Lập mạng kết nối người Việt toàn thế giới

Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2015 – 2017) vừa ra mắt kênh thông tin www.vietsearch.org với mong muốn kết nối người Việt trên toàn thế giới.

13:00 28/09/2018

Mạng lưới Vietsearch kết nối cộng đồng người Việt

Lập kênh để kết nối người Việt

Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú là cái tên rất quen thuộc với thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Anh hiện là giáo sư, nghiên cứu và giảng dạy ngành tài nguyên nước tại Trung tâm khí tượng thủy văn và viễn thám ĐH California – Irvine. Ngoài ra, anh còn là thành viên đồng sáng lập kiêm Tổng thư ký (2013-2015), Chủ tịch (2015-2017) của Hội Thanh niên – sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Người cùng sáng lập hội là một cái tên quen thuộc khác – tiến sĩ Huỳnh Thế Du, hiện công tác tại chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Việt Nam.

Tiến sĩ Phú cho biết qua nhiều năm hoạt động cộng đồng, tương tác với cộng đồng du học sinh, kiều bào, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước, anh nhận thấy nhu cầu thông tin và kết nối người Việt, doanh nghiệp của người Việt là rất lớn. Nếu có thể lập được một kênh thông tin để tất cả người Việt trên khắp thế giới có thể tìm kiếm bạn bè, đối tác…, kết nối họ lại với nhau là một việc hết sức hữu ích. Từ đó, anh phát triển một công cụ để có thể giải quyết những ý định này.

Nói một cách đơn giản, VietSearch là cơ sở dữ liệu và thống kê về chuyên gia và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Kênh này cung cấp công cụ để tổng hợp và tìm kiếm trên cơ sở cộng đồng người Việt, là một nền tảng cho người Việt kết nối và hợp tác để phát triển giáo dục và kinh tế tại Việt Nam.

Tính năng chính của VietSearch là tìm kiếm thông tin dựa trên các thông tin đầu vào cơ bản (tên, lĩnh vực, địa điểm…). Kênh này cũng cho phép người dùng có thể liên lạc với những người Việt xuất hiện trên kết quả tìm kiếm thông qua các trang kết nối. Hệ thống còn có VietMap được thiết kế tương tác với bản đồ Google, cùng thống kê chi tiết về người Việt, công ty Việt, du học sinh, hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có một nguồn dữ liệu rộng rãi. Phú tận dụng chuyên môn tại UC Irvine là phát triển các nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ mới cho Big data, data mining, machine learning, database, mobile and web applications trong lĩnh vực tài nguyên nước và cảnh báo thiên tai để giải quyết điều này. Anh lấy thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu người Việt dựa trên các cơ sở dữ liệu gốc từ các nguồn tin cậy như LinkedIn, Google Scholar, Researchgate, iVANET, Yellow Page… Anh tập hợp một nhóm các bạn trẻ có chuyên môn và tâm huyết với cộng đồng, tổ quốc để phát triển dự án từ đầu năm 2017. Trong hơn 1,5 năm, nhóm làm việc cật lực, thu thập các nguồn dữ liệu để ra mắt bản demo đầu tiên tại vietsearch.org. Trên kênh này có thông tin về hơn 360.000 người Việt và 60.000 công ty người Việt, 64 Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Các tính năng cơ bản về tìm kiếm và hiển thị cũng đã tương đối hoàn thiện.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú (phải) tại University of California, Irvine (Mỹ). Ảnh: NVCC

Ai sẽ dùng Vietsearch?

Ngay từ ý tưởng ban đầu, tiến sĩ Nguyễn Đình Phú đã đặt ra cho mình một câu hỏi để triển khai Vietsearch. Đó là kênh này ra đời sẽ hữu ích với những đối tượng nào? Làm sao để hỗ trợ một cách hiệu quả nhất? Với mục tiêu của kênh này, du học sinh có thể kết nối hoạt động cộng đồng, tìm việc, tuyển dụng, phụ huynh và học sinh muốn du học có thể kết nối người Việt để nhờ hỗ trợ. Giáo sư người Việt ở nước ngoài, người tham gia các hội sinh viên, các doanh nghiệp trong nước muốn tìm hiểu, mở rộng thị trường, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao đều có thể dùng Vietsearch. Ngoài ra, các phóng viên muốn tìm hiểu, kết nối, làm phóng sự về người Việt ở nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước muốn tổng hợp thông tin, phân tích xu hướng về người Việt… đều có thể sử dụng trang thông tin này.

Một mục được xây dựng trong kênh thông tin này được những người sáng lập rất tâm đắc là mục Chung tay. Mục này tổng hợp nhiều sự kiện nổi bật của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, kinh tế, thiện nguyện…). Nhóm sáng lập muốn phát triển Chung tay thành đầu mối thông tin về các hoạt động cộng đồng, nơi chia sẻ và kêu gọi mọi người cùng chung tay trong các hoạt động thiện nguyện, học thuật, hướng nghiệp, văn hóa, thể thao và hướng về tổ quốc.

Cùng với hệ thống VietSearch, VietMap, mục Chung tay sẽ giúp kết nối người Việt theo từng ngành nghề, quốc gia hoặc nhóm cùng sở thích. Hệ thống sẽ giúp cho những người đang có nhu cầu du học hoặc làm việc ở nước ngoài, có thể tìm kiếm quốc gia, thành phố nào có nhiều người Việt đang sinh sống để cùng hòa nhập và thành công tại nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú cho biết mình cùng nhóm thực hiện rất tâm đắc với sản phẩm này và sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa. Mục tiêu của nhóm là thu thập thông tin hơn 2 triệu người Việt và hầu hết các công ty của người Việt ở nước ngoài từ các nguồn thông tin tin cậy và được cập nhật thường xuyên bằng các công nghệ tiên tiến.

Theo Thanh niên

Tags:
[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất