Lỗ hổng giúp tay súng Las Vegas dễ dàng mua 42 khẩu súng
Quy trình kiểm soát hồ sơ kém tin cậy và luật sở hữu vũ khí lỏng lẻo giúp Stephen Paddock dễ dàng sở hữu một kho vũ khí lớn.
01:54 05/10/2017
Tiếng súng nổ trong vụ thảm sát ở Las Vegas
Ít nhất 42 khẩu súng các loại, trong đó có 12 súng trường được lắp báng liên thanh, cùng hàng nghìn viên đạn và thuốc nổ, được tìm thấy tại phòng khách sạn và nhà riêng của Stephen Paddock, kẻ xả súng vào đám đông ở lễ hội âm nhạc tại Las Vegas đêm 1/10, làm 59 người thiệt mạng.
Nước Mỹ có những quy định kiểm soát vũ khí tương đối nghiêm ngặt, nhất là với việc mua súng với số lượng lớn và nhiều lần. Tuy nhiên, tại những bang như Nevada, những kẻ như Paddock có thể dễ dàng sở hữu rất nhiều súng đạn một cách hoàn toàn hợp pháp, theo Telegraph.
Các cửa hàng bán vũ khí phải được cấp phép bởi chính phủ liên bang, trong khi khách hàng muốn mua súng sẽ phải trải qua kiểm tra hồ sơ lý lịch. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ đối chiếu tên của họ trong ba cơ sở dữ liệu của Hệ thống thẩm tra lý lịch tội phạm quốc gia (NICS).
Trên thực tế, các cơ sở dữ liệu này không thực sự hoàn hảo, chúng dựa nhiều vào báo cáo từ các bang và thường đối mặt với nguy cơ bỏ sót tội phạm. Dylann Roof, kẻ giết 9 người ở Charleston, bang Nam Carolina hôm 17/6/2015, được phép mua vũ khí vì không xuất hiện trong NICS, dù hắn từng có tiền án về buôn ma túy.
Không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng
Nếu một công dân có hồ sơ trong sạch, họ có thể mua số lượng vũ khí tùy ý. Cha của Paddock từng cướp ngân hàng và nằm trong danh sách truy nã của FBI hồi thập niên 1960, nhưng điều này dường như không ảnh hưởng tới quá trình thẩm tra lý lịch khi mua súng của hắn.
Bà Laura Cutilletta, giám đốc pháp luật tại Trung tâm Phòng chống bạo lực súng đạn Mỹ, cho biết vẫn có nhiều quy định để kiểm soát việc mua súng với số lượng lớn. Các cửa hàng được cấp phép, vốn chiếm 60% hoạt động mua bán vũ khí của Mỹ, phải báo cáo cho Cục kiểm soát Rượu, Thuốc lá và Vũ khí (ATF) khi có người mua nhiều súng cùng lúc. "Nhiều" được định nghĩa là một người mua từ hai khẩu súng trở lên trong vòng 5 ngày làm việc.
Một cửa hàng bán súng tại Mỹ. Ảnh minh họa: Calguns.
Ở bang Nevada, luật kiểm soát súng tương đối lỏng, cho phép Paddock mua toàn bộ kho súng của mình mà không gây chú ý. "Không có cách nào để ATF hay FBI biết về việc này", bà Cutilleta nhận định.
Dễ dàng chuyển đổi uy lực của vũ khí
Điều nổi bật trong vụ xả súng đêm 1/10 chính là tốc độ nhả đạn. Cảnh sát cho biết Paddock đã gắn thiết bị được gọi là "báng liên thanh" lên 12 khẩu súng trong phòng khách sạn. Đây là phụ kiện cho phép súng trường tấn công bắn phát một (bán tự động) trở thành những khẩu súng trường liên thanh (tự động).
Chính phủ Mỹ cấm công dân sở hữu súng tự động kể từ năm 1986. Việc sở hữu loại vũ khí này hiện nay là cực kỳ khó, bởi nó cần giấy phép đặc biệt của Bộ Tài chính cùng quá trình thẩm tra lý lịch của FBI và sự đồng ý của đồn cảnh sát ở nơi cư trú của người sử dụng súng.
Tuy nhiên, những phụ kiện như báng liên thanh cho phép chỉnh sửa súng trường bán tự động như AR-15 và AK-47 thành vũ khí tự động. Thiết bị này dễ dàng được mua tại các cửa hàng vũ khí.
Một khẩu AR-15 được lắp báng liên thanh
Với mức giá 40 USD, khách hàng có thể lựa chọn tay quay cò. Mỗi vòng quay thiết bị có thể làm súng bắn tới 4 phát đạn, nhanh hơn việc kéo cò thủ công của xạ thủ. Nếu sẵn sàng bỏ ra tối thiểu 99 USD, các tay súng sẽ mua được báng liên thanh. Phụ kiện này lợi dụng nguyên lý cơ học để tăng tốc độ bắn, cho phép súng đạt tới mốc 600 phát/phút, không hề thua kém vũ khí tự động.
Cả hai phụ kiện này đều hoàn toàn hợp pháp tại Mỹ, thậm chí chúng còn được ATF cấp chứng chỉ xác nhận việc sử dụng không phải hành vi chỉnh sửa bất hợp pháp.
Hình ảnh từ phòng khách sạn cho thấy Paddock cũng tích trữ lượng đạn rất lớn. Đây cũng là yếu tố ít được kiểm soát trong ngành công nghiệp súng đạn Mỹ, khi nước này chỉ hạn chế việc bán một số loại đạn đặc biệt như đạn xuyên giáp. Người dân có thể mua đạn thông thường với số lượng không hạn chế và không cần thẩm tra.
Một phụ nữ gốc Việt thiệt mạng trong vụ xả súng Las Vegas
Michelle Vo nằm trong số 59 người chết do vụ xả súng từ trên cao, nhằm vào lễ hội âm nhạc ở thành phố Las Vegas, bang Nevada.