Ký sự Việt Kiều: Tô phở duyên nợ

Mùa lễ tết năm nay hai vợ chồng Hà quyết định qua Nam Cali chơi. Từ sân bay về, Thìn cho xe dừng trước tiệm phở ngày xưa.Thìn bế con gái nhỏ của Hà nhanh chân bước vào tiệm, Hà và chồng còn lục tục mang giỏ tã, sữa cho bé và dẫn con gái lớn vào sau. Cô tiếp viên trầm trồ: “Em bé đẹp quá, Mỹ hả chị?” Cô vừa bắc ghế cho bé ngồi vừa hỏi. “Cha Mỹ trắng, mẹ Mỹ vàng” - Thìn dí dỏm.

09:00 26/04/2019

Vợ chồng Hà cũng vừa vào bàn. Chồng lo cho đứa nhỏ, vợ lo cho đứa lớn, chị năm tuổi, em một tuổi rưỡi, hai chị em giống nhau như đúc. Mắt xanh, mũi cao, da trắng, tóc hoe pha lẫn nét dịu dàng của mẹ, nét dịu dàng đặc biệt của người phụ nữ Việt Nam khiến ai thấy cũng trầm trồ: “Đẹp quá, thấy thương quá”.

Một tiệm phở Việt ở khu Little Saigon ở Quận Cam (). Ảnh: N.Q

“Thấy mấy em bưng phở, nhớ bọn mình ngày xưa nhỉ” - Hà nhìn Thìn bồi hồi.

***

Hà sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Năm mười tám tuổi, vừa tốt nghiệp cấp hai xong, gia đình quyết định gom góp tiền của, và mượn thêm vàng của bác Hai lo cho Hà đi du học.Với giọng Bắc đặc sệt lại mang âm hưởng của vùng nhà quê Thanh Hóa nặng nề, cô không dễ tìm bạn Việt ở Mỹ vì đa số cho rằng Hà là Việt cộng nên không chơi. Hà tủi thân. Cùng một dải đất hình chữ S, cùng dòng máu đỏ, cùng màu da vàng mà sao lại phân biệt đến đáng thương. 

Hai năm đầu vẫn còn học ESL, tiền học đóng không nhiều. Vừa học, vừa làm để kiếm tiền trang trải mọi chi phí và dành dụm gửi về quê trả món nợ “du học". ”Cái giọng Thanh Hóa đặc sệt ấy là một trở ngại lớn khi gọi phone xin việc làm. Bất cứ việc gì: Bồi bàn, rửa chén, giữ em bé… Hà không nệ nhưng… người ta lại “nệ” cô vì là “Bắc kỳ”.

Hà thắc mắc trong lòng: “Sống ở Mỹ, tự do và không được kỳ thị đó là luật nhưng sao người Việt mình lại kỳ thị quá như vậy?”.

Xin việc nơi nào cũng bị từ chối, sau đó Hà quyết định đi đến tận nơi chứ không gọi phone nữa. Khi gặp mặt có lẽ họ sẽ dễ nhận hơn. Lần ấy Hà đến tiệm phở vừa đăng rao vặt cần hai nữ tiếp viên, biết tiếng Anh và tiếng Việt. Hà nhìn bà chủ cười thật tươi: “Xin lỗi, cháu thấy cô đăng báo cần tiếp viên nên đến xin việc, không biết cô đã có người chưa ạ”.

Qua cặp kính cận dày cộm, bà chủ lướt mắt thật nhanh từ đầu đến chân cô, bà chưa kịp trả lời, Hà nài nỉ: “Xin cô giúp cháu, cháu cần việc làm, cháu hứa sẽ làm siêng năng và cháu tin là cô sẽ hài lòng, bởi vì cháu quen cực khổ lắm rồi ạ”. Hà cất giọng dịu dàng và nhỏ nhẹ nhất ở mức độ có thể, mong nhận được thiện cảm của bà chủ.

Trời không phụ lòng, bà chủ chấp nhận cô sau khi bàn bạc với chồng vài câu. Hôm ấy có một sinh viên du học người miền Nam, Thìn, cũng được nhận cùng với Hà. Việc làm bưng bê phở là thịnh hành nhất, vừa học vừa làm kiếm tiền gửi về Việt Nam trả nợ ai cũng trải qua. Từ đó hai bạn làm chung với nhau trong tiệm phở ấy. 

Thìn dễ thương và không có thành kiến gì với Hà. Hai cô làm việc siêng năng, đúng giờ, cần mẫn vì cả hai có cùng hoàn cảnh giống nhau. Thìn rất thông cảm Hà, giúp được gì cho Hà thì giúp hết mình.

Thìn bảo: “Giúp Hà là mình đang làm việc cho Chúa”. Thìn cũng khuyên Hà nên đặt đức tin nơi Chúa Giêsu để nhận được sự bình an, sự giúp đỡ từ Đấng cầm quyền trên vũ trụ này.

***

What are you thinking?”

Câu hỏi của Mark kéo hai bạn về thực tại. Thìn lắc nhẹ đầu, hé một vệt cười trên khoé môi, cô vui vì thấy ánh mắt anh tràn ngập hạnh phúc và thỏa lòng. Mark cho tương vào tô phở xe lửa, mặt tươi rói.

Hà loay hoay cắt phở và thịt cho con, con bé chun mũi hít hít ra vẻ tay ăn phở sành điệu. Thìn ngắt từng lá quế cho vào tô như thấy hình ảnh mình đang xếp các cọng quế và ngò gai vào đĩa giá chuẩn bị bưng ra cho khách. Còn nhớ vào những dịp lễ lớn, hoặc tết, tiệm mở cửa hai mươi bốn giờ, bà chủ yêu cầu làm tăng ca hai bạn cũng không dám từ chối, buồn ngủ đến khiếp nhưng vẫn cố gắng vì đó là dịp để kiếm thêm tiền.

“Bây giờ các em dễ kiếm việc hơn chúng mình ngày trước vì nhà hàng, chợ búa mọc lên như nấm”, Thìn vừa vuốt tóc đứa bé vừa nhẹ giọng. Kỷ niệm chợt ùa về như cơn gió tràn vào qua cánh cửa vừa được mở tung. Thìn nhắm mắt dâng lời tạ ơn trước khi ăn. Hai bạn và đứa bé gái cùng Amen với giọng hào hứng vô cùng.

***

Nợ duyên của Hà xuất phát từ tiệm phở này, nói đúng hơn là từ một “tô phở” khi đến lượt cô lấy “order” một ông khách Mỹ.

“Ông cũng biết ăn phở sao?” Hà hỏi khách tiếng Anh nhẹ như gió (chứ không nặng như khi nói giọng Thanh Hoá).

Cô thấy vui vui vì người khách dễ thương này. Khách giới thiệu tên “Mark” khi Hà bưng phở ra, gián tiếp muốn biết tên Hà.

Mark ở Michigan qua Nam Cali hai tháng một lần, mỗi lần năm ngày. Là kỹ sư giỏi, lâu năm, nhiều kinh nghiệm, làm việc trong hãng chế tạo máy bay. Anh đi đây đó đến các chi nhánh của công ty để hỗ trợ kỹ thuật. Qua Cali anh đến chi nhánh ở Tustin, Irvine. Anh thích thuê khách sạn ở G.G để được gần nhà hàng Việt Nam, được ăn món phở mà bạn bè giới thiệu và anh rất thích. Hầu như khi đến Cali Mark ăn phở mỗi ngày.

Khi gặp Hà tại tiệm này, hình như cô tiếp viên Bắc kỳ nho nhỏ xinh xắn ấy đã quấy động trái tim Mark. Anh xem “phở” như món ăn chính của mình. Rồi làm quen, rồi xin số phone, rồi hẹn hò, rồi tình cảm bỗng dưng không mời mà đến, rồi xa nhau chợt nhớ, rồi khi gần thì lại chẳng muốn xa. Không ai mà chẳng nhận ra giữa họ: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”(*).

Mark hơn Hà 9 tuổi, nhưng anh vui nhộn, trẻ trung, đơn giản, không kiểu cách, không cầu kỳ, không hình thức, không đãi bôi, và có ước muốn cưới vợ Châu Á. 

Ba Mark từng có mặt ở chiến trường Việt Nam bốn năm và có mối tình đẹp, trong sáng với cô nữ sinh vùng sông nước Hậu Giang. Khi về Mỹ tình yêu của họ trở thành kỷ niệm, do đó ông thường ca tụng với mẹ con Mark về người phụ nữ Việt Nam.

Không có lý do gì để từ chối, thêm sự vun bồi của Thìn, Hà đồng ý.

Sau một chuyến đi Cali về, Mark trao cha tấm ảnh cô gái Việt có mái tóc đen tuyền, dài nửa lưng, ánh mắt huyền, tròn xoe tinh nghịch, chiếc miệng hơi rộng với đôi môi hơi dầy trông hiền và hấp dẫn. Chiếc cằm vuông biểu hiện bản chất kiên nghị, nhẫn nại. Nụ cười của cô như ánh đèn soi, sáng bừng cả gương mặt.

“Cô ấy tên Hà, con quen hơn một năm rồi. Con muốn cưới”, Mark nói với ba. Ba hỏi thăm về Hà và muốn gặp cô vào mùa Giáng sinh năm đó.

Hà rủ Thìn đi Michigan thăm gia đình Mark. Mùa đông Michigan thật lạnh, tuyết rơi trắng đường. Ba ngày ở Michigan, chơi với tuyết, chụp hình với tuyết, đi dưới tuyết, ngồi hứng tuyết rơi, xem xe rải muối cho tan tuyết, xúc tuyết trên lối đi bộ, cào tuyết đọng trên xe vào sáng sớm, hai bạn tranh nhau làm. Lần đầu tiên thấy tuyết nên vô cùng thích thú. Hà đem lòng yêu Michigan và yêu màu trắng của tuyết từ dạo ấy.

Gia đình Mark đồng ý, năm tháng sau, hôn lễ được cử hành tại Presbyterian Church ở Michigan nơi mà gia đình Mark đi nhóm thờ phượng Đức Chúa Trời hàng tuần. Ngày cưới hai bạn, Thìn bay qua từ Nam Cali. Từ đó Thìn không có dịp qua Michigan nữa, vì bận rộn chồng con rồi lo làm kiếm tiền bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Hai bạn vẫn giữ liên lạc với nhau.

Hà cũng đã bảo lãnh được cả gia đình qua Mỹ. Bây giờ Hà là chủ tiệm nails ở thành phố T, Michigan. 

Vừa ăn phở vừa nhớ chuyện xưa, hai bạn thấy ấm lòng theo từng thìa nước lèo nóng hổi, thơm lừng. Tiệm phở này đã đổi chủ nên bây giờ họ không gặp người quen ở đây. 

Mark vừa ăn vừa đút cho con. Đàn ông Mỹ họ lo cho con rất giỏi vì họ nghĩ rằng lúc vợ mang con trong bụng họ không giúp được gì, khi con đã chào đời họ phải lo cho con giúp vợ. 

Vui vẻ, hạnh phúc khi được giúp vợ lo chăm sóc con chứ không phải bị ép buộc. Hình ảnh chồng đẩy xe, xách nôi, cho con bú bình ở bến xe, bến tàu, sân bay là chuyện thường xảy ra ở xứ Mỹ. “Hà nấu phở rất ngon, tôi ăn nhiều lắm”, Mark khoe.

Hai bạn cùng cười thích thú. Thìn đưa ngón tay cái lên về phía Hà ý nói: “Cô ấy là số một”, Mark hãnh diện nhìn vợ, ánh mắt đầy khâm phục, yêu thương. “Hà có về thăm Việt Nam không?”. “Có, năm 2010, lúc ông bác qua đời cả nhà về một chuyến”. 

“Mark thích không?”, Thìn hiếu kỳ.

“Dĩ nhiên, vì lần đầu về quê vợ mà. Ôi giời ạ, bao nhiêu người từ già đến trẻ đều bu vô ông ấy, ông ấy khoái quá. Chắc tưởng mình là nhân vật quan trọng gì đó”, Hà nhìn chồng cười.

***

Lúc trả tiền, Mark xem hóa đơn xong, ngoắc em tiếp viên ra, tay chỉ vào hóa đơn, nói bằng tiếng Việt: “Đắt quá. Một ngàn thôi”, Mark vừa giả bộ trợn mắt kinh ngạc vừa móc tiền ra trả. Thìn cười nắc nẻ, mấy người khách chung quanh cũng cười ké, còn vỗ tay.

Thìn đặt tờ giấy hai mươi đô lên bàn.

Cho nhiều típ để mấy em chia nhau được nhiều, nhớ ngày ấy, hôm nào được tiền tip nhiều Hà mừng quá không thể nào chợp mắt được, cố nhớ lại từng gương mặt khách mà thầm cám ơn họ. Hà bảo với mình như vậy, có nhớ không?”, Thìn mỉm cười.

Hà chớp mắt cố ngăn xúc động, gật nhẹ đầu. Cô đảo mắt một vòng nhìn các em bưng bê, nam có, nữ có đi tới đi lui, nhanh nhẹn, trật tự và vô cùng lịch sự. Mi đã ngân ngấn lệ, Hà như thấy hình ảnh mình mười năm trước mờ ảo, ẩn hiện. 

Nhìn quanh thực khách như để cố đoán xem trong số những anh chàng đang ngồi ăn ở đây anh nào sẽ gặp được “cái xương sườn số tám” của mình. Để rồi thêm một mối tình lại bắt đầu qua “Tô phở duyên nợ” đậm tình quê hương.

Theo laodong.com.vn

Món ăn Mỹ như thế nào

Món ăn Mỹ như thế nào

Các món ăn đặc trưng của Việt Nam có thể liệt kê cả giờ đồng hồ không hết, nhưng thật khó khăn để tìm ra một món ăn đại diện cho bộ mặt ẩm thực Mỹ.

[

[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất