Lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của Mỹ phá ngưỡng 20.000 tỷ USD
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, chính phủ liên bang Mỹ đang phải gánh số nợ khổng lồ, lên tới hơn 20 nghìn tỷ USD.
12:00 13/09/2017
Theo Business Insider, con số này đã tự động đạt mức kỷ lục mới vào cuối tuần qua và Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo số nợ chính xác vào cuối ngày là 20.162.176.797.904 USD. Trong số đó, Bộ Tài chính cho biết có 14.622.661.213.046 USD là khoản nợ từ các nguồn bên ngoài, và 5.539.515.584.857 USD là khoản nợ của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, hay còn gọi là nợ cổ phần nội bộ bên trong chính phủ (Intragovernmental Holdings).
Số nợ của chính phủ liên bang đã bị đình trệ kể từ tháng 3 do mức trần nợ, hay là giới hạn nợ theo quy định mà Bộ Tài chính được phép đạt đến ở bất kỳ thời điểm nào. Kể từ khi giới hạn này được tái áp đặt hồi tháng 3, Bộ Tài chính đã sử dụng “các biện pháp bổ sung” để giữ số nợ giữ ở mức gần 18,84 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh thành luật, trong đó đã hoãn áp dụng mức trần nợ cho tới ngày 8/12. Điều đó có nghĩa là Bộ Tài chính Mỹ có thể mượn thêm tiền tự do cho đến ngày tới hạn nói trên, khi đó khoản tiền khổng lồ này lại trở thành mức trần nợ mới và các biện pháp bổ sung lại phải thay đổi từ đầu trừ khi một điều luật mới được thông qua.
Tại Mỹ, khoản nợ quốc gia đang là một đề tài nóng nhất là trong những năm gần đây. Nhiều người tin rằng một phần lớn nguồn tài chính của Quốc hội lẽ ra nên sử dụng vào những kế hoạch phát triển chiến lược, nhưng cuối cùng bị tiêu hao bởi những bất đồng với Nhà Trắng, dẫn đến các khoản chi tiêu và đầu tư không hợp lý.
Khi đề cập đến chủ nợ của nước Mỹ, nhiều người thường nghĩ ngay tới Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó chỉ là món nợ bề nổi của một tảng băng, còn một chủ nợ khác mà Hoa Kỳ phải đau đầu vật lộn, đó là Social Security Trust Fund (SSTF) hay “Quỹ tiền hưu trí của người dân Mỹ”.
Có thể chia món nợ khổng lồ hơn 20 nghìn tỷ của Mỹ thành hai khoản nợ được Bộ Nợ Công (BPD-Bureau of the Public Debt) của chính phủ phụ trách điều hành. Hai khoản nợ khổng lồ này gồm: thứ nhất là nợ tài sản và nợ cổ phần nội bộ bên trong chính phủ (IH-Intragovernmental Holdings) và thứ hai là nợ từ các nguồn bên ngoài DHP (Debt Held by the Public).
Món nợ IH, chiếm khoảng gần 1/3 tổng số nợ, là khoản nợ Hoa Kỳ vay từ số chủ nợ gồm 230 tổ chức Liên bang, ở đây là vay nợ từ các tổ chức như: An Sinh Xã Hội, Văn phòng Quản lý Nhân sự, Quỹ Hưu Quân Đội, Quỹ Y tế Hưu Quân, Bộ Y Tế và Nhân Sinh, Bộ Năng Lượng, Tập đoàn Bảo hiểm Ký gửi Liên bang, Bộ Lao Động, Bộ Tài chính, các bộ khác…
Về khoản nợ DHP, gần một nửa trong số khoản nợ DHP do chính phủ các nước ngoài làm chủ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi họ mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.
Kế tiếp, 1/5 của món nợ DHP thuộc về chính quyền các tiểu bang (không thuộc chính quyền liên bang) cùng với Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ. Tiếp theo, gần 15% trong khoản nợ DHP do các quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ và các quỹ hưu trí tư nhân, trái phiếu tiết kiệm, trái phiếu cá nhân làm chủ. Phần nợ DHP còn lại do các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các tập đoàn tài chính, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nắm giữ.
Theo Bizlive
Cách ứng phó kì lạ của dân Mỹ với siêu bão Irma
Mặc dù Irma là một trong những cơn bão Đại Tây Dương mạnh nhất, nhiều người dân Florida vẫn rất thư thái khi đón bão.