm được việc làm để không phải ăn nhờ ở đậu ai hết và lo được cho con mình. Tôi cũng bắt đầu đi kiếm, đi xin những đồ người ta bỏ lại như bếp, rồi kêu người đến lắp gas, lắp điện“. Trước khi sang Mỹ, cát xê của những nghệ sĩ này thuộc vào hàng cao ngất. Danh ca Lệ Thu kể rằng:

“Tiền cát xê tôi được trả phải nhét vào bao bố mang về. Một triệu một tháng là số tiền quá nhiều. Ngày đó, lương công chức cao cấp là 32 ngàn, một lượng vàng chỉ khoảng một ngàn hay 500 đồng gì đó, tôi không nhớ rõ”. Thế nhưng sau khi sang nước ngoài, chính cô lại không một xu dính túi. Một thời huy hoàng là vậy nhưng đến hải ngoại cô không có tiền mà cắt tóc.

Cô nhớ lại:

“Thời gian đầu sang hải ngoại, tôi nghèo lắm. Lúc đó, tôi còn đang sống tại một đảo, tóc dài mà còn không có tiền cắt tóc. Một lần nọ, không biết ai gửi cho anh Hoàng Thi Thao (nhạc công vĩ cầm) tiền, anh ấy cho tôi ba đồng và nói: “Cầm tiền mà đi cắt tóc đi”. Tôi nhận ba đồng đó, nhưng lại không cắt tóc mà đi mua rau muống với cá. Sở dĩ như vậy vì trên đảo tôi ở chỉ toàn ăn đồ hộp, không có đồ tươi. Tôi thèm quá nên mới mua cá và rau muống về luộc”.

Về sau, những thế hệ nghệ sĩ đàn em sang hải ngoại cũng không tốt hơn bao nhiêu. Ca sĩ Phi Nhung đã phải làm việc nát cả tay để kiếm tiền sống và nuôi con. Cô hồi tưởng: "Sang Mỹ, tôi phải đi may thảm cho một hãng thảm. Được 6 tháng, tôi muốn kiếm thêm tiền gửi về cho các em nên đi làm lợp tôn. Tôi làm lợp tôn 2 tháng thì tay chân nát hết, đành phải nghỉ.

Xưởng may chỉ làm các ngày trong tuần nên tới thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, tôi tiếp tục đi làm nhà hàng, tranh thủ học thêm tiếng Anh. Tôi phải đi lau dọn, cọ rửa mọi thứ cho nhà hàng. Tôi sống quá cực khổ, khổ đến cùng cực, khổ không thể tưởng tượng được.

Tôi đi làm vất vả, kiếm từng đồng một để trả tiền nhà, tiền xe. Đến cái chén ăn cơm tôi cũng phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó ở đâu mà có? Đó là tiền tôi phải đi làm cực nhọc kiếm ra, chứ đâu được ai cho. Thậm chí, ngay cả đi sinh con, tôi cũng phải tự động lái xe một mình. Sinh con xong, tôi lại phải lái xe một mình về. Tôi đặt con bên cạnh, cứ thế lái xe về nhà, không có bất cứ ai ở bên chăm sóc, cha mẹ không, chồng cũng không”. Nghệ sĩ Như Quỳnh, Ngọc Lan phải đi làm phục vụ, chạy bàn cho nhà hàng để kiếm tiền. Linda Trang Đài đi phát tờ rơi kiếm sống. Nghệ sĩ Thanh Hà làm 13 nghề với mức lương 3 đô/ giờ. Cô kể:

“Tôi đã từng trải qua 13 nghề nghiệp khác nhau trước khi trở thành một ca sĩ, từ những nghề phổ thông tay chân như phụ bếp, sản xuất bật lửa, đến công việc tại một hãng kính áp tròng. Tôi phải đi phụ việc bếp trong các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald, Burger King…”.

Mặt khác tuổi thơ của nghệ sĩ hải ngoại mang nhiều cay đắng. Nghệ sĩ Phi Nhung và Thanh Hào không có cha, sống xa gia đình và tự mình kiếm sống. Jimmii Nguyễn chứng kiến em gái và người yêu sắp cưới của mình trước mắt. Nghệ sĩ Bạch Yến lái mô tô kiếm tiền từ năm 12 tuổi, bị tai nạn mô tô 2 lần bị cả mô tô đè lên người.

Ca sĩ Minh Tuyết hồi tưởng lại nỗi cô đơn mà rướm nước mắt:

“Trong 3 năm đầu qua Mỹ, tôi khóc nhiều vô cùng vì cô đơn tột độ. Tôi chỉ sống một mình, không có bất cứ ai bên cạnh.

Tôi vừa cô đơn, vừa lẻ loi khi phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, lại không được hát như mình muốn. Tôi không có nhà riêng, phải mướn một phòng trong nhà người ta để ở. Ví dụ, nhà họ có 5 phòng thì sử dụng 4 phòng, còn lại một phòng cho mình ở. Tôi không có tiền nên buộc phải sống như vậy. Tôi phải đón Tết một mình, chỉ có mình tôi ngồi lặng bên cửa sổ nhìn người ta bắn pháo bông. Tôi buồn lắm. Tôi tuyệt vọng, còn gọi điện về hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con có nên quay trở về không”.

Nhạc hải ngoại chính là định nghĩa của âm nhạc do các nghệ sĩ gốc Việt sáng tác và trình diễn tại nước ngoài. Những nghệ sĩ hải ngoại thường sống tại Mỹ, Canada và các nước khác tại Châu Âu. Những năm vừa qua, nền âm nhạc hải ngoại tồn tại thống nhất nhưng không tách rời với nền âm nhạc trong nước. Cũng chính vì sự tồn tại độc lập này nên âm nhạc hải ngoại luôn giữ được cái hồn riêng, một sự pha trộn của thuần Việt và ngoại nhập. Vì cuộc sống khổ cực, cô đơn đến tận cùng nên cuộc sống của nghệ sĩ hải ngoại hầu như rất khép kín. Họ rất ít khi phát ngôn trên báo chí, truyền thông hay mạng xã hội.

Sơn Tuyền được Khánh Ly mời đến California làm việc và phát hành băng đĩa. Thanh Hà được Linda Trang Đài giới thiệu đi hát tại Vũ Trường. Danh ca Thái Thanh sang Mỹ năm 1985, Khanh Ly cùng nhiều anh chị em nghệ sĩ khác đã cùng tổ chức một đêm nhạc riêng cho bà. Cô nhớ lại: “Thời điểm cô Thái Thanh qua Mỹ, tôi cũng đâu có gì cho cô đâu. Tôi chỉ tặng cô được một bộ đồ thôi, nhưng đó vẫn là điều đáng quý”. Ngôi nhà của Khánh Ly cũng chính là nơi nghệ sĩ của Việt Nam cùng nhau hội tụ nơi đất khách. Cô chia sẻ:

“Cũng mảnh vườn này ngày xưa tôi tụ tập rất nhiều anh chị em nghệ sĩ, bạn bè tới sinh hoạt. Ai lạnh mà thấy cái áo nào cứ việc khoác vào, ai muốn ăn gì cứ lấy ăn. Nhà tôi nghèo, nhỏ nhưng trái tim không nhỏ là được rồi. Đôi tay của tôi không nhỏ, chỉ tiếc là không ôm hết mọi người thôi”.

Khánh Ly nghẹn ngào kể về tình nghệ sĩ tại đất khách quê người: “Khi ấy, nghệ sĩ chúng tôi đều không có xe để đi, cũng không có tiền trong người, nên được người bảo trợ đưa xe chở đến rạp. Rõ ràng là tới đại nhạc hội, nhưng anh chị em nghệ sĩ chúng tôi nhìn thấy nhau chỉ có khóc thôi.

Tuy khóc là vậy, nhưng tôi lại nghĩ đó là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người, tôi không bao giờ quên được. Nước mắt chảy ra như thế nhưng rất đáng quý, vì còn khóc được là còn thương nhau. Cái khoảnh khắc người Việt xa xứ gặp lại nhau ở nơi đất khách quê người xúc động lắm. Lúc đó, tình nghệ sĩ thật sự đáng quý. Nhưng cái lúc nghèo khó, cơ cực đó mà vẫn ở với nhau, bên cạnh nhau là hạnh phúc lắm.”

PV

Tags:
Từ khi nhậm chức, Trump chơi golf 315 ngày, xài $151 triệu công quỹ

Từ khi nhậm chức, Trump chơi golf 315 ngày, xài $151 triệu công quỹ

Chuyến đi về câu lạc bộ Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida của Tổng Thống Donald Trump trong kỳ nghỉ Giáng Sinh 2020, là lần thứ 31 ông về đây kể từ khi nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng, 2017.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất