Lịch sử nghề trồng cần sa du mục của người Việt ở hải ngoại

Buôn thuốc lá lậu và "trồng cỏ" là 2 "nghề" từng "tạo công ăn việc làm" và đem lại thu nhập cao cho khá nhiều người Việt "đi Tây", nhất là những người vượt biên sang, không có giấy tờ, phải liều lĩnh để trả nợ.

23:29 08/11/2023

Năm 2012, tôi ở chung phòng với một cậu sinh viên người Ba Lan, tên là Kasper. Cậu ta rất vui vẻ, nhiệt tình, mỗi tội nghiện Cần sa nên lười tắm và nhác làm vệ sinh nên tôi đề nghị “chuyển”. Sau đó mới biết, thanh niên Châu Âu hút cần sa rất nhiều.

Tôi từng nghe nhiều về nghề “trồng cỏ” của người Việt tại EU nhưng mãi đến khi sang Amsterdam (Hà Lan) năm 2014, nhìn thấy nhiều cửa hàng buôn bán hạt giống và các loại phân bón, dụng cụ trồng và hút cần sa công khai, mới bắt đầu tò mò, tìm hiểu. Tại các cửa hàng này, họ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho khách rất tỉ mỉ, tùy theo từng loại giống.

trong can sa du muc

Hình ảnh tại một trại trồng cần sa trong nhà (Nguồn: internet)

Ở Hà Lan, nếu bạn đăng ký trồng cần sa để cung cấp cho các hãng dược, đóng thuế đầy đủ thì nó là nghề làm nông hợp pháp. Việc bắt gặp các cánh đồng trồng cần sa lớn ven đường không hề hiếm. Nhưng làm vậy lợi nhuận thấp, lại khó cạnh tranh với dân bản xứ nên người Việt không khoái, chỉ thích trồng “đen”.

Nghề trồng Cần sa chui tại Châu Âu “phát triển” từ đầu thập niên 1990 tại British Columbia (B.C) – Canada, dưới sự tổ chức của băng đảng Hell Angel – hội motor giang hồ người Mỹ khét tiếng, để tuồn vào thị trường “chợ đen” Mỹ. Lợi nhuận từ nghề này từng đạt tới khoảng 6,5 tỉ USD/năm, chỉ xếp sau lợi nhuận của hai ngành dầu mỏ và khí đốt ở B.C.

Người Việt ban đầu làm thuê cho băng nhóm Hell Angel, sau thạo nghề nhảy ra làm riêng. Khi nghề trồng cần sa chui tại đây bị truy quét, việc canh tác trên các cánh đồng dễ bị máy bay trinh thám phát hiện, chính người Việt đã “sáng tạo” ra nghề trồng chui trong nhà.

Cây cần sa trồng ngoài tự nhiên một năm chỉ được hai vụ. Khi trồng trong nhà kính với những bóng đèn công suất lớn mở 24/24 giờ giúp tăng thời gian quang hợp, với hệ thống quạt thông gió chạy liên tục cùng với phân bón, chất kích thích tăng trưởng và hệ thống tưới tiêu khép kín,..., nên mặc dù kích thước cây bé hơn nhưng tăng trưởng nhanh, do đó, một năm có thể làm 4 vụ, chưa kể hàm lượng chất marijuana cao nên càng được thị trường đen ưa chuộng.

Ở Canada thời đó, vùng Vancouver, nơi có khu phố tàu sầm uất nhất thế giới, là lãnh địa bất khả xâm phạm của gia tộc Madame Lee (Bà Lý) - một bà trùm của Hội Tam Hợp. Còn tại Toronto và Ottawa, một “nữ doanh nhân” Việt kiều giàu có, tên Lê Thị P.M, quê Hải Phòng, năm sinh thật là 1966 (hồ sơ ghi 1977) đã bắt tay với cộng sự Ze Wai Wong (Hà Thế Hoàng) để thâu tóm toàn bộ 2 thị trường này.

Bà trùm P.M thường kiêm luôn việc chuyển tiền về tận tay cho các thân nhân người làm "nông dân" cho mình ở quê, với giá cả hợp lý và rất uy tín. Khi bà P. M dự định đầu tư về xây dựng 1 khu du lịch ở Khánh Hòa để rửa tiền thì bị FBI sờ gáy. Toàn bộ đường dây của bà trùm sụp đổ, cảnh sát phát hiện ra đường dây này đã “bén rễ” tới 16 thành phố lớn của Mỹ và doanh thu mỗi tuần lên đến 5 triệu USD.

Đến cuối những năm 1990, Canada truy quét mạnh tay và tăng án phạt lên cao, nghề “trồng cỏ” của người Việt di chuyển dần sang Hà Lan, rồi sang Đức và tầm năm 2004 thì lan tới nước Anh. Một số quốc gia khác cũng có trồng rải rác những không nhiều.

Một người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề cho biết, người Việt thường lựa chọn những nước có mức án phạt thấp với tội danh này và thị trường đen tốt, lợi nhuận cao, việc truy quét không quá gắt gao để đến “canh tác”. Do đó hiện nay chủ yếu chỉ trồng nhiều ở Hà Lan (luật xử nhẹ) và Anh (lợi nhuận cao, án chỉ tầm 5 năm).

Qua tìm hiểu được biết, với “kỹ xảo trong nghề trồng cỏ” hiện nay, các biện pháp nghiệp vụ truy quét như dùng máy bay do thám mức độ phủ tuyết trên mái nhà vào mùa Đông, dùng máy quét nhiệt dò qua cửa sổ và việc theo dõi lượng điện tiêu dùng hàng tháng,…đều "không còn hiệu quả". Chỉ có sự giám sát, nghi ngờ rồi báo lên cơ quan chức năng của hàng xóm bản xứ và nạn “đầu đen chơi bẩn” lẫn nhau là chưa thể đối phó được. Do đó, “người trong nghề” thường chọn cách di chuyển vị trí “canh tác” thường xuyên để hạn chế “rủi ro” này. Làm nghề "trồng cỏ", sự hợp tác với các băng đảng đen tại bản xứ cũng là điều tất yếu.

Hiện nay tại hầu hết các nước EU, nếu bạn có hút Cần sa thì có thể mang theo trong người một lượng nhất đinh. Tại Hà Lan, bạn được phép mang theo trong người tới 100g, các nước khác thì thấp hơn - thường là 10 – 20g. Do có sự khác biệt này nên người di chuyển từ Hà Lan sang các nước chung quanh, nhất là mấy anh chàng da đen thường bị kiểm tra, lục soát rất kỹ. Bạn cũng có thể trồng một vài cây trong nhà để tự phục vụ mà không bị phạt.

Tại Anh từ sau 2004, người Việt vượt biên sang Anh chủ yếu là dân Nghệ Tĩnh. Người Nghệ có tính cục bộ địa phương cao, thường tương trợ lẫn nhau, chịu cực khổ tốt lại máu me làm giàu, biết “che đậy”, dám liều lĩnh và chấp nhận trả giá nếu bị bắt. Do đó, số người theo “nghề” này không ít. Một đồng hương khi ra đón tôi bằng một chiếc xe hạng thường thường, dù cậu ấy là một đại gia trong nghề này, giải thích rằng “Làm nghề này không dám chưng diện, vì rất dễ bị “chó” (cảnh sát) theo dõi, bắt bớ anh ạ!”.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết người Việt tại EU nếu không làm việc trong các nhà máy, công xưởng thì đánh hàng, buôn bán quần áo và dày dép, làm Nails, nhà hàng, bán hoa,... Số người làm nghề "trồng cỏ" chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, ngay cả tại Anh và Hà Lan. Cho nên, một số nhà báo hoặc facebooker nổi tiếng không tìm hiểu kỹ, nhận định và phán xét thiên kiến, viết bài phê phán theo lối "vơ đũa cả nắm" là rất thiếu trách nhiệm với cồng đồng kiều bào tại Châu Âu.

Nguyễn Thức Tuấn / Nguoivienxu24h

Tags:
Nhân viên bốc xếp móc trộm đồ tại sân bay bị phát hiện như thế nào?

Nhân viên bốc xếp móc trộm đồ tại sân bay bị phát hiện như thế nào?

Quá trình lấy một chiếc vali ra khỏi băng chuyền hành lý của nhân viên bốc xếp đã bị camera an ninh sân bay Nội Bài ghi lại và là manh mối truy ra hành vi trộm cắp.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất