Lệnh cấm chó pitbull gây tranh cãi ở Mỹ

Một số bang Mỹ áp lệnh cấm nuôi pitbull với lý do loài vật này hung dữ và hay tấn công, nhưng nhiều người lại coi đây là giống chó trung thành.

21:22 20/05/2023

Pitbull là giống chó có nguồn gốc từ Anh và châu Mỹ có đặc tính hung dữ, được nhiều nước xếp hạng là một trong những giống chó nguy hiểm. Qua nhiều thế kỷ, chó pitbull được lai tạo để có ngưỡng chịu đau cao, có thể cắn và chế ngự vùng đầu và mặt của những con vật lớn như gấu hay bò tót.

50 năm trước, pitbull rất được ưa chuộng ở Mỹ. Hình ảnh giống chó này xuất hiện ở khắp nơi, từ quảng cáo, phim ảnh cho tới áp phích trên đường phố. Sức mạnh cơ thể, bộ hàm cùng sự lì lợm của pitbull đã thúc đẩy môn chọi chó ở Mỹ.

"Chó pitbull nhanh chóng gắn bó với tầng lớp bình dân Mỹ", Colin Dayan, chuyên gia về các mối đe dọa xã hội ở Đại học Vanderbilt, cho biết. Tuy nhiên, khi môn chọi chó trở nên phổ biến, pitbull cũng dần gắn liền với hình ảnh hiếu chiến, khát máu, bị coi là "mối nguy cho sức khỏe cộng đồng", thậm chí thường liên quan đến bạo lực băng đảng và tội phạm.

Năm 1976, hoạt động chọi chó bị cấm trên toàn bộ 50 bang của Mỹ. Cùng với đó, lệnh cấm nhân giống và nuôi chó pitbull cũng được ngày càng nhiều thành phố áp dụng. Hiện ít nhất 10 bang Mỹ ban hành các quy định hạn chế chó pitbull ở những mức độ khác nhau.

Hai con chó pitbull giành khúc gỗ tại một chương trình giáo dục ở Nice, Pháp, năm 1999. Ảnh: Reuters
Hai con chó pitbull giành khúc gỗ tại một chương trình giáo dục ở Nice, Pháp, năm 1999. Ảnh: Reuters

Theo DogsBite, tổ chức thống kê các trường hợp tử vong liên quan đến chó cắn ở Mỹ, 63% trong số 54 trường hợp thiệt mạng vì bị chó tấn công trong năm 2022 là do pitbull gây ra.

"Chúng được lai tạo có chọn lọc để thực hiện những phát cắn chí mạng. Pitbull tấn công không báo trước, không gầm gừ hay sủa, chúng sẽ tiếp tục cho đến khi kết liễu đối phương", Colleen Lynn, người điều hành DogsBite, chỉ ra ba yếu tố khiến pitbull nguy hiểm hơn các giống chó khác.

Tuy nhiên, hàng chục bang khác của Mỹ không ban hành bất cứ lệnh cấm nào với chó pitbull và nhiều người dân nước này vẫn coi chúng là người bạn trung thành.

Dù vậy, loạt vụ chó pitbull tấn công người ở Mỹ những năm gần đây đã làm nóng cuộc tranh luận về việc liệu nên cho phép nuôi pitbull làm thú cưng hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy giống chó này nguy hiểm hơn, trong khi một số khẳng định pitbull được lai tạo để chiến đấu và không an toàn khi nuôi ở nhà.

Năm 2017, vụ chó pitbull tấn công khiến bé Jeremiah Rivera, 5 tuổi, ở Brooklyn suýt thiệt mạng đã làm dấy lên cuộc tranh cãi sôi nổi tại thành phố New York. Jeremiah đã phải khâu 2.000 mũi sau khi bị tấn công bởi con chó pitbull mà cha cậu vừa nhận nuôi.

Nhiều chủ sở hữu và người ủng hộ pitbull cho rằng lỗi trong đa số vụ chó tấn công người thuộc về chủ sở hữu. Chuyên gia Colin Dayan cũng chỉ ra pitbull đòi hỏi ở chủ nhiều hơn so với một số giống chó khác.

Một con chó thuộc giống chó sục pitbull Mỹ (trái) và một con giống Boxer đi dạo cùng chủ tại Tucson, Arizona, 07/01/2012. Ảnh: Reuters
Một con chó thuộc giống chó sục pitbull Mỹ (trái) và một con giống Boxer đi dạo cùng chủ tại Tucson, Arizona, 07/01/2012. Ảnh: Reuters

"Pitbull không nguy hiểm hơn các giống khác nếu chúng được giám sát và huấn luyện. Bất kỳ giống chó nào cũng nguy hiểm và có thể cắn người. Chúng cần được đào tạo và nuôi dạy một cách có trách nhiệm suốt vòng đời", Ronnie Vanzant, huấn luyện viên chó và là nhà sáng lập Pitbull Advocates, khẳng định.

Sandra Swart, nhà sử học chuyên về lịch sử loài chó ở Đại học Stellenbosch, Nam Phi, cho biết 60% hành vi của pitbull là do di truyền, nhưng có thể thay đổi đáng kể sau 3-12 tuần huấn luyện.

Nam Phi cũng chứng kiến nhiều vụ chó pitbull tấn công gây chết người, nhưng bà Swart cho rằng đây là hậu quả của tình trạng người dân không huấn luyện chó, hoặc huấn luyện chúng chỉ nhằm tăng tính hung hãn.

"Trên thực tế, hầu hết các giống chó đều có thể gây tử vong cho con người. Khi được huấn luyện phù hợp, pitbull đơn thuần là vật nuôi và ít có khả năng gây hại", bà nói.

Chuyên gia Dayan chỉ ra rằng luật cấm pitbull mà các bang Mỹ ban hành vẫn còn nhiều hạn chế. Bang Maryland từng coi bất kỳ con chó nào có gene pitbull là "nguy hiểm bẩm sinh", trong khi một số giống lai hoặc những con đã triệt sản thường hiền lành hơn. Giới chức Maryland đã đảo ngược quy định này năm 2014.

Trẻ em chơi đùa cùng chó pitbull tại một công viên ở Escondido, , Mỹ, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP
Trẻ em chơi đùa cùng chó pitbull tại một công viên ở Escondido, , Mỹ, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP

Swart cho biết thay vì lệnh cấm triệt để, có rất nhiều cách quản lý pitbull hiệu quả hơn, như yêu cầu giấy phép, bảo hiểm trách nhiệm đặc biệt, bắt buộc triệt sản đối với các giống dữ, những con đạt trọng lượng nhất định hoặc từng có hành vi tấn công người.

Giới chức cũng cần triệt phá các hoạt động chọi chó bất hợp pháp nhằm ngăn hoạt động lai tạo giống chó dữ. "Kiểm soát việc lai tạo các giống hung hăng sẽ giúp ích. Chó bull Anh từng là giống chó hiếu chiến, nhưng sau các đợt truy quét hoạt động chọi chó, chúng giờ đây nổi tiếng là loài chó hiền lành trong gia đình", bà Sward nêu ví dụ.

Tags:
Cuộc sống viên mãn đáng ngưỡng mộ ở tuổi 45 của ‘Hoa hậu đẹp nhất lịch sử Việt’ Hà Kiều Anh

Cuộc sống viên mãn đáng ngưỡng mộ ở tuổi 45 của ‘Hoa hậu đẹp nhất lịch sử Việt’ Hà Kiều Anh

Sau gần 30 năm đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam vào năm 1992, hiện tại ‘Hoa hậu đẹp nhất lịch sử Việt’ Hà Kiều Anh sở hữu nhan sắc ngày càng mặn mà và cuộc sống đáng ngưỡng mộ ở độ tuổi 45.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất