Kho đầy, tủ lạnh rỗng ở Mỹ
Nông dân Mỹ vứt bỏ nông sản trên cánh đồng, trong khi các trung tâm cứu trợ chật vật phân phát đồ ăn cho hàng triệu người thất nghiệp.
07:00 25/04/2020
Các nông dân ở vùng thượng trung tây nước Mỹ đang phải tiêu hủy lợn con vì hàng loạt lò mổ đã bị thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa. Những chủ cơ sở sản xuất sữa phải đổ đi hàng nghìn lít mỗi ngày. Tại Salinas, bang California, các vườn xà lách, rau diếp xanh, rau diếp đỏ chờ được hái co rúm dưới ánh nắng mặt trời mùa xuân.
Video từ thiết bị bay không người lái cho thấy cảnh những hàng xe ôtô xếp dài hơn hai km chờ tới lượt nhận đồ cứu trợ từ ngân hàng thực phẩm ở Miami. Tại Dallas, các trường học phục vụ hơn 500.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày. Ôtô đi chậm qua các trạm cứu trợ xếp đầy túi cách nhiệt và hộp trữ đông, nhận sữa và những suất ăn đóng gói qua cửa sổ từ đội ngũ tình nguyện viên và giáo viên của trường.
Trên khắp nước Mỹ, tình trạng mất kết nối chưa từng có đang xảy ra giữa những nơi sản xuất ra thực phẩm với các ngân hàng phân phát đồ ăn miễn phí và những khu dân cư thu nhập thấp đang cần chúng nhất. Nông dân, chủ trang trại và các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ cùng những nhà vận động cho người nghèo đang kêu gọi chính quyền liên bang giải quyết các bất cập trong hệ thống phân phối khiến các nhà sản xuất phải bỏ thực phẩm đi trong khi hàng trăm nghìn người dân vẫn bị đói.
Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo về một chương trình trị giá 19 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn và phân phối thực phẩm tới những gia đình thiếu thốn. Theo gói cứu trợ này, chính phủ sẽ mua ba tỷ USD sữa và thịt rồi chuyển chúng đến những ngân hàng thực phẩm. Ngoài ra, các chủ trang trại và nông dân còn được hỗ trợ trực tiếp tổng cộng 16 tỷ USD.
Nhưng nỗ lực trên phải vượt qua được những thách thức căn bản dẫn tới tình trạng mất kết nối: Sữa và các sản phẩm tươi phải được vận chuyển từ trang trại tới ngân hàng thực phẩm bằng xe đông lạnh. Tủ lạnh và kho chứa đồ đông lạnh ở các ngân hàng thực phẩm phải luôn sẵn sàng để nhận hàng. Thực phẩm dự kiến cung cấp cho nhà hàng phải được đóng gói lại để sử dụng cho gia đình. Tất cả những yêu cầu trên phải được thực hiện trong khi vẫn duy trì cách biệt cộng đồng và không được làm tăng nhân lực bởi các ngân hàng thực phẩm hiện cũng thiếu tình nguyện viên.
Theo Karen Smilowitz, giáo sư kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Northwestern, bản thân chi phí vận chuyển và kho bãi đã rất đắt đỏ vì chúng yêu cầu nhiều thiết bị chuyên dụng và có tiêu chuẩn an toàn cao. Vì thế, ngay cả trong điều kiện bình thường, các ngân hàng thực phẩm đã gặp khó khăn với việc vận chuyển.
"Giờ đây, khi các tiêu chuẩn an toàn mới được thêm vào vì Covid-19 và số lượng tình nguyện viên giảm, thách thức càng lớn gấp bội", Smilowitz nói.
6 tuần qua, mạng lưới ngân hàng thực phẩm thu thập sản phẩm nông sản dư thừa từ các trang trại, cửa hàng tạp hóa và nhà hàng sau đó phân phối tới người cần hỗ trợ. Nhu cầu hiện rất lớn bởi lượng người thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục.
Khó khăn trong việc mang thực phẩm tới người thiếu thốn xuất phát trực tiếp từ những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Alison Meares Cohen, nhân sự cấp cao tại WhyHunger, tổ chức phi lợi nhuận vì người nghèo đói, nhận xét.
"Trong 30, 40 năm qua, khoảng cách từ cánh đồng tới bàn ăn đã bị nới rộng, nó phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng quốc gia và toàn cầu", bà nói. "Khi chuỗi cung ứng ngừng hoạt động hoặc gặp trục trặc, giá thực phẩm sẽ tăng, dẫn tới gia tăng tỷ lệ mất an ninh thực phẩm. Chúng sẽ gây khó khăn cho cả những người đang cần thực phẩm hỗ trợ khẩn cấp".
Sự sụp đổ chuỗi phân phối ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực của nông nghiệp Mỹ. Sau cơn cuồng nộ mua đồ tích trữ hồi đầu tháng ba, các nông dân chăn nuôi bò sữa bắt đầu chứng kiến mức sụt giảm mạnh về nhu cầu. Khi các trường học và nhà hàng đóng cửa, ngành sản xuất, chế biến sữa mất đi những khách hàng quan trọng nhất. 1/2 lượng pho mai của cả nước Mỹ và 60% bơ được tiêu thụ tại các nhà hàng. 7% sữa được sử dụng trong chương trình dinh dưỡng học đường. Giá sữa giảm 20%, xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
"Thử tưởng tượng bạn đang vận hành một nhà máy cung cấp sữa cho Starbucks hay phô mai cho các cửa hàng bánh burger", Jaime Castaneda, phó chủ tịch phụ trách chính sách chiến lược tại Liên đoàn các Nhà sản xuất sữa Quốc gia, nói. "Bạn ngồi đó và đột nhiên tất cả đơn hàng bị hủy".
Rất nhiều nhà máy chế biến đã phải đóng cửa. Những nhà máy còn hoạt động phải yêu cầu nông dân giảm sản lượng 20% hoặc đổ bỏ sữa nhằm ngăn giá giảm.
Các nhà hàng bị đóng cửa còn ảnh hưởng tới người trồng rau xanh, hoa quả. Từ trước, nông dân trồng cà chua, ớt, dưa chuột, việt quất, dâu tây, bí ở Florida chủ yếu bán nông sản cho các nhà hàng trên khắp đất nước.
Các cửa hàng tạp hóa có xu hướng mua nông sản từ Mexico vì chúng rẻ hơn, khiến nông dân ở Florida và California phải tập trung xây dựng mối quan hệ với hệ thống nhà hàng. Nhưng hàng loạt quán ăn nay phải đóng cửa hoặc chật vật duy trì với lượng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng.
"Không có những người mua này, chúng tôi không có khách, chưa kể nhiều chợ nông sản cũng đóng cửa", Caleb Burgin, chủ một trang trại ở Wauchula, Florida, cho hay. "Nông dân đang tiêu hủy hàng triệu kg hoa quả, rau xanh".
Với thịt lợn và thịt bò, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng xảy ra phần lớn bởi Covid-19 đã khiến các nhà máy chế biến thịt phải đóng cửa. Mặt khác, các nhà sản xuất thịt lợn không thể dễ dàng chuyển sang xuất khẩu bởi hàng loạt bến cảng đều đã giảm năng suất hoặc ngừng hẳn, Dallas Hockman, phó chủ tịch phụ trách quan hệ khách hàng công nghiệp tại Hội đồng các Nhà sản xuất thịt lợn Quốc gia Mỹ, cho biết.
Theo kế hoạch do chính quyền Trump công bố tuần trước, chính quyền liên bang sẽ mua 300 triệu USD hoa quả, rau tươi, thịt và các sản phẩm từ sữa mỗi tháng. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ trực tiếp chi tiền cho bên phân phối tới lấy hàng từ nông dân và chủ trang trại rồi chuyển chúng tới những ngân hàng thực phẩm.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản và họ nghi ngại về khả năng giải quyết các thách thức của chính quyền liên bang. Hiện chưa rõ thực phẩm sẽ được vận chuyển tới nơi cần chúng như thế nào và ai sẽ trả chi phí thuê tủ đông, xe lạnh nhằm tăng khả năng lưu trữ tại các ngân hàng thực phẩm.
"Liệu chúng ta có thể dùng xe tải vốn chở đồ ăn tới các nhà hàng để vận chuyển đồ ăn tới ngân hàng thực phẩm rồi tận dụng chúng như kho đông lạnh trữ hàng tại chỗ không?", Jaime Castaneda gợi ý. "Nhưng ai sẽ giúp trả chi phí này? Chính quyền liên bang sẽ phải làm những việc mà họ chưa bao giờ làm trước đây".
Link nguồn: https://vnexpress.net/kho-day-tu-lanh-rong-o-my-4089416.html
Giải ngân cứu trợ kiểu Mỹ!
Gói tài chính trị giá 2,2 nghìn tỷ USD dành cho cứu trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ được giải ngân như thế nào?