Khoe Khoang Kiểu Trung Quốc, Nhật Bản Và Việt Nam Khác Gì Nhau?

Gần đây có một bài viết tiếng Trung được cư dân mạng quan tâm liên quan đến quan niệm về sự giàu có, qua đó so sánh giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù nói về người Trung Quốc, nhưng một bộ phận lớn người Việt Nam dường như cũng “có phần” trong đó.

08:07 13/08/2024

Tác giả cho rằng, đa số người Nhật Bản ngày nay rất hạn chế “khoe khoang”. Trong xã hội Nhật Bản, nếu một ai đó khoe khoang bản thân “rất có tiền” sẽ bị xã hội tẩy chay và cô lập. Có một vị trí thức Nhật Bản cũng từng chia sẻ quan điểm: người thích khoe mẽ (như chạy xe thân dài hạng sang, tay cầm túi LV, đánh son môi đỏ chót) bị xã hội Nhật Bản xem là biểu tượng của “thô lỗ” và “bần cùng”.

Vào thập niên 80 thế kỷ trước là thời gian bong bóng kinh tế Nhật Bản lên đến đỉnh, khắp Tokyo toàn nhà đầu cơ bất động sản và cổ phiếu, nhiều người phát tài sau một đêm. Những người phụ nữ thì ai nấy tay cầm túi LV, nam giới thì vung tiền trong những hộp đêm.… Nhưng sau khi bong bóng kinh tế bị vỡ, người Nhật Bản mới tỉnh mộng. Nền kinh tế từ nóng chuyển sang lạnh, để lại hậu quả tồi tệ kéo dài.

Sau những chiêu trò không hay trong kinh tế được hưởng ứng một thời gian, tình hình sụp đổ sau đó cuối cùng đã khiến người Nhật Bản phải nhìn lại, tự phản tỉnh lại. Xã hội Nhật Bản bắt đầu thịnh hành “trào lưu mới”: ăn mặc giản dị; không còn muốn tăng ca, về nhà lúc 6h tối trở thành thói quen mới; người chồng vào bếp và chăm sóc con cái…

Nhiều người Nhật Bản nhìn bề ngoài rất giản dị, khiêm tốn, nhưng thực tế là họ cực kỳ giàu có, đam mê những trò chơi như lướt sóng và đã từng đi lướt sóng trên nhiều bãi biển lớn trên khắp thế giới. Dường như người Nhật Bản hiện nay thích “khoe khoang” theo kiểu này.

Người Nhật cũng không thích khoe tài, nếu bạn có nghe nói đến một tài năng nào đó, thì thường sẽ là biết đến một cách bất ngờ hoặc ngẫu nhiên, chứ bản thân họ không đánh bóng tên tuổi cho mình. Do đó, khi tài hoa của họ được phát hiện, được ca ngợi, không những họ không vui thích mà còn ngại ngùng, đỏ mặt, giống như bị người bắt gặp mình mắc sai lầm gì đó. Điểm này chắc người Trung Quốc nghe sẽ cảm thấy không thể hiểu nổi.

Khác với người Nhật Bản, cách “khoe khoang” của người Trung Quốc trong xã hội hiện nay thuộc về thứ có thể gọi là “trơ trẽn”.

Hiện nay, những câu xã giao kiểu như: “Tôi mới mua cái túi hàng hiệu này…”, “Tôi rất quen biết người nổi tiếng này…”, “Nhà tôi thế này…” đã trở nên khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Nếu ở Nhật Bản mà có thái độ như thế có thể lập tức bị tẩy chay, cô lập.

Cuối thế kỷ 19, cha đẻ của kinh tế học định chế (Institutional economics) là Thorstein Veblen khi chứng kiến cảnh giới nhà giàu điên cuồng theo đuổi xa xỉ phẩm, ăn chơi sa đọa, khinh rẻ người lao động, ông đã viết tác phẩm “Luận về giai cấp nhàn rỗi” (The Theory of the Leisure Class), qua đó lên án động cơ và dục vọng của họ không khác gì những người nguyên thủy man rợ, cho rằng họ sẽ đẩy xã hội vào hai cực phân hóa nghiêm trọng, gây cản trở tiến bộ xã hội, phá hủy nền tảng đạo đức giúp xã hội khỏe mạnh, vì đối với họ lao động không còn là đạo đức tốt đẹp của con người cần được ca ngợi mà bị biến thành đối tượng để khinh bỉ.

Tại Trung Quốc ngày nay, dưới tác dụng của khẩu hiệu “hãy để cho một bộ phận giàu trước nổi lên”, kéo theo đó là xu thế sống xa sỉ như tiệc vàng, vung tay hoang phí… ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở thế hệ “Phú nhị đại”. Chuyện lượng tiêu thụ Rémy Martin của Pháp ở Trung Quốc cao hơn tổng lượng tiêu thụ của các khu vực khác trên thế giới gộp lại cũng không phải lạ.

Không chỉ riêng Trung Quốc, bệnh “thích khoe” của người Việt Nam cũng là một vấn đề dễ nhận thấy. Mới đây, trong cuộc thăm dò của Nielsen thực hiện tại 58 quốc gia, Việt Nam có tỷ lệ người tiêu dùng chuộng hàng hiệu cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. 56% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho sản phẩm hàng hiệu hơn là những nhãn hàng ít nổi tiếng dù chức năng như nhau, bởi với họ dùng đồ hiệu là một cách thể hiện địa vị và đẳng cấp.

Giới trẻ Việt Nam hiện nay không ít người chạy theo hàng hiệu đắt tiền, sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương để mua túi hiệu, giày hiệu… Có những cô nàng đi làm công sở, mức lương chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng lại mua những bộ mỹ phẩm đắt tiền với mức giá gấp 4 lần tháng lương của mình. Tâm lý thích xe sang, dùng đồ độc, đi du lịch nghỉ dưỡng ở những khu xa hoa đắt đỏ rồi chụp vài bức ảnh để đăng lên mạng xã hội khoe với thiên hạ đã không còn mới mẻ. Trong danh sách người mua những chiếc xe gắn máy phiên bản giới hạn, những mẫu iPhone đầu tiên mới ra đời nhất định không thể thiếu người Việt Nam. Trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã đặt mua 10 chiếc.

Tâm lý khoe khoang, thích thể hiện này cá biệt còn gây nên hệ quả là sự lãng phí của cả những tổ chức xã hội chứ không chỉ riêng người dân. Năm 2015, ở Việt Nam đã xác lập một kỷ lục mới khi nấu tô hủ tiếu lớn nhất với đường kính 150 cm, sâu 70 cm. Để làm ra tô hủ tiếu kỷ lục, các đầu bếp đã dùng 100kg hủ tiếu gạo, 100kg tôm, thịt, 60 lít nước súp và các loại rau, gia vị khác. Nhưng do thời gian trưng bày quá dài khiến nước phở, tôm, thịt nguội lạnh; bánh phở nở trương, không ngon và cuối cùng phải đổ đi toàn bộ. Vụ việc này đã gây nên một cuộc tranh cãi không nhỏ trên mạng xã hội xung quanh sự lãng phí của một kỷ lục.

Ở Nhật Bản, đề tài “mua bạo” thành điểm nóng truyền thông, vì cảnh du khách Trung Quốc điên cuồng mua xa sỉ phẩm tại Tokyo rất phổ biến, họ còn cố ý nói “quá rẻ” khiến người Nhật Bản cũng phải tròn mắt kinh ngạc. Nhưng có lẽ họ không biết rằng đó không phải thái độ tôn trọng của người Nhật Bản mà ngược lại là cảm giác phản cảm.

Ngày nay, trên đường phố Nhật Bản rất hiếm thấy có những chiếc xe hơi xa sỉ của phương Tây, chủ yếu là xe việt dã và xe nhiều chức năng (MPV), xe được chuộng nhất là loại mini bé nhỏ và xe bảo vệ môi trường. Người Nhật Bản đã không còn dùng xe hơi để đánh giá con người xem có thành đạt hay không, mà nó chỉ là thứ công cụ thay cho đi bộ, quan trọng nhất là vấn đề an toàn tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, những xe việt dã cỡ lớn của Toyota, Mitsubishi chủ yếu bán cho Trung Quốc.

Dân số Nhật Bản khoảng 130 triệu nhưng có đến cả trăm triệu người thuộc giới trung lưu, được xem là kiến trúc xã hội kiểu ô-liu điển hình, tỷ lệ lớp người trung lưu ở Nhật Bản đặc biệt cao, an sinh xã hội được đảm bảo, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội rất nhỏ, thu nhập của một CEO công ty trung bình chỉ gấp 5 – 10 lần người làm công ăn lương.

Nhà ở của người giàu Nhật Bản cũng chỉ thiết kế phong cách đơn giản, việc bày biện trong phòng những đồ dùng đắt đỏ bị xem là “tầm thường”.

Giữa giới nhà giàu Nhật Bản thịnh hành “triết lý ba không”, tức là “không có tài khoản ngân hàng (trước khi chết nhiều nhất chỉ nên có 20 triệu Yên, tương đương khoảng hơn 4 tỷ tiền Việt Nam), không có nhà, không chức tước”.

Ở Nhật Bản, có nhiều tiền và quyền lực thì khó được xã hội tôn trọng, thứ họ tôn trọng là cho dù bạn có danh giá cỡ nào thì cũng hãy kiên định không xa sỉ, sống giản dị.

Ví dụ như Matsushita Kōnosuke được xem là “thần kinh doanh”, nhưng bản thân ông lại không mấy hứng thú với của cải, ông xem quyền lực là “trách nhiệm và nỗi thống khổ”. Năm 1961, khi phóng viên của Tạp chí Time (Mỹ) đi tìm ông lấy tin, phát hiện ông ngồi uống trà cùng ba nhà nghiên cứu trẻ trong một ngôi nhà cổ ở Tokyo, họ bàn cách làm thế nào giúp nhân loại phồn vinh và hạnh phúc hơn, thứ trí tuệ cao nhất mà ông lĩnh ngộ được là “triết lý của nước: “Làm sao để những thứ mọi người cần biến thành rẻ như nước”

Nguồn ảnh: Unsplash 
Tags:
Chăm bố mẹ già 12 năm không ai coi trọng, em trai tặng đôi giày lại được khen hiếu thảo, tôi quyết tâm làm 1 việc khiến gia đình hoảng hốt

Chăm bố mẹ già 12 năm không ai coi trọng, em trai tặng đôi giày lại được khen hiếu thảo, tôi quyết tâm làm 1 việc khiến gia đình hoảng hốt

Sau nhiều năm chăm sóc bố mẹ chu đáo, người đàn ông Trung Quốc nhận ra bản thân vẫn không nhận được sự công nhận như em trai.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất