Lại thêm người Việt bị lừa khi mua bán tiệm nail
Độc giả gọi điện thoại đến để kể lại chuyện mình “bị lừa” với hy vọng tiếp tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho nhiều người cùng biết về thủ đoạn lừa gạt của kẻ bất lương để mọi người đề cao cảnh giác.
04:00 05/05/2018
Anh Nguyễn Quốc Thắng, hiện ở Pomona, là người bị gạt mất $3,000 trong một vụ mua bán tiệm nail cách đây hai tháng bằng chiêu trò: người mua trả tiền bằng cashier check nhiều hơn số tiền thỏa thuận, sau đó yêu cầu người bán rút bớt tiền mặt ra trả lại cho người mua.
Qua điện thoại, anh Thắng cho biết, cách đây hơn hai tháng anh có đăng báo bán tiệm Linda Nails ở Pomona với giá $35,000.
“Có một ông nói giọng Huế lai Nam gọi đến nói muốn đến xem tiệm để mua,” anh Thắng kể.
Anh Thắng mô tả, “Đó là một ông hơi lùn lùn, mập mập, nói giọng lai lai người Huế, da đen đen ngăm ngăm, chừng trên dưới 60 tuổi, chạy chiếc Toyota Camry đời 2003-1004 gì đó, xưng tên là David.”
“Ông ta coi tiệm rất nhanh, cái gì ổng cũng nói được, ổng sẽ tự lo hết,” người chủ tiệm Linda Nails kể.
Theo lời anh Thắng, người đàn ông tên David nói ông ta đi mua tiệm dùm cho người bà con, mà người bỏ tiền ra mua lại là “bạn trai của người bà con này, một người gốc Hoa rất giàu có.”
“Ông ta nói đồng ý mua tiệm với giá $35,00, không trả giá. Nhưng ông ta đề nghị tôi phải nói là bán $45,000 vì người cho tiền mua giàu có lắm. Số tiền $10,000 dư ra tôi sẽ đưa lại cho ông ta coi như chi phí chạy tới lui lo giấy tờ và tu bổ tiệm nail,” anh Thắng kể tiếp.
Nghĩ rằng mình không thiệt hại gì nên anh Thắng đồng ý.
Anh tiếp tục, “Mà ổng dàn cảnh hay lắm. Tối đó người đàn ông được cho là trả tiền mua tiệm gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm vụ mua bán. Ông ta nói như thiệt vậy, nói có nghe ông David đã đến coi tiệm và đồng ý mua. Giờ tôi cứ làm việc với ông David, ổng đưa tiền cho ông David rồi.”
“Ông ta cũng có hỏi tôi dùng ngân hàng nào, tôi nói tôi dùng ngân hàng Chase Bank,” anh Thắng nhớ lại.
Ngày hôm sau, ông David trở lại tiệm anh Thắng đưa tờ mua bán vừa tiếng Việt tiếng Anh lẫn lộn.
Đại ý anh Thắng “đã thỏa thuận và đồng ý sang tiệm Linda Nails cho Cindy Chung với giá tiền là $45,000. Ngày Thứ Năm, 8 Tháng 2, 2018 bên mua đặt cọc $15,000 trả bằng cashier check. Ngày Thứ Sáu, 9 Tháng Hai trả tiếp $15,000 bằng cashier check, và Thứ Bảy, 10 Tháng Hai trả $15,000 còn lại bằng tiền mặt.”
Ngoài ra tờ giấy mua bán cũng ghi một số điều khoản về quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên.
“Ổng làm như thiệt vậy đó,” anh Thắng nhắc lại lần nữa.
Sau khi ký vào giấy thỏa thuận mua bán, thay vì nhận tờ cashier check $15,000 như hợp đồng thì ông David đưa cho anh Thắng tới hai tờ cashier check, mỗi tờ $15,000 và nói thêm “$15,000 tiền mặt sẽ đưa vào ngày hôm sau.”
Anh chủ tiệm nail kể, “Ông David kêu tôi đi bỏ cashier check vô nhà bank và rút ra đưa ổng $10,000 tiền dư ra mà ổng đề nghị lúc đầu. Khi đó tôi cũng hơi nghi nghi nên hỏi ông ta lấy chi nhiều vậy trong khi chưa làm giấy tờ xong thì ông ta nói ‘tiền tôi đưa cho anh nhiều hơn trong hợp đồng rồi’.”
Theo anh Thắng, dù trong lòng có chút nghi hoặc nhưng anh lại nghĩ “cashier check tức là tiền rồi, làm sao mà sai được.” Thế nên khi đến ngân hàng Chase “deposit” tiền vào, anh Thắng đồng thời cũng rút ra $3,000 đưa ông David với lý do “giờ đưa trước $3,000, còn $7,000 khi nào giấy tờ xong thì đưa sau.”
Anh Thắng kể tiếp, “Ngày hôm sau, con tôi kiểm tra trong nhà băng vẫn thấy có số tiền $30,000. Nhưng lại không thấy ông David đến đưa hết số tiền còn lại như đã nói. Gọi điện thoại thì nghe reng nhưng không có trả lời. Gọi cho ông ‘Tàu lai’ cũng không được. Mấy ổng mất biệt luôn.”
“Sau đó bốn ngày, tức qua đầu tuần sau, thì ngân hàng báo họ đóng account của tôi để điều tra vì hai cashier check có vấn đề, không có tiền trong đó. Rồi 4, 5 ngày sau họ mới mở lại. Dĩ nhiên là không có số tiền $30,000 và tiền có sẵn trong tài khoản của mình thì bị mất $3,000 do đã rút ra đưa cho ông David,” anh Thắng nhớ lại.
Anh nêu thắc mắc, “Không hiểu sao tiền đã thấy hiện lên trong tài khoản của mình rồi mà đến 4-5 ngày sau thì ngân hàng lại báo là cashier check không có tiền. Họ làm giả sao mà tinh vi quá.”
“Cũng may là còn tỉnh táo một chút nên mới mất chỉ $3,000 chứ không là coi như mất đến $10,000 rồi,” ông chủ tiệm cười ha ha kết thúc câu chuyện sau khi nói thêm, “Tôi ở xa ít đọc báo nên đâu có biết những chuyện lường gạt này báo chí đã từng nêu. Chỉ mới đây có người quen chuyển cho bài báo thấy giống trường hợp của mình, mà có thể cũng chỉ là một tên lường gạt, nên tôi muốn lên tiếng để người khác đừng bị như tôi, tội nghiệp.”
Phóng viên Người Việt mang thắc mắc của anh Thắng hỏi thì được một nhân viên lâu năm của Chase Bank giải thích: “Ngân hàng luôn có những ưu đãi đối với khách hàng trung thành lâu năm. Khi cashier check đưa vào thì phải mất 4-5 ngày ngân hàng mới thu tiền về, và ngay lúc đó họ dùng tiền của họ trả trước cho khách, nên số tiền $30,000 mà vị khách đó thấy hiện lên trong tài khoản thực ra là tiền của ngân hàng. Sau đó, nếu phát hiện ra cashier check đó không có tiền hay là giả thì họ sẽ đóng account đó và yêu cầu khách trả lại số tiền đã rút bằng cách trừ đi số tiền khách có sẵn trong tài khoản, hoặc sẽ đưa ra tòa, phong tỏa tài sản nếu trong nhà bank họ không có tiền.”
Trả lời câu hỏi, “Cashier check là của ngân hàng phát hành ra thì làm sao lại bị giả hay tại sao lại không có tiền?”, nhân viên này giải thích thêm, “Thứ nhất là kẻ gian có thể làm giả mà ngân hàng không cách gì phát hiện ra ngay, trừ khi là cashier check được ‘deposit’ trong cùng hệ thống ngân hàng. Nghĩa là kẻ lừa đảo có thể dọ hỏi trước xem người ta dùng ngân hàng nào, rồi chúng sẽ đưa cashier check phát hành bởi một ngân hàng khác, để kéo dài thời gian ngân hàng kiểm tra.”
“Thứ hai, cũng có trường hợp đó là cashier check thiệt, kẻ lừa đảo đưa cho người ta deposit, xong, họ trở lại ngân hàng của họ nói họ làm mất tờ cashier check rồi và yêu cầu ngân hàng đó hủy tờ cashier check đã phát hành. Như vậy thì phía bên kia cũng không nhận được tiền,” nhân viên ngân hàng giải thích tiếp.
Như vậy, để tránh rủi ro trong những trường hợp này, lời khuyên của nhân viên ngân hàng là mọi người nên dùng hình thức “wire money” nếu như có những cuộc mua bán trực tiếp mà không qua trung gian “escrow.”
“Hình thức giao dịch bằng cách dùng ‘wire money’ cũng có khi bị bên chuyển ‘cancel’ nhưng phải qua nhiều bước khó khăn hơn, nên nó an toàn hơn so với check hay cashier check,” nhân viên này nói.
Clip nhân văn khiến hàng triệu người Việt phải suy ngẫm!
Văn hóa tham gia giao thông cũng một phần nào đó phản ánh trình độ văn minh của một quốc gia. Dưới đây là một hành động của những người tham gia giao thông không chỉ thể hiện sự văn mình mà còn nói lên sự nhân văn của những người này.