Lần đầu tiên nhạc dân tộc Việt được trình diễn trong Tòa Bạch Ốc

Hôm 22 Tháng Hai vừa qua, Đoàn Văn Nghệ Dân tộc Hướng Việt ở Seattle, tiểu bang Washington, có buổi trình diễn tại Tòa Bạch Ốc, trong dịp mừng Xuân Mậu Tuất.

11:45 06/03/2018

Theo ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại vùng Washington DC – Maryland & Virginia, ‘cơ duyên của buổi trình diễn đặc biệt này là từ Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, cố vấn giáo dục ở Tòa Bạch Ốc. Ngoài đoàn văn nghệ Việt Nam, còn có đoàn Nam Hàn.’

Còn Bác Sĩ Hồng Việt Hải, Trưởng Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt, cho hay ‘quan khách trong Tòa Bạch Ốc tới dự buổi trình diễn của đoàn Hướng Việt gồm có ông Jason Chung, Phụ tá Thứ Trưởng Đặc Trách Dân Vụ, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ; bà Holly Ham, Giám đốc Điều Hành, Sáng Kiến của Tòa Bạch Ốc về Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương; ông Matthew Lin, Phụ tá Thứ Trưởng Đặc Trách Y Tế Người Thiểu Số, Bộ Y Tế và Nhân Vụ Hoa Kỳ; bà Elaine Chao, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Hoa Kỳ.

‘Tất cả quan khách tham dự hôm đó đều dành những lời khen ngợi đến đoàn văn nghệ Việt Nam. Bà Holly Ham đến bắt tay các thành viên trong đoàn chúc mừng buổi biễu diễn thành công và chụp hình lưu niệm cùng các nghệ sĩ trong đoàn Việt Nam.’ – Bác Sĩ Hồng Việt Hải, kể.

Kể với Người Việt về cảm xúc trong buổi trình diễn này, Bác Sĩ Hồng Việt Hải bày tỏ: ‘Cái cảm giác lần đầu tiên tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà, trống… của Việt Nam được vang lên Tòa Bạch Ốc, thật là kỳ diệu, thật tự hào. Có 12 nghệ sĩ tham gia buổi biểu diễn, với các bài như Non Nước Hữu Tình, Vui Mùa Lúa, Long Ngâm, Mừng Hội Hoa Bông, Xuân Ca. Long Ngâm là một bài Nhã nhạc thời nhà Nguyễn xa xưa, gợi cho người nghe những khoảnh khắc thời cung hoàng triều Nguyễn.’

Bác Sĩ – Nghệ sĩ Hồng Viết Hải độc tấu đàn tranh ‘Vui Mùa Lúa.’ (Hình: Hướng Việt cung cấp).

Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt do Bác Sĩ Hồng Việt Hải sáng lập vào năm 2001 với mục đích học hỏi, truyền bá, duy trì và phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam. Theo Bác Sĩ Việt Hải, khác với đa số các nghệ sĩ ngày nay khi học âm nhạc truyền thống Việt Nam chỉ chú trọng về kỹ thuật chạy ngón của tay phải và phong cách biểu diễn ảnh hưởng từ nhạc Trung Quốc. Lối học này đơn giản, dễ học, nên được các học sinh ưa chuộng. Tuy nhiên, đây không còn là âm nhạc truyền thống Việt Nam nữa.

Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt chú trọng đến kỹ thuật và bài bản âm nhạc thuần túy của Việt Nam. Các kỹ thuật và bài bản này khó học và đòi hỏi học viên phải chuyên cần tập luyện. Các giáo viên của Hướng Việt đều được đào tạo bởi các giáo sư chuyên về âm nhạc của ba miền ở miền Nam nên kỹ thuật, ngón đàn và bài bản đều sử dụng và truyền bá đúng theo phong cách của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Từ khi thành lập, đoàn thường xuyên lưu diễn, thuyết trình, quảng bá âm nhạc Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới như Canada, Pháp, Úc Châu…

Bác Sĩ Hồng Việt Hải cho biết thêm, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt có trên 30 người, có thời điểm nhiều hơn vì tùy vào lịch học ở trường của các em học sinh, sinh viên. Thành viên nhỏ tuổi nhất là một bé trai 7 tuổi. Các em ban đầu đến với các lớp học đàn tranh, đàn bầu vì tò mò, nhưng sau đó các em yêu thích, học nghiêm túc, rồi đi biểu diễn cùng với các nghệ sĩ trong đoàn.

Bà Holly Ham (áo đỏ, thứ tư từ trái sang) và Bác Sĩ Kim Oanh (bìa phải) chụp hình lưu niệm cùng Hướng Việt. (Hình: Hướng Việt cung cấp)

Đặc biệt trong đoàn có một nghệ sĩ người Nhật tên là Etsuko Ito, chơi rất giỏi đàn bầu, đàn tranh và cả đàn tì bà. Chị Etsuko Ito chọn học tiếng Việt hồi còn học đại học ở Nhật, sau đó sang Việt Nam du học và rất yêu thích nhạc dân tộc Việt. Khi lấy chồng sang Mỹ, nhớ tiếng Việt vì không có người Việt xung quanh để nói chuyện, năm 2007, tình cờ biết Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt nên đến xin học đàn rồi gắn bó cho đến nay.

Ngay sau biểu diễn ở Toà Bạch Ốc, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt có buổi diễn ở Falls Church, tiểu bang Virginia vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 24 Tháng Hai vừa qua. Buổi biểu diễn này mở cửa tự do, nhằm đáp lại tình cảm của cộng đồng người Việt ở vùng Washington DC dành cho mình.

Theo ông Đinh Hùng Cường, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại vùng Hoa Thịnh Đốn – Maryland & Virginia, các nhạc công của đoàn Hướng Việt là những người thực sự yêu âm nhạc, yêu quê hương. Họ đi biểu vì tấm lòng và vì muốn mang âm nhạc dân tộc phục vụ cho cộng đồng người Việt. Bên cạnh tài năng âm nhạc, các nhạc công còn tạo được dấu ân riêng qua trang phục. Họ mặc các kiểu trang phục dân tộc, như áo dài khăn đóng, áo tứ thân… màu sắc tươi sáng và thay đổi nhiều lần, rất sinh động.”. (Trúc Linh)

Tags:
Chàng trai Việt 23 tuổi loại 400 hồ sơ, trở thành coder khiếm thị duy nhất trên toàn khu vực của Grab, làm việc tại trụ sở chính ở Singapore

Chàng trai Việt 23 tuổi loại 400 hồ sơ, trở thành coder khiếm thị duy nhất trên toàn khu vực của Grab, làm việc tại trụ sở chính ở Singapore

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng trai Việt khiếm thị đã trở thành coder của Grab.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất