'Là phụ nữ gốc Việt, tôi muốn được tôn trọng như một con người ở Mỹ'

"Trên thực tế, sự phân biệt chủng tộc với người gốc Á đã có từ rất lâu, trước cả đại dịch Covid-19, và sẽ tiếp tục kéo dài ở Mỹ".

11:00 22/03/2021

"Tôi là người Mỹ gốc Việt, con của một người nhập cư và hiện là thợ làm móng, điều hành tiệm nail riêng của gia đình.

Tôi đang sợ hãi".

Đó là chia sẻ của tác giả Lillian Hoang trên tờ Houston Chronicle sau vụ tấn công ở ba tiệm massage ở Atlanta gây chấn động. Vụ việc khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 3 phụ nữ gốc Á.

"Tôi sợ rằng lần tới, khi mẹ tôi ra khỏi nhà và đi làm cùng chú dì, tôi sẽ nhận được tin nhắn hay cuộc điện thoại thông báo người thân của mình bị bắn chết bởi một kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, Lillian Hoang nhấn mạnh. "Tôi sợ hãi khi nghe tin người Philippines 61 tuổi Noel Quintana bị chém khắp mặt trên tàu điện ngầm ở Brooklyn".

"Tôi sợ hãi khi cụ Vichar Ratanapakdee, 84 tuổi, người Thái Lan, bị xô ngã dẫn đến tử vong trên đường phố San Francisco".

"Tôi sợ hãi khi ông Bawi Cung, người Myanmar, và hai con trai bị đâm trong câu lạc bộ Sam’s Club ở Midland".

"Và tôi sẽ tiếp tục sợ hãi cho đến khi chúng tôi có thể đối mặt được với nguyên nhân gốc rễ của nạn phân biệt chủng tộc chống người gốc Á tại Mỹ".

Zing trích dịch bài viết của Lillian Hoang đăng trên Houston Chronicle.

Nguoi Viet tai My anh 1

Julie Tran trong một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân gốc Á trong vụ xả súng tại Atlanta. Ảnh: Getty.

“Chúng tôi không cần cảnh sát”

Vụ xả súng ngày 16/3 tại Atlanta đã làm rung chuyển cộng đồng người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương (AAPI), khiến cộng đồng này thêm lo sợ trong bối cảnh các vụ phạm tội vì thù ghét gia tăng.

Theo tổ chức StopAAPIHate, 3.292 vụ tấn công vào cộng đồng AAPI đã được báo cáo trong đại dịch Covid-19 năm 2020. Các vụ việc xảy ra với hình thức đa dạng, từ quấy rối bằng lời nói cho đến các hành vi gây tổn hại thân thể người gốc Á.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổ chức này đã tiếp tục nhận được hơn 500 báo cáo về các sự cố tương tự.

Giờ đây, chúng tôi không cần cảnh sát chỉ để nhận lời bào chữa cho những hành vi này của người da trắng.

Cô lập luận rằng cảnh sát đã không giúp đỡ ông Angelo Quinto, người Philippines, khi gia đình ông cáo buộc nhân viên an ninh đè gối trên cổ suốt 5 phút khiến ông thiệt mạng.

Cảnh sát cũng không giúp đỡ thiếu niên gốc Việt Tommy Le khi chàng trai trẻ bị bắn hai phát vào lưng chỉ vì nhân viên an ninh nhìn nhầm cây bút là con dao.

Vì vậy, thay vào trông cậy cảnh sát, chúng tôi tập trung vào các giải pháp từ tổ chức cộng đồng. Những nhà lãnh đạo địa phương như người sáng lập tổ chức Black Lives Matter: Houston, ông Ashton P. Woods và ông Brandon Mack đã yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc AAPI.

Nguoi Viet tai My anh 2

Người biểu tình chống lại nạn kỳ thị người gốc Á. Ảnh: AP.

Trong bài đăng trên Facebook gần đây, ông Wood đã viết: "Cộng đồng AAPI đang bị tấn công bởi tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại... từ những kẻ khủng bố trong nước”. Tương tự, ông Mack đã chia sẻ một bài đăng chỉ trích thái độ chống người nhập cư và thể hiện ông đứng về phía cộng đồng AAPI.

Các nhà hoạt động như Woods và Mack đã và đang làm công việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở Houston, và cộng đồng phải ủng hộ họ.

Chúng ta phải hỗ trợ cộng đồng người Mỹ gốc Á cũng như các tổ chức có chương trình nghị sự chống phân biệt chủng tộc để “hàn gắn” xã hội.

Nhưng quan trọng hơn, để thật sự chấm dứt tư tưởng chống người gốc Á, chúng ta phải tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Nước Mỹ và lịch sử phân biệt chủng tộc

Nhiều người cho rằng các cuộc tấn công gần đây xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và phát ngôn phân biệt chủng tộc của cựu Tổng thống Donald Trump khi ông gọi virus corona là "virus Trung Quốc" hay "Kung Flu".

Trên thực tế, sự phân biệt chủng tộc với người gốc Á đã có từ rất lâu, trước cả đại dịch, và sẽ tiếp tục kéo dài trừ khi Mỹ thừa nhận vấn đề của họ. Nước Mỹ vốn có một lịch sử dài về "loại trừ xã hội" nhắm vào người châu Á.

Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882 (Chinese Exclusion Act of 1882) cấm tất cả lao động Trung Quốc nhập cư. Trong khi đó, từ năm 1942 đến năm 1945, chính phủ Mỹ buộc người gốc Nhật phải chuyển đến các trại do chính phủ lập ra (internment camps) sau khi người Nhật đánh bom Trân Châu Cảng trong Thế chiến II.

Chúng ta phải nhận thức được rằng có một mối liên hệ giữa tư tưởng chống người gốc Á và hành động của chính phủ Mỹ với các nước châu Á.

Những dư âm về việc Mỹ chiếm đóng Philippines, cưỡng bức sáp nhập Hawaii và Chiến tranh Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến cách người Mỹ đối xử với người châu Á hàng ngày.

Các bộ phim như Crazy Rich Asians miêu tả lối sống xa hoa và cổ vũ cho “cộng đồng thiểu số kiểu mẫu”, là hình mẫu của sự hội nhập và trái ngược với những vấn đề kinh tế và xã hội mà người Mỹ Latin hay người da màu nhập cư đang phải đối mặt.

Thế nhưng, trên thực tế, báo cáo cho thấy phụ nữ gốc Hoa chỉ kiếm được 4 xu cho mỗi con búp bê Disney 45 USD mà họ làm ra. Và việc các tập đoàn lớn như Apple phớt lờ luật lao động để bóc lột công nhân của mình không phải là điều hiếm gặp.

Chúng ta cần bắt đầu giúp đỡ cộng đồng AAPI bằng cách lắng nghe họ và hỗ trợ các tổ chức vê người châu Á như StopAAPIHate.

Nguoi Viet tai My anh 3

Cộng đồng người châu Á tại Mỹ biểu tình chống phân biệt đối xử. Ảnh: Getty.

Có lẽ, chúng ta có thể ngăn chặn một vụ nổ súng hay tấn công khác xảy ra thông qua việc nhìn nhận lại lịch sử, nhận thức cách mà nước Mỹ đã tự tạo ra tư tưởng phân biệt chủng tộc trong lòng xã hội, đồng thời cam kết chấm dứt quyền tối cao của người da trắng.

Là một phụ nữ gốc Á, tôi muốn được công nhận và đối xử tôn trọng như một con người tại Mỹ, tôi không muốn sợ hãi nữa.

Tags:
Chính quyền Biden bị kiện về gói 1.900 tỷ USD

Chính quyền Biden bị kiện về gói 1.900 tỷ USD

Tổng chưởng lý bang Ohio, ông Dave Yost ngày 17/3 khởi kiện chính quyền Tổng thống Joe Biden về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất