“Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc!” – câu chuyện xúc động về tình già
“Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình”.
06:51 17/06/2023
Ông cụ quay sang nhìn người bạn già đi bên cạnh mình, ông mỉm cười:
– Bà này, mỗi buổi sáng, dậy sớm, đi tập thể dục, nghe chim hót, ngắm mặt trời lên, có bà bên cạnh, với tôi cứ như là đã chờ đợi từ lâu lắm rồi.
– Thì ông công tác xa, lại được giữ lại làm cố vấn, tôi ở xa ông cũng quen rồi. Có khi bây giờ ông về, tôi lại chưa quen ấy chứ!
– Cái bà này, tôi kể cả là ở xa, nhưng khi ở bên bà, tôi có thấy lạ gì đâu? Tôi vẫn thấy lòng mình thanh thản lắm.
– Thì giờ già rồi, chỉ mong thanh thản thôi.
Ngày nào họ cũng cùng nhau đi như thế, dưới con mắt ngưỡng mộ của cả người trẻ và người già. Người trẻ nhìn ông bà mà ước: “Ước gì già mình cũng được như thế!”. Người già thì ghen tị vì có người còn có người bạn đồng hành, có người thì không. Nhưng nhiều khi già rồi, lại trái tính, trái nết, mấy ai mà được tình cảm như hai ông bà. Tình già vẫn còn vương, nhất là cụ ông, cũng xấp xỉ bảy mươi tuổi nhưng vẫn phong độ, nhanh nhẹn lắm. Đúng là quân nhân có khác, được rèn luyện qua gian khổ nên mới được như vậy. Cụ bà có vẻ yếu đuối hơn, lưng bà cũng đã không còn thẳng nữa, nhưng khuôn mặt phúc hậu khi nào cũng lấp lánh ánh cười.
***
Ông kéo ghế cho bà ngồi xuống bên cạnh, còn mình thì ngồi chiếc ghế gỗ nhỏ. Ông chăm chú nhìn nồi cháo đang sôi, thỉnh thoảng lại lấy muôi khuấy cho cháo đỡ bị dính dưới đáy nồi. Bà bảo để bà làm cho, nhưng ông nhất định không chịu, ông cười:
– Bao nhiêu năm, chỉ toàn bà nấu cháo cho các con tôi, cho bố mẹ tôi, bây giờ, tôi có nấu cho bà ăn tới hết đời cũng chưa thỏa lòng mà!
Bà nhìn ông, đôi mắt nâu đã nhạt màu vì thời gian ngân ngấn nước, mấy sợi tóc bạc trắng của bà phất phơ trước mặt. Bà vén mấy sợ tóc cho gọn rồi nhìn ông:
– Thứ tôi nuối tiếc duy nhất là khi còn trẻ chúng ta không được sống gần nhau. Ông là một người đàn ông dịu dàng. Nhưng bây giờ, ông về rồi. Với tôi thế là đủ!
Ông nhìn bà, ánh mắt lấp lánh niềm vui và ngập tràn yêu mến. Đúng là khi già, người ta mới cần người làm bầu làm bạn, có người sớm tối bên nhau, câu chuyện câu trò thì cùng nhau ăn bát cháo trắng cũng ấm lòng biết mấy.
Bà nhìn giàn mướp trổ đầy hoa vàng, những con ong mật từ đâu kéo về bay vo vo trước hiên nhà. Ánh nắng buổi sáng chưa gắt, chút gió mát thổi lại khiến không khí thoáng dịu vô cùng. Bà nhắc ông:
– Thằng cả nó bảo hôm nay nó cũng nghỉ phép đưa cả vợ con nó về đấy. Ông tính mua cái gì về làm cơm bây giờ?
– Ôi dào, bà kệ chúng nó, nó về khắc biết mua gì mà ăn. Bà chăm nó mấy chục năm, phải để nó chăm lại bà chứ?
– Nhưng mà chúng nó về đây, biết cái gì mà mua.
Ông nhìn bà, ánh mắt cười vẫn không đổi.
– Thì mua được cái gì, ăn cái đó!
Bà cũng cười nhìn ông:
– Vậy thì nghe ông!
Ông bưng hai bát cháo để lên chiếc bàn nhỏ ở góc sân, hai ông bà ngồi ăn cháo và nói chuyện gì đó rất vui, khiến bà cứ nhìn ông rồi tủm tỉm cười hoài. Những nếp nhăn trên mặt cứ xô vào rồi lại giãn ra, như dấu bước của thời gian, cứ im lìm, lặng lẽ nhưng không thể xóa nhòa.
***
Khi còn trẻ, hai ông bà cùng mệnh Kim nên người ta nói, ở với nhau rất hay va chạm. Bà là người phụ nữ thông minh, lại chịu thương chịu khó, nhưng cũng khá bướng bỉnh, nên khi nào ông cũng là người nhường nhịn bà. Ông cười:
– Thua ai mới sợ, chứ thua vợ là đương nhiên! Này nhé: Tôi làm sao mà đẻ được hai đứa con vừa ngoan ngoãn như bà, làm sao mà một lúc chăm cả bốn đứa trẻ (ý ông nói là cả bố mẹ chồng, các cụ xưa chả có câu: “Một già, một trẻ bằng nhau” mà). Bà lại còn biết sửa điện, biết tháo lắp các đồ điện trong nhà bị hỏng. Bà biết nấu những món ăn ngon mà chỉ về nhà, tôi mới được ăn. Nói chung là vì bà vĩ đại như thế nên tôi thua là cái chắc.
Có lẽ suốt cuộc đời bà, chưa khi nào phải cãi nhau với ông, vì ông lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng bà.
Trong thâm tâm bà cũng vậy, khi còn trẻ, lấy ông vì yêu ông, và cho tới tận bây giờ, tình cảm đó vẫn không thay đổi. Ngày ấy trẻ, những lần ông về, khi nào hai ông bà cũng nằm tâm sự tới khuya, có lần bà ôm ông nói:
– Sau này chúng mình già, anh không được chết trước em, em không muốn sống cô đơn một mình. Em đã sống cô đơn một mình nhiều rồi, nay mai anh về, em không muốn mình lại phải một lần nữa sống như thế. Vì vậy, nhất định anh phải sống lâu hơn em đấy! Em sẽ rất sợ nếu một sáng nào đó em tỉnh dậy và chỉ còn lại một mình. Em sẽ khóc đến hết nước mắt! Em không muốn sống cô đơn không có anh lần hai. Anh nhớ nhé!
Từ đó, bà thấy ông ít uống rượu hơn, nghe nói, ông còn bỏ cả thuốc lá mặc dù ông nghiện nặng. Không phải vì ông muốn sống lâu hơn bà, mà vì ông muốn, khi về già, ông phải khỏe mạnh hơn bà để có thể chăm sóc bà, và cũng có thể, để sống bên bà tới cùng thì thôi. Ông cũng sợ phải sống một mình, nhưng ông sợ bà phải sống một mình hơn. Nhưng nỗi niềm ấy, ông không nói cho bà biết. Đàn ông thường là thế. Yêu ai yêu hơn cả tính mạng của mình, nhưng vẫn cứ lặng lẽ mình mình biết, mình mình hay.
***
Từ ngày có ông về nhà, bà vui vẻ lên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn, bệnh huyết áp thấp của bà cũng đỡ nhiều. Sáng nào ông cũng dậy sớm hơn, đánh thức bà và họ lại nắm tay nhau đi tập thể dục. Vậy mà đột nhiên mấy hôm nay, khi nào bà tỉnh dậy cũng chỉ thấy có một mình trên giường, ông thức từ khi nào? Ông đã đi tập thể dục một mình sao? Bà thầm nghĩ: “Cái ông này, làm gì cũng được vài bữa”. Thật ra, cái “vài bữa” bà nói ấy cũng đã hơn ba năm rồi.
Bà dậy, mặc thêm cái áo len, trời sang thu nên buổi sáng hơi lạnh. Bà thấy ông từ đằng xa, tay xách túi đồ ăn sáng, khuôn mặt có vẻ đăm chiêu, nhưng vừa nhìn thấy bà, ông lại mỉm cười ngay được. Bà nhìn ông, người đàn ông cao lớn, đẹp trai ngày nào, rồi cũng thành một ông già, thời gian trôi cứ ngỡ mới là hôm qua. Thời gian cũng thật khắc nghiệt với con người và với cả tình yêu.
Thấy vẻ mặt suy tư của bà, ông cười:
– Bà lại đang nghĩ gì thế?
– Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu?
– Tôi đi mua bánh khúc của bà Dần đấy. Món này bà thích nhất mà. Bà ấy làm bánh khúc cũng ba, bốn chục năm rồi ấy nhỉ?
– Bánh khúc của bà ấy thì chẳng ai làm ngon được bằng ông ạ. Từ ngày hai đứa con nhà mình mới hai, ba tuổi đã ăn bánh của bà ấy rồi. Mà ăn bánh khúc của bà ấy rồi thì đi ăn ở đâu cũng không thấy ngon nữa.
– Nhưng vừa rồi bà ấy bảo, bà ấy bán nốt tuần này thôi. Bà ấy thấy mệt rồi.
Bà thở dài, nhìn ông:
– Thì chúng ta già cả rồi mà. Mà sao dạo này không thấy ông đánh thức tôi dậy cùng thế?
Ông nhìn xa xa, rồi quay lại nhìn bà, ánh mắt vẫn âu yếm như thế:
– Tôi thấy bà ngủ ngon quá, nên không đánh thức bà dậy.
– Lần sau, ông cứ đánh thức tôi dậy đi cùng ông!
Ông biết tâm tình của bà. Ông đưa tay nắm lấy tay bà, bảo:
– Thôi, tôi với bà về ăn bánh khúc nào!
Nhưng rồi tất cả những buổi sáng sau nữa, ông vẫn không đánh thức bà. Khi nào tỉnh dậy trên giường, bà cũng chỉ thấy có một mình. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau vài buổi sáng, bà biết, ông không đi đâu xa, ông chỉ đang ngồi ở ngoài sân hoặc lại đi mua đồ ăn sáng, nên bà vẫn thấy an lòng. Bà chỉ thấy thắc mắc, dạo này nhiều lúc vắng bà, ông lại trầm ngâm đến lạ. Có lần bà về rồi, nhưng ông không biết, khuôn mặt ông nặng trĩu suy tư. Chợt bà thấy lòng mình có chút bất an.
Ông đang ngồi nấu cháo bên chiếc bếp than nhỏ quen thuộc ở góc sân, nhưng nồi cháo đã trào cả ra ngoài mà ông không biết. Bà cầm chiếc áo khoác lên người ông rồi mở vung nồi cháo cho đỡ trào. Giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:
– Buổi sáng cuối thu rồi, trời sắp chuyển lạnh đấy ông ạ. Mà dạo này, tôi thấy ông gầy đi!
Ông đưa mắt nhìn bà, miệng nở một nụ cười:
– Bà yên tâm, tôi ốm sao được!
– Nhưng dạo này, tôi thấy ông cứ suy nghĩ đi đâu ấy!
– Tôi thì nghĩ đi đâu được ngoài bà.
***
Mấy tháng sau, người ta không còn thấy hình ảnh hai vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo nữa. Mà chỉ thấy có một mình bà cụ đi vào mỗi buổi sáng. Khuôn mặt bà không còn rạng rỡ như ngày nào. Đôi mắt dường như mờ đục hơn, như được phủ mờ bởi một lớp sương mỏng. Bà đi quanh một vòng rồi lặng lẽ về nhà, nấu cháo, múc hai bát và đặt trên bàn. Bà ăn cháo và ánh mắt bà lại lấp lánh ánh cười.
Một năm sau, đúng ngày ông mất, bà cũng ra đi. Khi con gái dọn dẹp đồ đạc của cha mẹ mới phát hiện ra lá thư của ông viết cho bà, nét chữ run run, nhòe ướt, không biết vì nước mắt của ông khi viết hay của bà mỗi khi đọc, cô chỉ thấy những nếp gấp gần như bị rách ra:
Mình à!
Tôi muốn được sống lâu hơn mình để có thể nấu cháo cho mình ăn mỗi sáng, đánh thức mình dậy mỗi sáng và để mình không phải sống cô đơn một mình những năm tuổi già. Khi trẻ, tôi đã để mình sống cô đơn như vậy. Tôi muốn bù đắp lại cho mình.
Những ngày tháng này là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Khi được sống bên mình, được chăm sóc cho mình để bù đắp những tháng ngày tôi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng. Nhưng ông trời không chiều lòng người rồi.
Tôi biết, nếu đột ngột một sáng nào đó mình tỉnh dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi đâu. Nên khi tôi biết tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết tôi sẽ chẳng sống được lâu nữa. Tôi đã hết sức lo lắng bởi tôi lại thất hứa với mình rồi. Sáng nào tôi cũng tỉnh giấc trước mình và để mình lại đó. Tôi muốn mình quen cảm giác ấy đi. Để sau này khi tôi đi rồi, mình không quá hụt hẫng. Không biết mình đã quen chưa, nhưng dù sao, khi thức dậy một sáng nào đó, không có tôi bên cạnh, mình cũng đừng khóc đấy!
Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ. Nếu mình cảm thấy cô đơn quá, thì có thể về ở với thằng cả. Vợ chồng nó sẽ thay tôi chăm sóc mình.
Tôi vẫn chưa nói câu này với mình: Tôi yêu mình!.
Bức thư trên tay cô gái chữ đã nhòe gần như không đọc được nữa. Lau nước mắt, cô gái lặng lẽ đặt bức thư của bố dưới bức ảnh của mẹ trên bàn thờ. Dù không thể cùng đi với ông, nhưng cuối cùng bà cũng đã thỏa nguyện được về gần ông. Cô gái thấy tự hào về bản thân mình, vì cô được sinh ra từ chính tình yêu sâu đậm, đẹp đẽ của cha mẹ mình. Và cô tin, ở một nơi nào đó, chắc hẳn, bố cô lại sáng sáng đánh thức mẹ dậy, hai người cùng nhau thong dong đi tập thể dục mỗi sáng, trong ánh mắt mờ đục vì thời gian của họ, hạnh phúc vẫn cứ hiện lên rạng ngời hơn cả ánh bình minh!
Vợ chồng Việt "xách" 100 lít mắm tôm, mang cả máy làm đậu mở quán bún ở Mỹ
Bằng tình yêu ẩm thực Việt, chị Nhung Đào (35 tuổi) cùng anh Jerald Head (31 tuổi) đã quyết mang bún đậu mắm tôm sang Mỹ và chinh phục được nhiều thực khách.