Luật ARIA: Công cụ quân sự mới giúp Mỹ “bao vây, khống chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tuy nhiên, luật ARIA tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bùng phát xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

20:30 12/01/2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á (ARIA). Trao đổi với Sputnik, nhà vận động hòa bình người Mỹ Jan R. Weinberg đã lý giải vì sao luật mới (vốn tìm cách thúc đẩy lợi ích an ninh, kinh tế của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương) lại có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

Theo Weinberg, mục đích của ARIA là nhằm khống chế sự trỗi dậy về quân sự, kinh tế, chính trị của Trung Quốc:

“ARIA, vốn đã được ban hành thành luật, là một sự tiếp nối rõ nét tương tự như các chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama, chiến lược quan trọng đã và sẽ tiếp tục là hành động thể hiện sức mạnh Mỹ khắp Ấn Độ – châu Á Thái Bình Dương, được thiết kế đặc biệt để duy trì lợi ích bá quyền của Mỹ trong khi chế ngự một Trung Quốc đang trỗi dậy”.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, luật mới “thiết lập một chiến lược đa diện nhằm tăng cường lợi ích và giá trị an ninh, kinh tế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Mặc dù ARIA “tìm cách xây dựng một mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc” nhưng rõ ràng, nó tính đến việc thúc đẩy quan hệ an ninh, chính trị, kinh tế với ASEAN và Đài Loan.

Đặc biệt, ARIA hối thúc Tổng thống Mỹ “tiến hành các hoạt động chuyển giao phương tiện quân sự thường xuyên cho Đài Loan, để đối phó với những mối đe dọa hiện có và nhiều khả năng sẽ xảy ra trong tương lai từ Trung Quốc”.

Luật này cũng coi Ấn Độ là một “đối tác quân sự chính” của Washington, xác định “quan hệ an ninh ba bên giữa Mỹ – Nhật – Hàn và khởi động một cuộc đối thoại an ninh bốn bên giữa Mỹ – Australia – Ấn Độ – Nhật Bản.

Ngoài ra, ARIA tái khẳng định cam kết của Mỹ trong mối quan hệ đối tác an ninh tăng cường với Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của “hoạt động tự do hàng hải và diễn tập hàng hải trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả biển Hoa Đông và biển Đông”.

Theo luật ARIA, từ 2019 đến 2023, mỗi năm tài khóa sẽ có 1,5 tỉ USD được chi để thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở khu vực này.

Trung Quốc sẽ không ngồi yên

Weinberg cho rằng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc của ông Trump là ngược đời khi mà Mỹ vẫn đang tìm cách “bao vây” Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhà vận động người Mỹ rất băn khoăn khi ARIA nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ cả hai viện trong Quốc hội Mỹ.

“Các nhánh hành pháp và lập pháp trong chính phủ Mỹ đều thực sự tin rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng ư? Họ thực sự tin rằng nếu họ thêm vài dòng về cứu trợ nhân đạo vào đó là họ có thể xoa dịu động thái gây hấn của mình ư?”, Weinberg nói.

Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng với ARIA, khi mà luật này tái khẳng định cam kết bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.

Luật ARIA: Công cụ quân sự mới giúp Mỹ bao vây, khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi đồng bào Đài Loan” hôm 2/1. Ảnh: Reuters

Trong sự kiện kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi tới đồng bào Đài Loan” hôm 2/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẵn sàng ” tạo ra không gian rộng lớn hơn để thống nhất trong hòa bình nhưng sẽ không có chỗ cho bất cứ động thái chia tách nào”.

“Chúng ta không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài Loan”, ông Tập nhấn mạnh.

Tới 5/1, ông Tập tiếp tục ra lệnh cho lực lượng quân đội Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu”.

ARIA với nguy cơ Mỹ “động binh”

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Nhà vận động người Mỹ cho rằng: ARIA có thể được sử dụng để khởi động và mở rộng các chiến dịch quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương dưới cái cớ chống khủng bố.

“ARIA cho phép nhánh hành pháp sử dụng ngân sách để xây dựng các chương trình đối tác chống khủng bố mới ở Đông Nam Á nhằm đối phó với sự hiện diện của IS, cũng như các tổ chức khủng bố quốc tế khác đe dọa tới Mỹ”, ông nói.

Weinberg băn khoăn rằng, “liệu quyền của Tổng thống theo Luật Ủy quyền Sử dụng Quân đội (AUMF) – cho phép Tổng thống Mỹ điều động lực lượng để tấn công bất kỳ ai có liên quan tới khủng bố quốc tế ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào – có “vượt mặt” điều khoản không ủy quyền sử dụng lực lượng quân đội của ARIA hay không.

“Thông qua ARIA, Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc vô hiệu hóa AUMF, không sửa đổi các điều khoản nhằm ngăn ngừa chiến tranh nhằm vào khủng bố tại các nước Ấn Độ – châu Á Thái Bình Dương”, ông Weinberg nói, “và theo AUMF, Tổng thống có thể mở rộng sự tham gia của quân đội Mỹ trong khu vực Ấn Độ – châu Á Thái Bình Dương”.

Weinberg nhấn mạnh rằng, “nhìn vào sự hiện diện của khủng bố ở một số nước châu Á – Thái Bình Dương và bối cảnh lực lượng Mỹ đã có ‘vai trò hỗ trợ’ quân đội Philippines trong cuộc chiến ở Marawi 2017, thì có đủ lý do để tin rằng quân đội Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống và sự bảo trợ của AUMF, sẽ tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh ‘không chính thống’ ở châu Á – Thái Bình Dương”.

“Và Trung Quốc sẽ không thích điều đó”, Weinberg nhận định.

Tags:
Bài phát biểu 15 năm trước của ông Trump bất ngờ gây “sốt” trở lại

Bài phát biểu 15 năm trước của ông Trump bất ngờ gây “sốt” trở lại

Bài phát biểu trong một lễ tốt nghiệp đại học của tỷ phú Donald Trump năm 2004 bất ngờ được “khai quật” lại và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông vì ông Trump sử dụng cách nói ẩn dụ liên quan tới bức tường.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất