Khó khăn với Biden khi tiếp quản quyền lực từ Trump
Dù Biden đã chiến thắng, nhóm chuyển giao quyền lực của ông sẽ gặp nhiều khó khăn trước một Tổng thống Trump không chịu thừa nhận thất bại.
10:00 08/11/2020
Ba này trước khi ứng viên Joe Biden được xướng tên là người chiến thắng trong cuộc đua năm nay và trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, nhóm chuyển giao quyền lực của ông đã khởi động các kế hoạch để tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1, bất chấp nguy cơ Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.
Ngày 4/11, trang web chuyển giao quyền lực BuildBackBetter.com do chiến dịch của Biden vận hành đã bắt đầu hoạt động.
"Công việc phối hợp giữa chiến dịch tranh cử và chuyển giao, như chỉ định chức danh và vai trò, quyết định ai sẽ làm gì, đặt ra trách nhiệm và thời gian thực hiện, không thể dừng lại hoặc thay đổi, ngay cả khi đó là quá trình chuyển đổi đầy thách thức", một người thân cận với Biden nói.
Tuy nhiên, hàng chục quan chức Dân chủ, những người đã làm việc suốt nhiều tháng để thành lập chính phủ cho Biden khi đắc cử, sẽ phải đối mặt nhiều thách thức và trở ngại.
Khả năng phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện sẽ buộc các trợ lý của Biden và các nhóm vận động bên ngoài phải đánh giá lại các chính sách mà họ muốn quốc hội thông qua, cũng như người họ muốn đề cử vào nội các và các cơ quan tư pháp.
"Các cuộc khủng hoảng mà đất nước đang đối mặt, từ đại dịch tới suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng chủng tộc, rất nghiêm trọng. Nhóm chuyển giao sẽ tiếp tục chuẩn bị với tốc độ tối đa để chính quyền Biden - Harris sẵn sàng hoạt động ngay từ ngày đầu tiên", phát ngôn viên nhóm chuyển giao quyền lực Biden-Harris nói.
Các quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống thường diễn ra với tốc độ chóng mặt ngay cả khi bầu cử diễn ra suôn sẻ, khi các đội chỉ có hơn hai tháng để thiết lập bộ máy hành chính mới với hơn 4.000 vị trí được bổ nhiệm. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong công bố kết quả bầu cử năm nay khiến đội của Biden bị rút ngắn thời gian để xem xét các vị trí trong nội các, đặt ra các ưu tiên chính sách và xây dựng chương trình nghị sự.
Trong 4 ngày kiểm phiếu, khi kết quả chưa được công bố, nhóm chuyển giao có khả năng xác minh hồ sơ FBI về các ứng viên tiềm năng của nội các, nhưng sẽ không thể làm việc với Văn phòng Đạo đức Chính phủ (OGE), bước thứ hai trong quy trình thẩm tra. Thông thường, các nhóm chuyển giao trước đây cung cấp danh sách thẩm tra cho OGE vào đầu hoặc giữa tháng 12.
Kết quả bầu cử được công bố chậm cũng cản trở nhóm của Biden phối hợp với nhân viên liên bang để đưa ra các quyết định quan trọng và hành động nhanh chóng trong mỗi cơ quan, cũng như việc thu thập thông tin về các vị trí bổ nhiệm tương lai.
Bất kỳ nỗ lực thách thức pháp lý nào của Trump và đồng minh nhằm tranh chấp kết quả và tạo ra rào cản cũng có thể gây khó khăn cho khả năng chuẩn bị chuyển giao của nhóm Biden, theo nguồn tin thân cận.
"Nó phụ thuộc vào liệu Trump có thể chuyển giao mang tính xây dựng và nhanh chóng hơn những gì ông ấy đã làm cho tới nay hay không", nguồn tin này cho biết, đồng thời tự hỏi liệu chính quyền hiện tại có bàn giao lại dữ liệu về Covid-19 hay quá trình nghiên cứu vaccine Covid-19 cho nhóm của Biden hay không.
Chậm trễ trong chuyển giao quyền lực không phải không có tiền lệ. Năm 2000, đội chuyển giao của tổng thống George W. Bush không thể bắt đầu công việc từ giữa tháng 12, khiến họ mất đi một nửa thời gian so với nhiều tổng thống khác.
Tuy nhiên, nhóm chuyển giao khi đó đã nghe theo chỉ thị chuẩn bị của phó tổng thống Dick Cheney rằng "sẽ chiến thắng" và tiếp tục công việc, theo Clay Johnson, người phụ trách nhóm chuyển giao của Bush.
Mặc dù có thể bị chậm trễ tiếp cận với các cơ quan liên bang, nhóm chuyển giao quyền lực của Biden cho hay kinh nghiệm làm việc trong chính phủ mà Tổng thống đắc cử và nhiều cộng sự của ông có sẽ giúp họ đối phó tốt với vấn đề này.
Chạy đua gây quỹ 60 triệu USD cho Trump đấu pháp lý
Đảng Cộng hòa đã liên hệ nhiều nhà tài trợ để gây quỹ ít nhất 60 triệu USD cho cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử của Trump.