Khi đàn ông chọn nghề nail
“Đàn ông phải biết mình làm gì, phải biết xác định mình làm nail để kiếm tiền cho gia đình hay kiếm tiền trong lúc chờ đổi nghề khác. Mà khi đã theo nghề rồi thì phải cố gắng, không có kỳ hay tự ái gì khi mình kiếm tiền để tự lo cho cuộc sống của mình và gia đình cả,” anh Nguyễn Quốc Đạt, người theo nghề nail trên 8 năm, nhìn lại công việc của mình đang đeo đuổi.
06:01 18/11/2017
Ông Nguyễn Xuân Sanh, 53 tuổi, làm nail hơn 15 năm, suy ngẫm, “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề nail này. Bây giờ tay nghề tôi đã khá, thu nhập không thấp. Tôi không biết bỏ nghề này thì tôi có thể tìm được công việc gì tốt hơn.”
Anh Nguyễn Quốc Đạt và ông Nguyễn Xuân Sanh là hai trong số nhiều người đàn ông Việt Nam chọn nail làm công việc mưu sinh khi sanh định cư tại Hoa Kỳ.
Khi nail gần như trở thành một nghề được “đóng dấu” cho người tị nạn Việt Nam tại đây thì sự xuất hiện ngày càng nhiều của những người đàn ông làm nail cũng là chuyện tất nhiên.
Nếu như ông Nguyễn Xuân Sanh, một thợ nail làm việc tại Palm Dale, cho rằng lúc ông bắt đầu đi học nail vào năm 1993, “lớp chỉ có lưa thưa vài ba người đàn ông,” thì hiện nay, theo cô Nga Trần, người đang phụ trách lớp “maicuring” tại trường Advanture Beauty College (thường được gọi dưới tên ‘trường thẩm mỹ ABC’), “trong số 70 học viên thì sẽ có khoảng 20 người là nam, tức số học viên nam chiếm khoảng 29%.
Điều này khá trùng khớp với khảo sát gần đây do tạp chí NAILS Magazine và ấn bản Viet Salon thực hiện trong năm 2008-2009. Theo khảo sát này, trong ngành nail nước Mỹ có đến 96% thợ nail là nữ, chỉ có 4% là nam giới.
Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn trong cộng đồng Việt Nam thì số lượng thợ nail là nam lên tới 28%, trong khi thợ nữ là 67% (có 5 % không trả lời khảo sát này) Như vậy, tỉ lệ đàn ông gốc Việt đi làm nail cao hơn gấp 7 lần so với các sắc dân “Non-Vietnamese.”
Phóng viên Người Việt đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này qua việc trao đổi, chuyện trò, phỏng vấn những người đàn ông làm nghề nail lâu năm lẫn những người mới bước chân vào trường học nail để chuẩn bị cho mình một nghề “kiếm cơm” trong tương lai.
Đàn ông chọn nghề nail
Đàn ông Việt Nam làm nghề nail cao gấp nhiều lần so với đàn ông các sắc dân khác là bởi người Việt Nam làm thợ nail nhiều hơn người “non-Vietnamese.”
Những người đàn ông chọn nghề nail thường là do có người trong gia đình trước đó đã học, đã đi làm nail. Hoặc khi sang Mỹ định cư, cả hai vợ chồng cùng chọn đi học nail. Mở trang Rao Vặt trên báo Người Việt, không khó để tìm ra những mẫu tin tìm người như “cần thợ nail xuyên bang. Vợ chồng ok,” hay “cần vợ chồng đi xuyên bang, biết bột, pink and white, dưới 40…”
“Cứ nghĩ mình qua đây tiếng Anh tiếng u không bằng ai mà cứ tự ái hoài thì lấy gì mà sống? Nên trong lúc rảnh rỗi sau thời gian làm thợ bạc bị người ta lừa sạch vốn, thấy người ta đi học nail, mình cũng đi học thử, rồi theo nghề luôn,” anh Đạt, 40 tuổi, cùng vợ vừa làm chủ vừa làm thợ tiệm nail Glamour Nail ở thành phố Murrieta, cách Little Saigon khoảng một tiếng lái xe, nói.
Việc anh Đạt không tự ái, hay ít thấy kỳ kỳ khi đi học nail là vì khi đó trong gia đình, anh chị và cả bạn gái của Đạt cũng theo nghề nail.
Với ông Nguyễn Xuân Sanh, 53 tuổi, làm nail từ năm 1993, lý do đến với nghề nail của ông bắt đầu từ suy nghĩ, “Khi mới qua Mỹ, nhìn thấy các cặp vợ chồng bỏ nhau nhiều quá, tôi không muốn gia đình đổ vỡ như vậy, nên tôi nghĩ chỉ có hai vợ chồng làm chung với nhau thì mới có thời gian bên nhau, cùng lo cho con cái.”
Sau thời gian hai vợ chồng cùng làm nghề may không thành công, vợ ông chuyển qua đi học nail. Khi chở vợ đi học, nhìn thấy lớp học nail, ông Sanh nói với vợ, “nghề này là nghề của anh.”
Thêm vào đó, ông Sanh cho rằng, “mới qua, tiếng Anh không giỏi, đi làm nail chỉ cần có biết kỹ năng làm sao cho đẹp, rồi chú trọng trau dồi, còn tiếng Anh chỉ cần biết chút ít giao tiếp là được.”
Khác với ông Sanh, anh Đạt, những người từng “làm ruộng,” “buôn bán” trước khi sang Mỹ, và “chưa bao giờ nghĩ có lúc mình trở thành thợ nail” thì Việt Lê, Hòa Vũ, và Thành Nguyễn đều đã chuẩn bị sẵn tư tưởng và tâm thế “sẽ đi làm nail” từ trước khi đặt chân đến mảnh đất Cờ Hoa. Phóng viên Người Việt gặp ba người này tại một lớp học nail của trường thẩm mỹ ABC.
Vừa cầm ngón tay giả bằng nhựa để tập “đắp bột” Thành Nguyễn, 24 tuổi. Vừa cho biết là “không có gì ngại khi đi học nail” vì “mình có ăn cướp ăn giựt gì của ai đâu.” Thành nói và cười một cách hiền lành. Chị ruột của Thành, người trước đây cũng có bằng nail, là người khuyên Thành nên đi học nail để kiếm việc trong thời gian chờ vào đại học.
Thành sang Mỹ được 5 tháng, mới vô học nail được chừng 1 tuần. Trước khi sang Mỹ, Thành từng học chuyên ngành du lịch và làm tiếp tân cho một resort ở Phan Thiết.
Hai mươi mốt tuổi, Hòa Vũ đến Mỹ được 2 tháng, nhưng đã vào lớp nail học được 1 tháng. Hòa là người Đà Lạt, sau khi học lớp 12 xong, Hòa phụ việc buôn bán với gia đình trước khi sang định cư ở Hoa Kỳ. Hòa nói, “mẹ em đã sang Mỹ trước, đang làm nail,” nên chuyện “đi học nail để kiếm việc làm trước mắt” của Hòa gần như không có gì ngạc nhiên.
Tuy nhiên, nếu cả Hòa và Thành đều cho rằng chuyện học nail để đi làm thợ chỉ là “chuyện tạm thời trong thời gian chờ đi học college vì tụi em còn trẻ” thì Việt Lê, 32 tuổi, gần như xác định sẽ gắn bó với nghề nail trong tương lai, bởi “mẹ tôi cũng có tiệm nail.”
Việt là người Sài Gòn, sang Mỹ được 4 tháng, vừa thi lấy bằng xong, đang chờ nghỉ ngơi vài hôm và “luyện thêm bột” rồi sẽ bắt tay vào nghề. Việt có vẻ đã có sự tìm hiểu, chuẩn bị khá kỹ càng cho công việc này, nên anh cho rằng, “Thích thì tôi mới theo nghề này. Nghe nói đi xuyên bang có thể kiếm được $4,000 một tháng. Tôi thấy có gì là quê đâu khi đi học nail! Mà sao người ta lại có vẻ chê bai, kỳ thị nghề này dữ vậy?”
Qua tìm hiểu ở các học viên của mình, cô Nga Trần cho biết thêm một lý do đàn ông đi học nail là để về phụ vợ mở tiệm nail.” Đây thường là những người đàn ông đã “có tuổi” và có vợ làm nail, muốn học nail để “khi làm chủ tiệm thì cũng biết đường nói chuyện với khách, với thợ.”
Đàn ông làm nail khó hay dễ?
Những nghề như may vá, trang điểm, nấu ăn, cắm hoa, làm bánh,… tưởng chừng như là nghề đặc thù dành cho phái nữ. Thế nhưng khi đàn ông chịu bước chân vào các lãnh vực đó thì họ lại thành công nổi bật lên. Nghề nail cũng không ngoại lệ.
“Cái khó khi theo nghề nail là làm sao vượt qua được tư tưởng xưa nay của người Việt luôn coi nghề nail là thấp hèn,” ông Nguyễn Xuân Sanh, người đã làm nail qua nhiều tiểu bang khác nhau trước khi trở lại Cali, nêu suy nghĩ.
Việt Lê, trước đây làm nghề trang trí nội thất ở Sài Gòn, vừa mới thi lấy xong “licence” làm nail, trả lời không chút đắn đo, “Tôi thấy không có gì khó hết. Thấy dễ mà!”
Điều mà Việt cho là khó nằm ở chỗ “học trong trường không có nhiều người cho mình thực tập bột.” Do đó muốn “yên tâm” ra nghề, Việt phải tìm người dạy thêm về làm móng bột.
Anh Nguyễn Quốc Đạt, kinh nghiệm 8 năm theo nghề “giũa” cũng nói một cách hóm hỉnh, “Làm nail là dễ nhất rồi! Đàn ông người ta còn làm đến cái gì nữa không biết, mình chỉ có làm nail mà làm không được nữa thì thôi.”
Tuy là vậy, nhưng để mọi chuyện trở nên “dễ nhất” ai cũng cần phải trải qua rèn luyện. Nhìn Hòa Vũ, người học nail được 1 tháng, bặm môi gò từng nét cọ tập vẽ đường “sơn french” trên tay một người bạn học cùng lớp, hay nhìn Thành Nguyễn cặm cụi, tỉ mỉ tập cầm cọ, đắp bột lên những ngón tay giả, mới thấy được đến khi người thợ có thể làm móng “pink and white” mà không cần dùng móng giả để cắt shape hay tay thoăn thoắt chấm liquid và dùng đầu cọ lấy đúng lượng bột cần có để đắp lên móng tay khách, không thừa không thiếu, không thể là chuyện một ngày một bữa, hay chuyện “chỉ có nhìn thôi là làm được.”
Anh Đạt tâm sự, “Bộ móng tay đầu tiên tôi làm mất một tiếng rưỡi, vừa làm vừa run mà mồ hôi cứ tuôn xuống tuôn xuống. Giờ thì chỉ cần 30 phút, có khi 20 phút là tôi làm xong rồi.”
Đạt kể sau một tuần đầu đi làm nail, anh nghĩ muốn giỏi thì phải có “móng để dợt.” Thế nên khi khách vô “fill” móng cũ, anh “offer” cho khách làm bộ móng mới luôn, nhưng chỉ trả tiền bằng tiền “fill” thôi. Cứ vậy, một thời gian sau, tay nghề Đạt lên thấy rõ.
Với kinh nghiệm 12 năm dạy nail cho rất nhiều lứa học trò, cô Nga Trần nhận xét, “Khi các em nam đã chịu theo học nghề này thì lại thành công hơn nữ.”
Lý do thành công mà cô Nga đưa ra là do “Các em nam, nhất là khi còn độc thân, có nhiều điều kiện dễ dàng bay ra khỏi California, nên cơ hội trau dồi nghề nhiều hơn. Sau nửa năm chịu đi như vậy, khi trở lại hầu như em nào cũng giỏi lên, kiếm tiền nhiều hơn.”
Đàn ông làm nail phải giỏi ‘bột’ (acrylic)
Những ai đã từng học nail, từng đi làm nail đều dễ dàng nhận ra một điều: đàn ông làm nail “bắt buộc” phải học bột (nail acrylic), phải giỏi bột và ít thợ đàn ông làm “pedicure” (chân nước) cho khách, trừ khi đó là “khách bột” của mình.
Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm mang đậm nét phong kiến Á Đông của người Việt Nam, như ông Nguyễn Xuân Sanh chia sẻ, “Đàn ông Việt Nam có quan niệm về danh dự của người Á Đông, nên họ nghĩ là nếu ngồi xuống làm chân cho phụ nữ thì bị đánh giá là thấp hèn, không đúng mức.”
Không chỉ có tự thân nhiều thợ nail là nam cảm thấy như vậy, mà ngay cả chủ tiệm là phụ nữ cũng không muốn hoặc “cảm thấy ngại” khi gọi thợ nam đi làm chân, trừ khi khách yêu cầu hay chính người thợ nam “tự nguyện.”
“Đó chính là lý do khiến đàn ông học nail khó kiếm việc khi mới ra trường hơn là nữ, “cô Nga của trường thẩm mỹ ABC nhận xét.
Nhiều tiệm đăng Rao Vặt cần thợ nail, nhưng chỉ là “nữ only” là bởi thợ nữ dù mới ra trường cũng có thể làm ngay chân tay nước. Trong khi đó thợ nam mới ra trường được đánh giá ngay là “chưa có kinh nghiệm bột” nên không mấy ai chịu mướn, ngoại trừ khi thợ nam đó chấp nhận làm chân và chủ tiệm cũng đồng ý điều đó.
Bên cạnh đó, chuyện thợ nam ngại làm chân còn xuất phát từ chính thái độ, cách hành xử của người khách.
“Cũng không biết nói làm sao nữa nhưng có nhiều bà khách lạ lắm. Họ có vẻ tỏ ra coi trọng những người thợ bột ngồi trên làm tay cho họ hơn là người thợ ngồi bên dưới làm chân, trong khi mình cũng hết lòng làm sao cho đẹp,” ông Đạt nêu suy nghĩ.
Do vậy, để có thể “sống còn” với nghề nail, thợ nam chỉ còn cách là phải giỏi bột. Nhiều thợ nữ “chê bột” sợ hít hoài chất acrylic và liquid sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi thợ nam không có sự lựa chọn đó. Nghĩa là, người nữ có quyền chọn chỉ làm “thợ tay chân nước” còn thợ nam nếu không biết bột thì coi như không phải thợ nail.
Không có gì “kỳ”
Không ai có thể phủ nhận rằng nail là nghề làm thay đổi cuộc sống của biết bao người Việt tị nạn, không chỉ riêng ở Hoa Kỳ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Từ Tháng Năm, năm 1975, khi bà Tippi Hedren, tài tử điện ảnh nổi tiếng từ thập niên 60s của Hoa Kỳ dạy nghề nail cho khoảng 20 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ trong làn sóng di tản lúc đó, đến nay, nghề nail đã truyền cho biết bao gia đình người Việt Nam, trong đó có cả những người đàn ông Việt cũng dấn thân vào nghề này.
Không chỉ có những người vừa từ Việt Nam sang như Thành Trần, Hòa Vũ chọn nail như một “bước đệm” trước khi tìm một hướng đi tốt hơn trong tương lai, mà như cô Nga Trần cho biết, “Nhiều em vừa học xong high school ở đây cũng vào học nail để có thể đi làm kiếm thêm tiền trang trải học phí cho những năm đại học.”
Như anh Đạt chia sẻ, “Không có kỳ hay tự ái gì khi mình đi làm nail kiếm tiền để tự lo cho cuộc sống của mình và gia đình cả,” hay như ông Nguyễn Xuân Sanh nói về tương lai, “Tôi không biết bỏ nghề này thì tôi có thể tìm được công việc gì tốt hơn.”
Chính vì những điều đó, nghề nail vẫn sẽ còn đồng hành cùng người Việt trên bước đường mưu sinh trên xứ người, trong đó có cả những người đàn ông Việt.
Kể Chuyện Ở Tiệm Nails
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX