Kiểm soát nhập cư: Biên giới Mỹ rộng lớn hơn bạn tưởng rất nhiều!

Biên giới Hoa Kỳ rộng lớn hơn bạn tưởng rất nhiều và địa bàn hoạt động của các đội tuần tra biên giới cũng vậy.

10:30 25/05/2018

Hai người phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha tại một trạm xăng Montana. Một hành khách trên xe buýt Greyhound ở Florida. Một đứa trẻ 10 tuổi bị cấp cứu đến bệnh viện ở Texas.

Cuộc gặp gỡ giữa họ với nhân viên tuần tra biên giới (Border Patrol) cách nhau hàng dặm, nhưng tất cả đều có một điểm chung: vấn đề chẳng hề diễn ra hay giải quyết trên biên giới.

Lục địa Hoa Kỳ có hai biên giới lớn, dài 1.933 dặm giữa Mỹ và Mexico và 3.987 dặm giữa Mỹ và Canada.

Nhưng địa bàn hoạt động của các nhân viên Tuần tra Biên giới rộng lớn hơn nhiều. Theo quy định của liên bang, cơ quan được trao quyền kiểm tra di trú ở bất cứ nơi nào trong một "khoảng cách hợp lý" 100 dặm bay từ biên giới đất liền Mỹ và bờ biển.

"Nếu không có thẩm quyền này, những người nhập cư bất hợp pháp có thể dễ dàng được tự do sau khi đi qua biên giới", Daniel Hetlage, phát ngôn viên của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), cho biết trong một tuyên bố với CNN. "Nhưng với nó, chúng tôi có khả năng thực thi pháp luật."

Hai phần ba dân số Hoa Kỳ sống trong khu vực biên giới 100 dặm này, bao gồm nhiều bang, bao gồm Florida, Michigan, Maine và Hawaii, theo Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ. (Bạn có thể xem bản đồ biên giới tại đây)

Các nhà hoạt động tố cáo cơ quan phân biệt chủng tộc và vi phạm hiến pháp khi họ thực thi nhiệm vụ của mình trong nội địa.

"Mặc dù khu vực biên giới 100 dặm không hoàn toàn vi hiến, động thái của CBP lại biến nó trở nên như vậy," ACLU nói.

Tiến hành kiểm tra nhập cư trong khu vực 100 dặm không phải là một chuyện mới hay một cuộc tranh luận mới, nhưng được chú ý nhiều hơn gần đây khi chính quyền Trump gắt gao hơn về vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Dưới đây là một số trường hợp xảy ra gần đây và các vấn đề chúng nêu lên:

Nhân viên tuần tra đòi kiểm tra ID của một phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha

Câu chuyện của Ana Suda bắt đầu tuần trước khi cô ra ngoài muộn để mua trứng và sữa tại Havre, Montana – cách biên giới Mỹ - Canada 35 dặm. Một nhân viên tuần tra nghe được cô nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha và chặn cô lại để kiểm tra ID.

Trong đoạn video ghi lại vụ việc, Suda chất vấn tại sao cô và bạn mình lại bị nhắm vào, đồng thời cáo buộc nhân viên tuần tra phân biệt chủng tộc.

Anh ta đáp lại: “Tôi không hề có ý đó. Vấn đề đáng ngờ ở chỗ các cô nói tiếng Tây Ban Nha ở cộng đồng dân cư chủ yếu nói tiếng Anh.”

Suda cho hay cô và người bạn đều sinh ra tại Mỹ. Cuối cùng, họ cũng có thể rời trạm xăng sau 40 phút.

Các nhà hoạt động xã hội nhanh chóng chỉ ra không có gì là bất hợp pháp khi sử dụng tiếng Tây Ban Nha ở Motana hay bất cứ đâu trên đất Mỹ.

Trong một tuyên bố, CBP cho biết các nhân viên có thẩm quyền bao gồm tra hỏi, bắt giữ, thu thập và xem xét bằng chứng.

Trả lời CNN, Suda nói cô đang tìm sự giúp đỡ và tư vấn từ phía ACLU. Bên CBP nói vụ việc đang được được tiến hành xem xét.

Người phát ngôn của cơ quan này cho biết: “Quyết định tra hỏi các đối tượng dựa trên nhiều yếu tố. Vụ việc này đang được xem xét để đảm bảo tất cả các quy định đều đươc tuân thủ hợp lý.”

Đến lượt hành khách trên xe buýt Greyhound phải xuất trình giấy tờ

Việc bắt gặp nhân viên tuần tra trên tàu hay xe buýt là không mới

Nhân viên tuần tra đã có mặt trên một chuyến xe buýt ở Fort Lauderdale, Florida hồi tháng Một và yêu cầu các hành khách xuất trình giấy tờ. Video cho thấy các nhân viên tra hỏi một phụ nữ, rồi đưa cô cùng hành lý xuống xe.

Theo phát ngôn viên của CBP, nguyên nhân là do visa du lịch của người phụ nữ này đã quá hạn. Cô ta bị tạm giữ và được giao cho Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ.

Các nhân viên tuần tra thường có mặt tại các điểm giao thông công cộng để ngăn người nhập cư bất hợp pháp di chuyển vào sâu trong nước Mỹ.

Một người trên xe đã kịp quay lại vụ việc bằng điện thoại và đưa lên mạng. Các chuyên gia cho rằng việc bắt gặp nhân viên tuần tra trên tàu hay xe buýt là không mới, nhưng cũng có những người lên tiếng bênh vực và phản đối hành động của nhân viên tuần tra.

“Nếu không có pháp lệnh cho phép, cảnh viên không được phép lên xe buýt tư nhân của Greyhound, xâm phạm quyền tự do của hành khách,” Hiệp hội Người nhập cư Florida cho hay.

“Người dân Florida xứng đáng được ngồi trên xe buýt trong yên bình mà không phải mang theo giấy khai sinh hay passport khi đến Disney World hay đơn giản là đi thăm họ hàng, đi làm,” họ nói thêm.

Phía Greyhound cho biết họ buộc phải tuân theo luật pháp và hợp tác với các nhân viên tuần tra.

Trong một lá thư gửi đến Greyhound hồi tháng Ba, ACLU yêu cầu công ty thay đổi chính sách của mình, đồng thời đề cập đến vụ việc ở Florida và các trường hợp tương tự.

ACLU cho rằng công ty không được phép cho nhân viên tuần tra không có thẩm quyền lên xe, kể cả trong vùng 100 dặm.

 Đến bệnh viện nhưng lại bị tạm giữ

Cô bé Rosa Maria Hernandez, 10 tuổi, là một người nhập cư không có giấy tờ. Khi bé đang trên đang chuẩn bị đến phòng phẫu thuật túi mật khẩn cấp, nhân viên tuần tra đưa em lên xe y tế để chuyển đến trạm kiểm soát tại Freer, Texas, cách biên giới 60 dặm. Các nhân viên đi cùng Rosa Maria đến một bệnh viện ở Corpus Christi, Texas, và tạm giữ cô bé vào sau khi phẫu thuật hoàn tất.

Gia đình Hernandez và những người ủng hộ của họ miêu tả cuộc bắt giữ là tàn nhẫn và không cần thiết.

"Do tình trạng sức khoẻ của cô bé, các nhân viên đã chuyển em đến một bệnh viện ở Corpus Christi, nơi cô bé được nhận dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp", CBP nói trong một tuyên bố sau khi Rosa Maria bị tạm giữ. "Theo luật nhập cư của Hoa Kỳ, sau khi cô bé được điều trị, vụ việc sẽ phải xử lý theo luật."

Rosa Maria đã được thả sau những ngày bị giam giữ.

CBP điều hành các trạm kiểm soát giống như nơi Rosa Maria bị giam giữ dọc theo các đường phố chính và ở các khu vực khác trong khu vực 100 dặm trên khắp vùng Tây Nam.

Hetlage, người phát ngôn của CBP, cho biết các trạm kiểm soát là rất quan trọng đối với hoạt động của CBP và hỗ trợ việc bắt giữ những người vi phạm. Thẩm quyền của cơ quan đã đượ thông qua Tòa án Tối cao.

Các nhà hoạt động địa phương thường xuyên chỉ trích các trạm kiểm soát, cáo buộc sự phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền khác.

Ở Arizona, một nhóm người đã cố gắng theo dõi một trạm kiểm soát, đấu tranh nhiều năm trước tòa, cố gắng tìm kiếm thông tin về những gì xảy ra ở đó.

Những người phản đối cũng cho rằng trạm kiểm soát chẳng giúp ích mấy trong việc kiểm soát nhập cư. Họ chỉ ra một báo cáo của Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ gần đây cho thấy chỉ 2% vụ bắt giữ tuần tra biên giới xảy ra tại các trạm kiểm soát giữa năm tài chính 2013 và 2016. 40% số vụ thu giữ ma túy với trữ lượng 1 ounce hoặc ít hơn tại các trạm.

"Nó thực sự làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân biên giới ngày qua ngày, ", Chris Rickerd, cố vấn chính sách của bộ phận vận động chính trị quốc gia của ACLU nói. Nhưng những gì xảy ra tại các trạm kiểm soát, ông nói, nên là mối quan tâm của tất cả người Mỹ - bất kể họ sống gần hay xa biên giới.

Nguồn: CNN
Tags:
Chính quyền Trump bắt giữ ngày càng nhiều người nhập cư vô tội

Chính quyền Trump bắt giữ ngày càng nhiều người nhập cư vô tội

Ngày càng có nhiều người nhập cư bị chính quyền Trump bắt giữ mặc dù họ hoàn toàn không có dấu hiệu phạm tội.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất