Luật sư gốc Hoa: Tổng thống Trump có chiến lược đúng đắn về Trung Quốc

Ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư người Hoa nổi tiếng với các vụ bảo vệ nhân quyền và chống tham nhũng, hôm 30/8 đã có một bài phân tích đăng trên The Washington Post, nhận định rằng Tổng thống “Trump đang có chiến lược đúng đắn với Bắc Kinh. Là một người bất đồng chính kiến người Trung Quốc, tôi biết điều đó”.

05:30 08/09/2019

Khi thế giới theo dõi Tổng thống Donald Trump tiến hành một cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc, nhiều người tự hỏi liệu ông có biết mình đang làm gì với Trung Quốc không. Luật sư Thành thì ủng hộ chiến lược của Tổng thống Trump.

Ông Thành cho rằng việc áp đặt thuế quan và các lời đe dọa kinh tế có thể là một con dao cùn, nhưng chúng là loại chiến thuật tích cực cần thiết để thu hút sự chú ý của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn chỉ coi trọng quyền lực và tiền bạc. Đó không chỉ là về việc thắng thua, như đôi khi Tổng thống nói, và đó cũng không chỉ đơn giản là về thương mại. Đó là về công lý, và làm những gì đúng đắn cho người dân Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo luật sư Thành.

Luật sư Trần Quang Thành phát biểu bên cạnh vợ, sau khi ông được trao một giải thưởng của Hoa Kỳ trên Đồi Capitol, thủ đô Washington, ngày 29/1/2013 (ảnh: AFP).

Các tổng thống trước thời Trump ngây thơ tin rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn về ứng xử quốc tế nếu có được quyền tham gia vào các sân chơi như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được đối xử bình đẳng như các quốc gia khác. Nhưng đó là một sai lầm, Bắc Kinh đã phớt lờ áp lực của phương Tây về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, trong khi thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trên diện rộng. Tổng thống Trump đã nắm bắt được thực tế này, ông Thành nhận định.

Luật sư gốc Hoa viết: “Không giống như nhiều người tiền nhiệm trong Nhà Trắng, ông Trump dường như hiểu một cách bẩm sinh tính côn đồ và sự tàn bạo ở cốt lõi của ĐCSTQ”. Ông Trump hiểu rằng cho dù trong lĩnh vực thương mại, ngoại giao hay duy trì trật tự quốc tế, các chế độ độc tài thường không chơi theo luật lệ của các quốc gia dân chủ. Trong khi các chính quyền trước của Mỹ thân thiện với ĐCSTQ, ông Trump đã hành động để chống lại sự ăn mòn ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với xã hội Hoa Kỳ – từ kinh doanh, truyền thông đến giáo dục và chính trị.

Trong nhiều thập kỷ, các tổng thống Hoa Kỳ đã cho phép mình bị Trung Quốc “trói buộc”. Ông Thành đề cập đến việc Tổng thống Richard Nixon đã ấn tượng với lượng người tiêu dùng khổng lồ ở Bắc Kinh, và mở đường cho việc cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) để ủng hộ chế độ ĐCSTQ. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 9/11, Tổng thống George W. Bush đã nhắm mắt làm ngơ khi Bắc Kinh sử dụng cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ để che chở cho tình trạng đàn áp của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số. Tổng thống Barack Obama thì liên tục trốn tránh đề cập đến nhân quyền trong các cuộc thảo luận với các quan chức ĐCSTQ.

Theo ông Thành, Tổng thống Trump là tổng thống đầu tiên trong thời gian gần đây nói nghiêm túc với chế độ độc tài của ĐCSTQ rằng: Nếu các vị muốn tiếp tục làm ăn với chúng tôi, các vị phải thay đổi.

Ông Thành viết: “Tôi tin rằng các Twitter với nhiều lời chế giễu của ông Trump một tuần trước khi yêu cầu các công ty Hoa Kỳ rời khỏi Trung Quốc là một phần của chiến lược này”. Ông Thành cho rằng thay vì một tuyên bố thẳng thắn, ông Trump đã gửi một thông điệp đến các quan chức của ĐCSTQ, nhắc nhở họ rằng họ cần Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ cần họ, và họ phải cân nhắc hậu quả của việc mất đường làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Thành cũng chỉ ra thực tế rằng, để bảo vệ lợi ích sở hữu trí tuệ, kinh doanh và an ninh quốc gia của Mỹ, Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm bán chip máy tính cho các tập đoàn do ĐCSTQ kiểm soát như Huawei và ZTE, cũng như đã cấm mua thiết bị từ các công ty này.

Luật sư Thành cũng chỉ ra rằng chính quyền Trump là chính quyền đầu tiên là có động thái nhắm vào các Viện Khổng Tử, một hệ thống giáo dục tiếng Hoa bị nghi ngờ là cơ quan gián điệp của ĐCSTQ.

Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên nhận được cuộc gọi từ một tổng thống Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này vào năm 1979.

Ông đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các công dân Trung Quốc, bao gồm cả một quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm về cái chết của một nhà hoạt động nhân quyền và ba người liên quan đến buôn bán fentanyl.

Ông Trump đã gặp gỡ những người bị đàn áp về một loạt các tín ngưỡng tôn giáo trong Phòng Bầu dục, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Cơ Đốc giáo và người tập Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ông cũng tuyên bố Bắc Kinh phải cư xử “nhân đạo” với Hồng Kông nếu muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Một số người vội vã chỉ trích Tổng thống Trump đã không đặt dân chủ và tự do trở thành trọng tâm chính sách đối ngoại của ông. Nhưng những điều ông đang thực thi lại phát huy hiệu quả, vì hầu hết các nhà hoạt động đều công nhận rằng các cuộc đàm phán văn minh đằng sau cánh cửa đóng kín chưa bao giờ khiến ĐCSTQ phải nhượng bộ. Ông Thành cho rằng cách duy nhất để đạt được tiến bộ trong vấn đề này là động thái mạnh mẽ, đặc biệt là chống lại giới lãnh đạo của ĐCSTQ và các tài khoản ngân hàng của họ (vốn phụ thuộc vào các công ty độc quyền và gia đình trị).

Ông Trần Quang Thành đã liệt kê lịch sử đàn áp của chính quyền Trung Quốc trong bài phân tích của mình: “Sự cai trị 70 năm của ĐCSTQ đã được đánh dấu bằng sự đổ máu cực độ, với hơn 40 triệu người Trung Quốc bị giết trong các nạn đói và các phong trào chính trị do nhà nước gây ra vào giữa thế kỷ 20, khoảng 10.000 người bị tàn sát trong phong trào dân chủ năm 1989 và vô số sinh mạng bị mất dưới chính sách gia đình một con. Ngày nay, ĐCSTQ vẫn phụ thuộc vào dối trá, bạo lực, sợ hãi và tham nhũng hơn bao giờ hết: Lao động trong tù bị cưỡng chế và chiếm giữ đất đai là phổ biến, bất bình đẳng kinh tế là nghiêm trọng và vô số công dân thường xuyên bị giam cầm vì niềm tin của họ, bao gồm cả người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công, luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị – và khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung”.

Ông Thành bình luận: “Những thực tiễn như vậy tiết lộ tính cách của ĐCSTQ và chúng khiến cách tiếp cận của ông Trump có triển vọng. Trung Quốc là một chế độ hống hách sâu sắc, gây ra một mối đe dọa đáng kể không chỉ đối với lợi ích của Mỹ mà còn đối với toàn bộ thế giới văn minh”.

Cuối bài viết, ông Thành khẳng định, Tổng thống Trump, với một phong cách không chính thống, đang cố gắng phá vỡ các hệ thống và sự nhượng bộ đã cho phép ĐCSTQ hoành hành mà không bị kiểm soát trong thời gian quá lâu. Ông Thành cho rằng Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận công lao, chứ không phải bị chỉ trích, khi đang chấm dứt các hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc.

Theo: ĐKN

Tags:
9 sinh viên Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh Mỹ

9 sinh viên Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh Mỹ

Các sinh viên Đại học bang Arizona bị giữ ở sân bay quốc tế Los Angeles ngày 22/8 và sau đó phải quay lại Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất