Kịch bản nào cho ông Trump nếu không thắng bầu cử?
Các cố vấn của Tổng thống Trump được cho là đã khuyên ông chuẩn bị cho kịch bản thua cuộc, nhưng có thể không cần đưa ra một bài phát biểu thừa nhận thất bại.
23:00 07/11/2020
Tổng thống Trump ngày 6/11 đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu vì kết quả bầu cử, kín đáo hối thúc các đồng minh và cố vấn bảo vệ ông công khai và khẳng định ông vẫn "có cửa" để chiến thắng trước đối thủ Joe Biden.
Nhưng ở phía sau hậu trường trong 2 ngày qua, các cố vấn đã thảo luận với ông Trump về viễn cảnh thất bại bầu cử, và làm thế nào để xử lý một kết quả như vậy, báo Washington Post dẫn 2 nguồn tin biết về các cuộc thảo luận cho biết.
Theo các đồng minh và các quan chức Cộng hòa giấu tên miêu tả về các cuộc thảo luận nội bộ, một số người thân cận với Tổng thống đang ủng hộ kịch bản rằng, nếu ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng bầu cử tổng thống, ông Trump cuối cùng cũng sẽ phải đưa ra tuyên bố trước công chúng, trong đó ông cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình. Tuy nhiên, một cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử cho biết, chưa có cuộc thảo luận nào về một bài phát biểu thừa nhận thất bại - điều mà ứng viên thua cuộc thường làm trong mỗi cuộc bầu cử.
Các đồng minh cho biết, ông Trump nhiều khả năng sẽ không thừa nhận thất bại theo cách truyền thống - một bài phát biểu kiểu hòa nhã, cao thượng mà nước Mỹ chờ đợi ở cuối một trong những cuộc chạy đua tổng thống căng thẳng nhất trong lịch sử. Những người này nói rằng, nếu ông Trump thua, họ dự đoán ông sẽ tiếp tục tuyên bố - như ông đã nói vài ngày qua - rằng "cuộc bầu cử này đã bị đánh cắp".
Kể từ ngày bầu cử 3/11, Tổng thống Trump đã thừa nhận với một số cố vấn rằng ông đối mặt với một cuộc chiến khó khăn, nhưng cho rằng đó là vẫn là một “cuộc chiến” xứng đáng.
Mặc dù vậy, một số nhân vật trong nhóm thân cận của ông đã trấn an Tổng thống và giúp ông nhìn nhận điều mà nhiều người ngày càng thừa nhận là một kết quả có khả năng xảy ra: một thất bại tái tranh cử với ông - người không giấu giếm rằng ông ghét thua cuộc hơn bất kỳ điều gì.
Sau bài phát biểu giận dữ tại Nhà Trắng vào tối ngày 5/11 mà trong đó ông nghi ngờ tính hợp pháp của các kết quả bầu cử, các trợ lý ngày 6/11 đã thuyết phục Tổng thống đưa ra một tuyên bố dịu giọng hơn về quá trình kiểm phiếu, và hạn chế xuất hiện trước công chúng.
Tuyên bố được đưa ra thông qua chiến dịch tranh cử đã kêu gọi “minh bạch hoàn toàn việc kiểm kiếm và chứng nhận bầu cử”, và rằng cuộc chiến “đã không còn là một cuộc bầu cử đơn lẻ nào”.
“Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chiến đấu vì các bạn và đất nước của chúng ta”, ông Trump khẳng định.
Một người thân cận với chiến dịch tái tranh cử đã miêu tả tuyên bố trên là “một bước đi nhỏ tránh sự thách thức và tiến tới một thất bại tiềm tàng”.
Washington Post cũng dẫn lời một số quan chức cho hay, ông Trump những ngày qua đã dành thời gian trao đổi với một loạt các đồng minh và cố vấn lâu năm, trong đó có Kellyanne Conway, một cựu luật sư rời Nhà Trắng hồi tháng 8, luật sư cá nhân Rudolph W. Giuliani, con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, Phó tổng thống, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel, chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cựu chánh văn phòng Reince Priebus và nhóm chiến dịch tái tranh cử.
Các đồng minh của ông Trump vẫn chia làm 2 luồng ý kiến chính, một nhóm gồm Tổng thống và gia đình ông, vẫn tin rằng ông còn khả năng chiến thắng và nên tiếp tục chiến đấu; một nhóm lớn hơn gồm các cố vấn và quan chức đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump đã hết cơ hội.
Tuy nhiên, dù với những người vốn tin vào một chiến thắng cuối cùng của ông Biden cũng gặp khó khăn trong việc làm thế nào để đưa tin tức này tới Tổng thống. “Họ biết ông thua, nhưng không ai dường như muốn nói với ông rằng họ đã thua”, một thành viên đảng Cộng hòa thường xuyên liên lạc với Nhà Trắng, tiết lộ.
Viễn cảnh không mấy sáng sủa
Ông Trump dành phần lớn thời gian trong ngày 6/11 tại phòng Bầu dục, xem các kết quả cập nhật bầu cử trên tin tức và gọi cho các đồng minh và cố vấn để hối thúc họ “chiến đấu và bảo vệ tôi”, một nguồn tin biết về các cuộc trao đổi, cho hay.
Kể từ ngày bầu cử, Tổng thống đã gọi điện cho lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell vài lần nhưng ông cơ bản rất bình tĩnh, chỉ cập nhật kết quả bầu cử sớm và giải thích tại sao ông nghĩ ông vẫn có khả năng thắng.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng đã nhiều lần nói với ông Trump rằng vẫn có khả năng chiến thắng tại bang quan trọng Pennsylvania, một tuyên bố mà người quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien cũng đồng tình.
Người con rể Kushner ngày 5 và 6/11 đã gọi cho các đồng minh để giải thích rằng chiến dịch đã triển khai các nhóm pháp lý tại mỗi bang tranh cãi kết quả bầu cử, bày tỏ quan điểm về các kết quả cho tới nay, và khả năng nào để chiến thắng. Nhưng một người nói chuyện với Kushner cho biết cố vấn này dường như hiểu rằng chiến dịch của ông Trump có thể không còn cơ hội chiến thắng.
Một đồng minh nói chuyện với Tổng thống Trump hôm 5/11 cho biết những người con trưởng thành của ông thậm chí còn giận dữ về viễn cảnh thua cuộc hơn chính ông. Cùng ngày hôm đó, 2 con trai lớn của ông Trump là Donald Trump Jr. và Eric đã lên mạng xã hội Twitter chỉ trích đảng Cộng hòa không bảo vệ công khai cha của họ và chiến đấu vì ông. Và sau khi gia đình của ông đòi hành động, chiến dịch đã thiết lập một đường dây nóng để mọi người có thể thông báo về các cáo buộc gian lận bầu cử.
Chiến dịch cũng đưa ông David Bossie, một cố vấn của ông Trump và không phải là luật sư, đứng đầu nỗ lực pháp lý của nhóm để thách thức kết quả bầu cử tại các bang chiến trường. Tuy nhiên, với việc việc kiểm phiếu lại và các hành động pháp lý đã bắt đầu, một số cố vấn cho rằng nhóm của Tổng thống - đặc biệt là Kushner - đáng lẽ nên có một chiến lược pháp lý được chuẩn bị tốt hơn.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng khác đã cố gắng công khai ủng hộ Tổng thống Trump nhưng vẫn trấn an công chúng rằng, cuối cùng thì chính quyền cũng phải chấp nhận kết quả bầu cử.
Cố vấn kinh tế cấp cao Larry Kudlow của ông Trump ngày 6/11 phát biểu trên đài CNBC rằng ông dự đoán về “một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình”.
“Đây là một đất nước vĩ đại, nền dân chủ lớn nhất trên thế giới và chúng ta phải tuân thủ luật pháp, và tổng thống cũng vậy”, ông nói.
Một số cố vấn đã nói về việc làm thế nào để tránh một thất bại tiềm tàng, cho rằng ông Trump vẫn có thể tự hào khi góp phần giúp phe Cộng hòa giữ được thế đa số tại Thượng viện và giành thêm các ghế ở Hạ viện.
Đây không là một cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống, họ nói với ông.
Chính Phó tổng thống Mike Pence cũng ám chỉ điều đó trong một bình luận trên Twitter, rằng ông đã nói chuyện với hơn 20 nghị sĩ Cộng hòa để chúc mừng họ “giành chiến thắng lịch sử với cách biệt lớn trên cả nước”, điều mà ông ám chỉ là có lẽ không xảy ra nếu không có sự trợ giúp của Tổng thống.
“Cảm ơn Tổng thống Trump, chúng ta có các thành viên bảo thủ mạnh chiến đấu cho nhân dân Mỹ tại Washington”, ông Pence viết.
Dù mọi việc chưa rõ ràng, hầu hết thành viên trong nhóm thân cận của ông Trump cho biết, họ nghĩ rằng, nếu Tổng thống thất bại bầu cử, có rất ít khả năng ông từ chối rời Nhà Trắng, như nhiều thành viên Dân chủ từng lo ngại.
Thay vào đó, họ tin rằng ông Trump có thể rời Nhà Trắng mà không bao giờ thừa nhận thất bại một cách rõ ràng.
Một thành viên Cộng hòa thân cận với chiến dịch tái tranh cử đã mường tượng về tương lai sau 6 tháng nữa: ông Biden trở thành tổng thống, còn ông Trump vẫn than phiền: “Họ đã đánh cắp nó của tôi”.
4 bang quyết định
Theo Fox News, ông Biden hiện giành 264 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump giành 214 phiếu. Để đắc cử tổng thống, ứng viên phải giành tối thiểu 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri.
Hiện còn 6 bang vẫn đang kiểm phiếu là Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), North Carolina (15 phiếu), Georgia (16 phiếu), Arizona (11 phiếu), Nevada (6 phiếu) và Alaska (3 phiếu).
Ông Biden có 4 cách để giành thêm 6 phiếu đại cử tri còn thiếu để đắc cử. Còn với ông Trump, nếu muốn đắc cử, ông không có cách nào khác là buộc phải thắng tại các bang Pennsylvania, North Carolina,Georgia và Nevada. Tuy nhiên, ông Biden hiện đang dẫn ở 3 bang trong số này, đồng nghĩa với việc cánh cửa của ông rộng mở, trong khi của ông Trump rất hẹp.
Nếu thất bại, ông Trump sẽ trở thành đương kim tổng thống đầu tiên không tái đắc cử kể từ năm 1992.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/kich-ban-nao-cho-ong-trump-neu-khong-thang-bau-cu-20201107172722781.htm
Bầu cử Mỹ: Sự can dự của Tòa án Tối cao có giúp ông Trump lật ngược tình thế?
David Strauss - giáo sư luật của Đại học Chicago nhận xét, Tổng thống Trump sẽ khó xoay chuyển được tình thế dù nhờ đến sự can thiệp của Tòa án Tối cao.