Little Saigon ‘về miền Kinh Bắc’ và hát quan họ cùng đồng hương Bắc Ninh

Trưa Chủ Nhật, 19 Tháng Hai, đồng hương Bắc Ninh Nam California rủ nhau đi trẩy hội Xuân Đinh Dậu tại nhà hàng Mon Amour, Anaheim, để cùng về miền Kinh Bắc, nơi có hội Lim, và cùng nhau trẩy hội “Tháng Giêng là tháng ăn chơi.”

22:28 21/02/2017

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, hội trưởng sáng lập, cho biết: “Từ 10 năm nay khi thành lập Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California thì năm nào hội cũng tổ chức Hội Xuân Bắc Ninh sau Tết Nguyên Đán, vì đây là truyền thống của người Bắc Ninh. Đó là tục lệ ăn Tết hết cả Tháng Giêng với những lễ hội tưng bừng hết làng này sang làng khác.”

 

“Lễ hội của người Bắc Ninh đình đám nhất chính là hội Lim, được tổ chức vào ngày 13 Tháng Giêng Âm Lịch hàng năm. Lễ hội này là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc mang nhiều sắc thái của dân tộc qua những câu hát điệu hò. Trong suốt 10 năm thành lập, hội liên tục làm sống lại nét văn hóa đặc thù ấy để gìn giữ được truyền thống của ông cha và để cho các thế hệ sau biết đến nền văn hóa đa dạng, phong phú của cha ông mình,” ông giới thiệu.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, hội trưởng đương nhiệm, cho hay: “Đây là năm thứ 11 chúng tôi tổ chức Hội Xuân Bắc Ninh. Mục đích của hội là muốn giữ gìn văn hóa của quê hương Bắc Ninh, đặc biệt là hát quan họ. Một năm như vậy chúng tôi làm ngày hội gần kề nhất hội Lim ở Việt Nam. Khi đến đây, đồng hương ngoài dịp gặp nhau tâm sự, còn có những tiết mục trình diễn văn nghệ quan họ Bắc Ninh đặc sắc.”

Để chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ năm nay, ông hội trưởng nói: “Các ‘liền anh,’ ‘liền chị’ đã tập dượt trong suốt năm qua để có những tiết mục đặc sắc trong ngày hội Xuân này. Mỗi khi diễn một tiết mục mới thì anh em ban văn nghệ ngồi lại, bàn thảo với nhau để xem có đồng ý tập dượt tiết mục này hay không. Khi đồng ý thì bắt tay vào tập hát, tập luyến láy… do chúng tôi không phải là chuyên nghiệp nên phải tập nhiều lắm.”

“Cùng với tập luyện cho ngày hội Xuân, các ‘liền anh,’ ‘liền chị’ còn tổ chức thành công buổi văn nghệ để gây quỹ sinh hoạt, cũng như thu hình những bài hát quan họ để phát trên đài KVLA 56.6 trong chương trình chào mừng Xuân mới vừa qua,” ông nói thêm.

Ngoài ra, để có những chiếc áo tứ thân, những vành khăn mỏ quạ, những sợi xà tích bạc, những chiếc nón quai thao… đúng với người Kinh Bắc của miền đất quan họ cho các “liền anh,” “liền chị” trình diễn, hội phải đặt may từ Việt Nam.

“Chúng tôi lấy số đo rồi chuyển về cho người ở Bắc Ninh may, nhờ vậy mới có những trang phục đẹp, vừa vặn như thế này. Chỉ có tại vùng đất Kinh Bắc mới có được loại vải the mỏng nhưng không mềm để khi lên áo sẽ làm nổi áo dài trắng mặc lót bên trong. Chỉ có tại vùng đất này mới có đúng vải vóc, cách may phù hợp với trang phục hát quan họ. Nếu mua ngoài chợ thì không đẹp, không đúng vải, không đúng màu sắc,” ông hội trưởng nói.

“Vì muốn giữ truyền thống văn hóa dân tộc từ màu sắc, vải vóc, đến cách may nên chúng tôi không ngại tốn kém và tốn thời gian để đặt những trang phục này. Năm nay, không chỉ anh chị em ban văn nghệ mà cả các anh chị em trong ban chấp hành đều mặc quần áo quan họ. Đó là truyền thống. Chúng tôi cố gắng mỗi năm, nhất là những người trong ban văn nghệ, đều mặc trang phục truyền thống do chính người Bắc Ninh may để trình diễn,” ông nói thêm.

Màn trẩy hội Xuân chính thức bắt đầu khi ông “Mõ làng” Ngô Tất Tố bước ra sân khấu với tiếng mõ rao to: “Xin bà con trong hội ngoài làng cùng nhau đi trẩy hội Xuân.” Tức thì, từ hai bên sân khấu, trẻ già, lớn bé, gái trai Bắc Ninh đều xúng xính trong những bộ quần áo cổ truyền, “liền anh” thì khăn đóng áo the thâm dài, “liền chị” thì áo tứ thân, quần lĩnh tía, thắt lưng điều bỏ giọt bước ra đầy chật sân khấu.

 'về miền Kinh Bắc' và hát quan họ cùng đồng hương Bắc Ninh
Các em nhỏ nhận lì xì. (Hình: Quốc Dũng/)

Âm thanh bài hát “Ngày Tết Quê Em” của nhạc sĩ Từ Huy như khuấy động sân khấu do toàn ban văn nghệ và thiếu nhi Bắc Ninh thực hiện. Liền sau đó, tất cả thiếu nhi Bắc Ninh và những ai mặc quốc phục đều được nhận lì xì từ cựu hội trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ và thành viên ban cố vấn của hội, ông Đinh Hồng Phong.

Tiếp theo, thiếu nhi lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang trình diễn ca khúc “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước để ca tụng công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với các ca sĩ “nhí” chỉ từ 4 đến 12 tuổi. Tiếp đến là màn nhảy sạp của thiếu nhi Hướng Đạo Sinh với bài hát “Một Mẹ Trăm Con” của nhạc sĩ Phạm Duy làm khán giả nức lòng vì các em thiếu nhi nhảy sạp rất điêu luyện.

Từng tràng vỗ tay vang lên khi hoạt cảnh “Sự Tích Trái Dưa Dấu” do thiếu nhi Bắc Ninh trình diễn.

Nói như bà Hạ Lan Anh, trưởng ban tổ chức, thì: “Các em sinh ra bên này, nói tiếng Việt ngọng nghịu nhưng thật sự rất cố gắng để hoàn thành tốt vai trò của mình. Đối với tôi đó là điểm son. Chủ trương của hội là muốn khuyến khích các em thế hệ thứ hai, thứ ba học trau dồi tiếng Việt, cũng như học, hiểu để biết về lịch sử Việt Nam.”

Liền sau đó là các ca khúc “Trầu Cau Quan Họ,” “Gởi Về Quan Họ,” “Thương Ca Tiếng Việt,” “Mái Đình Làng Biển,” “Nụ Tầm Xuân,” “Tơ Hồng”… do các “liền anh,” “liền chị” trình diễn.

“Mọi người nỗ lực rất nhiều để cố gắng hoàn thành hội Xuân tốt đẹp để đồng hương, thân hữu cùng những người thích nghe nhạc quan họ có chốn để đến gặp gỡ nhau vui Xuân. Vì vậy, Hội Xuân Bắc Ninh không chỉ là dịp để đồng hương Bắc Ninh có dịp ngồi cùng nhau, mà còn cùng nghe lại những điệu hát quan họ, tức là những điệu hát chính của tỉnh Bắc Ninh, của vùng Kinh Bắc ngày xưa,” bà trưởng ban tổ chức cho hay.

Đến tham dự ngày hội Xuân, bà Nguyễn Thị Tú, cư dân Irvine, cho biết: “Tôi là dâu Bắc Ninh thôi, nhưng đã có dịp tham gia sinh hoạt hội từ ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, mấy năm nay chồng tôi bệnh và sau đó ra đi nên tôi cũng vắng mặt vài lần hội họp mặt. Nay thì tôi mới bình tâm để đến mừng Xuân với các thành viên trong hội. Nhờ tham dự mà tôi nhớ lại lịch sử của quê chồng, thấy hay và rất ý nghĩa.”

Bà Huệ Dung, cư dân Fountain Valley, nói: “Tôi chỉ là thân hữu Bắc Ninh đến đây vì được bạn là người Bắc Ninh giới thiệu hội Xuân của Bắc Ninh rất hay. Đúng là đến đây tôi mới thấy, cả một miền văn hóa hiện diện tại nơi này. Chương trình văn nghệ rất hay, các ‘liền anh,’ ‘liền chị’ làm rất tốt. Tôi thấy tình cảm ở đây như một gia đình hơn là một hội đoàn. Dù tôi không là người Bắc Ninh nhưng đến đây rất dễ hòa đồng cùng mọi người.”

 'về miền Kinh Bắc' và hát quan họ cùng đồng hương Bắc Ninh
Hoạt cảnh “Sự Tích Trái Dưa Hấu” do các em thiếu nhi trình diễn. (Hình: Quốc Dũng/)

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ chia sẻ: “Tôi mong muốn hội Bắc Ninh vẫn giữ được truyền thống như đã từng làm trong những năm qua. Chỉ đơn giản là muốn tiếp tục được như thế này, tức năm nào cũng tổ chức vào Tháng Giêng Âm Lịch vì ngày 13 Tháng Giêng hằng năm là ngày hội Lim. Muốn giữ làm sao để mỗi lần tổ chức hội Xuân thì cũng loanh quanh gần ngày này thôi.”

Ông Nguyễn Hữu Hòa tâm sự: “Hội muốn ảo tồn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại bằng nhiều cách, đó là bảo tồn qua những lời ca quan họ, qua báo chí, và qua những bài viết trong Đặc San Bắc Ninh mà năm nào chúng tôi cũng xuất bản.”

“Đặc biệt, chúng tôi luôn kêu gọi quý đồng hương hãy giúp chúng tôi bằng cách: Viết những bài liên quan đến lịch sử, địa dư, con người Bắc Ninh để đăng trong đặc san; khuyến khích con cháu tham gia với ban văn nghệ của hội để cùng học hỏi và tập dượt những bài hát quan họ; giới thiệu những nghệ nhân của Bắc Ninh để đồng hương được thưởng thức tài năng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thành lập ban văn nghệ thiếu nhi Bắc Ninh và mời người để hướng dẫn các cháu hát quan họ; đặc san của hội sẽ có thêm bài viết, vẽ của các con, cháu để thêm phần phong phú,” ông cho hay.

Ăn ‘Gà đi bộ’ ở Little Saigon đúng vị Việt Nam

Ăn ‘Gà đi bộ’ ở Little Saigon đúng vị Việt Nam

“Gà đi bộ,” danh từ mỹ miều này không chỉ là cách gọi của cộng đồng người Việt ở Mỹ, mà các sắc dân khác khi muốn ăn món thịt gà đều nhớ đến, bởi miếng thịt dai dai, cái da giòn giòn hơn hẳn thịt gà bán ở các chợ Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất