Kỹ sư Hàn quyết cưới cô gái Việt bất chấp sự phản đối của mẹ

Từ vai phụ, âm thầm đi bên đời chị, anh Lim đã chinh phục được trái tim cô gái xinh xắn bằng sự chân thành.

03:44 01/03/2018

Năm 2010, chị Minh Nhân (lúc đó 31 tuổi) đang làm việc cho một công ty nước ngoài, chị nhánh tại TP HCM thì quen bạn trai người Hàn, là giám đốc chi nhánh. Vì muốn tìm hiểu văn hóa đất nước người yêu để chuẩn bị cho việc làm vợ, làm dâu, chị lên mạng kết bạn với rất nhiều người Hàn, trong đó có anh Lim Dong Gun (cùng tuổi), là kỹ sư công nghệ thông tin. Thấy cô gái Việt xinh đẹp, nói tiếng Anh lưu loát, anh Lim vô cùng thích thú, đồng ý ngay. Họ cùng những người Hàn khác lập nên một nhóm để trao đổi công việc, giao lưu tiếng Anh.

Suốt gần bốn năm trò chuyện, nhiều lần anh Lim ngỏ lời yêu, nhưng đều bị từ chối. Chị Nhân bảo chỉ muốn làm bạn để trút bầu tâm sự. 

Tuy nhiên, mối duyên đầu của chị Nhân không thành. Bạn trai đòi chia tay vì gia đình anh kịch liệt phản đối con dâu Việt. Đau buồn, nghĩ chẳng còn mở lòng với ai nữa, nick của chị tắt đèn. Ở xa cả ngàn cây số, anh Lim bồn chồn lo lắng. Cuối cùng, anh đánh bạo gửi tin nhắn hỏi thăm thì biết tâm sự buồn của chị.

“Tôi thương cô ấy, giành hết tuổi thanh xuân cho bạn trai nhưng phải ra đi trong nước mắt”, anh Lim chia sẻ. Anh âm thầm lên kế hoạch sang Việt Nam du lịch để tỏ tình với chị một lần nữa.

Hơn bốn năm nói chuyện, chị chỉ xem anh là người để tìm hiểu văn hóa Hàn và là nơi để trút bầu tâm sự khi giận bạn trai. Ảnh: NVCC

Hơn bốn năm nói chuyện, chị chỉ xem anh là người để tìm hiểu văn hóa Hàn và là nơi để trút bầu tâm sự khi giận bạn trai. Ảnh: NVCC.

Đi cùng anh hôm đó có hai người bạn. Gặp chị ở sân bay, hai người kia nói liến thoắng, pha trò đủ kiểu. Còn anh chỉ lẽo đẽo đi theo, nhìn chị cười bẽn lẽn. Lúc đó, chị mới bắt đầu để ý anh bạn là điểm tựa âm thầm 4 năm qua của mình.

Sau những bỡ ngỡ, ngại ngùng lần đầu gặp mặt, họ cùng nhau đi du lịch khắp các tỉnh miền Tây. Chị Nhân nhận trách nhiệm là hướng dẫn viên. Anh Lim thành người vận chuyển hành lý, che chở cho cô gái đi cùng. Kết thúc chuyến đi, chị bị chinh phục bởi sự thật thà, ga lăng, quan tâm của anh. 

Trở về Sài Gòn, anh đến ra mắt gia đình chị và được mẹ chị thích ngay vì lễ phép, ngoan hiền. Bà khuyên con gái: “Con là đứa lận đận đường tình duyên, lấy được nó là phúc ba đời”. Người thân trong gia đình chị ai cũng ủng hộ.

Ngược lại, mẹ anh kịch liệt phản đối. Bà cho rằng, con trai Hàn lấy vợ nước ngoài phải có một trong hai lý do: Gia đình nghèo hoặc già và tàn tật. Trong khi anh Lim có kiến thức, công việc thu nhập cao, gia đình khá giả, lấy vợ ngoại sẽ là điều xấu hổ cho cả gia đình. Hơn nữa, hai người khác ngôn ngữ, văn hóa sẽ có những bất đồng không lường hết khi sống chung. 

Chị Nhân ban đầu cũng nghĩ anh sẽ nghe lời mẹ rồi chia tay mình, vì thế không mấy mặn mà. Thế nhưng, với sự chân thành, bảo vệ tình yêu của anh, chị chấp nhận nghỉ việc, một mình sang Hàn Quốc hai tuần để vừa du lịch, vừa điều tra hoàn cảnh gia đình, người thân, bạn bè bạn trai. Cho đến khi biết được tất cả các mối quan hệ của anh đều tốt, chị mới yên tâm.

Sau nhiều lần thuyết phục mẹ không được, anh âm thầm chuẩn bị giấy tờ, một mình sang TP HCM làm đám cưới và đăng ký kết hôn với chị. Biết điều đó, chị hạnh phúc đến trào nước mắt. Đám cưới của họ chỉ có nhà gái và một vài người bạn của anh đến dự, nhưng chị vô cùng mãn nguyện vì lấy được người chồng hết lòng yêu thương vợ.

Sau tuần trăng mật, anh trở về nước tiếp tục công việc, chuẩn bị các thủ tục đón vợ sang đoàn tụ. Chị ở lại, sắp xếp công việc, tìm hiểu các kiến thức về nữ công gia chánh, những truyền thống gia đình người Hàn để làm sao hòa thuận với mẹ chồng. Một tháng xa cách cũng đến ngày chị chuẩn bị hành lý ra đi, trong tâm trạng vô cùng lo lắng. “Anh đã làm thủ tục mua nhà để vợ chồng ra ở riêng, tôi cũng chuẩn bị hết các tình huống để không bỡ ngỡ nhưng vẫn không thôi run sợ. Mẹ chồng Hàn Quốc rất khó tính. Lần trước tôi gặp mẹ anh, bà đã phản đối ra mặt rồi”, chị nói. 

Năm 2016, họ đón con gái đầu lòng. Hai năm sau là cậu con trai kháu khỉnh. Ảnh: NVCC

Năm 2016, họ đón con gái đầu lòng. Hai năm sau là cậu con trai kháu khỉnh. Ảnh: NVCC

Được chồng trấn an ở sân bay với bó hoa tươi thắm, cái ôm thật chặt, hứa sẽ bảo vệ, chị vẫn không thôi lo, cứ nghĩ đến những lời khó nghe, ánh mắt giận dữ, khuôn mặt đăm chiêu của mẹ anh dành cho mình. Cho đến khi vừa bước vào nhà được mẹ anh quan tâm: "Con đi rửa mặt rồi nằm nghỉ cho khỏe, quần áo bẩn cứ để đó mẹ giặt cho. Mẹ sẽ tôn trọng quyết định của thằng Lim" chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Rào cản lớn nhất của mẹ chồng nàng dâu là giao tiếp, vì cả hai không thạo tiếng của nhau. Cuối cùng, bố chồng tháo gỡ bằng cách, một người nói tiếng Anh, một người nói tiếng Hàn, các thành viên trong gia đình sẽ làm thông dịch viên cho hai người. Hai mẹ con cũng sẽ tải chương trình google dịch về điện thoại, để khi không có ai ở nhà sẽ giao tiếp dễ hơn. Từ đó đến nay, mẹ con họ không chỉ quan tâm nhau, mà còn xem nhau như ruột thịt.

Sau 4 năm kết hôn, Minh Nhân đã thực sự được gia đình nhà chồng đón nhận. Ảnh: NVCC

Sau 4 năm kết hôn, chị Nhân đã thực sự được mẹ chồng đón nhận. Ảnh: NVCC

Sau hơn bốn năm kết hôn, họ đã có đủ nếp đủ tẻ. Hiện nay chị ở nhà nội trợ, kinh tế gia đình do anh gánh vác. Do giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Anh, vì thế không tránh khỏi những bất đồng vì không hiểu hết nghĩa và sai nghĩa, nhưng sau đó, họ ngồi lại phân tích, chỉ ra điều sai của nhau để khắc phục. Chị hứa sẽ sắp xếp công việc đi học tiếng Hàn để hiểu chồng, gia đình chồng hơn. Anh cũng hứa sẽ đi học tiếng Việt để giúp các con hiểu về nguồn cội của mẹ.

Đến nay, chị vẫn rất tự hào vì lấy được anh chàng hiền lành, hết lòng vì vợ con và luôn biết nhường lúc vợ nóng giận. Còn anh, vẫn luôn yêu chị, cô gái thông minh, cá tính, biết im lặng đúng lúc để giữ hòa khí gia đình. Suốt hơn bốn năm qua, đi đâu anh cũng dẫn vợ con theo, tự hào giới thiệu vợ mình là người Việt Nam.

Tags:
Cô gái Việt khởi nghiệp trên đất Úc bằng thương hiệu váy cưới

Cô gái Việt khởi nghiệp trên đất Úc bằng thương hiệu váy cưới

Chỉ sau hai năm lập nghiệp trên đất khách, người mẹ trẻ Trần Thu Lê (sinh năm 1989) đã biến gara với 6 chiếc áo cưới ở bang Victoria (Úc) thành thương hiệu Bella E La Bestia Bridal (BELBB) được nhiều người biết đến.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất