Little Saigon: Các gia đình Việt quyết không rời Green Lantern Village
Những gia đình sống tại khu mobile home Green Lantern Village sẽ quyết bảo vệ quyền lợi của họ.
22:50 03/04/2017
Buổi họp để chủ đất thông báo về ý định bán khu mobile home mang tên Green Lantern Village, 14352 Beach Blvd., Westminster, CA 92683, và nói về tiến trình dời chỗ ở của 130 căn nhà, đa số là người Việt, diễn ra lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 1 Tháng Tư, tại phòng họp của văn phòng điều hành cùng địa chỉ.
Từ trước giờ họp, một số cư dân gốc Việt đến sớm và trưng các biểu ngữ chống đối di dời, trên lối vào và dựng trên bức tường phía trước, đối diện với các hàng ghế kín người tham dự, chật ních căn phòng, đa số là các vị cao niên người Việt. Một số ít là người bản xứ và người gốc Hispanic.
Buổi họp được thông dịch qua tiếng Việt qua lời của anh Danny Phạm. Ban tổ chức gồm có ông Larry Lazar, đại diện văn phòng Arete, cung cấp dịch vụ quản lý, giao tiếp công chúng; bà Michele Folk, giám đốc điều hành công ty Overland, Pacific & Cutler, Inc., cung cấp dịch vụ về địa ốc, gồm phỏng vấn, định giá nhà, tìm nơi ở cho những người phải di dời; và ông Ross Bartlett, đại diện một trong những chủ nhân của khu Green Lantern Village.
Bầu không khí có vẻ căng thẳng, vẻ lo âu kèm nét giận dữ trên khuôn mặt của một số người tham dự.
“Chúng tôi lúc này không nghĩ đến chuyện bồi thường. Xin cho chúng tôi biết quý vị đã nộp giấy tờ gì cho thành phố chưa?” ông Bùi Trọng Nghĩa từ cuối phòng tiến lên, cầm lên một biểu ngữ, đặt câu hỏi.
Có tiếng người phụ họa từ những hàng ghế dưới: “Ngày nào?” Ông Nghĩa tiếp lời: “Chúng tôi ngày ấy sẽ xuất phát biểu tình từ đây, tiến về buổi họp của hội đồng thành phố.”
Tiếng vỗ tay vang lên.
“Khi bán khu này các ông phải cho chúng tôi biết trước mới đúng chứ?” một người Mỹ nói to lên.
“Cuối Tháng Tư chúng tôi sẽ nộp lên thành phố bản kết quả ảnh hưởng đến cư dân khi phải di dời nếu hoàn tất, nhưng không trước cuối Tháng Sáu.
Một người Mỹ lớn tiếng hỏi: “Thủ tục bán cho nhà thầu xây nhà đã vào escrow. Xin trả lời có hay không?”
“Có thể xét chọn công ty quản lý khác không?” một người hỏi.
Ông Lazar trả lời: “Không.”
Trước đó, trong phần mở đầu buổi họp, ông Larry Lazar tuyên bố: “Chúng tôi họp để thông báo việc cư dân trong khu mobile home này sẽ phải di dời chỗ ở, vì chủ nhân đã lớn tuổi, không còn muốn điều hành hoạt động này nữa. Dĩ nhiên là tiến trình này sẽ phải tuân theo luật tiểu bang và điều lệ của thành phố Westminster.”
Ông quay ra giới thiệu ông Ross Bartlett, chủ nhân của khu đất mobile home.
“Gia đình tôi làm chủ khu đất này hơn 70 năm. Ông nội tôi mua vào năm 1945-46, sau thế chiến thứ hai, và dựng nên khu mobile home này. Bà nội tôi cũng từng sống ở đây 10 năm (1960). Khi ấy ông nội tôi ký hợp đồng quản lý 50 năm,” ông Barlett nói.
“Bây giờ nếu muốn tiếp tục thêm 20, 30 năm nữa, chúng tôi cần chi đến $3 triệu để sửa chữa các cơ sở hạ tầng. Bà nội và dì tôi nay đã 80. Chúng tôi cũng vào tuổi 60, nhận thấy việc điều hành phức tạp nên quyết định bán đi. Bà Michelle Folk và nhân viên sẽ thông báo những số tiền bồi thường cho quý vị, sau khi phỏng vấn từng cư dân, định giá và điều đình nơi quý vị sẽ dọn đến,” ông nói thêm.
Ông Bartlett nhấn mạnh trong mười năm qua, gia đình ông đã có ý định bán, và từng thương lượng với các dealer bán xe, chung cư apartment cho thuê, hay khu thương mại, và ông cho biết: “Chúng tôi không muốn bán cho người mua để quản lý mobile home (park operators), vì họ đòi sửa quá nhiều tiền!”
Khi ông nói đến đây thì có tiếng một người bản xứ giận dữ la lên: “Thế tại sao không đầu tư trước?”
Một người Việt nói: “Tại sao trước đây, tiền nhà vẫn lấy, sao không sửa chữa?”
“Chúng tôi quyết định bán, vì hoàn cảnh gia đình tôi thôi. Vì thế, tôi mong quý vị nói chuyện với bà Michelle Folk để biết tiến trình như thế nào,” ông nói.
- Tất cả phải theo luật
Bà Folk trấn an mọi người rằng quyết định bán và đóng cửa khu mobile home này phải tuân theo một số điều kiện và tuần tự theo thời gian quy định.
“Trước hết là phải tuân theo luật, quy định bởi tiểu bang và điều lệ của thành phố Westminster. Thứ hai là chúng tôi phải nộp cho Hội Đồng Thành Phố Westminster bản kết quả CIR (Conversion Impact Report) nghiên cứu ảnh hưởng và thiệt hại của mỗi gia đình vì khu mobile home bị đóng, thay đổi mục đích sử dụng,” bà nói.
“Thứ ba là phải tìm cách giảm thiểu thiệt hại dựa trên yếu tố thu nhập cố định của cư dân (có cách nào giúp đỡ không), và di dời đến chỗ ở mới là những nơi nào (qua tiến trình phỏng vấn). Đều này rất quan trọng, vì ảnh hưởng của nó. Các cơ quan giúp di dời chỗ ở sẽ không bao giờ tiết lộ lý lịch cá nhân của ai,” bà nói thêm.
Bà khẳng định: “Quan trọng nhất là sau khi có bản kết quả CIR, mỗi người sẽ có một bản sao, ghi những quyền lợi theo luật thành phố. Chúng tôi sau đó đem nộp bản này cho thành phố Westminster để xin chấp thuận, và phải là 30 ngày trước khi được đem ra điều trần công cộng.”
Bà cho biết nếu được thành phố chuẩn thuận, chủ khu mobile home phải thông báo cho cư dân trước sáu tháng về việc di dời.
“Với tiến trình kể từ khi phỏng vấn, hoàn thành bản kết quả, đến ra trước hội đồng thành phố, phải tới đầu năm 2018 hoặc trễ hơn mới xong. Chúng tôi là người trung gian giữa hai bên. Người nói tiếng Việt sẽ được cung cấp người thông dịch, hay có thể đem thân nhân để thông dịch,” bà kết luận.
- Cần có tiếng nói chung
Một trong những người trẻ tham dự là cô Linh Trương, cho biết: “Ba tôi ở đây. Để đối phó tôi kêu gọi đồng hương tham gia phỏng vấn. Nói thẳng những khó khăn về tài chánh cũng như lo lắng, bất an khi được phỏng vấn. Nhất là ngày ra hội đồng thành phố, các bác phải đi cho đông.”
Trong khi đó, bà Dung Trần, cư dân của khu mobile home này, giận dữ nói: “Người ta phỏng vấn, lấy ý kiến để xé lẻ chúng ta. Mình phải có tiếng nói chung mới đủ sức mạnh.”
Bà Như Hảo, chủ chương trình phát thanh Mẹ Việt Nam, cũng là một cư dân, dồng tình: “Tôi ở đây đã mười năm. Nói dời mà là dời đi đâu? Phải họp bầu một ban đại diện.”
Một người khác, ông Bình Hồ, 32 tuổi, ở căn số 41, nói: “Bán rồi mới thông báo là sai!”
Ông Chinh Nguyễn ở căn số 49 tức giận: “Mình không cần biết. Đừng để bị dụ. Lấy lý do tốn nhiều tiền sửa để bán. Cho mướn thì phải sửa. Mình đóng tiền có thiếu tháng nào, chưa bao giờ mấy ông lo cho chúng tôi.”
Ông Tôn Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn ở lại đây. Yêu cầu các dân cử giúp đỡ.
Bà Cẩm Vân than thở: “Tiền già khiêm tốn lại thêm bệnh hoạn, đi nơi khác làm sao. Sao mà thọ nổi?”
Ông Nho Trương, cựu đại úy, ở căn số 4, khẳng định: “Điểm chính không phải là tiền nhà tăng, mà là chúng tôi không muốn đi đâu hết!”
Ông nói rồi đem phát một số tài liệu về quyền của người ở mobile home.
Ông Đỗ Anh Sơn ở căn số 45, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ họp người Việt lại, bầu ra ban đại diện. Yêu cầu các dân cử và báo chí ủng hộ.”
Bà Lưu Mai, 80 tuổi, cựu trung tá nữ quân nhân thời VNCH, ở căn số 33, than phiền: “Trên mười năm trước, khi dọn vào, tôi trả $450/tháng tiền đất. Bây giờ là $900. Dời đi? Đi đâu?”
Trả lời phỏng vấn báo Người Việt qua điện thoại về vụ này, Thị trưởng thành phố Westminster Trí Tạ, nói rằng: “Lúc này cò rất sớm, vì chúng tôi chưa nhận được giấy tờ gì. Khi ra điều trần, mọi phía, từ chủ nhà, chủ đất, đều sẽ có cơ hội thực thi quyền pháp định của mình. Riêng cá nhân tôi, dù chưa được nghe từ các phía, bất cứ ai trong cương vị của tôi cũng thấy đau lòng khi thấy cảnh người bị mất nơi cư trú của mình.”
Trong thông báo gởi cư dân khu này vào ngày 23 Tháng Ba, công ty Walsh Properties, LLC, chủ sở hữu khu đất, cho biết “đã quyết định nộp đơn lên thành phố Westminster để xin phép chuyển đổi, sử dụng, và phát triển khu đất Green Lantern Village Mobile Home.”
Người Việt ở Mỹ chuộng nước mắm đã pha chế thành ‘nước chấm’?
Ba lần đến Mỹ vào những năm khác nhau: 2014, 2016 và 2017 với thời gian ở lại mỗi lần ít nhất một tháng và thường xuyên vào bếp nấu ăn cho các con – bọn trẻ sinh sống tại tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ – tôi thấy thứ “nước mắm” mà người Việt ở Mỹ đang dùng thực chất chỉ là nước chấm hay còn gọi là nước mắm “công nghiệp”.