Little Saigon: Tráng bánh ướt, nuôi sống cả đại gia đình
Thị trường kinh doanh nhà hàng ăn uống ở Orange County của tiểu bang California lâu nay “nóng.” “Nóng” vì sức cạnh tranh gay gắt, “nóng” vì cư dân cộng đồng quy tụ khá đông người sành ăn. Vì vậy mà không ít quán ăn, cửa tiệm “tưng bừng khai trương để rồi âm thầm đóng cửa”, hoặc đổi chủ liên tiếp.
05:14 26/05/2017
Thế nhưng không ai ngờ rằng, những chiếc lò hấp bốc hơi nóng nghi ngút để làm ra món bánh ướt mỏng, dẻo đã nuôi sống một đại gia đình hơn mười cư dân thành phố Garden Grove của vùng Orange County cạnh tranh khốc liệt.
Bước vào thương trường với một tấm lòng
Những cái lò hấp dùng để tráng bánh ướt này trước đây được đặt ở phía sau của một căn nhà tọa lạc tại đường Civic Center của thành phố Garden Grove. Chủ ngôi nhà là bà Vũ Thị Lược, sống cùng hai người con và gia đình người em gái út tên Vũ Thị Lan.
Hai chị em bà Lược, bà Lan xuất thân trong một gia đình gốc Bắc di cư vào Nam từ sau năm 1954 theo Công Giáo, chịu cực từ nhỏ và nhắc nhở biết thương yêu, nương tựa nhau mà sống.
Vượt biên sang Mỹ từ năm 1981, bà Lược lao vào nghề tráng bánh đa để sinh nhai. Đây là nghề bà khá thành thạo từ khi còn ở Việt Nam. Đến đầu năm 2011, bà Lan mới cùng chồng và hai con lên đường sang Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình.
Kể từ đó, người ta thấy bếp lò nhà của bà Lược rộn rịp hẳn lên. Từ bỏ nghề tráng bánh đa, thôi làm việc thuê cho chủ nhà hàng, bà Lược quay sang nghiên cứu cách tráng bánh ướt với sự giúp sức của bà Lan. Tám người trong nhà của bà Lược và bà Lan quay quần bên lò tráng bánh ướt, để có thể làm ra thật nhiều bánh nhằm đáp ứng yêu cầu của một số bạn bè, người quen biết trong vùng và cũng để kiếm chút đỉnh tiền sinh kế trong lúc còn chân ướt chân ráo trên quê hương mới.
Trước đây, chúng tôi cũng đã có dịp ghé ngang nhà của bà Lan, để mua vài pound bánh ướt Thanh Trì, vừa dẻo vừa dai, với giá rẻ so với nhiều nơi khác, nhất là không có mùi hôi dầu. Cho đến khi cảnh sát thành phố Garden Grove đến lập biên bản, đình chỉ hoạt động của các lò hấp bánh, bà Lược và bà Lan mới biết mình chỉ có thể tiếp tục hoạt động bằng cách thuê địa điểm, xin giấy phép hoạt động hẳn hòi.
Bà Lan cho biết, mọi người trong gia đình bà chỉ nghĩ giản dị rằng họ tráng một ít bánh để kiếm tiền trang trải cuộc sống trong buổi đầu mới đặt chân đến Mỹ, để có thể tự sống được, không dựa vào trợ cấp của chính phủ, cũng không nhờ vả bất kỳ ai. Chính vì muốn duy trì cuộc sống lương thiện và chỉ dựa vào sức lao động của mình, hai chị em bà Lược và Lan quyết định mở tiệm bánh ướt Lưu Luyến, toạ lạc tại đường Euclid.
Bà Lan tâm sự: “Chúng tôi cốt lấy công làm lời nên giá món ăn khá rẻ, để những người thuộc tầng lớp bình dân không ngại bước vào quán. Chỉ để nhằm duy trì cuộc sống căn bản, không để làm giàu nên chúng tôi tự nhủ phải bền bỉ vượt qua khó khăn buổi đầu.”
Quả vậy, bước đầu hoạt động của tiệm bánh ướt Lưu Luyến gặp không ít chật vật, vất vả. Thiếu kinh nghiệm, chưa quen việc kinh doanh, chỉ có một số khách hàng quen biết đến tiệm, cũng có tháng tiền thu được của bà Lan không đủ để trang trải chi phí của cửa tiệm. Thế nhưng tâm niệm rằng tất cả vì cuộc sống, bà Lược và bà Lan cố gắng duy trì hoạt động của tiệm, chỉ cần tạm đủ sống, không cần dư giả. Nay thì tiệm bánh ướt đã bước sang năm hoạt động thứ ba, khách hàng đến tiệm ngày càng đông. Bà Lan cho biết bà hài lòng về những thành tựu đã đạt được ban đầu, và cảm thấy có cả yếu tố may mắn trong kinh doanh.
Làm bánh cho khách ăn như cho chính mình ăn
Bà Lan cho biết, mức độ cạnh tranh của thị trường kinh doanh quán ăn, nhà hàng ở tiểu bang California rất gay gắt. Theo bà, cộng đồng Người Việt Nam ở đây đa số sành ăn, chuộng món ăn ngon nên nhà hàng không có món ăn ngon thì khó lòng đứng vững.
Bà tiết lộ, tiệm bánh ướt Lưu Luyến tiếp tục đứng vững sau ba năm hoạt động ngắn ngủi nhờ tiêu chí phục vụ sức khỏe khách hàng của quán bà. Vì không có nhiều dầu mỡ nên bánh rất khó gỡ. Sử dụng rất ít dầu mỡ, không xài bột ngọt và sạch sẽ là phương thức hoạt động của quán bánh ướt Lưu Luyến.
Bà Lan cho rằng giúp khách hàng duy trì sức khỏe, để kéo dài thời gian của họ đến tiệm là mục đích hoạt động của chính bà. Làm bánh cho khách ăn như cho chính mình ăn, bà Lan tâm sự. Mọi người trong gia đình của bà cũng đã ngoài tuổi sáu mươi, không được phép ăn nhiều dầu mỡ, và tránh xa bột ngọt, và bà Lan coi thói quen ăn uống của chính mình làm tiêu chí hoạt động của cửa hàng. Để món bánh ướt được dẻo, dai, không nặng mùi bột, bà Lan cho biết, chỉ cần chịu khó lọc bột thật kỹ và thường xuyên thử để bột không lỏng, không nhão, cũng không đặc.
Toàn bộ nhân viên của tiệm bánh ướt Lưu Luyến hiện nay đều là người trong gia đình, gồm chị em gái, rể, các con và các cháu. Không chỉ bán bánh ướt, họ còn bán thêm món bánh bèo, bánh đúc, bún riêu… Mới đây, món bánh cuốn thịt nướng của tiệm Lưu Luyến được ocweekly.com xếp hạng thứ 15 trong tổng số 100 món ăn ngon của Orange County.
Bà Lan cho biết, quán mình không cần nhiều món, nhưng món nào ra món nấy, và món nào cũng ngon. Bà cho rằng điều quan trọng với những phụ nữ tuổi ngoài 60 như chị em của bà là tạo chỗ đứng cho món bánh ướt Thanh Trì cái đã. Việc mở rộng, khuyếch trương tiệm sau này, theo bà là việc của thế hệ con cháu của mình.
Nghề sửa quần áo ở Little Saigon: ‘Cứ rung đùi là có tiền’
Cũng làm nghề may nhưng họ không biến những tấm vải đơn điệu để cho ra các bộ quần áo đủ kiểu, mà họ dùng bàn tay khéo léo của mình biến những bộ quần áo từ bình dân đến hàng đắt tiền như Louis Vuitton, Gucci… trở nên hợp với vóc dáng của khách hàng theo kiểu “đo ni đóng giày.”