Kỹ sư trẻ người Việt tại Mỹ: “Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ không chọn du học Mỹ!“
Thành thật mà nói, nếu bây giờ được lựa chọn, mình chắc chắn sẽ không chọn con đường du học Mỹ như cách đây 12 năm về trước.
21:00 01/04/2021
Bởi vì 2020 thật sự là một năm tồi tệ của nước Mỹ, và càng tồi tệ hơn đối với những du học sinh đến đây sống, học tập, và làm việc với biết bao nhiêu hoài bão và hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước.
“Giấc mơ Mỹ” đã chết?
Nói không ngoa thì Mỹ vẫn luôn là một quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu và rất rất nhiều mảng khác. Đây là nơi đã sản sinh ra những công ty khổng lồ của thế giới và góp phần không nhỏ vào việc định hình tương lai của toàn nhân loại.
Nhân tài khắp nơi vẫn ngày đêm đổ về xứ sở cờ hoa để học tập và rèn luyện với hy vọng một ngày nào đó sẽ chạm đến được “giấc mơ Mỹ” (The American Dream). Bạn có bao giờ nghe nói đến giấc mơ Úc, giấc mơ Canada, Nhật Bản hay Châu Âu bao giờ chưa? Bởi vì làm gì có nơi nào như ở Mỹ. Đây là nơi chứa đựng những cơ hội tuyệt vời, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể miễn là giấc mơ của bạn đủ lớn, không cần biết bạn là ai và từ đâu đến.
“Vùng đất hứa” đang ngày càng trở nên khắc nghiệt với du học sinh và người nhập cư. (Ảnh: Mỹ Anh)
Dù vậy, có một thực tế đáng buồn đó là vùng đất hứa này đang ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó khăn hơn bao giờ hết cho những du học sinh như tụi mình nếu muốn đến đây học tập, làm việc, và xa hơn nữa là an cư lạc nghiệp nơi đây.
Đa số du học sinh Mỹ đều muốn được ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Đó là điều ai cũng biết, không có gì phải bàn cãi. Tất nhiên là sau khi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cùng với 5 – 6 năm trời miệt mài đèn sách, hẳn ai mà chẳng muốn ra trường đi làm gỡ gạc lại chút vốn, cũng đồng thời áp dụng luôn những kiến thức hay ho đã học được. Nói thì dễ, thực tế lại khó khăn vô cùng.
Cơ hội ở lại thấp hơn quay xổ số
Thử nghĩ xem, các bạn sẽ phải trải qua 4 – 5 năm Đại học, thêm 2 năm nếu muốn có bằng Thạc sĩ. Trong thời gian đó bạn phải cạnh tranh với hàng ngàn sinh viên đồng lứa với hy vọng rằng điểm GPA cao, bằng tốt nghiệp hạng danh dự lấp lánh, sẽ tách bạn khỏi đám đông và đem đến những cơ hội tuyệt vời.
Thực tế phũ phàng là cho dù bạn có tốt nghiệp với GPA 4.0 hoàn hảo cũng chưa chắc gì tìm được việc làm. Trong thời buổi COVID-19 này khi hàng chục triệu người dân Mỹ đang bị thất nghiệp, khả năng để một du học sinh vừa chân ướt chân ráo rời ghế nhà trường với kinh nghiệm gần như bằng không tìm được việc làm thì còn khó hơn “mò kim đáy bể”.
Chính phủ của Tổng thống Trump đã thông báo tạm ngừng cấp visa H1B cho tới hết năm nay. (Ảnh: NVCC)
Giả sử các bạn may mắn tìm được công việc đi. Rồi sau đó thì sao? Bạn sẽ phải apply đi làm dưới dạng OPT. Đây là chương trình cho phép du học sinh được đi làm sau tốt nghiệp từ 1 – 3 năm tùy vào ngành học của bạn. Vấn đề duy nhất, đó là chính phủ Mỹ đang xem xét loại bỏ hoàn toàn chương trình này trong tương lai gần. Bởi vì người Mỹ lo ngại rằng OPT đang cướp mất cơ hội việc làm của họ (?!).
Trong 1 đến 3 năm đi làm OPT ngắn ngủi đó, bạn phải thật sự chứng minh được khả năng của mình để thuyết phục công ty bảo lãnh visa H1B cho bạn tiếp tục ở lại Mỹ làm việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, công ty lớn công ty bé đua nhau sa thải hàng ngàn nhân viên, thắt chặt chi tiêu, việc phải bỏ ra hàng chục ngàn đô để bảo lãnh một đứa du học sinh ở lại thì bạn không chỉ phải cực kỳ giỏi, mà còn phải cực kỳ may mắn. Giỏi để tìm được việc làm và được giữ lại làm, may mắn để tìm được công ty đồng ý (và có khả năng) bảo lãnh cho bạn.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, visa H1B đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Để loại bỏ những tổ chức lợi dụng lỗ hổng của chương trình H1B, Sở di trú Mỹ (USCIS) đã siết chặt hơn việc xét duyệt loại visa này.
Từ năm 2010 đến 2015, tỉ lệ từ chối visa H1B mới (initial H1B, new employment) chưa bao giờ vượt quá 8%, trong khi đó hiện tại tỉ lệ này xấp xỉ 24% chỉ tính riêng trong năm 2018 và 2019! Rất nhiều công ty lớn đã hạn chế hoặc ngưng hoàn toàn việc bảo lãnh loại visa này bởi những rủi ro của nó: Vừa tốn kém, lại vừa không chắc chắn có được duyệt hay không.
Bạn nào làm H1B rồi chắc hiểu cái vụ quay xổ số visa nó đau tim như thế nào. Có nhiều người quay 2 – 3 năm liền không trúng phát nào. Bây giờ quay xong rồi bạn cũng chỉ có khoảng 76% cơ hội được cấp visa thôi nhé! Thế mới nói nhiều khi hay lại không bằng hên.
Lại giả sử bạn vượt qua hết những trở ngại đó để cầm trên tay cái visa H1B quý giá (rưng rưng nước mắt). Sau đó thì sao? Lúc này bạn lại có thêm 3 – 6 năm để biến mình thành một phần không-thể-thay-thế của công ty. Bởi chỉ có như vậy, người ta mới chịu bỏ thêm hơn chục ngàn đô để bảo lãnh cho bạn cái thẻ xanh thần thánh! Đó là nếu như bạn vẫn chưa bị sa thải vì đại dịch COVID-19.
Anh Thịnh Nguyễn – tác giả bài viết hiện là Kỹ sư thiết kế tại Tập đoàn WAM tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Gần một nửa cuộc đời gắn với nước Mỹ, cuối cùng vẫn là “người ngoài”!
Dạo một vòng Linkedin mới thấy xót, ngay cả những vị trí cao cấp của những tập đoàn khổng lồ mà còn bị sa thải như cơm bữa. Uber, Airbnb, Boeing, HSBC, GM, FCA, và rất rất nhiều ông lớn khác đều sa thải hàng ngàn nhân viên để cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu. Và tất nhiên trong số đó có hàng chục ngàn người đang làm việc dưới visa H1B.
Trong cái thời đại dịch này, có H1B hay không cũng có thể “toang” bất cứ lúc nào. Như mình đêm nào cũng vắt tay lên trán nằm trằn trọc, lo lắng không biết ngày mai thức dậy có còn việc hay là đã thất nghiệp. Ngặt nỗi H1B mà mất việc thì chỉ có 60 ngày để tẩu tán hết tất cả tài sản như nhà cửa, xe cộ, tìm người gửi gắm con chó con mèo, để về nước. À mà quên, bây giờ làm gì có nước nào mở cửa đâu mà về. Công sức học hành, gây dựng bao năm, mất việc cái là mất hết.
Từ lâu, dân nhập cư đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử Mỹ, và biến nước Mỹ trở thành cường quốc vĩ đại như ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ với những chính sách như cấm nhập cảnh đối với H1B hay bắt du học sinh F1 phải chọn giữa việc học on-campus giữa đại dịch hay phải khăn gói về nước thì thật sự có cảm giác như mình đúng là người ngoài (outsider) trên chính đất nước mình đã ở gần 1/2 cuộc đời này.
Đây không phải là một bài viết chê trách Tổng thống Trump hay những chính sách nhập cư của Mỹ. Mình chỉ muốn những bạn du học sinh hiểu rõ về thực tế khắc nghiệt ở Mỹ và biết rằng du học Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất hay tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
THỊNH NGUYỄN – KỸ SƯ THIẾT KẾ Ở TẬP ĐOÀN WAM TẠI MỸ
7 thứ trong phòng khách có thể gây căng thẳng
Phòng khách với nội thất trắng tinh hoặc đồ đạc bừa bộn... sẽ tác động tiêu cực lên tâm trạng chủ nhà và khách tới thăm.