Kỹ sư tại Google và những chia sẻ về tìm việc tại Mỹ
Từng nhận lời mời thực tập của những công ty lớn như nvidia, Pinterest, Amazon, Paypal, Google và một vài startups khác, trong tháng 8 này, sau khi hoàn tất chương trình học tại Drexel University, Nguyễn Hữu Minh Tuấn sẽ chính thức đầu quân cho Google với vị trí Advertising Platform tại trụ sở chính của Google ở Silicon Valley.
22:06 08/11/2017
Nhận lời mời phỏng vấn từ tinnuocmy.com, Tuấn đã có nhiều chia sẻ đầy thiết thực về hành trình chinh phục gã khổng lồ tìm kiếm này.
Chào Tuấn, dù chưa tốt nghiệp đại học nhưng Tuấn đã được Google chào đón cho vị trí làm việc toàn thời gian vào tháng 8 tới, Tuấn có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?
Vào năm 3 tại Drexel University, Tuấn đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập và được lời mời
vào làm thực tập ở Oracle với vai trò kĩ sư phần mềm. Qua năm tiếp theo, mình may mắn hơn khi nhận được thư mời thự tập từ nhiều công ty lớn, trong số đó có Amazon, nvidia, Pinterest, Paypal, Google và một vài startups khác, nhưng mình lựa chọn thực tập tại Google vì mình nghĩ đó là công ty tốt nhất. Sau khi hoàn tất chương trình thực tập, mình sẽ đầu quân chính thức tại nơi này. Mình chọn Google vì mình nghĩ đây là môi trường tốt nhất cho tương lai của mình. Ngoài các lợi ích về tiền lương, bảo hiểm, các nhà hàng với thực đơn pha trộn ẩm thực từ mọi nơi trên thế giới, và nhiều đãi ngộ khác, thì Google còn là nơi tụ họp của những người thông minh và sáng tạo, và làm việc với họ chắc chắn sẽ rất tuyệt cho bản thân mình. Quan trọng nhất, vì mình đã từng làm thực tập ở đây nên mình sẽ có một khởi đầu nhanh và suôn sẻ hơn khi trở lại làm nhân viên chính thức.
Để có được một vị trí tại những công ty hàng đầu thế giới như Amazon, Pinterest, Paypal hay Google, Tuấn nghĩ mình có điểm nào nổi trội để thu hút nhà tuyển dụng?
Mình thật sự không có nhiều điểm mạnh để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng. Mình không học tại một trường danh tiếng như Ivy League và điểm của mình cũng không cao. Tuy nhiên trong quá trình học tập ở Mỹ, mình tìm ra một vài mẹo vặt rất hữu dụng để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng và trở nên nổi trội hơn so với những thí sinh khác.
Tuấn có thể chia sẻ cụ thể về những “mẹo vặt” giúp mình chinh phục những công ty lớn tại Mỹ?
Trải qua thời gian tìm kiếm, chuẩn và chinh phục các công ty lớn, mình có thể rút ra được 3 bước chính trong hành trình chinh phục giấc mơ sự nghiệp:
Bước 1: Có một hồ sơ nổi trội để được các công ty mời phỏng vấn.
Bước 2: Thể hiện kĩ năng và kiến thức của bản thân qua các vòng phỏng vấn.
Bước 3: Nếu nhận được nhiều thư mời làm việc, hãy dùng thời gian để đánh giá và chọn công ty tốt nhất cho bản thân để thực tập.
Mình xin giải thích rõ các bước trên như sau:
Bước 1: Nếu bạn muốn kiếm việc làm, việc đầu tiên bạn cần làm chính là gửi hồ sơ xin việc của bạn cho các nhà tuyển dụng. Nhưng với các công ty lớn và những startups tiềm năng, thì có rất nhiều thí sinh khác cũng nộp hồ sơ xin việc để cạnh tranh với bạn. Do vậy, một hồ sơ tầm thường không nổi trội sẽ không thể đưa bạn đến vòng tiếp theo. Để hồ sơ xin việc nổi trội thì có rất nhiều cách.
Đa số các bạn sẽ nghĩ rằng một hồ sơ nổi trội phải bao gồm việc học ở một trường đại học danh tiếng và có điểm GPA cao nhưng nó không hoàn toàn đúng. Với những ngành liên quan đến công nghệ thì kinh nghiệm vốn có của bản thân là quan trọng nhất, bao gồm kinh nghiệm từ nơi bạn từng làm việc, từ những dự án cá nhân hoặc dự án và nghiên cứu mà bạn hoàn thành trong lớp học.
Sau khi có một hồ sơ hoàn chỉnh, đừng nộp hồ sơ của bạn qua các trang web tìm việc làm của các công ty mà hãy tìm cách kết nối với nhân viên của công ty mà bạn muốn được phỏng vấn, sẽ tốt hơn nếu người đó cũng có cùng chuyên môn với bạn, và nhờ người đó giới thiệu hồ sơ của bạn đến nhà tuyển dụng. Với lời giới thiệu từ một nhân viên trong công ty, hồ sơ của bạn chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để nhận được thư mời phỏng vấn.
Khoảng 5 tháng trước khi nộp hồ sơ xin việc, mình đăng kí tài khoản Premium của Linkedin, và mình thật sự không ngờ rằng mình có thể kết nối được với rất nhiều kĩ sư phần mềm từ rất nhiều công ty, và ngay sau khi giới thiệu bản thân và những dự án mình đã và đang thực hiện, mình nhận được rất nhiều thư giới thiệu để nộp hồ sơ vào làm việc tại công ty của các kĩ sư này.
Ngoài sử dụng mạng xã hội, bạn có thể tận dụng sự kiện career fair từ trường mà bạn đang học. Đây là sự kiện mà các nhà tuyển dụng sẽ đến trường của bạn để tìm kiếm thực tập hoặc nhân viên chính thức. Tại đây, bạn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng và có thể tìm hiểu rõ hơn về các công ty này, đồng thời bạn sẽ có cơ hội thể hiện bản thân trước mặt họ và nếu làm tốt, khả năng rất cao là hồ sơ của bạn sẽ được họ chấp nhận và được mời đến phỏng vấn.
Bước 2: Sau khi được mời đi phỏng vấn, bạn cần dùng khoảng thời gian mà mình có trước khi trực tiếp phỏng vấn một cách chính xác. Theo mình thường thấy thì sẽ có 2 loại phỏng vấn: phỏng vấn kiểm tra kĩ năng giao tiếp ứng xử và phỏng vấn về kiến thức chuyên môn của thí sinh.
Bước đầu tiên bạn cần tìm những câu hỏi mà nhà tuyển dụng từng hỏi những thí sinh khác và tập làm quen với cách trả lời những câu hỏi này. Có rất nhiều trang web hữu dụng nơi mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều những câu hỏi phỏng vấn từ các công ty, như glassdoor.com hoặc careercup.com. Để thành công trong vòng phỏng vấn về kĩ năng giao tiếp, ứng xử, hãy soạn một tài liệu ghi chú về câu trả lời của bạn cho những câu hỏi giao tiếp ứng xử mà các nhà tuyển dụng hay hỏi và dùng nó để luyện tập cho đến khi bạn thuần thục.
Đối với các ngành liên quan đến công nghệ thì vòng giao tiếp ứng xử sẽ không quan trọng bằng vòng phỏng vấn kiến thức chuyên môn, do vậy bạn phải sắp xếp thời gian hợp lý để có thể chuẩn bị cho các câu hỏi về lĩnh vực mà mình nộp đơn xin việc. Thông thường, các vòng phỏng vấn từ những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, hay Microsoft tập trung vào phần xử lý thuật toán để thể hiện cách suy nghĩ và tư duy logic của bạn. Nếu bạn nghĩ mình không có tư duy logic tốt, đừng vội nản chí vì có rất nhiều cách để bạn tăng khả năng tư duy logic của mình trong một thời gian ngắn như:
1) Đối với phỏng vấn xin thực tập, hầu hết các công ty công nghệ đều phỏng vấn qua điện thoại, và thông thường bạn sẽ phải viết code online. Có rất nhiều trang web có thể giúp bạn có thêm kinh nghiệm với dạng phỏng vấn này, leetcode.com, hackkerank.com, interviewcake.com. Bạn có thể chỉ cần dành 2-3 tiếng mỗi ngày luyện tập trả lời các câu hỏi từ các trang web này, sau một vài tuần, bạn sẽ có thêm rất nhiều kinh nghiệm phỏng vấn và khả năng tư duy logic của bạn cũng tăng rất nhanh.
2) Ngoài ra, có rất nhiều sách trên thị trường có thể giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy cho những câu hỏi điển hình trong các cuộc phỏng vấn. Điển hình là quyển sách “Cracking the coding interview” của tác giả Gayle Laakmann McDowell, quyển sách này rất nổi tiếng vì đã giúp được rất nhiều người nhận được thư mời làm việc từ các công ty lớn. Ngoài ra, có một số sách khác như: Elements of Programming Interviews của Adnan Aziz và Tsung-Hsien Lee, hoặc Coding Interview Questions của Narasimha Karumanchi.
3) Một cách nữa chính là hãy tham gia vào các cuộc thi thuật toán trên mạng được tổ chức rất thường xuyên như topcoder, codeforces, hackkerank, hoặc Google code jam. Tại đây bạn sẽ có cơ hội tìm câu trả lời cho những bài thuật toán có trình độ tương đương hoặc cao hơn với những câu hỏi mà bạn sẽ nhận được khi đi phỏng vấn.
Từ 1-2 tuần trước khi phỏng vấn, bạn hãy tìm một vài người giúp bạn phỏng vấn thử. Bạn có thể nhờ bạn học, thầy cô ở trường. Ngoài ra, có rất nhiều online website như refdash.com có thể giúp bạn phỏng vấn thử với các nhà tuyển dụng từ các công ty. Sau mỗi lần phỏng vấn thử với các các kỹ sư từ công ty công nghệ khác, bạn hãy dựa vào lời đánh giá của người phỏng vấn và tìm ra điểm yếu và điểm mạnh của bạn để rút kinh nghiệm cho lần phỏng vấn thực sự.
Bước 3: Sau khi bạn phỏng vấn với nhiều công ty, nếu bạn nhận được nhiều thư mời làm việc từ nhiều công ty khác nhau, đừng vội vàng đưa ra quyết định. Hãy dùng thời gian và nói chuyện với các recruiters từ những công ty này để hiểu rõ hơn về công ty và vị trí bạn sẽ làm việc tại đây. Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về các mặt tốt và mặt xấu của các công ty này và cuối cùng chấp nhận thư mời làm việc từ công ty mà bạn nghĩ tốt nhất cho bản thân.
Để du học sinh như Tuấn có được những kỹ năng, kiến thức cần thiết đủ để các công ty lớn săn đón, Tuấn nghĩ cần chuẩn bị những gì, ngay từ thời sinh viên?
Đối với những bạn đam mê nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực, thì kiến thức vả điểm số từ lớp học là quan trọng nhất. Nhưng các bạn cũng cần phải biết cách sắp xếp thời gian để có thể thực hiện các dự án hay nghiên cứu lớn nhỏ và xây dựng kinh nghiệm vốn có của bản thân. Ngoài ra, hãy mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của bạn bằng cách thường xuyên tham dự các sự kiện career fairs, hackathons. Với những bạn học công nghệ thì nên tích cực tham dự các kì thi thuật toán online hoặc trong trường. Ngoài ra, bạn cần đặt ra một kế hoạch một cách cẩn thận và cụ thể với những mục tiêu nhất định trước khi nộp hồ sơ xin việc. Cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất, đừng bao giờ ngừng phấn đấu và học hỏi, ngay cả khi bạn đạt được thành công nhất định, hãy đặt ra mục tiếu cao hơn và đừng bao giờ thỏa mãn với vị trí hiện tại của mình.
Rất cảm ơn Tuấn vì những chia sẻ, chúc Tuấn có được con đường sự nghiệp tốt đẹp tại Google.
Chữa vô sinh, cặp vợ chồng sốc khi phát hiện họ là anh em sinh đôi
Đi làm thụ tinh ống nghiệm, cặp vợ chồng người Mỹ chết lặng khi bác sĩ thông báo xét nghiệm ADN cho thấy họ là anh em song sinh.