Luật Lao Động cho Nghề Nail tại Hoa Kỳ cần biết

Cũng như mọi ngành nghề tại Hoa Kỳ, nghề Nail ở đây cũng bị chi phối bởi nhiều thứ luật lệ lao động của liên bang và tiểu bang. Riêng tại mỗi tiểu bang, luật lệ lao động áp dụng trong nghề Nail có nhiều quy định khác nhau, và thường có sự thay đổi.

20:00 15/05/2017

Theo luật lao động liên bang và tại hầu hết các tiểu bang, người thợ Nail có thể là nhân viên (employee) của chủ tiệm, hoặc là người tự doanh/làm việc độc lập (self-employed/independent contractor). Sự phân loại này rất quan trọng vì luật lao động chỉ áp dụng khi người thợ Nail là “employee” của chủ tiệm mà thôi.

Tuy nhiên, vấn đề người thợ Nail có thể được xem là “employee” hoặc “self-employed/independent contractor” theo luật lao động hay không, sẽ phải tùy vào trắc nghiệm áp dụng bởi Bộ Lao Động liên bang (U.S. Department of Labor) cùng với cơ quan lao động của từng tiểu bang, chứ không phải đơn giản theo ý muốn của chủ tiệm hay của người thợ Nail.

Cần lưu ý rằng luật lao động tại các tiểu bang hiện nay có rất nhiều khác biệt với luật liên bang trong việc xác định thế nào là “self-employed/independent contractor” trong nghề nail.

Luật lao động mà chủ tiệm Nail cần biết khi thợ là “employee”

Tại Hoa Kỳ, bên cạnh luật lao động liên bang mà chính yếu là Đạo Luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng năm 1938 (The Fair Labor Standards Act of 1938) thi hành bởi Bộ Lao Động liên bang, hầu hết các tiểu bang đều có những luật lệ lao động riêng biệt, và tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi lao động của “employee” được thuê mướn bởi chủ.

The Fair Labor Standards Act of 1938 (FLSA) là đạo luật về lao động do chính quyền liên bang Hoa Kỳ ban hành từ năm 1938, quy định mức lương giờ tối thiểu và lương giờ làm việc phụ trội cho người lao động là “employee.”

Theo định nghĩa tổng quát của luật FLSA, “employee” là bất kỳ một cá nhân nào được nhận vào làm việc bởi một người chủ (‘any individual employed by an employer,’ 29 U.S.C § 203(e) (1)). 

Ngoài quy định về mức lương giờ tối thiểu, luật FLSA của liên bang và luật lao động của các tiểu bang cũng đều buộc chủ nhân phải có sổ sách ghi tổng số giờ làm việc mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi 7 ngày, và mức lương giờ căn bản của mỗi “employee,” bất luận người đó lãnh lương theo giờ, được bao lương, hoặc ăn chia commission.

Đây là đòi hỏi rất quan trọng và khá phức tạp của luật lao động tại Hoa Kỳ mà các chuyên viên trong ngành thuế vụ hoặc kế toán lâu năm ở đây cũng ít hiểu rõ, vì luật lao động không thuộc lãnh vực chuyên môn của người phụ trách vấn đề thuế vụ hay kế toán.

Và cũng vì vậy mà nhiều chủ tiệm Nail trả lương cho thợ là “employee” (W-2) lâu nay giao phó việc tính lương của thợ cho các văn phòng chuyên môn làm thuế hoặc kế toán, nhưng cũng vẫn đã bị phạt rất nặng trong những đợt kiểm tra gần đây của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, hoặc cơ quan lao động tại các tiểu bang.

Thêm vào đó, vấn đề lương bổng của thợ Nail cũng là nguyên nhân của những vụ kiện tụng của thợ Nail đã và đang gây phiền toái và tốn hao khá nhiều tiền bạc cho chủ tiệm tại một số nơi ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tại California và New York là hai tiểu bang với các luật lệ lao động hết sức phức tạp.

Hiện nay, luật FLSA của liên bang quy định cho mọi “employee” không thuộc vào diện miễn trừ (non-exempt employee) phải được hưởng mức lương giờ căn bản ít nhất là $7.25, và phải được hưởng 1.5 mức lương căn bản cho những giờ làm việc sau giờ thứ 40 trong một tuần lễ, hay trong khung thời gian 7 ngày. Cần lưu ý rằng thợ Nail làm công được chủ trả lương đều là “non-exempt employee.”

Bên cạnh mức lương giờ tối thiểu quy định bởi liên bang, luật lao động tại các tiểu bang lại có những mức lương giờ tối thiểu khác nhau, trong đó có 2 tiểu bang ấn định mức lương tối thiểu thấp hơn mức của liên bang (Georgia và Wyoming), và 5 tiểu bang không ấn định mức lương tối thiểu (Alabama, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Tennessee).

Tuy nhiên, khi có sự khác biệt giữa luật của một tiểu bang (hay của quận hoặc thành phố) và luật của liên bang về mức lương giờ tối thiểu, luật nào có lợi nhất cho “employee” thì luật đó sẽ phải được áp dụng.

Trong vấn đề lương giờ phụ trội, hầu hết các tiểu bang đều theo quy định của liên bang. Riêng tại tiểu bang Kansas, lương giờ phụ trội chỉ được tính sau 46 giờ trong 7 ngày, và tại Minnesota là sau 48 giờ trong 7 ngày.

Ngoài ra, có bốn tiểu bang áp dụng lương phụ trội tính theo số giờ làm việc trong mỗi ngày và trong mỗi 7 ngày (Alaska, California, Colorado và Nevada), và có hai tiểu bang tính giờ phụ trội cho ngày làm việc thứ bảy trong mỗi 7 ngày (California và Kentucky).

Ngoài các luật lệ về lương bổng, 21 tiểu bang còn có quy định cho “employee” phải được hưởng giờ nghỉ giải lao hoặc giờ ăn, hoặc cả hai. Tại một vài tiểu bang mà đặc biệt là California, luật này khá phức tạp và đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ thưa kiện của thợ Nail từ mấy năm nay.

Cũng theo luật lao động liên bang và luật lao động tại nhiều tiểu bang, người thợ Nail còn có thể được xếp vào loại “employee” có nhận thêm tiền típ của khách hàng (tipped employee), và chủ tiệm Nail có quyền trả lương giờ dưới mức tối thiểu cho “tipped employee” nếu hội đủ một số điều kiện theo luật định.

Vì có nhiều quy định khác biệt tại những tiểu bang mà chủ được trả lương dưới mức tối thiểu cho “employee” có nhận thêm típ của khách hàng, chủ tiệm Nail cần tìm hiểu rõ ràng luật lệ liên bang và tiểu bang nếu muốn áp dụng phương thức này.

Cùng với việc phải trả lương theo đúng mức quy định tính theo số giờ làm việc, chủ tiệm Nail có thợ là “employee” cũng phải tuân thủ luật về bảo hiểm lao động (Worker’s compensation insurance).

Bảo hiểm lao động sẽ trả các phí tổn y tế, bồi thường lương bổng và trả tiền trợ cấp tàn phế cho người lao động bị thương tật trong lúc làm việc, giúp chủ khỏi phải chịu trách nhiệm dân sự. Luật lao động của hầu hết các tiểu bang bắt buộc doanh nghiệp có “employee” đều phải mua bảo hiểm lao động.

Trên nguyên tắc thì luật về bảo hiểm lao động không áp dụng cho các tiệm Nail có thợ là “independent contractor.” Tuy nhiên, tùy theo từng tiểu bang, cơ quan phụ trách vấn đề bảo hiểm lao động khi đến kiểm tra tiệm Nail sẽ dùng một số trắc nghiệm riêng để xác định người thợ làm việc trong tiệm là “employee” hay “independent contractor.”

Vì vậy, có khi người thợ Nail được xem là “independent contractor” theo trắc nghiệm của một thứ luật khác, nhưng lại được xem là “employee” trong vấn đề bảo hiểm lao động. Tại hầu hết các tiểu bang, nếu cơ quan phụ trách bảo hiểm lao động kiểm tra và xác định thợ Nail là “employee” thì chủ tiệm sẽ bị phạt, và phải mua bảo hiểm lao động trước khi được phép tiếp tục kinh doanh.

Trong vấn đề bảo hiểm lao động, có nhiều tiểu bang buộc chủ doanh nghiệp phải mua bảo hiểm lao động dầu chỉ thuê duy nhất một “employee.” Nhưng tại một số tiểu bang, chủ doanh nghiệp chỉ buộc phải mua bảo hiểm lao động nếu có nhiều “employee” hơn số do tiểu bang quy định.

Thợ Nail là “employee” hay “self-employed/independent contractor”?

Như đã đề cập bên trên, luật lao động cũng như luật về bảo hiểm lao động không áp dụng cho thợ Nail là “self-employed/independent contractor.”

Tuy nhiên, nhằm ngăn chận tình trạng chủ tiệm Nail tự ý phân loại người thợ là “self-employed/independent contractor” để khỏi phải chấp hành luật lệ lao động, Bộ Lao Động liên bang và cơ quan lao động các tiểu bang khi kiểm tra một tiệm Nail, thường đòi hỏi chủ tiệm nếu không cấp mẫu W-2 cho thợ, thì phải chứng minh người thợ Nail đó là “self-employed/independent contractor” dựa trên trắc nghiệm của cơ quan liên hệ.

Và do không hiểu rõ luật lệ lao động liên bang hoặc tiểu bang trong vấn đề phân loại người lao động, rất nhiều chủ tiệm Nail đã bị phạt rất nặng qua những vụ kiểm tra của các cơ quan lao động diễn ra khắp nơi trong những năm gần đây.

Hiện nay, bên cạnh những trắc nghiệm của luật lao động liên bang, các tiểu bang còn có những luật lệ riêng biệt và áp dụng phương thức trắc nghiệm trái ngược nhau, khác biệt với những trắc nghiệm của liên bang trong việc phân loại “self-employed/independent contractor” trong nghề Nail.

Vì vậy, nhiều khi người thợ được xem là “self-employed/independent contractor” bởi luật này, nhưng lại được xác định là “employee” bởi luật khác.

Tóm lại, Bộ Lao Động liên bang và cơ quan lao động của các tiểu bang từ nhiều năm qua đã gia tăng kiểm tra luật lệ lao động tại tiệm Nail trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, gây ra nhiều sự lo âu cho giới chủ tiệm Nail.

Ngoài bị phạt vạ nặng nề trong những vụ kiểm tra của các cơ quan lao động, chủ tiệm Nail ở Mỹ ngày nay còn rất dễ trở thành mục tiêu của những vụ thưa kiện liên quan đến vấn đề lương bổng của thợ Nail, thường kéo dài nhiều năm trời với chi phí tranh tụng rất lớn.

Vì vậy, quý vị chủ tiệm dầu sử dụng thợ là “employee” hay “self-employed/independent contractor,” đều cần phải tìm hiểu cho rõ mọi thứ luật lệ hiện hành hầu tránh bị phạt vạ trong những vụ kiểm tra của các cơ quan lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và nhờ vậy cũng sẽ không bị phiền toái và tổn hại tài chánh bởi những vụ thưa kiện của thợ Nail.

Quý độc giả cần thêm thông tin, có thể liên lạc Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh, điện thoại (949) 444-2544.

Cô gái trẻ bỏ việc sang Mỹ làm Nail: Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả. Nhưng đâu ngờ đằng sau là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua.

Cô gái trẻ bỏ việc sang Mỹ làm Nail: Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả. Nhưng đâu ngờ đằng sau là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua.

Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả, từ ngoài đường cho đến trong nhà. Nhưng đâu ngờ đằng sau đấy là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất