Kinh nghiệm mua vé tham quan, voucher du lịch thanh lý

Để quyết định mua voucher thanh lý, hãy liên lạc bằng điện thoại, email, tin nhắn với nhà cung cấp gốc như nhà hàng, khách sạn để kiểm tra thông tin.

22:40 02/06/2023

Hàng năm cứ vào mùa du lịch, thị trường thanh lý vé tham quan, voucher du lịch lại sôi động. Nhiều người dự kiến đi chơi rồi phải hoãn nên tìm cách rao bán những vé đã mua với giá thấp hơn giá gốc. Du khách hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua các loại vé thanh lý, để chắc chắc rằng mình sẽ có một chuyến đi thuận lợi. Độc giả Trịnh Hằng, chia sẻ kinh nghiệm với độc giả VnExpress.

Vé máy bay, tàu xe

Hiếm khi bạn gặp được một chiếc vé máy bay thanh lý vừa trùng khớp tên tuổi, lại đúng địa điểm muốn đi. Kể cả khi không trùng tên, một số khách hàng vẫn chấp nhận chi thêm khoản phí đổi tên vì tổng số tiền vẫn thấp hơn giá vé máy bay gốc của hãng.

Tuy vậy, trước khi quyết định mua lại vé máy bay thanh lý, hãy vào website, dùng app của hãng hàng không và liên hệ tổng đài để kiểm tra kỹ mã đặt chỗ của vé. Đồng thời, hãy cân nhắc có thật sự muốn đi chuyến đi này, hay chỉ vì ham rẻ, bởi dù mua được vé giá tốt, bạn vẫn cần chi thêm nhiều khoản khác (phòng nghỉ, xe cộ, ăn uống) mà đặt chỗ càng gần ngày đi thì càng đắt.

Đối với vé tàu xe, nếu trên vé không ghi tên hành khách thì đơn giản hơn, bạn có thể mua vé mà không cần băn khoăn về các vấn đề phát sinh. Tuy vậy, ở nhiều nước, để đảm bảo an ninh, vé tàu xe gắn với tên tuổi hành khách. Nhân viên soát vé có thể yêu cầu xuất trình giấy tờ để xem có đúng vé của bạn không. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn không nên mua vé thanh lý.

Các voucher khách sạn thường được phát hành và bán nhiều trên các diễn đàn.
Các voucher khách sạn thường được phát hành và bán nhiều trên các diễn đàn.

Voucher giảm giá tour du lịch, nhà hàng, khách sạn

Đây là loại vé được mua đi bán lại phổ biến nhất trên mạng, thường với giá khá hời. Để quyết định mua voucher này, bạn hãy liên lạc bằng điện thoại, email, tin nhắn với nhà cung cấp gốc (chính là nhà hàng, khách sạn nơi phát hành voucher). Có ít nhất ba thông tin bạn cần xác nhận: voucher này có đang trong thời hạn áp dụng tại cơ sở dịch vụ đó hay không; họ có chấp nhận khách mua lại từ khách hàng khác hay không; những điều kiện áp dụng voucher.

Nếu có bất kỳ điều khoản bất lợi hoặc điều kiện bất minh nào (ví dụ phụ thu không ghi rõ trên voucher, hoặc không thể sử dụng voucher trong ngày lễ ngày nghỉ), thì bạn đừng cố mua loại voucher đó chỉ vì giá rẻ. Voucher không phải là hàng hóa cầm hay cân đo được, nó chỉ là một "lời hứa" về chất lượng. Bạn không thể kiểm chứng chất lượng cho đến tận ngày sử dụng voucher. Bản chất của dịch vụ là mang lại sự hài lòng, mà sự bất lợi hoặc bất minh có thể gây ra khá nhiều khó chịu và không xứng đáng với số tiền bạn tiết kiệm được khi mua thanh lý. Thậm chí, trong một vài trường hợp, bạn còn phải chi thêm.

Đối với mọi loại vé và voucher thanh lý, tốt nhất bạn nên mua từ nguồn quen biết, uy tín (anh em, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người có bạn chung). Khi đó, bạn có thể kiểm tra thông tin rằng họ đã mua vé thật, voucher thật. Đừng ham rẻ mà mua vu vơ trên mạng để rồi vừa mất tiền oan vừa mua nỗi bực dọc cho bản thân.

Vé tham quan

Đa số các loại vé tham quan du lịch, vé tham dự sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật đều không ghi tên khách, vì thế ai cũng có thể sử dụng và mua đi bán lại. Nếu bạn thanh lý vé giấy, hãy kiểm tra kỹ tính xác thực của vé: trên vé có dấu hoặc tem chống hàng giả hay không, có mã số hay đặc điểm nhận dạng chính xác không. Nếu là vé điện tử, trên vé thường có QR code hoặc bar code. Hãy liên lạc với nhà phát hành để họ xác nhận xem vé bạn mua lại có thể sử dụng được không.

Một số điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, căn cước) khi mua vé, và khi bạn vào cửa, người soát vé sẽ kiểm tra cả vé lẫn hộ chiếu của bạn. Do đó bạn không thể mua lại vé của người khác vì tên trên vé không phải là tên bạn.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất