Không phải hôn nhân, phòng sinh mới là nấm mồ của tình yêu - câu chuyện được nhiều chị em đồng cảm, xót xa nhất ngày hôm nay
Chỉ có lúc sinh con, phụ nữ mới có thể nhìn ra được con người thật của chồng mình. Hóa ra không phải hôn nhân, phòng sinh mới là nấm mồ của tình yêu. Và giá như người đàn ông nào cũng nếm thử nỗi đau đớn của vợ, có lẽ sẽ không còn những người mẹ trầm cảm.
14:00 21/04/2018
Người ta hay nói, hôn nhân chính là nấm mồ của tình yêu nhưng bên dưới câu chuyện này, thì có lẽ người viết đã có một góc nhìn khác khi thẳng thắn nói rằng: hôn nhân không phải là nấm mồ của tình yêu, mà chính phòng sinh mới là nấm mồ của tình yêu.
Ở nơi đó, các sản phụ sẽ biết rằng chồng mình có thật sự yêu thương mình hay không. Và cũng tại nơi đó, nếu tinh ý một chút, các sản phụ sẽ nhận ra không ít điều, hoặc là hạnh phúc, hoặc là bẽ bàng chua xót.
"Trước khi bạn đọc, tôi cũng phải nhấn mạnh là, trường hợp phía dưới bài viết này, không phải là tất cả. Kể cả với chính tôi. Các ông chồng, câu chuyện này là dịch, không phải tôi viết hay bịa ra.
Trước tiên, về mặt sinh lí, người phụ nữ phải trải qua một cơn đau thập tử nhất sinh.
Tôi đã từng hỏi rất nhiều người phụ nữ trải qua sinh nở, họ đều nói, sinh thường đau đến cỡ nào, đau cỡ bác sĩ dùng dao rạch tầng sinh môn mà không dùng đến thuốc tê bởi vì những cơn đau khi sinh đã vượt qua nỗi đau đớn cắt da cắt thịt kia rồi.
Còn sinh mổ đau đến cỡ nào? Bạn bước ra từ phòng mổ, trên bụng có một vết sẹo dài đến mười mấy phân, khi hết thuốc tê chỉ cần hơi cử động đã đau buốt ruột gan.
Đi vệ sinh hai chân đều không ngừng run rẩy, đi tiểu được một nửa phải dừng lại một lát, hít thở sâu mới có thể đi tiếp.
Nằm trên bàn mổ, đèn bật sáng, được tiêm một liều thuốc tê nửa thân dưới, sản phụ hoàn toàn có ý thức, mắt mở đăm đăm cảm nhận được bác sĩ dùng dao, rạch từng lớp từng lớp da bụng, rạch tử cung để đưa đứa bé ra ngoài.
Giống như một linh kiện điện tử bị tháo ra, sau đó lại được ráp lại.
Lúc này, cái phụ nữ cần chính là sự nhẫn nại, dịu dàng vô điều kiện của chồng bên cạnh, hiểu được sự đau đớn và cô đơn của vợ khi vượt cạn.Thế nhưng có những người chồng lại không làm được.
Đến hai bệnh viện sản nổi tiếng ở thủ đô, chúng tôi đứng ở ngoài cửa phòng sinh, quan sát xem khi người vợ đang đau đớn sinh con thì các ông chồng đang làm gì.
Thì ra những tình tiết như ngôn tình trên phim đều là bịa đặt. Trong phim, khi sản phụ ở trong phòng sinh, người chồng ở bên ngoài vô cùng nóng ruột, vò đầu bứt tai, đi qua đi lại, thi thoảng lại ngóng qua tấm cửa kính nhìn vào phòng sinh.
Chỉ cần có một chút động tĩnh là lập tức xông lên hỏi y tá, vợ tôi thế nào rồi, cô ấy có làm sao không?
Hiện thực hoá ra phũ phàng hơn rất nhiều, hành động nôn nóng đó không phải của chồng mà là của bố mẹ sản phụ. Họ một giây cũng không ngồi yên, đứng trước cửa phòng sinh, căng thẳng chờ đợi.
Còn đại đa số các ông chồng, đều ngồi trên ghế, căng thẳng... chơi game. Có người ngồi trên ghế chơi điện thoại, có người còn trực tiếp đứng trước cửa thang máy, đơn giản vì ở đó có ổ cắm sạc điện thoại.
Tôi nhìn thấy một anh chàng béo đứng trước phòng chờ sinh gọi điện thoại cho vợ. Anh ta nói: "Alo, em nằm ở giường nào, giường số 12 hả?
Em mau hỏi bác sĩ xem anh và mẹ đợi em ở trước phòng sinh hay là về nhà đợi? Dù sao cũng chẳng biết em khi nào mới sinh, cả nhà lại không được vào. Anh đưa mẹ xuống lầu đi ăn cơm, có chuyện gì em nhờ y tá đi. Lát có gì gọi cho anh".
Điện thoại còn chưa cúp, đã thấy anh ta và mẹ gấp rút lao đến trước cửa thang máy, kịp thời chen vào cánh cửa thang máy còn chưa kịp đóng lại. Tôi chưa từng gặp một người béo nào lại chạy nhanh như thế.
Tỉ mỉ quan sát, tôi phát hiện ra khi ngồi đợi sinh, trang bị của người nhà cũng không giống nhau.
Đàn ông đợi vợ, vật tùy thân gồm có: điện thoại, ví tiền, thuốc lá, nước, sạc dự phòng… Còn mẹ đợi con gái sinh, vật đem theo lại là quần áo, khăn, đồ ăn, canh nóng, nước sôi…
Chúng tôi còn nhìn thấy một màn, khi người mẹ còn nằm trong phòng mổ, đứa trẻ được đưa ra ngoài trước.
Chồng và mẹ chồng lập tức vui mừng lao đến, đem theo điện thoại quay phim, chụp ảnh cả một đoạn hành lang, âu yếm gọi con: "Con yêu, nhìn bố, cười một cái nào…". Chụp ảnh cả nửa ngày mới nghĩ ra, hình như quên mất chuyện gì đó.
Lúc này mới hỏi: "Thế vợ tôi đâu rồi?".
Khi phỏng vấn một bác sĩ nổi tiếng của bệnh viện sản, cô ấy nói có một chuyện làm cô ấy có ấn tượng rất sâu, vào mùa đông, đúng ca trực của cô ấy, có một người phụ nữ vừa sinh xong.
Chồng và gia đình chồng lập tức chạy đi chụp ảnh đứa bé, còn hỏi mật mã wifi để đăng lên mạng xã hội. Sản phụ một mình nằm trên chiếc giường trong phòng hồi sức.
Lúc ấy trời rất lạnh, người phụ nữ đó không ngừng run rẩy. Bố của sản phụ lập tức cởi áo ngoài ra đắp cho cô ấy. Người ông ấy rất gầy, bên trong mặc độc một chiếc áo cộc tay.
Còn người chồng, vừa cao vừa to, mặc áo len áo khoác lại không hề nghĩ đến chuyện nên làm chút gì đó cho vợ mình.
Thực sự, một người đàn ông yêu hay không yêu bạn, chỉ có đến khoa sản mới biết. Khoa sản là nơi có thể nhìn ra được thứ tự quan trọng nhất trong lòng người đàn ông. Rốt cuộc là vợ quan trọng hay con quan trọng?
Một bác sĩ nói, cô ấy làm việc đã 10 năm, đỡ đẻ cho khoảng trên 1.000 đứa trẻ. Chỉ có một người đàn ông, trong quá trình chờ sinh rớt nước mắt nhờ cô ấy, bác sĩ, làm ơn giúp vợ tôi đỡ đau đớn đi một chút có được không?
Có rất nhiều người chồng, rất nhiều bà mẹ chồng, điều họ quan tâm nhất chỉ là trong quá trình sinh, làm thế nào mới tốt cho đứa trẻ.
Ví dụ như có những người nghe nói tiêm thuốc giảm đau không tốt cho đứa trẻ, thế là họ hỏi bác sĩ, không tiêm có được không?
Giữa vợ và con, có những người chồng sẽ chọn con? Vậy rốt cuộc vợ và tiền cái nào quan trọng? Có người sẽ chọn tiền.
Ví dụ như nghe bác sĩ nói, tiêm thuốc gây tê màng cứng là chi phí phát sinh, không nằm trong diện bảo hiểm, nghe xong giá tiền, có người sẽ ngập ngừng hỏi vợ, em có chịu đau được không?
Hoặc ví dụ, sinh mổ đắt hơn sinh thường, có người chồng sẽ nói, em cố một chút, chúng ta không mất tiền oan. Đối với họ, cảm giác của vợ, sự đau đớn của vợ đều không đáng giá.
(Ảnh minh họa)
Trường hợp khoa sản thường gặp nhất là có lúc, người vợ đau quá muốn sinh mổ, người chồng vốn đã mềm lòng chuẩn bị ký cam kết.
Kết quả mẹ chồng nói, vẫn là sinh thường tốt cho đứa trẻ, hơn nữa trong vòng hai năm có thể sinh tiếp, cố đẻ thường đi. Chồng lập tức liền buông giáp đầu hàng, nghe lời mẹ, điều này làm người vợ vô cùng tuyệt vọng.
Có lúc người vợ đau vô cùng, không chịu được rên la to tiếng, chồng vốn dĩ cũng rất thương xót vợ. Kết quả mẹ chồng bên cạnh nói, đau đến thế hay sao, mẹ ngày xưa vừa sinh đã lập tức ra đồng, con gái bây giờ tiểu thư quá.
Chồng lập tức nói theo, cũng phải, đàn bà ai cũng phải đẻ, có phải mình em biết đẻ đâu. Những lời này tính sát thương còn hơn cả bị trúng một đao.
Suy cho cùng, đàn ông làm như vậy, khiến phụ nữ buồn là vì họ không hề xem vợ là người thân yêu nhất, thậm chí còn không xem vợ là người một nhà. Em xem anh là chồng, anh lại chỉ xem em là máy đẻ. Và máy đẻ thì không biết đau.
Khi mới kết hôn, đàn ông ai cũng thề non hẹn biển, bất kể ốm đau hay khỏe mạnh, giàu có hay nghèo khó, đều sẽ vĩnh viễn yêu, tôn trọng, bảo vệ cô ấy suốt đời… Mấy lời này trong thời khắc vợ sinh con, rất nhiều người dường như đã quên sạch sẽ.
(Ảnh minh họa)
Chỉ có lúc sinh con, phụ nữ mới có thể nhìn ra được con người thật của chồng mình. Hóa ra không phải hôn nhân, phòng sinh mới là nấm mồ của tình yêu.
Và giá như người đàn ông nào cũng nếm thử nỗi đau đớn của vợ, có lẽ sẽ không còn những người mẹ trầm cảm. Tóm lại, đọc để biết đi các ông, nếu còn chưa thương vợ lắm!".
Toàn bộ bài viết chưa rõ danh tính người viết này được đăng đàn trên một trang mạng xã hội ngay lập tức được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm và đồng cảm.
Bên dưới phần bình luận là đầy đủ những sắc thái cảm xúc của các chị em khi chia sẻ câu chuyện thật của chính mình hoặc một câu chuyện nào đó do mình chứng kiến, hoặc biết và hiểu.
Đó có thể là câu chuyện tương tự, minh chứng cho những thứ nêu trong bài viết phía trên là đúng, cũng có thể là một câu chuyện đối lập nhưng diễn tả lại đúng cảm xúc hạnh phúc của sản phụ hậu sinh nếu được chồng quan tâm, yêu thương và sẻ chia.
(Ảnh: Facebook)
Tuy nhiên, xin nhắc lại một điều, đây chỉ là một bài viết sưu tầm hoặc được một ai đó dịch lại từ một nguồn nước ngoài nào đó, thực hư vẫn chưa thật sự biết rõ.
Nhưng thật tình mà nói, dù cho chưa biết rõ, hay thậm chí là được bịa ra đi chăng nữa, nhưng suy cho cùng, giá trị mà nó mang lại là có thật, năng lượng và thông điệp mà nó truyền tải là có thật.
Bởi có gì đau xót hơn khi mình gặp những tình huống hệt như trong câu chuyện trên đâu, phải không chị em?
Thượng nghị sĩ Mỹ được phép mang con sơ sinh vào phòng họp
Thượng viện Mỹ thay đổi quy định lâu đời để cho phép các nữ thượng nghị sĩ được mang theo con nhỏ vào phòng họp trong các phiên bỏ phiếu.