Lần thứ 2 thoát kết tội, vì sao ông Trump không "ăn mừng" như lần đầu?

Sau lần thoát bị kết tội trong vụ luận tội năm 2020 liên quan tới bê bối Ukraine, ông Trump đã tổ chức một lễ ăn mừng tại Nhà Trắng với sự hân hoan của nhân viên Nhà Trắng, đồng minh chính trị và các thành viên gia đình.

13:30 15/02/2021

Dù được Thượng viện tha bổng một lần nữa hôm 13/2 sau khi bị luận tội với tội danh kích động bạo lực liên quan tới vụ tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol, nhưng lần này ông Trump có lý do để không ăn mừng như lần trước, theo Financial Times. 

Hôm 13/2, ông Trump đã có lợi thế hơn khi đảng Dân chủ bị hạn chế cơ hội gọi nhân chứng tới phiên xét xử - điều có thể dẫn đến nhiều ngày tố tụng nữa và hàng loạt quan chức đứng ra làm chứng, chống lại cựu Tổng thống Mỹ.

Dù có thể hài lòng về việc không bị kết tội, ông Trump cũng chịu thiệt hại không nhỏ về hình ảnh chính trị ở thời điểm này. 

Một số lời chỉ trích gay gắt nhất với cựu Tổng thống Mỹ đến từ 7 nghị sĩ cùng đảng, những người cho rằng ông Trump có tội. Ngay cả ông Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, người từng nói việc kết tội chỉ dành cho tổng thống còn tại vị, giờ cũng không ngần ngại tỏ ý muốn thấy ông Trump bị "loại" khỏi chính trường đảng Cộng hòa và có thể bị truy tố hình sự. 

"Những hành động của cựu Tổng thống Trump trước khi xảy ra vụ bạo loạn hôm 6/1 là hành động thiếu trách nhiệm và đáng hổ thẹn. Việc ông ấy phải chịu trách nhiệm cho việc kích động bạo lực ngày hôm đó là không phải bàn cãi", ông McConnell nói sau khi ông Trump được tha bổng. 

Hôm 13/2, phản ứng trước việc thoát án kết tội lần 2, ông Trump đưa ra một tuyên bố bằng văn bản. Cựu Tổng thống Mỹ gọi phiên xét xử là "một cuộc săn phù thủy" - thuật ngữ ám chỉ cuộc điều tra nhằm vào những người không cùng quan điểm, và tuyên bố sẽ "tiếp tục hành trình đáng kinh ngạc để đem lại sự vĩ đại cho nước Mỹ và người dân Mỹ". 

Ông Trump đã dự tính khả năng trở lại cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, tuyên bố thành lập đảng riêng... nhưng tất cả những vai trò này đều bị "che mờ" bởi các sự kiện chính trị liên quan tới ông Trump vài tuần trước. 

Dù phần lớn cử tri đảng Cộng hòa vẫn trung thành với ông Trump và nhiều nghị sĩ không muốn chỉ trích cựu Tổng thống vì lo sợ bị "trả đũa" chính trị, nhưng ông Trump đang đánh mất hình ảnh của mình và tương lai chính trị vẫn bị đặt một dấu hỏi lớn. 

"Vụ bạo loạn ở Điện Capitol là vết đen cho di sản của ông Trump. Ông ấy có cơ hội và vị trí tốt hơn để tái tranh cử Tổng thống nếu sớm chấp nhận kết quả bầu cử. Tôi nghĩ ông ấy không nên phản ứng thái quá bằng việc kích động bạo lực. Những lời kêu gọi đó là vô trách nhiệm", John Feehery, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa", nhận định. 

Một số đảng viên Cộng hòa đã tận dụng cơ hội để "rời bỏ" đội ngũ ủng hộ ông Trump, theo Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời chính quyền ông Trump. Bà Haley còn cho rằng, ông Trump đã "sa sút" tới mức có thể không có trong danh sách tranh cử năm 2024. 

"Chúng tôi phải thừa nhận rằng ông ấy đã khiến chúng tôi thất vọng. Ông ấy đã lựa chọn con đường mà ông ấy không nên đi và chúng tôi có lẽ cũng không nên ủng hộ lựa chọn đó. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không để điều đó lặp lại lần nữa", bà Haley chia sẻ trên Politico. 

Tuy nhiên, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ từ các cử tri đảng Cộng hòa, bao gồm nhiều nghị sĩ ở quốc hội Mỹ. Theo một cuộc thăm dò được thực hiện bởi CNBC trong tháng 2, có 54% người Mỹ tham gia thăm dò muốn ông Trump rời khỏi chính trường nhưng con số này ở đảng Cộng hòa giảm xuống, chỉ còn 26 %. Điều này đồng nghĩa, có 74% đảng viên Cộng hòa tham gia thăm dò muốn ông Trump tiếp tục hoạt động chính trị với vai trò là người lãnh đạo đảng Cộng hòa hoặc thành lập đảng mới.

Tags:
Trump: 'Phong trào đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại chỉ mới bắt đầu'

Trump: 'Phong trào đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại chỉ mới bắt đầu'

Cựu tổng thống Mỹ ám chỉ khả năng trở lại chính trường, tuyên bố còn nhiều việc phía trước sau khi được Thượng viện tha bổng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất