Khi cảnh sát Mỹ đi cướp

Họ từng là những cảnh sát tỏ ra rất mẫn cán và đầy năng lực cho đến khi bị bắt vì tội cướp của và buôn bán ma túy.

12:30 22/04/2018

Nhóm cảnh sát biến chất tại Baltimore 

Trong vụ án làm rúng động thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ), một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ hiện nguyên hình là những tên cướp có vũ trang và buôn ma túy đầy thủ đoạn. Kẻ cầm đầu thậm chí từng được tuyên dương và nhận huân chương anh dũng, theo BBC.

Năm 2015, giữa làn sóng bạo động leo thang ở Baltimore sau vụ thanh niên da màu Freddie Gray thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát tạm giữ, Đơn vị chuyên trách phát hiện vũ khí (GTTF) thuộc Sở cảnh sát thành phố được coi là một điểm sáng tích cực. Trong bối cảnh cả thành phố bất an vì biểu tình bạo lực, hôi của cùng tỷ lệ giết người tăng ở mức kỷ lục, nỗ lực của GTTF được cấp trên và dư luận hết lời khen ngợi nhờ tịch thu được hơn 100 món vũ khí chỉ trong khoảng 10 tháng. Tổ trưởng Wayne Jenkins thậm chí được tặng huân chương sau khi lao vào đám đông biểu tình để cứu đồng đội bị thương.

Tuy nhiên, bộ mặt thật của GTTF đã bị phơi bày trong phiên tòa mới đây khi 7/8 thành viên ra trước vành móng ngựa với các tội danh cướp có vũ trang, tống tiền và buôn ma túy. Các bị cáo gồm: Jenkins, Momodu Gondo, Evodio Hendrix, Maurice Ward, Jemell Rayam, Daniel Hersl và Marcus Taylor. Đài WBAL-TV dẫn cáo trạng cho hay trong các ngày nghỉ, cả nhóm mặc thường phục, mang “đồ nghề” như súng ống, búa tạ, mã tấu, mặt nạ…, lái xe rảo quanh những nơi thanh niên và tội phạm ma túy trong thành phố thường tụ tập. Khi có cơ hội, nhóm này sẽ khống chế con mồi để cướp ma túy và tiền rồi mang về cất giấu, chờ bán qua địa phương khác. Nếu phát hiện súng, bọn chúng sẽ mang nộp cấp trên để lấy thành tích. Trong một vụ vào tháng 3.2016, nhóm này xông vào nhà của một nghi phạm buôn ma túy tên Oreese Stevenson dù không có lệnh khám xét, cướp khoảng 100.000 USD, một lượng lớn cocaine và một đồng hồ đắt tiền. Sau đó, chúng dựng hiện trường giả và báo cáo với cấp trên là phá được án, nộp tang vật gồm 100.000 USD cùng một ít ma túy.

Dấu vết của băng cảnh sát “kiêm” tội phạm bắt đầu lộ dần vào tháng 10.2015. Khi đó, điều tra viên David McDougall thuộc Sở Cảnh sát hạt Harford (cũng thuộc Maryland) đang theo dõi nghi phạm buôn ma túy Aaron Anderson sống tại Baltimore. Nhờ đặt thiết bị định vị GPS dưới gầm xe của Anderson, ông McDougall ngày 19.10.2015 phát hiện đối tượng này đi vào một khách sạn trong vùng. Nghi ngờ có phi vụ ma túy diễn ra, ông McDougall cùng đồng đội xông vào định bắt trọn ổ nhưng lại không phát hiện được gì.

Sau đó, Anderson khai không dám ở nhà vì sợ bị giết. “Ba kẻ lợi dụng lúc tôi đi vắng đã đột nhập vào nhà dọa giết bạn gái tôi, cướp đi nhiều nữ trang, 10.000 USD tiền mặt, đồng hồ Rolex, súng và 800 gr heroin”, cáo trạng ghi lại lời Anderson nói. Người này cho biết thêm có “dấu chân đạp trên cửa”, còn “ổ khóa bị phá vỡ”. Ông McDougall nghi ngờ vì những miêu tả trên giống với thao tác đột kích của cảnh sát nên lập tức báo với Cục Điều tra liên bang (FBI). Đặc vụ FBI phát hiện chính Gondo, Rayam và một tên tội phạm “thứ thiệt” đã cùng đột nhập nhà Anderson để thủ tiêu người này theo đơn đặt hàng của một trùm ma túy khác nhưng không gặp nên chỉ cướp số tài sản nói trên. Cuối cùng sau quá trình điều tra hơn 2 năm, cả nhóm cảnh sát biến chất đã phải tra tay vào còng. Theo tờ Daily Mail, phiên tòa vẫn đang tiếp diễn và 7 bị cáo đang đối mặt với án tù từ 20 – 60 năm.

Theo Thanh niên

Tags:
13 điều những người hạnh phúc không bao giờ làm

13 điều những người hạnh phúc không bao giờ làm

Nếu hay làm những điều dưới đây hằng ngày, không có gì ngạc nhiên khi bạn luôn thấy mình bất hạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất