Kiều bào khắp nơi với tết quê hương
Dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vào những dịp xuân về, người Việt vẫn duy trì các tập tục truyền thống của quê nhà.
09:30 13/02/2018
Người gốc Việt và du khách đi chợ hoa VN ở California ẢNH: TRƯƠNG ĐÔNG THỨC
Trả lời Thanh Niên, chị Kathy Nguyen, sống tại thành phố Santa Rosa (bang California, Mỹ), cho biết những ngày cận Tết Nguyên đán, chị và gia đình thường đi hội chợ tết gần nhà. Tại đây có đầy đủ các mặt hàng giống như ở VN như kẹo mứt, bánh chưng, dưa món, thiệp xuân, bao lì xì…
Đêm 30 tết, chị cũng bày mâm cỗ truyền thống của người Việt để cúng giao thừa, sau đó mừng tuổi con cái, anh chị em trong gia đình. Tuy vẫn phải đi làm bình thường do các công ty Mỹ không “ăn tết ta” nhưng bạn bè hoặc đồng hương vẫn hào hứng chúc tết khi có dịp gặp nhau trên đường, quán ăn hay công sở.
Chị Nguyen kể thêm nhà thờ ở khu chị sống có tổ chức đội lân, sẵn sàng phục vụ cộng đồng người Việt theo nhu cầu. Thông thường một số tiệm làm móng hay gọi đội lân tới múa mừng năm mới và sau đó chủ tiệm sẽ đóng góp tùy tâm cho nhà thờ.
“Để con mình có cái mà nhớ”
Chị Mai Le tại Los Angeles (bang California) không giấu được sự hào hứng khi kể về không khí ăn tết ở đây. Chị cho hay không khí tại khu Little Saigon đang rất tưng bừng vì người Việt ở đây vẫn duy trì phong tục đón tết như xưa. Những ngày này, chị bắt đầu chuẩn bị các món ăn cho mấy ngày tết như làm thịt heo ngâm nước mắm, mua chả lụa, lạp xưởng, bánh chưng…
“Chị ở xa hay nhớ mẹ nên thường làm những món ăn Việt, nhất là dịp tết đến. Mỗi lần như vậy là nhớ gia đình mình ở VN. Chị cũng muốn con mình sau này có cái mà nhớ về mẹ và nguồn gốc của mình”, chị Mai Le với Thanh Niên. Mùng một tết, chị sẽ mặc áo dài đi chùa và sau đó đến chỗ làm.
Chị kể các đồng nghiệp Mỹ rất thích thú khi thấy chị trong bộ trang phục truyền thống đầy thanh lịch của VN. Những người chưa rõ sẽ hỏi ngày gì mà bạn mặc trang phục như vậy. Lúc này, chị Mai Le có thể hãnh diện kể về những ngày lễ tết của quê hương. Tết Nguyên đán năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên chị và họ hàng sẽ tụ họp tại nhà một người thân để chế biến các món ăn Việt, vui chơi mừng năm mới.
Sẵn có niềm đam mê nhiếp ảnh, anh Trương Công Khả, sống tại thành phố Gardena thuộc hạt Los Angeles, dịp này thường đến hội chợ hoa ở thương xá Phước Lộc Thọ thuộc khu Little Saigon để chụp ảnh, cố thu vào ống kính những cảnh sắc nhộn nhịp của chợ tết và tìm lại phong vị quê nhà. Chị Huong Le ở thành phố Stanton (bang California) cho biết chị vừa đi chợ hoa về và không khí xuân đang rất tưng bừng. Ở thương xá Phước Lộc Thọ, người ta mở các gian hàng bán món ăn Việt, hoa tết, bao lì xì… Mùng một, chị sẽ nghỉ làm và cùng gia đình đi chùa hái lộc.
Các chùa ở quận Cam như Dược Sư, Huệ Quang, Bảo Quang thường mở cửa để mọi người đến hái lộc đầu năm, xin xăm, cầu nguyện cho cả năm bình an. Theo chị Huong Le, không khí tết tại các chùa rất nhộn nhịp vì luôn đông người Việt đến thăm viếng. Ở những khu chợ có đông người Việt buôn bán, các tiểu thương còn đốt pháo mừng năm mới.
Duy trì để không quên nguồn cội
Tết đối với Mẹ Finn, tên thường gọi của một người Việt sống tại thành phố Kempten (Đức), rất thiêng liêng và là điều đặc biệt để gắn kết với quê nhà. Chị không bao giờ quên cái cảm giác thiếu thốn, bần thần khi lần đầu tiên bỏ qua việc ăn tết vào năm đầu du học vì trùng với đợt thi. Bỏ ăn tết một lần thôi mà cả năm sau lúc nào chị cũng thấy hụt hẫng. Thế mới biết tết cổ truyền đặc biệt với người Việt đến mức nào.
Những dịp Tết dương lịch, khi cùng người Đức nâng ly để chúc nhau sức khỏe, thì với chị, năm vẫn chưa hết khi chưa đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, chị mới bắt đầu tổng kết những gì đã làm được trong năm qua và vạch kế hoạch cho năm tới. Hồi còn là du học sinh, chị đều mời bạn bè các loại bánh mứt để quảng bá tết cổ truyền và tự hào giải thích mọi thứ cho những ai quan tâm đến tết Việt. Có con nhỏ nên tết đến, Mẹ Finn thường trang trí nhà cửa theo truyền thống Việt: hoa mai, câu đối đỏ, làm các món ăn quê hương cũng như đặt mua bánh tét, củ kiệu bày mâm cỗ cúng gia tiên vào tối giao thừa để con trẻ biết về tổ tiên nguồn cội.
Cũng như người Việt ở các nơi khác, Mẹ Finn cùng các anh chị em đồng hương sẽ đi lễ chùa vào sáng mùng một để thưởng thức không khí lễ hội tưng bừng; sau đó sẽ xin lộc, xin xăm cầu mong năm mới bình an tốt lành cho gia đình mình.
Trả lời Thanh Niên, anh Max Bui tại thành phố Auckland (New Zealand) cho hay anh vẫn duy trì tập tục của người Việt dù sống ở xứ người nhiều năm nay. Anh cũng thức cúng giao thừa và nghỉ làm để đi chùa vào ngày mùng một.
Những năm tết rơi vào dịp cuối tuần, anh cùng họ hàng thường quây quần nấu nướng các món ăn Việt, chúc tết lẫn nhau, lì xì mừng tuổi và hát karaoke. Các nhà thờ ở đây cũng tổ chức nhiều chương trình đón xuân cho cộng đồng người Việt.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Trường ở thành phố St.Petersburg (Nga) cho biết cộng đồng Việt tại đây mỗi dịp tết đến thường tổ chức lễ hội đón xuân cùng nhau, diễn ra trước tết vài ngày. Năm nay lễ hội được tổ chức vào ngày 10.2. Anh Trường kể những món ăn trong ngày tết ở VN hầu như đều có trên bàn của người Việt tại Nga vì thực phẩm Việt được vận chuyển thường xuyên (trung bình 2 chuyến/tuần) nên không thiếu nguyên liệu để làm các món ăn tết, như lá dong, gạo nếp, đậu xanh, măng, miến, mộc nhĩ…
Vào tối giao thừa, mọi người tổ chức đón tết tại nhà, có những món ăn VN như bánh chưng, nem, giò lụa, giò thủ. Người Việt ở bên Nga còn phải đi làm nên việc đón tết cổ truyền thường không kéo dài như ở VN. Nếu tết rơi vào ngày cuối tuần thì anh sẽ sang chơi nhà bạn bè hoặc mời mọi người tới nhà mình đón tết.
Theo Thanh niên
Trực thăng rơi ở Mỹ, ba người thiệt mạng
Ba du khách Anh thiệt mạng sau khi trực thăng Mỹ rơi xuống Grand Canyon.