Kinh tế tăng trưởng nhưng tại sao học sinh Mỹ lại ngày càng chán làm thêm?

Mùa hè đang tới và nhiều sinh viên, học sinh trên toàn thế giới sẽ bước vào kỳ nghỉ dài cũng như cố gắng tìm một công việc bán thời gian cho giai đoạn này. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Mỹ, tuy nhiên một số báo cáo lại cho thấy những con số đáng ngạc nhiên trong thị trường lao động nước này.

23:14 07/06/2017

Câu chuyện làm thêm của học sinh Mỹ

Trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 4,3%, mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua và điều này chứng tỏ các sinh viên, học sinh Mỹ có một cơ hội việc làm rất lớn trên thị trường. Tỷ lệ không có việc làm của sinh viên, học sinh trong độ tuổi 16-19 tại Mỹ vào tháng 5/2017 là 14,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 27% vào năm 2009. Dẫu vậy, một thực tế đáng ngạc nhiên là các sinh viên, học sinh đang khó tìm được việc làm hơn trước.

Khảo sát của CareerBuilder cho thấy 41% các nhà quản lý tại Mỹ có kế hoạch thuê lao động thời vụ cho mùa hè này thay vì thuê học sinh, sinh viên, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức 29% của năm trước.

Tuy vậy, một số liệu đáng ngạc nhiên hơn là những con số trên chỉ tập trung vào những sinh viên muốn kiếm việc làm, trong khi rất nhiều thanh thiếu niên Mỹ không muốn đi làm thêm vào mùa hè này do họ có nhiều thứ để ưu tiên hơn so với trước đây.

Số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy vào mùa cao điểm tháng 6/2016, chỉ có 43% số sinh viên, học sinh trong độ tuổi 16-19 tìm việc làm thêm hay đang làm việc. Con số này thấp hơn 10 điểm phần trăm so với tháng 6/2006 và thấp hơn mức gần 70% của tháng 6/1989.

Nếu xem xét lượng sinh viên, học sinh làm thêm tại Mỹ cả năm trong vòng 30 năm qua, một bức tranh đáng báo động được khắc họa khá rõ nét. Khi nền kinh tế suy thoái vào đầu thập niên 2000 và năm 2008, số học sinh làm thêm giảm đi. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi sau đó, tỷ lệ này không tăng trở lại.

Cơ quan BLS ước tính tỷ lệ học sinh làm thêm tại Mỹ sẽ giảm xuống 27% vào năm 2024, tương đương thấp hơn 30 điểm phần trăm so với năm 1989.


Tỷ lệ thanh thiếu niên 16-19 tuổi tham gia lao động hoặc đang tìm việc tại Mỹ ngày càng thấp (%)

Tỷ lệ thanh thiếu niên 16-19 tuổi tham gia lao động hoặc đang tìm việc tại Mỹ ngày càng thấp (%)

Vậy tại sao thanh thiếu niên Mỹ lại ngày càng bỏ làm thêm?

Nhiều chuyên gia cho rằng có khá nhiều nguyên nhân cho tình trạng trên. Đầu tiên, lực lượng lao động thời vụ này bị đẩy ra khỏi thị trường việc làm bởi những người già. Số liệu hiện nay cho thấy những người già trên 65 tuổi vẫn còn lao động tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 50 năm qua.

Thêm vào đó, một báo cáo vào năm 2012 cho thấy những người nhập cư trình độ thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội tìm việc làm thêm của thanh thiếu niên Mỹ trong các ngày hè.

Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng làm thêm của học sinh tại nền kinh tế số 1 thế giới suy giảm là các bậc phụ huynh ngày nay đang ép con cái tham gia những chương trình tình nguyện, hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng với văn phòng tuyển sinh khi xét duyệt đại học.

Đặc biệt, việc giá cả leo thang trong khi mức lương làm thêm quá thấp, khiến học sinh không đủ tiền chi tiêu cũng như đóng học phí khiến họ từ bỏ lựa chọn này. Theo luật định, mức lương tối thiểu cho các học sinh Mỹ làm thêm là 7,25 USD/giờ trong khi chi phí học tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ lên đến hơn 50.000 USD.

Một số chuyên gia cũng cho rằng lối sống thoải mái ngày nay của tầng lớp trẻ khiến họ trở nên lười nhác hơn trước. Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu hay báo cáo nào chứng minh cho luận điểm này.

Học, học nữa, học mãi

Bên cạnh những nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra cho tình trạng ít đi làm thêm của giới học sinh Mỹ, nghiên cứu mới đây của BLS lại cho rằng nhiều khả năng thanh thiếu niên Mỹ ít đi làm thêm do họ học nhiều hơn.


Tỷ lệ học sinh độ tuổi 16-19 ở lại theo học tại trường vào tháng 7 hàng năm ở Mỹ (%)

Tỷ lệ học sinh độ tuổi 16-19 ở lại theo học tại trường vào tháng 7 hàng năm ở Mỹ (%)

Trong vòng vài thập niên trở lại đây, ngành giáo dục Mỹ đang khiến học sinh ngày càng tốn nhiều thời gian hơn với thời lượng học trong ngày cũng như các niên khóa trong năm kéo dài hơn. Thậm chí, các chương trình học cũng ngày một nặng hơn, khiến các học sinh phải từ bỏ nghỉ hè để học lại các môn thi trượt hoặc ôn lại kiến thức. Hơn nữa, hàng loạt các lớp học thêm, lớp tín chỉ cũng được tổ chức trong ngày hè, khiến học sinh không còn thời gian.

Số liệu của BLS cho thấy hơn 2/5 số học sinh độ tuổi 16-19 vào tháng 7 năm ngoái phải đi học ở trưởng, cao gấp 4 lần so với năm 1985.


Tỷ lệ học sinh hoàn thành ít nhất 1 trong 3 bộ môn tại Mỹ tăng mạnh (%)

Tỷ lệ học sinh hoàn thành ít nhất 1 trong 3 bộ môn tại Mỹ tăng mạnh (%)

Trong 4 năm học cấp 3, học sinh Mỹ cũng ngày càng hiếu học hơn. Vào năm 1982, chưa đến 10% số học sinh cấp 3 Mỹ hoàn thành ít nhất 1 trong 3 bộ môn là tiếng Anh 4 năm, môn toán và khoa học 3 năm, tiếng nước ngoài 2 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã lên đến gần 62% vào năm 2009.

Không riêng gì học thêm nhiều lớp, các chương trình giáo dục tại Mỹ cũng ngày một khó khăn hơn. Các lớp dạy giải tích tại Mỹ đã tăng nhiều gấp 3 lần so với hồi đầu thập niên 1980, trong khi các lớp tích phân tăng nhiều gấp 5 lần, lớp xác suất thống kê tăng nhiều gấp 10 lần. Năm 2009, gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp theo học các lớp đào tạo tiền đại học (AP), tăng 39% so với cách đó 4 năm.

Tất nhiên việc chú trọng vào giáo dục đem lại nhiều lợi ích, nhưng việc tập trung quá vào đây khiến các học sinh bị yếu những kỹ năng thực tế như quản lý thời gian, tài chính cũng như nhiều kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp trong xã hội.

Đại học Harvard đuổi học nhiều sinh viên vì đăng ảnh chế dung tục trên Facebook

Đại học Harvard đuổi học nhiều sinh viên vì đăng ảnh chế dung tục trên Facebook

Đại học Harvard (Mỹ) đã đuổi học ít nhất 10 tân sinh viên vì dính líu đến việc đăng những ảnh chế, đã qua chỉnh sửa có nội dung phân biệt chủng tộc, giới tính, khiêu dâm trong một nhóm kín trên Facebook.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất