Không khí ô nhiễm là "kẻ g.i.ế.t người" đáng sợ
Một nghiên cứu đã tuyên bố, ô nhiễm không khí g.i.ế.t c.h.ế.t gần 9 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, gấp đôi so với các giả định của cơ quan y tế.
02:30 14/03/2019
Các nhà khoa học hiện nay cho biết, việc hít thở không khí ô nhiễm từ khói thải xe cộ và nhà máy chịu trách nhiệm cho nhiều trường hợp tử vong hơn hít phải khói thuốc lá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây ước tính ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 4,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, trong khi đó, số người chết do hút thuốc lá là 7,2 triệu người.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Đức đã tính toán lại dữ liệu có sẵn và tiết lộ con số thực sự về các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí lên tới mốc 8,8 triệu người, với phần lớn là do bệnh tim.
Giáo sư Thomas Munzel, từ Trung tâm Y tế Đại học Mainz, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Hút thuốc là có thể tránh được, nhưng ô nhiễm không khí thì không.”
Hiện tại, giới hạn an toàn trung bình đối với các hạt PM2,5, thành phần trong không khí gây ô nhiễm, ở EU là 25 microgam trên một mét khối không khí, nhiều hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là 10.
Giáo sư Jos Lelieveld, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết chất lượng không khí kém và dân số dày đặc là nguyên nhân khiến châu Âu có số lượng người chết vì ô nhiễm cao.
Chỉ riêng ở châu Âu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số tử vong do ô nhiễm không khí là 790.000 người, gấp đôi so với ước tính trước đó.
Theo Tạp chí Tim mạch châu Âu, trong 100.000 người thì sẽ có 120 người chết do ô nhiễm không khí. Tình hình này thậm chí còn tồi tệ hơn ở châu Âu, với 133 trên 100.000 ca tử vong do hóa chất ô nhiễm hít phải.
Tại Đức, ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây ra thêm 124.000 ca tử vong trong năm 2015 và làm giảm trung bình 2,4 năm tuổi thọ ở người. Trong cùng năm đó, ước tính 81.000 người đã thiệt mạng vì ô nhiễm không khí ở Ý, 67.000 ở Pháp và 58.000 ở Ba Lan.
Giáo sư Munzel cho biết số người chết vì bệnh tim mạch có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với dự kiến.
Khí độc hại được thải ra từ ô tô, xe buýt và xe tải - đặc biệt là động cơ diesel - có thể gây ra các cơn hen suyễn và các vấn đề về hô hấp.
Sau nhiều cảnh báo, Viện Chăm sóc Sức khỏe (NICE) tại Anh khuyến nghị nhà ở, trường học, vườn ươm phải được bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí.
Và đầu tuần này, chính phủ Anh đã đưa ra các lời khuyên tới phụ huynh rằng nên dừng đỗ xe bên ngoài trường học hoặc tắt máy xe khi đón và thả con cái.
Ô tô gần cổng trường làm tổn hại sức khỏe của trẻ em, theo Public Health England. Cùng với đó, họ kêu gọi các hội đồng trường học áp đặt các biện pháp cứng rắn để phạt các đối tượng gây ô nhiễm.
Hải Vân – tinnuocmy.com
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam tồi tệ ‘đẳng cấp thế giới’
Không chỉ có không khí ô nhiễm hàng đầu khu vực Đông Nam Á, các thành phố lớn của Việt Nam đang tiến dần đến mức tồi tệ như Bắc Kinh, tức ô nhiễm “đẳng cấp thế giới.”