Lần đầu trải nghiệm một câu chuyện đám cưới trên vùng đất Texas ( Mỹ )
Bay từ San Jose đi Houston bằng máy bay hãng Southeast Airways phải mất hơn bốn giờ rưỡi với giá vé 170 USD mỗi người. Nhìn từ khoảng cách trên máy bay xuống, tôi thấy vùng đất Texas này thật là rộng, bang này rộng thứ 2 trên nước Mỹ. Và sau này tôi còn biết thêm ở tiểu bang này có một điểm rất đặc biệt là nó có đến hai múi giờ.
13:30 30/11/2017
Vì nơi đây đất rộng nên những nơi như khu đỗ xe, siêu thị, đường sá, nhà cửa đều rất thoáng và rất rộng. Anh bạn Minh đón chúng tôi từ sân bay về khách sạn Camelot Inn còn kể đến các Trung tâm không gian NASA mang tên tổng thống Johnson hay trang trại của gia đình Tổng thống Bush còn rộng đến cả ngàn hecta. Có khoảng trên 160 ngàn người Việt đang định cư ở Mỹ hay nói rõ hơn là đang sinh sống ở texas (Mỹ). Chỉ riêng quận Harris và thành phố Houston đã có đến gần 120 ngàn người, chiếm trên 2% dân số.
Vì đám cưới được tổ chức ở một nhà hàng có tên là Kim Sơn. Nên chúng tôi đã tranh thủ đến đây sớm để tham quan trước cho biết. Trong một khu đất rộng trên 3 hecta sát nách thành phố, nhà hàng Kim Sơn trông như một thương xá với 2 tầng, tầng trên thường tổ chức các đám cưới hoặc hội nghị lớn. Kim Sơn do gia đình Mama La, người gốc Vĩnh Long thành lập từ những năm 1980 và được nhiều tờ báo lớn công nhận là nhà hàng Việt Nam ngon nhất tại thành phố này với đủ mọi món ăn hấp dẫn từ thịt bò nướng, gà nướng, vịt quay, bánh canh, bánh bèo, bún bò Huế, cháo lòng, sushi, cơm trứng thịt kho, rau xào, canh, bò bía, gỏi cuốn, cơm tấm bì, hủ tiếu, thịt xá xíu, tôm chiên… và cả mì Quảng cùng nhiều món ăn Tàu. Sau 30 năm, tập đoàn Kim Sơn đã có một chuỗi nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống khác nhau ở các tiểu bang…
Ông chú họ của tôi cũng ở thành phố này ở trong một biệt thự trị giá khoảng 700 ngàn USD, và chú còn nói thêm là giá của một căn nhà ở Houston chỉ bằng phân nửa giá nhà ở Cali. Tương đương một căn nhà mới xây ở Houston nếu có giá là 200 ngàn USD thì ở Cali sẽ đắt ít nhất là hai lần con số này. Cho nên những năm trở lại đây, ngừoi Việt thường có xu hướng chọn sống ở Houston hoặc các nơi trong quận Harris, vùng Cati. Người Việt định cư ở Mỹ hay rõ hơn là ở bang Cali mới lập nghiệp, chưa mua được nhà dọn về Houston định cư cũng khá nhiều. Vì giá cả đỡ tốn kém và cơ hội làm ăn cũng không quá khó.
Thời tiết ở Texas thì ở mùa này có nắng ấm. Ban đêm nhiệt độ tuy xuống thấp và nhiều gió từ vịnh Mexico thổi vào, nhưng cũng chỉ ở 15-16 độ C. Buổi chiều, mãi đến hơn 8 giờ tối vẫn còn ánh mặt trời…
Cả con bạn tôi và chồng đều đã có công việc ổn định và đang làm việc trong một ngân hàng Oklahoma, cách Houston 4 giờ đi ô tô với mức lương trên 100 ngàn USD mỗi năm. Cả hai gia đình đã quyết định chọn nhà hàng Kim Sơn là nơi tổ chức tiệc cưới, với số khách là 500 người đủ mọi quốc tịch, trong đó đa số là người Việt định cư ở Mỹ, Úc, Pháp. Riêng cha mẹ cô dâu đã mời hơn 300 khách, những người này vừa là đồng nghiệp vừa là đồng hương, bạn bè hay là những người từng ở nhiều năm tại các trại tập trung ở Hồng Kông trước khi được định cư ở Mỹ cách đây hơn 20 năm…
Tầng hai của nhà hàng là nơi dành riêng cho tiệc cưới của vợ chồng bạn tôi là Trang và Trương từ 6 giờ 30 phút chiều đến… 2 giờ sáng. Và đến 19h hơn thì buổi lễ mới thực sự bắt đầu, nguyên nhân cũng là vì tính đi trễ của nhiều người Việt. Trong khi đó, người Mỹ cùng làm việc ở ngân hàng với cô dâu mất 4 giờ lái xe từ Dallas xuống đến rất đúng giờ nên họ có vẻ đã khó chịu vì giờ cao su của người Việt. Nhưng người Mỹ đã khá là ấn tượng với cách bài trí và tổ chức buổi tiệc, trang nhã và cũng khá là đầu tư. Ba cô dâu cho tiền thuê chỗ cưới này và chi phí, trang trí, ăn uống phải tốn hết 40 ngàn USD, riêng ban nhạc và hai MC là 12 ngàn nữa. Rất tốn kém!
Phần ngoài của “hôn trường” là bàn tiếp khách, ký lưu niệm, tặng quà (cũng bỏ bì như ở Việt Nam, trung bình là 100USD) và một sân khấu nhỏ để khách khứa, bạn bè chụp ảnh lưu niệm cùng cô dâu chú rể trước khi buổi lễ cưới diễn ra. Bên trong, ở sân khấu chính người ta đặt một chiếc bàn dài hơn 10 mét để hai bên gia đình và cô dâu chú rể trình diện ở đó. Cạnh sân khấu chính là sân khấu dành cho hai MC và ban nhạc… Khi buổi lễ bắt đầu, các MC cũng làm các thao tác chương trình mà lễ cưới nào cũng có: tuyên bố lý do rất gọn rồi giới thiệu lần lượt 4 cặp phụ dâu phụ rể, các thành viên gia đình nhà trai, gia đình nhà gái, cuối cùng mới đến hai nhân vật chính… trong tiếng vỗ tay vang dội. Tất cả sắp hàng ngang trước khoảng trống trước sân khấu chính để chụp ảnh. Hai đứa trẻ ăn mặc khá đẹp vào sau cùng với tấm bảng, ghi mấy dòng chữ: “Here, comes the bride!” để đón chào cô dâu. Máy quay phim, máy chụp hình làm việc liên tục… Một bản nhạc được cất lên của một ca sĩ địa phương. Sau đó hai bên sui gia và cô dâu chú rể cùng bước lên sân khấu chính, ngồi vào sau chiếc bàn dài. Đại diện nhà trai tuyên bố lễ thành hôn và mời cô dâu chú rể đứng lên chào quan khách và thực hiện nghi thức… hôn nhau trước mọi người giữa tiếng vỗ tay vang lên từ các bàn khách đến dự. Nhiều bài hát tiếng Anh, tiếng Việt lần lượt được ban nhạc và các ca sĩ hát lên giữa một không khí huyên náo, nên chẳng ai nghe rõ lời…
Trên các bàn, thì thực đơn các món sẽ được phục vụ rất là phong phú và hấp dẫn nào là sơn hào hải vị, cũng có soup, món khai vị, vịt Bắc Kinh, tôm hùm, cá tuyết, sốt Nhật Bản, bò Kobe, cơm chiên Haiwaian… Cuối cùng là món tráng miệng gồm kẹo bánh cưới của nhà hàng Kim Sơn thiết đãi… Khách qua chào và chúc mừng cô dâu chú rể rất nhiều và vui vẻ. Gia đình tôi ra về lúc gần 11h đêm và đến hôm sau tôi mới biết là nhiều người trong lễ cưới đã ở lại chúc mừng cô dâu chú rể đến tận 2h sáng. Bởi vì, lâu lắm họ mới có dịp họp mặt nhau trên đất Mỹ này.
Theo tôi thì đây là đám cưới sang trọng và đầu tư nhất kể từ khi tôi đặt chân đến định cư Mỹ mà tôi từng được dự.
Anh bạn Tuấn ở Pensacola sau này kể ban nhạc ở xóm Quảng Đà Meyer Way của anh cũng làm nhiều xô đám cưới với các nhạc công, ca sĩ cây nhà lá vườn cho bà con địa phương, nhưng giản dị hơn nhiều so với đám cưới ở Kim Sơn. Tuấn nói, đám cưới của người Mỹ không phô trương như mình, khách mới thì cũng chỉ trên dưới 100 khách là nhiều “Người Mỹ họ giản dị hơn mình nhiều! Chính là buổi lễ ở nhà thờ thôi!”.
Theo visahoaki
Đường thoát nước đập California mới xây đã nứt
Các đường nứt nhỏ thấy xuất hiện ở đường thoát nước mới xây của đập Oroville là điều được trông đợi và không là mối đe dọa, theo các giới chức tiểu bang California.