Khối tài sản của nữ tỷ phú Việt đầu tiên được đặt tên cho trường của đại học Oxford
Một trường của ĐH Oxford đổi tên thành “Thao College“ - theo tên nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi nhận 50 triệu bảng Anh tài trợ.
04:00 03/11/2021
Ngày 1/11, ĐH Linacre, thông báo vừa ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sovico, do Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện, để nhận khoản tài trợ từ thiện với tổng giá trị lên đến 155 triệu bảng Anh.
Linacre College - trường thành viên của Đại học Oxford (Anh) đã thông báo sẽ đổi tên thành Thao College (theo tên của Chủ tịch Tập đoàn SOVICO) để tri ân số tiền tài trợ lớn của tập đoàn này dành cho trường.
Theo thông báo, trường sẽ liên hệ để đổi tên sau khi nhận được trước 50 triệu bảng Anh từ số tiền tài trợ có tổng trị giá 155 triệu bảng Anh (khoảng hơn 4.822 nghìn tỉ VNĐ) từ tập đoàn SOVICO.
Chủ tịch SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown - Hiệu trưởng Trường Đại học Linacre, viện Đại học Oxford, ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Thông tin Chính phủ
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh ngày 7 tháng 6 năm 1970 tại Hà Nội), là một trong sáu tỷ phú Việt Nam có tên trong danh sách 2.755 người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2021, với tổng tài sản lên đến 2,7 tỷ USD, xếp sau ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch VinGroup) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát). Bà cũng là nữ tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, ở tuổi 21, bà đã trở thành triệu phú đô la nhờ tài năng kinh doanh các mặt hàng từ điện tử đến hàng nông sản từ các nước châu Á như sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Theo Hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nắm giữ nhiều trọng trách, nhưng bà Thảo được biết đến nhiều nhất với vai trò CEO của hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Nữ tỉ phú từng chia sẻ: "Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình".
Vietjet Air sau đó đã hoàn thành "giấc mơ bay" và chính ngành hàng không lại mang về cho bà Thảo danh hiệu nữ tỷ phú tự thân đầu tiên khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, bà Thảo còn là chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Sovico, tập đoàn kinh doanh đa ngành, tài chính, ngân hàng, năng lượng, bất động sản, nghỉ dưỡng. Sovico đang nắm giữ hàng loạt thương hiệu nổi bật tại Việt Nam, như HDBank và Vietjet Air, đồng thời là sáng lập viên của VIB và Techcombank.
Không chỉ lèo lái doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19, bà được vinh danh nhờ đưa nhiều giải pháp cũng như đóng góp cho cộng đồng trong mùa dịch.
Chính nữ doanh nhân đã đưa ra giải pháp giải quyết nghẽn lệnh chứng khoán tại sàn HoSE, thiết kế website đóng góp trực tuyến cho Quỹ vaccine, cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, xây dựng nền tảng ứng dụng phòng chống COVID-19 “Việt Nam Khỏe Mạnh”, ủng hộ quỹ vaccine cùng hàng loạt hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Bà cũng được tạp chí danh tiếng châu Á Tatler vinh danh trong số 110 nhân vật có ảnh hưởng nhất tại châu Á về công tác thiện nguyện.
Hành trình về nhà của chàng trai gốc Việt
Một sáng mùa xuân, Brian Hester đến dự buổi họp mặt những người gốc Việt được nhận nuôi ở Maryland, không biết rằng cuộc đời mình sắp mãi mãi thay đổi.